1. Chụp dưới ánh sáng kém
Chúng ta sẽ bắt đầu với lỗi nghiêm trọng nhất và phổ biến nhất khi chụp ảnh tự nhiên là chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng kém. Lý do rất đơn giản, để có một bức ảnh đẹp thì chủ thể của bức ảnh cần phải đủ rõ ràng và để có điều này thì cần nguồn ánh sáng đủ tốt cho quang cảnh là điều hoàn toàn tự nhiên.
Trên thực tế, rất dễ dàng để có thiết lập ánh sáng hoàn hảo, bố cục hoàn hảo và cài đặt máy ảnh hoàn hảo khi bạn đang ở trong phòng chụp. Nhưng bạn sẽ rất khó để đạt được điều này khi chụp ảnh thiên nhiên bởi sự thay đổi liên tục của mặt trời và thời tiết. Lúc này tìm cách tránh các nguồn sáng kém là việc đơn giản hơn. Và có hai tình huống chính mà chúng ta cần xem xét ở đây.
– Đầu tiên, chụp ảnh lúc ánh mặt trời gay gắt, ví dụ giữa trưa. Cường độ ảnh sáng quá lớn lúc này dễ dàng làm bức hình bị cháy sáng hay phơi sáng quá mức. Rất nhiều chi tiết trong hình sẽ bị làm nhòe đi.
– Thứ hai, chụp trong điều kiện ánh sáng yếu, bất cứ lúc nào trong ngày. Trừ khi máy ảnh được cố định bằng chân máy, ảnh của bạn sẽ bị nhiễu hạt hoặc mờ nhòe do không có đủ lượng ánh sáng cần thiết từ đối tượng để phim chụp hoặc cảm biến máy ảnh có thể tái tạo lại hình ảnh một cách rõ ràng.
Vậy như thế nào được coi là ánh sáng tốt? Có hai thời điểm rất phù hợp để bạn chụp ảnh thiên nhiên.
– Đầu tiên, đó là dưới bầu trời nhiều mây. Ánh sáng khuếch tán qua lớp mây đặc biệt tuyệt vời cho các bức ảnh cần sự chân thực vì chúng làm cho độ bão hòa màu sắc của đối tượng được đưa lên tối đa.
– Thứ hai, đó các giờ vàng kéo dài hai giờ sau khi mặt trời mọc và trước khi mặt trời lặn. Ánh sáng giờ vàng thì ấm áp, đủ êm dịu và đậm màu vàng, đủ để mọi đối tượng trong khung cảnh được hiển thị rõ ràng nhất có thể. Trên thực tế, hầu hết các bức ảnh thiên nhiên đẹp nhất mà bạn đã thấy được chụp trong giờ vàng. Và nó thật hết sức tuyệt vời!
2. Chụp đối tượng từ một vị trí cố định
Đây là một lỗi phổ biến khác khi chụp ảnh tự nhiên. Thông thường, bạn sẽ tìm một điểm cao để có một cái nhìn toàn cảnh và khi lên đến nơi, bạn sẽ ngay lập tức đưa máy lên chụp mà không để ý đến góc độ của mình. Điều này đặc biệt có vấn đề khi chụp ảnh hoang dã và cận cảnh bởi góc nhìn từ trên xuống sẽ tạo nên cảm giác bạn là người thống trị và tách biệt với không gian.
Thay vì hướng ống kính xuống, bạn nên xác định vị trí của mình sao cho ngang bằng với đối tượng trung tâm trong bức ảnh. Bằng cách đó, người xem sẽ cảm thấy kết nối nhiều hơn, giống như họ đang ở cùng với thế giới của đối tượng.
Và đừng chỉ chụp từ một góc duy nhất. Cố gắng thử nghiệm các khả năng khác nhau và lưu ý đến những bức ảnh thiên nhiên khác nhau được tạo ra khi thay đổi những góc nhìn khác nhau.
Đây cũng là một cách tuyệt vời để thoát ra khỏi lối mòn sáng tạo khi buộc bản thân bạn chụp đối tượng từ một góc độ mà bạn chưa từng sử dụng trước đây. Bạn nghĩ thế nào về việc nằm xuống nền đất và đưa ống kính hướng lên trên?
3. Sử dụng nền sau (hơi) lộn xộn
Trong nhiếp ảnh thiên nhiên, nền sau là một đối tượng hết sức cần thiết. Nếu bạn không có nền sau hoàn hảo thì những bức ảnh của bạn sẽ rất khó để thu hút sự quan tâm của người xem. Và như vậy, việc sử dụng nền sau lộn xộn trở thành một trong những sai lầm dễ mắc phải nhất khi chụp ảnh tự nhiên.
Tuy nhiên, bạn không cần phải làm mọi thứ có thể để tránh sự lộn xộn và hỗn loạn. Mục tiêu của bạn lúc này là làm cho đối tượng trong bức hình nổi bật. Và để làm được điều đó, bạn phải loại bỏ mọi thứ không cần thiết trong nền. Bức hình lúc này chỉ bao gồm các yếu tố cần thiết nhất như có màu đơn nhất, không có đối tượng bổ sung cũng như không có các đường kẻ hay khối hình khác biệt với chủ đề đang nhắm tới là đủ để bạn có một bức hình tuyệt vời.
4. Đối tượng chụp ảnh có chất lượng thấp
Khi bạn đã tìm thấy một đối tượng vừa ý, bạn có bao giờ kiểm tra nhanh tình trạng của đối tượng lúc này hay không? Rất dễ để quên bước này nhưng nó rất quan trọng khi chụp ảnh thiên nhiên bởi rất khó để nói rằng khi đối tượng bị hư hại, bụi bẩn và nghèo nàn về chất lượng sẽ cho ra một bức ảnh đẹp, trừ khi đó chính là mục tiêu mà bạn đang hướng tới cho bức hình.
Đánh giá của bạn không cần phải là những câu hỏi sâu sắc. Mà nên là chùm những câu hỏi ngắn có thể bao quát được cả chi tiết và toàn cảnh. Bạn cũng không cần phải dành quá nhiều thời gian cho việc này. Một đánh giá đầy đủ chỉ cần thiết khi bạn cần chắc chắn đối tượng đang ở trạng thái tốt nhất của nó.
Nếu đó là một bông hoa, thì bạn sẽ cần tự hỏi:
– Có cánh hoa nào bị hỏng hoặc bị lỗ hay không?
– Có bất kỳ đốm bùn đất hay bụi bẩn hay không?
– Có bất kỳ côn trùng ở trung tâm bông hoa hay không?
Nếu đó là một khung cảnh, thì hãy nghĩ về:
– Có bất kỳ rác thải hoặc vật phẩm nhân tạo nào khác hay không?
– Có bất kì đối tượng nền trước của bạn đang bị hỏng hay không?
Nếu bạn đã quen với việc thực hiện điều này, xin chúc mừng bạn đã có một thói quen tốt cần phát huy.
5. Không có tiêu điểm trong tác phẩm của bạn
Đây là một cách nhanh chóng khác để làm hỏng một bức ảnh thiên nhiên tuyệt vời. Bởi vì về cơ bản, mọi bức ảnh cần phải có một tiêu điểm để hướng người xem vào nội dung mà bạn muốn thể hiện. Đó có thể là bất kì thứ gì bạn thích như mây, hoa, cây cối, động vật, vv miễn sao đủ rõ ràng để nhận ra các chi tiết. Nếu không có tiêu điểm, người xem không thể hiểu được bạn đang làm gì và sẽ nhanh chóng rời đi.
– Nếu bạn chụp ảnh phong cảnh, hãy thử đưa một đối tượng vào cả nền trước và nền sau. Lý tưởng nhất là chủ thể ở nền trước sẽ dẫn dắt ánh mắt đến với nền sau.
– Nếu bạn chụp ảnh hoang dã, thì đối tượng của bạn rất dễ xác định. Chỉ cần chắc chắn rằng bạn nhấn mạnh đời sống hoang dã trong bức hình của bạn.
– Nếu bạn đang chụp ảnh cận cảnh thì hãy chắc chắn rằng bề mặt đang được nhắm đến của đối tượng thật sự sắc nét, để mắt người xem có thể nhìn thẳng vào nó và nhận thấy được điều gì đang diễn ra.
6. Cảnh chụp có độ tương phản thấp
Những bức ảnh có độ tương phản cực thấp là sai lầm tiếp theo mà bạn cần tránh. Xuất hiện với tần suất thấp hơn một chút, những bức ảnh này có sự sai khác về tông màu (tỉ lệ ánh sáng và bóng tối) và màu sắc giữa các khu vực trong bức hình. Điều này làm cho việc nhận ra các chi tiết trở nên khó khăn hơn khi mọi yếu tố hòa trộn vào nhau. Và khi không có yếu tố nào nổi bật, bức ảnh trở nên rất nhàm chán.
Sai lầm này thường gặp khi đối tượng trung tâm có màu gần với màu nền. Vì thế, để giảm thiểu, hãy tìm những khung hình mà đối tượng nổi bật ra khỏi nền mà dễ nhất là có màu khác hoàn toàn với màu nền. Và trong quá trình tìm kiếm, những khung cảnh có những phân vùng sáng tối đẹp nên được lưu tâm.
Tất nhiên, bạn vẫn có thể sử dụng các cảnh có độ tương phản thấp để tạo nên các hiệu ứng nghệ thuật. Nhưng bạn phải làm điều đó một cách có chủ ý và hết sức cẩn thận bởi chỉ sai sót nhỏ là có thể làm hỏng toàn bộ bức hình.
7. Không xử lý hậu kỳ ảnh chụp thiên nhiên
Mỗi bức ảnh chụp thành công luôn bao gồm ba khía cạnh cơ bản là ánh sáng (Light), bố cục (Composition) và xử lý hậu kì (Post-Processing). Và chúng ta đã nói về ánh sáng cùng giờ vàng để chụp ảnh. Chúng ta cũng đã nói về bố cục cùng tiêu điểm hình ảnh. Giờ đây là lúc để chúng ta nói vế xử lý hậu kì những bức ảnh thiên nhiên.
Nếu không xử lý hậu kỳ, những bức ảnh tự nhiên của bạn sẽ không thể hoàn hảo. Bởi vì việc chỉnh sửa này sẽ thêm vào những gì chưa hoàn thiện, lấy đi những thành phần sai sót và tinh chỉnh về màu sắc và ánh sáng sao cho phù hợp với không gian nơi trưng bày nhiều hơn. Trong nhiều trường hợp, việc xử lý hậu kì cũng sẽ giúp bạn “cứu chữa” những sai lầm ở trên.
Trên thực tế, ngày nay, bạn không cần phải biên tập hình ảnh quá nhiều. Trong nhiều trường hợp, bạn chỉ cần thực hiện một số thao tác sau là bức ảnh đã sẵn sàng để giới thiệu đến người xem.
– Kiểm tra độ phơi sáng. Đây là thao tác đặc biệt phổ biến để ảnh của bạn không bị thiếu sáng. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng các vùng bóng tối trong ảnh của bạn vẫn trông đẹp và chi tiết trước khi hoàn thành.
– Kiểm tra độ tương phản. Nói chung, bạn nên tăng độ tương phản của bức ảnh. Điều này cung cấp thêm một chút sự chi tiết và sẽ giúp hình ảnh của bạn trông nổi bật hơn.
– Kiểm tra độ bão hòa. Đây là thao tác dễ bị bỏ qua bởi hầu hết các bức ảnh sau khi chụp đã khá ổn. Tuy nhiên, bổ sung một chút bão hòa màu là một việc nên làm nếu bạn muốn màu sắc có chiều sâu tự nhiên