Tâm linh hiểu đơn giản là con đường tìm về bản chất chân thực của chính mình. Nó là một chặng đường người ta bước đi để hòa nhập với trí tuệ, tình yêu và sự thật. Hệ quả của nó là người tu tập sẽ biến đổi trở nên thông thái và bình an hơn. Có rất nhiều người trong số chúng ta chỉ nhìn vào “kết quả” chứ không nhìn vào quá trình – đa phần là những khó khăn, trở ngại khi phải đổi diện với mặt tối của chính mình – nên dễ dàng bị thối chí và hoang mang, không đi được tới tận cùng của trải nghiệm. Tu không đến nơi đến chốn nên sự biến đổi nội tâm bị dở dang khiến người tu thành ra què quặt, yếu đuối hơn cả lúc chưa tu, chữa lợn lành thành lợn què. Có một số dấu hiện để nhận biết con đường tâm linh đúng đắn, mình xin chia sẻ để các bạn cùng tham khảo.
1. NÓ HƯỚNG ĐẾN CHÂN THIỆN MỸ
Con đường đúng đắn là con đường hướng tới chân thiện mĩ, các giá trị tinh thần chứ không dẫn người ta hướng vật hay tham đắm dục lạc. Con đường đúng sẽ khiến một người có nhiều nhân tính và phẩm hạnh tốt đẹp, sống có ý thức hơn, mạnh khỏe hơn, ảnh hưởng tích cực hơn đến môi trường và những người xung quanh. Nếu một người thực hành một phương pháp tu tập nào đó mà thấy mình trở nên kiêu ngạo, thích khoe khoang, níu bám vào hình tượng tài giỏi, dễ dao động bởi lời khen tiếng chê, không kết nối với con người, mâu thuẫn nội tâm và ngày càng co rút sức sống thì họ đang bước đi trên con đường sai lầm. Người đó cần phải xác định lại hướng đi của mình và kiểm tra lại phương pháp.
2. NÓ ĐƠN GIẢN
Sự thật là một thứ rất đơn giản, con đường đi đến sự thật cũng vậy. Phức tạp là bệnh của tâm trí, của bản ngã hư ảo. Con đường tâm linh nào cao siêu phức tạp, làm rối trí con người (bởi ngôn ngữ rối rắm, phương pháp ngoằn nghèo) thì đó là con đường dởm. Có rất nhiều người thích được sa vào sự phức tạp và lấy nó là biểu hiện cho sự thông minh hay vượt trội hơn người. Họ không hề biết rằng trí thông minh thực sự đến từ trực giác và tình yêu, là những tần số thanh cao hơn tâm trí. Đọc nhiều sách nhưng không thực hành, không rút ra quy luật chung, lậm vào con chữ và tự chặn hết các lối thoát của mình bằng suy nghĩ lý luận, không thể tiếp thu một tư tưởng mới, mâu thuẫn nội tâm, đó là dấu hiệu của một lối tu sai lầm.
Người nào tu tập đúng đắn thì sẽ càng thấy mọi sự trở nên đơn giản, dễ dàng. Những gì mâu thuẫn dần được hóa giải, những gì chia rẽ dần được kết nối, mọi thứ được thanh lọc để trở nên sáng tỏ, bình an.
3. NÓ KHÔNG TÁCH BIỆT VỚI ĐỜI SỐNG
Thích Nhất Hạnh có nói: “Chúng ta có mặt ở đây là để thức tỉnh khỏi ảo tưởng về sự tách biệt.” Mục đích của tu tập là nhìn ra sự kết nối, giao thoa của vạn vật, hiểu được bản chất của mình khi ở trong tổng thể chung. Một người cho rằng tu là phải lên núi, không tiếp xúc với con người, cự tuyệt tất cả các mối quan hệ thì đó là những tư tưởng sai lầm cứng nhắc của một tâm trí không thể thích nghi hài hòa. Con đường tâm linh đúng đắn sẽ khiến một người mở rộng trái tim và khả năng đón nhận cuộc sống, dám dấn thân, dám trải nghiệm, dám tổn thương. Chính ở trong đời sống họ lại càng được rèn luyện năng lực kiên định và bao dung. Cuộc đời chính là biển giải thoát khi chúng ta lặn sâu vào trong nó, chứ không phải từ chối tách ra khỏi nó.
“Luân hồi là Niết bàn.” (Samara is Nirvana) — Long Thọ
4. NÓ XẢY RA NGAY BÂY GIỜ
Ngài mai tôi mới sửa sai, khi nào nghỉ hưu tôi mới tìm hiểu bản chất của chính mình, đợi mua nhà độ xe xong rồi mới học cách bình an. Đây là dấu hiệu trì hoãn, ngụy biện của tâm trí. Người tu sáng suốt là người nhìn thấy mọi cơ hội thức tỉnh trong từng giờ từng khắc, và hết sức trân quý phát huy nó. Con đường thức tỉnh sẽ không diễn ra vào ngày mai hay năm sau, nó diễn ra ngay bây giờ, ngay tại đây. Vì chỉ có bây giờ là thực. Tương lai chỉ là một sự ảo tưởng, suy diễn. Con đường đúng đắn là thứ khiến người tu tập có cơ hội thực hành, thực chứng ngay trong hiện tại, có giá trị thực tiễn, làm lợi cho đời sống.
5. NÓ KHÔNG CÓ LỐI TẮT
Tâm linh không có lối tắt, cái gì cũng nằm trong luật nhân quả, và sự tu tập cần có thời gian để chín muồi (phụ thuộc vào năng lực, định hướng và sự tinh tấn của hành giả.) Muốn nhanh là xu hướng của tâm trí không có đức kiên nhẫn, không có sự bình yên.
Một số người nghĩ rằng dùng chất thức thần (psychedelics) là họ sẽ được đi máy bay so với người không dùng chất chỉ như đang đi bộ. Họ sẽ nhanh được thức tỉnh hơn, nhanh được trở nên thông thái giỏi giang hơn. Đây là tư tưởng rất tai hại và nguy hiểm đối với người đi tìm chân lý. Vì lòng tham là thứ cản trở sự giác ngộ, không phải sự từ tốn. Mọi thứ chỉ là xúc tác khuếch đại những gì chúng ta có bên trong. Được nhìn thấy bóng tối không có nghĩa là bóng tối sẽ tự nó biến mất. Chúng ta vẫn phải bỏ thời gian, công sức để chuyển hóa mớ bùn lầy ấy. Người nào ham nhanh sẽ phải trả giá, người nào chấp nhận đi chậm rãi sẽ học được những bài học.
Không chỉ chất thức thần dễ bị lạm dụng, người tu tập còn lạm dụng các hình thức huyền học tâm linh khác để chóng biết kết quả, để dễ dàng luồn lách né tránh những yếu điểm, để nhanh trở nên siêu phàm. Đó đều là những con đường sai lạc. Hành giả sẽ đạt đến vận tốc 100km/h vào phút đầu tiên của cuộc chạy và có thể phải lê lết đau khổ với tốc độ 0.5km/h từ phút thứ 2 trở đi cho đến hết đời. Hành trình tâm linh đúng đắn không nằm ở vận tốc, mà nằm ở việc vui bước đi. Đích đến chỉ là một khái niệm thuộc hiểu biết giới hạn của tâm trí.
6. NÓ LÌA XA CÁC KỲ VỌNG THÀNH TỰU
Tu tập đúng đắn chắc chắn có thành quả to lớn nhưng đó không phải là mục đích của tu tập. Mục đích của nó là bớt đi những tham lam được hưởng thành quả, được trải nghiệm điều gì đó dễ chịu, sung sướng. Nó tập trung vào hành trình nâng cao ý thức, hiểu biết bản chất của thực tại, tận hưởng cuộc sống, chứ không tập trung vào việc đạt được các thành quả thế gian. Nên trải nghiệm dễ chịu hay khó chịu không phải là thứ làm phiền người hành giả, mà việc họ có ý thức hay không mới là quan trọng. Nếu tu tập mà giảm bớt được các mong cầu thì đó là đường tu thiện lành.
Tác giả: Hòa Taro
Ảnh minh họa: Holly Mandarich/Unsplash