Ông thể hiện cảm xúc phong phú thông qua các tác phẩm với những mảng màu mơ hồ trên những tấm bạt lớn chiếm toàn bộ tầm nhìn của người xem, khơi gợi điều mà mà ông cho là “siêu phàm”.
Những bức tranh rực rỡ, đầy nắng của Rothko vào những năm 1950 mang lại cảm giác vui vẻ, trong khi những tác phẩm cuối đời của nam họa sĩ ở thập niên 60 thể hiện sự đấu tranh của ông với căn bệnh trầm cảm, mà sau này dẫn việc ông tự sát vào ngày 25 tháng 2 năm 1970, ở tuổi 66.
Giống như nhiều nghệ sĩ vĩ đại khác, Rothko đã thử nghiệm nhiều phong cách nghệ thuật trước khi xây dựng được một phong cách cá nhân. Trước đó, Rothko đã thử sức với tượng hình và siêu thực. Dưới đây là 6 tác phẩm gói gọn quá trình định hình và phát triển về phong cách của Mark Rothko.
LỐI VÀO GA TÀU ĐIỆN NGẦM, 1938
Một trong những tác phẩm tượng hình đầu tiên của Rothko có tên Entrance to subway (Lối vào ga tàu điện ngầm) nằm trong bộ sưu tập lấy cảm hứng từ các ga tàu điện ngầm của Thành phố New York. Nó phản ánh cảm xúc của người nghệ sĩ đối với cuộc sống đô thị đương đại và về cơ bản là một bức chân dung về sự xa lánh của xã hội. Bức tranh — với màu sắc âm u, buồn tẻ — gợi lên một tâm trạng u uất. Rothko tin rằng thành phố New York là vô hồn và vô nhân đạo, một ý tưởng đã được truyền tải thông qua những hình vẽ không có khuôn mặt, lướt qua như những bóng ma.
LỐC XOÁY PHÍA CUỐI CHÂN TRỜI, 1944
Trong suốt giai đoạn theo đuổi Chủ nghĩa Siêu thực, Rothko hướng nội để tìm cảm hứng; đối với ông, nghệ thuật là “một cuộc phiêu lưu vào một thế giới vô định.” Bức tranh năm 1944 của ông mang tên Slow Swirl at the Edge of the Sea, mô tả hai sinh vật đang nhảy múa giữa ở phía cuối chân trời, được bao quanh bởi những đường xoắn ốc và sọc trừu tượng. Rothko vẽ bức tranh này khi đang theo đuổi Mary Beistel, người vợ thứ hai của mình. Một số người giải thích bức tranh này như một hình dung kỳ quái về sự lãng mạn. Rothko cũng từng nói rằng các hình thức “không có mối liên hệ trực tiếp với bất kỳ trải nghiệm hữu hình nào, nhưng ở đó, người ta nhận ra nguyên tắc và cảm nhận được niềm đam mê.”
NO.5 / NO.24, 1948
Tác phẩm No. 5/ No 24 đánh dấu sự chuyển giao từ phong cách Siêu thực ban đầu của Rothko sang phong cách Color Field mà sau này sẽ gắn liền với sự nghiệp của ông. Bức tranh nằm trong loạt tác phẩm “Đa dạng” của Rothko, một thuật ngữ được các nhà phê bình nghệ thuật và sử gia chấp nhận. Được thực hiện từ năm 1947 đến năm 1949, tất cả các tác phẩm “Đa dạng” của nam nghệ sĩ đều phác họa hình dạng tự do đầy màu sắc trên chất liệu canvas.
KHÔNG TÊN (SỐ 73), 1952
Với tác phẩm Untitled (số 73) phong cách của Rothko đã chín muồi. Các tác phẩm có mảng màu chữ nhật rực rỡ và sống động nhằm thể hiện “những cảm xúc mãnh liệt”. Với màu sắc tươi sáng, ấm áp tác phẩm đã gợi lên năng lượng tích cực và có lẽ đại diện cho thời điểm mà người nghệ sĩ cảm thấy hạnh phúc nhất.
Rothko đã vẽ các hình chữ nhật như một cách trừu tượng hóa hình dạng trong các tác phẩm trước đó của mình. “Không phải là hình đã bị xóa,” ông từng nói, “mà là các biểu tượng cho các hình, và đến lượt các hình dạng trong các bức tranh sơn dầu sau này là thay thế cho các hình. Những hình dạng mới này nói lên… những gì các biểu tượng đã nói.”
BỐN SẮC THÁI TỐI CỦA MÀU ĐỎ, 1958
Four Darks in Red nằm trong bộ sưu tập gồm 10 bức tranh được Rothko trưng bày tại Triển lãm Sidney Janis vào năm 1969. Bảng màu tối, hạn chế biểu thị sự hứng thú của người nghệ sĩ đối với màu đỏ và đen bão hòa trong các tác phẩm cuối cùng của ông. Rothko thực hiện tác phẩm này bằng cách phủ nhiều lớp sơn để tạo chiều sâu. Nổi lên trên nền đỏ rực rỡ, bốn vùng hình chữ nhật chiếm ưu thế trong bố cục. Khi nhìn cận cảnh tấm bạt rộng gần 3 mét này, người xem sẽ đắm chìm trong bầu không khí căng thẳng.
KHÔNG TÊN, ĐEN TRÊN XÁM, 1969
Loạt tác phẩm đen và xám cuối cùng của Rothko được thể hiện trực tiếp trên bảng canvas trắng, đây là một sự thay đổi đột ngột so với quy trình phân lớp màu thông thường của ông. Chỉ với hai sắc tố, sự tương phản cực độ giữa sáng và tối trong Untitled, Black on Grey gợi lên nỗi buồn của người nghệ sĩ ở giai đoạn cuối cuộc đời. Loạt bức tranh sơn dầu này cũng nhỏ hơn so với các tác phẩm Color Field trước đó của ông, có lẽ cũng phản ánh sự sa sút về tinh thần và thể chất của Rothko. Khi được hỏi về bộ sưu tập, Rothko giải thích đó là về cái chết. Rothko qua đời chỉ một năm sau đó.