Cách đây mấy hôm tôi có viết một bài mang tựa đề “Cầu nguyện là thuốc bổ cho tâm hồn” được đông đảo các bạn độc giả đón nhận. Sau bài viết đó, có một số bạn nhắn tin hỏi rằng chúng ta nên cầu nguyện như thế nào là phù hợp, nên hôm nay tôi sẽ chia sẻ chi tiết hơn nữa về cách thức cầu nguyện (dựa trên trải nghiệm cá nhân) để những bạn nào quan tâm có thể tham khảo.
Cầu nguyện là gì?
Trước khi đi vào cách thức cầu nguyện thì tôi nghĩ rằng chúng ta nên tiếp cận với định nghĩa và mục đích của cầu nguyện. Mới hôm qua, tôi có đọc lại một cuốn sách tâm linh đã mua từ lâu, tựa là Edgar Cayce giải luận về sách Khải huyền của tác giả John Van Auken. Trong đó có một nội dung nói về khái niệm cầu nguyện dựa theo nhà thần bí nổi tiếng, Edgar Cayce. Ông dạy rằng sự cầu nguyện là:
- “việc làm cho bản ngã ý thức của con người phù hợp hơn với các sức mạnh tâm linh, mà những sức mạnh này có thể biểu hiện trong thế giới vật chất.”
- “nỗ lực khiến ý thức cá nhân trở nên hòa hợp với ý thức của Đấng Sáng Tạo.”
- “sự thỉnh cầu về lời huấn thị, sự hiểu biết.”
Thông qua những ý tưởng này, chúng ta có thể hiểu đơn giản cầu nguyện là hành động giúp hòa hợp bản ngã (ego) với Chân Ngã (True Self), đưa con người chạm vào những cội nguồn sức mạnh sẵn có bên trong chính mình, và đồng thời nó cũng là sự thỉnh cầu trí tuệ.
>>> Personal God (cá nhân) vs. Impersonal God (phi cá nhân)
Trong trải nghiệm cá nhân, tôi hoàn toàn đồng cảm với những điều ông Edgar Cayce đã nói. Kể từ ngày quy phục God, từ bỏ đi niềm tin vô thần, và bắt đầu vào việc cầu nguyện với lòng tín tâm, không chỉ hai con đường thiền định và minh triết được củng cố mạnh mẽ, linh hồn tôi được thanh tẩy, mà càng ngày, những nguyện ước của tôi trở thành sự thật càng nhanh. Đôi khi nó chỉ mất vài ngày, thậm chí chỉ sau một đêm thức giấc là “kiện hàng” của God đã tới. Có thể nói, những bấp bênh được cân bằng, những tổn thương được chữa lành, những thiếu thốn được bù đắp. Mọi thứ dần được kiện toàn.
Tôi đã cầu nguyện như thế nào?
Tôi để ý thấy ở Việt Nam có nhiều đền chùa miếu mạo, con người có xu hướng cúng bái, lễ lạy các dịp này dịp kia. Cầu nguyện ở Việt Nam không phải là chuyện hiếm, nếu không nói là chuyện rất phổ thông, được đầu tư chăm chút. Nhưng cá nhân tôi thì không trải nghiệm sự cầu nguyện theo văn hóa người Việt. Tôi không cầu xin có được vinh hoa vật chất, không cầu có được bình an, cũng không chuẩn bị đồ cúng lễ gì. Quan điểm của tôi tương đồng với quan điểm của Edgar Cayce đó là dùng cầu nguyện để mở rộng nhận thức của chính mình. Vì nhận thức mở rộng thì tự khắc có sự trù phú và bình an. Thứ duy nhất tôi chuẩn bị là đức tin và lòng sùng kính, bất kể thời điểm nào trong ngày. Cụ thể như thế nào, sau đây là cách tôi cầu nguyện.
1. Tôi chỉ cầu xin phẩm hạnh của con người
“Phát tài phát lộc”, “ăn nên làm ra”, “cưới được chồng xinh vợ đẹp”, v.v… Những sự cầu nguyện liên quan đến vật chất tôi đều không sử dụng, thậm chí tránh xa. Vì mục đích tối cao của cầu nguyện là hòa nhập bản ngã yếu đuối khó thuần với Tâm hồn thiêng liêng rực rỡ. Càng hòa nhập bao nhiêu thì đời sống càng viên mãn hạnh phúc bấy nhiêu. Tiền bạc vật chất chỉ là biểu hiện bên ngoài, là thứ đến sau ngưỡng năng lượng nội tâm. Hay nói cách khác, tiền bạc vật chất có tới hay không là do đức năng của người đó ở ngưỡng nào, có xứng đáng hay không để được trao ban. Nên việc cầu xin vật chất khiến cho con người dễ chú tâm vào thế giới bên ngoài mà quên mất đi thứ giá trị chân thực duy nhất là Ý thức hay Tâm hồn bên trong.
Cá nhân tôi chỉ cầu xin phẩm hạnh (VD: kiên nhẫn, từ bi, khiêm nhường, sáng suốt, dũng cảm, v.v…) vì đó là bản chất của con người. Chúng có sẵn bên trong mỗi chúng ta và sẽ hiển lộ chỉ khi một người tập trung liên tưởng đến nó hay kêu gọi nó một cách tha thiết.
>>> 20 phẩm hạnh cao quý nhất của con người và cách nuôi dưỡng chúng
Về vấn đề tiền bạc, tôi không cầu xin sự giàu có, mà tôi cầu xin bản thân mình có trí tuệ để hiểu về bản chất của đồng tiền, cầu xin mình có những mối quan hệ thiện lành, mình có sự dũng cảm và nhiệt huyết để rèn luyện các kỹ năng sống, có sự nhạy bén để nhận biết các cơ hội sống tích cực và trù phú. Quan điểm của tôi là con người nên sống giàu có, sung túc, nhưng sự giàu đó phải dựa trên nền tảng hiểu biết tâm linh hòa hợp với quy luật Tự nhiên. Tôi không ủng hộ con đường “có được cả thế gian mà đánh mất linh hồn.”
Đã từng có một người em sau khi nghe tôi khuyên rằng đừng đuổi theo tiền bạc, mà hãy tập trung sống lành mạnh, tận hưởng/biết ơn cuộc sống, cầu nguyện God thì không bao giờ phải lo đói nghèo, thiếu thốn. Người em đó đã thực hành theo và phản hồi rằng có những trải nghiệm kỳ diệu diễn ra. Mỗi khi em cần một khoản tài chính nào đó thì khoản đó đều xuất hiện, mà em không còn phải chăm chăm lo lắng về chuyện tiền bạc như trước kia nữa. Em tập trung sống cải thiện tinh thần, thay đổi các thói quen tiêu cực thành tích cực, và chứng kiến những phép lạ mà Vũ trụ ban cho mình.
Cá nhân tôi thì chuyện này xảy ra càng lúc càng thường xuyên. Điều gì tôi đang thiếu hay đang cần thì đều có người cho, dù là quần áo, thức ăn, hay các nguồn thông tin, v.v… Thậm chí, tôi để ý rằng cứ mỗi lần tôi có một chuyến đi xa đâu đó là đều có nguồn tài chính đổ về, thậm chí nó còn dư cả phần tôi cần chi trả cho chuyến đi.
Trong Kinh Thánh cũng có một đoạn rất hay thế này nói về nguyện ước của con người:
“Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống, lấy gì mà ăn, cũng đừng lo cho thân thể lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho, thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm dù chỉ một gang không? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học, chúng không làm lụng, không kéo sợi, thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống chi là anh em, ôi những kẻ kém tin. Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai, ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.”
2. Tôi cầu nguyện dựa vào các tình huống cụ thể
Ở đây, tôi nhấn mạnh là “các tình huống cụ thể.” Ví dụ như tôi gặp một chuyện phân vân mâu thuẫn, không biết là có nên đưa ra một lời nói này với người này không. Lúc đó tôi cầu nguyện rằng Vũ trụ hãy đưa ra những dấu hiệu để tôi biết lúc nào nên nói lời đó. Đồng thời, tôi cầu nguyện có được sự sáng suốt và nhạy bén. Và sau đó 2 ngày, có một cơ hội đã xuất hiện. Chính người đó khơi ra chủ đề và tôi đã nắm bắt thời cơ để nói những gì cần và muốn nói lúc trước. Mọi thứ diễn ra thật nhịp nhàng và ăn khớp, tất cả mọi người đều vui vẻ.
Nếu bạn cầu xin phẩm hạnh, ví dụ như dũng cảm, kiên nhẫn, kỷ luật, bao dung, v.v… thì hãy đặt nó vào trong một tình huống cụ thể. Hãy để hoàn cảnh sống nói cho bạn biết bạn đang thiếu điều gì, bạn đang cần gì. Lúc đó hãy cầu nguyện dựa theo tình huống đó. Như vậy, bạn mới có sự rung động khao khát và có một môi trường thực tế để quan sát hiệu quả cầu nguyện. Giống như bạn đặt hàng online thì bạn phải có địa chỉ nhà thì người ta mới biết giao hàng đến đâu, và bạn mới biết nơi để nhận. Nếu bạn không có địa chỉ là những tình huống cụ thể trong cuộc sống thì Vũ trụ sẽ không biết giao phẩm hạnh cho bạn vào đâu cả. Kiểu như bạn đang không rơi vào sợ hãi thì God sẽ không trao cho bạn sự can đảm, bạn đang không ở trong tình huống lo lắng thì God sẽ không trao cho bạn sự kiên tâm, bạn đang không tuyệt vọng thì God sẽ không trao cho bạn niềm hy vọng. Nhớ nhé, hãy quan sát cuộc sống hiện tại để đưa ra lời cầu nguyện phù hợp nhất.
3. Tôi cầu nguyện cho hạnh phúc của người khác
Trước kia, có một khoảng thời gian, tôi có thực hành sự cầu nguyện “Rải tâm từ” theo phong cách Phật Giáo. Đó là trao yêu thương đến những người thân cận, rồi đến hàng xóm, đến đất nước, đến địa cầu. Ngày đó tôi nghĩ chuyện này không được hay cho lắm, mình đâu có yêu thương người ta thật lòng đâu mà cầu cho người ta làm gì. Nhưng bây giờ thì tôi lại nghĩ khác đi rằng nếu đợi yêu rồi mới cầu nguyện cho nhau thì đợi đến cuối đời chưa chắc đã yêu được. Chúng ta nên cầu nguyện để khởi phát tình yêu bên trong chính mình. Cầu nguyện là một cái cớ để nảy sinh sự hòa ái, bao dung. Nó giúp chúng ta học được bài học quan trọng về tình yêu, một trong những bước nhảy nhận thức để trở về Nguồn. Đồng thời, nó cũng giúp ta hiểu ra được sự liên đới mật thiết giữa vạn vật.
4. Khi không có tình huống cụ thể, tôi cảm ơn God và chiêm nghiệm về God
“Nếu ta không mời Thượng Đế làm Khách mùa hè của ta, Ngài sẽ không đến vào mùa đông trong đời ta.” – Lahiri Mahasaya, Tự truyện của một Yogi
Đối với tôi, cầu nguyện không phải là có việc thì mới nhớ đến, khó khăn mới tìm đến God. Kết nối với những rung động thiêng liêng là điều mà tôi luôn nỗ lực duy trì trong cuộc sống thường ngày. Khi khổ đau thì tôi cầu xin phẩm hạnh và sức mạnh. Khi bình an hạnh phúc thì tôi luôn nhớ đến Thượng Đế và cảm tạ Người đã luôn dẫn dắt, che chở và cho được hưởng cuộc sống quý giá này. Đối với tôi, Thượng Đế không chỉ là ân nhân, là người bảo trợ, mà còn là Cha Mẹ, là người bạn thân thiết yêu thương. Việc hướng lòng về nơi thiêng liêng luôn là một sự thực hành cần thiết để “đường dẫn” tâm hồn được lưu thông. Tôi coi đây là một thói quen cần xây dựng, để nhắc nhở bản thân về việc sống ý thức hơn mỗi ngày.
Nói về việc cầu nguyện, trong Kinh Thánh có rất nhiều những chi tiết thể hiện sự rèn luyện của Đức Jesus tìm kiếm thời gian và không gian để Người nhập vào thánh đường nội tâm của mình.
“Sau khi đã giải tán họ, Người tự mình đi lên sườn núi để cầu nguyện. Khi tối đến, Người đã ở đó một mình.” (Mt 14:23)
“Một trong những ngày ấy, Jesus đi tới một sườn núi để cầu nguyện, và đã trải qua một đêm cầu nguyện Đức Chúa Trời.” (Luke 6:12)
“Rồi Jesus cùng đi với các môn đồ của mình tới một nơi gọi là Gethsemane và Người nói với họ: ‘Hãy ngồi đây trong lúc Thầy đi lại đàng kia và cầu nguyện’.” (Mt 26:36)
“Vào buổi sớm tinh mơ, trong khi trời vẫn còn tối, Jesus thức dậy, rời khỏi nhà và đi tới một nơi vắng vẻ, ở đó Người cầu nguyện.” (Mark 1:35)
Hy vọng bài viết này hữu ích với các bạn.
Tác giả: Vũ Thanh Hòa