Có phải ta đang kiếm tìm hạnh phúc và trên suốt hành trình mòn mỏi, ta vẫn chưa tìm thấy nó. Ta đã nỗ lực, hy vọng, cố gắng, cố gắng và cố gắng. Có chăng bản thân đã bỏ lỡ điều đó chỉ vì ta đang cố gắng quá sức không? Bởi khi ta càng cố gắng kiếm tìm thì hạnh phúc càng rời xa khỏi tầm tay phải không?
Trong trạng thái uể oải, trễ nải đó, ta đang quên mất chính mình, để rồi việc kiếm tìm này trở nên tuyệt vọng, bởi càng tìm kiếm nhiều thì càng không thấy, từ đó, sự lo lắng, chán nản nảy sinh. Ngày càng có nhiều tuyệt vọng, ngày càng khốn khổ, ngày càng điên cuồng. Hạnh phúc cứ mãi xa vời, và thực tế rằng nó đã và đang lùi xa dần. Bởi ta càng tìm kiếm thì khả năng thấy được hạnh phúc càng ít, bởi đơn giản rằng, hạnh phúc không phải bên ngoài, nó ở ngay trong bản thân mỗi người.
Sự nhấn mạnh quá mức về các mối quan hệ cá nhân khiến chúng ta rời mắt khỏi tầm quan trọng của sự cô độc. Tình yêu và tình bạn, sự tụ tập hội nhóm tuy là các thành phần quan trọng, tuy nhiên dường như đó không phải là nguồn duy nhất của ý nghĩa và sự hoàn thành trong cuộc đời. Trong chúng ta tồn tại hai động lực đối lập: một cho tình yêu, tình bạn và cảm giác cộng đồng với người khác; và điều còn lại dành cho sự hoàn thiện một cá nhân độc lập và tự chủ. Mà xã hội của chúng ta nhấn mạnh quá mức tầm quan trọng của việc thỏa mãn cái đầu tiên và phớt lờ cái sau. Và ta lại thích thoả hiệp an toàn với tâm lý đám đông hơn là việc thừa nhận cho một giá trị bản thân riêng biệt.
Chúng ta luôn sợ hãi, bị chi phối và trốn tránh đối diện, dấn thân trải nghiệm sự cô độc. Thay vào đó, chúng ta lựa chọn dễ dàng hơn bằng việc dành thời gian một mình để xem TV hoặc chìm đắm trong chiếc màn hình máy tính hoặc lướt FB với smartphone. Bởi vậy, chúng ta luôn chìm trong những ý kiến, ý tưởng và kỳ vọng của người khác, định kiến áp đặt của xã hội ngay cả khi ta đang một mình, ta sẽ luôn lựa chọn và tự động tuân theo thế giới quan vốn được xã hội chấp nhận và đi theo con đường mà người khác mong đợi, thay vì đáp ứng nhu cầu sâu sắc nhất của mình, thật sự hiểu mình cần gì, muốn gì.
Ta sống theo những gì người khác mong đợi ở mình thay vì một lối sống với cốt lõi bên trong. Ta phát triển một tính cách được thiết kế chủ yếu để làm hài lòng người khác, và trong quá trình đó vẫn không biết đến nhu cầu sâu sắc nhất của bản thân. Ta mù quáng trước cảm xúc và bản năng thực sự của mình. Và như vậy ta tiến đến một điểm trong cuộc đời mà chính bản thân cảm thấy vô nghĩa. Thay vì tiếp cận cuộc sống như những trải nghiệm khám phá con người thật của mình, ta thích nghi với những kỳ vọng bên ngoài và ý kiến của số đông, phụ thuộc và bị ảnh hưởng bởi đánh giá, phán xét của người khác, sự áp đặt của xã hội.
Ta không nhận ra rằng, khoảng thời gian cô độc sẽ kết nối ta với những khía cạnh sâu sắc hơn của bản thân, cho phép ta khám phá ra mình thực sự là ai và thực sự muốn gì trong cuộc sống, và cho ta khả năng chuyển mình thông qua sự tự phản biện. Khi ở một mình, ta có thể kết nối lại với nhu cầu và cảm xúc thực sự của mình, và điều chỉnh tiếng nói của trực giác bên trong, thứ đáng tin cậy duy nhất dẫn đến sự hoàn thiện bản thân.
Khi ta nhận ra rằng hạnh phúc là trạng thái của ý thức khi tỉnh thức, sự bất hạnh là trạng thái của ý thức khi lạc lối, nó như một tấm gương soi phủ đầy bụi và vô hình nó biến thành hành trang mà ta mang theo hết kiếp này đến kiếp khác.
Khi ta trút bỏ được những gánh nặng, những lập trình đơn thuần cũ, những góc nhìn mà xã hội đang áp đặt và quy ước, ta nhìn rõ hơn về cuộc sống, hòa mình vào thiên nhiên, ta tận hưởng ánh sáng Mặt Trời, ta đi trong mưa bão và nhìn ngắm các vì sao. Khi bản thân ta trở nên ngây thơ một lần nữa, ta cảm nhận cuộc sống qua đôi mắt của một đứa trẻ, trong sự trong sáng đó, ta tìm thấy hạnh phúc.
Nỗi buồn tạo chiều sâu, hạnh phúc tạo ra chiều cao. Nỗi buồn cho ra rễ, hạnh phúc sinh ra cành. Hạnh phúc giống như nhành cây vươn lên cao, nỗi buồn giống như rễ cây, đi sâu vào lòng đất. Cả hai đều cần thiết, bởi cây muốn vươn cao, rễ càng đâm sâu, vững chắc. Cây càng trưởng thành, rễ cây càng to lớn.
Bất cứ điều gì khiến ta khó chịu là để dạy ta tính kiên nhẫn. Bất cứ ai bỏ rơi ta là vì đã dạy ta cách đứng lên bằng chính đôi chân của mình. Bất cứ điều gì khiến ta tức giận là để dạy ta sự tha thứ và lòng trắc ẩn. Bất cứ thứ gì có quyền lực đối với ta là để dạy ta cách lấy lại quyền lực của mình. Bất cứ điều gì ta ghét bỏ là để dạy ta tình yêu thương vô điều kiện. Bất cứ điều gì ta sợ là để dạy ta can đảm vượt qua nỗi sợ hãi. Bất cứ điều gì ta không thể kiểm soát là để dạy ta cách buông bỏ và tin tưởng vào Vũ trụ. Và chính điều đó, “Cân bằng” là chìa khóa để mở ra những cánh cửa hướng tới hạnh phúc.
Khi ta bắt đầu tìm kiếm điều gì đó có nghĩa là ta không hài hòa với thứ mình đã có. Khi ta an nhiên và biết ơn những gì ta có, ta đang tạo ra sự cân bằng giữa những gì ta đã có và những gì ta chỉ muốn thêm vào. Việc từ chối những gì ta có và tìm kiếm một điều gì đó bên ngoài là dấu hiệu của các trung tâm năng lượng đang mất cân bằng. Quay trở lại cốt lõi của con người mình, ở đó ta sẽ tìm thấy những gì ta tìm kiếm và đã tìm kiếm trong nhiều kiếp. Và khi ta đã tìm thấy hạnh phúc trong chính bản thân mình, ta vượt ra khỏi luân hồi, ta bình tâm trải nghiệm trong chính hiện tại của mình.
Từng ray sáng, chói loà,
Chạm vào biển sâu, sưởi ấm đôi bàn chân.
Ta đi trên cát nóng, cảm nhận sự dịu dàng của màn đêm.
Và nước sẽ mang đi gánh nặng trong ta.
Những ngày bão và những ngày mưa,
Từng câu chuyện ta mang theo,
Và từng đêm dài trễ nải, sẽ xuôi theo dòng,
Từng dòng mang ta về nhà, về với bình yên…