Trong cuộc sống, con người nếm trải đa dạng các loại đau khổ, vụn vỡ, khó khăn, nhưng thực ra, chúng chỉ là những biến thể và pha tạp với những cường độ khác nhau bắt nguồn từ hai căn bệnh điển hình của tâm trí. Chúng thể hiện mặt tối của hai thái cực âm dương. Khi chúng ta thấu hiểu bản chất nhị nguyên và sự phối hợp liên kết giữa hai thái cực này thì sẽ lấy lại sự hài hòa cân bằng bên trong nội tâm. Đây là lời giải đáp cho tất cả những khó khăn trở ngại trong đời sống của con người. Vậy hai căn bệnh đó là gì?
1. VÔ KỶ LUẬT
Sống vô nguyên tắc, không có mục tiêu, không biết điều tiết năng lượng, không biết xây dựng thói quen hữu ích, phản ứng nông nổi nhất thời theo hoàn cảnh, chạy theo tứ phía mà bỏ rơi chính mình, phóng đãng, chao đảo, mù quáng, làm việc hay bỏ dở giữa chừng, dễ sa đà vào các thói nghiện, dễ nhụt chí, tầm nhìn ngắn, thường rơi vào sự phân vân mâu thuẫn nội tâm, mơ tưởng mà không hành động (đôi khi sống ảo hoang đường), thiếu động lực sống, “tưng bừng khai trương âm thầm đóng cửa.” Đây là những biểu hiện cơ bản của những người sống vô kỷ luật, đại diện với việc đồng hóa vào một tâm trí biến đổi không ngừng nghỉ, đảo cực liên tục từ vui sang buồn, từ sướng sang khổ, từ yêu sang ghét. Người này sống với tính rung động và chuyển biến liên tục của dòng chảy vô thường (nguyên lý âm). Thứ mà họ thiếu thốn là một cấu trúc hay một điểm neo đậu vững chắc an bình (nguyên lý dương). Cánh cửa giải thoát cho mọi sự khó khăn của người này đó là học cách xây dựng kỷ luật cho bản thân, kiến tạo cho mình một xu hướng sống ổn định và bền bỉ. Nếu không thì sớm muộn họ cũng rơi vào sự chao đảo vô cùng cực đoan của đời sống mà không còn sức gánh trụ. Vì thực tại mà họ biểu diễn ra là một sự vụn vỡ, lan man, mất định hướng, nuối tiếc và phụ thuộc.
Vậy xây dựng kỷ luật như thế nào? Rất đơn giản đó là luyện tập tối thiểu một thói quen hữu ích mỗi ngày và thiết lập nguyên tắc sống rõ ràng cho bản thân. Nguyên tắc sống đó phải dựa trên những hệ giá trị tinh thần tích cực (VD: trau dồi trí tuệ, tình yêu, sự dũng cảm, v.v…) Mọi thái độ và động thái của người đó trong đời sống đều cần xoay quanh những cây cột trụ này. Không phải cứ gặp chuyện rồi mới ngồi thiền, đau ốm rồi mới tập thể dục. Người có tính kỷ luật là người tập trung neo đậu vào nội tâm và gây dựng một ngưỡng sinh lực dồi dào mỗi ngày. Còn việc sống của họ là điều tiết và sử dụng khối năng lượng đó sao cho hữu ích và hợp lý. Câu tục ngữ dân gian ám chỉ người có xu hướng vô kỷ luật là “Cứt nhão mà đòi có chóp.”
Khó khăn của việc xây dựng tính kỷ luật với những người có quán tính vô hướng là gì? Đó là chúng ta nghĩ rằng kỷ luật là một sự gò bó và căng thẳng, là thứ tù tội cho bản thân nên cảm thấy rất áp lực để bắt đầu một thói quen mới. Nhưng khi suy nghĩ tiêu cực thế này, một người sẽ không tiếp cận được với phẩm hạnh tiết độ và kiên cường. Chỉ lúc nào ta bắt đầu nhìn nhận việc xây dựng tính kỷ luật là sống theo một cấu trúc mới ổn định, vững chắc và có lợi hơn thì ta mới cảm thấy hào hứng kiên trì đi theo. Ngoài ra, một trở ngại nữa đó là chúng ta nghĩ rằng phải có phẩm chất kiên nhẫn thì mới có thể xây dựng được kỷ luật. Nhưng không, đây là một tư duy ngược cản trở sự hành động của con người. Sự thật là kiên nhẫn và bền bỉ chỉ có thể được sinh ra trong quá trình ta cam kết thực hành những thói quen và neo đậu vào tâm hồn. Hành động và nỗ lực chính là lời giải đáp cho những cá nhân đang cần vun đắp tính kỷ luật.
“Một lý do tuyệt vời để chọn ra một vị thần hay một dạng tâm linh nào đó để thờ phụng – có thể là Jesus (Giê-su) hay Allah… hay các nhóm nguyên tắc đạo đức không thể vi phạm – là vì hầu như mọi thứ khác bạn tôn thờ sẽ nuốt sống bạn.” — David Foster Wallace
2. CỨNG ĐẦU CỨNG CỔ
Cứng nhắc, bảo thủ, phiến diện, tư duy mãi theo một lối mòn, thù lâu nhớ dai, dằn vặt mãi một chuyện tiêu cực, hay ý kiến ý cò (thường là phản đối, giãy đạp, phán xét, đòi hỏi), tham vọng thái quá đến mức ảo tưởng, bất chấp mọi lời khuyên răn/mọi dấu hiệu từ cuộc sống chỉ để làm theo cách của mình, sống tách biệt với con người, khó hòa đồng, khó cảm nhận và hài lòng với cuộc sống, lãnh đạm, ít cảm xúc và sự rung động, nghi ngờ những chân lý, cố gắng lý giải và nắm bắt mọi thứ bằng lý luận, luôn đặt câu hỏi máy móc mà không biết lắng nghe và liên kết thông tin, gặp khó khăn trong việc thích nghi với những thay đổi đột ngột, sợ thay đổi/biến động/khác thường, chôn chân mãi trong vùng an toàn và co rút sức mạnh. Đây là những biểu hiện của người cứng đầu cứng cổ, đồng hóa mình với tâm trí ở khía cạnh giới hạn và tuyến tính của nó (nguyên lý dương). Lời giải đáp cho mọi khó khăn của người này đó là quy phục (surrender) (nguyên lý âm), kiến tạo một khoảng không gian để cho sự thay đổi và linh động được diễn ra. Nếu không thì người có xu hướng bảo thủ sẽ luôn phải sống trong trạng thái tù túng, không có sự nảy nở phát triển, không có tiến bộ, càng ngày càng cứng nhắc khắt khe không chỉ với chính mình mà với mọi người xung quanh. Thực tại mà người này biểu diễn ra sẽ là muôn vàn trắc trở, bạo lực, khô héo, vùi dập và hờn ghét.
“Một kẻ không bao giờ cải tiến quan điểm của mình thì chẳng khác gì một vũng nước tù, sẽ sản sinh ra những loài bò sát của tâm tưởng.” — William Blake
Vậy quy phục như thế nào? Đó là thực hành chấp nhận/đón nhận những khả năng mới/sự dịch chuyển/biến đổi của dòng chảy tự nhiên, của kế hoạch vũ trụ như thể đó là những gì mình đã lựa chọn (mà vô tình không nhớ), tập tĩnh lặng, khiêm nhường (bằng việc thực hành thiền mỗi ngày) và tự nhắc rằng mọi điều mình nghĩ đều có thể sai, mọi kế hoạch của mình đều có thể bị thay đổi và can thiệp, hay luôn tồn tại một lựa chọn có thể tốt đẹp hơn sự lựa chọn trong hiện tại. Câu tục ngữ răn dạy cho người cứng nhắc bảo thủ đó là “Người tính không bằng Trời tính.”
Khó khăn của việc quy phục đối với những người có xu hướng bảo thủ là gì? Đó là họ không nhận ra được xu hướng phản ứng của mình, luôn cho là mình đúng, hoặc không biết quy phục thế nào vì nó là sự thôi phản ứng, buông lỏng, thư giãn, bỏ cái biết của bản thân sang một bên. Nó là sự thả đi mọi cách thức phương pháp, thứ mà họ đã quen thuộc và chung sống bao nhiêu năm tháng. Theo quán tính cũ, họ sẽ thư giãn bằng cách “cố gắng” để thư giãn. Nhưng điều đó càng làm họ thêm căng thẳng và kiểm soát. Nếu một người xây dựng tính kỷ luật có đường đi và cách thức rõ ràng thì với người học quy phục thì chẳng có đường đi nào cả. Họ phải tự nhảy vào nơi không biết, làm tâm trí im lặng trong sự bình thản. Người này phải tập lắng nghe và cảm nhận sự dẫn lối của trực giác chứ không thể tiếp tục theo đuôi tâm trí bày vẽ cách này cách nọ. Vì tâm trí chính là nguyên nhân dẫn đến sự khó uốn nắn của họ. Có thể nói, quy phục là con đường không lối vào. Khi đủ tĩnh lặng, khiêm nhường và lắng nghe, người đó mới bắt đầu thực chứng được sự quy phục là gì và có thể chủ động thực hành miên mật kể từ đó.
Quy phục và kỷ luật là hai biểu lộ âm dương của ý thức (awareness), giống như phóng đãng và cứng nhắc là hai biểu lộ của tâm trí. Tưởng là khác biệt nhưng chúng lại có mối liên quan mật thiết đến nhau, là hai mặt của cùng một thứ. Có thể nói vô kỷ luật là một dạng cứng nhắc, khó thuần; còn cứng nhắc là một loại vô kỷ luật vì nó không xoay quanh mục đích tinh thần tốt đẹp, mà xoay quanh việc bảo toàn thành tích, danh tính, sĩ diện hay cái tôi của một cá nhân. Nên về cơ bản, người phóng đãng cũng là người bảo thủ và ngược lại. Những căn bệnh này chỉ có thể được chữa chạy bằng một phẩm hạnh cao cấp hơn đó là quy phục và kỷ luật. Sự giao thoa và hiệp nhất của hai phẩm hạnh sẽ tạo nên dòng chảy bình an và sáng suốt bên trong một con người.
Nói là hai căn bệnh cơ bản nhưng đa số con người chúng ta đều biểu lộ cả hai bệnh đó cùng lúc với các cường độ và sắc thái khác nhau. Vậy ta nên rèn luyện tính kỷ luật hay sự quy phục? Nếu thuận theo thiết kế của tự nhiên, đàn ông nên tập trung uống loại thuốc thứ nhất là xây dựng cấu trúc kỷ luật (trở thành cây cột trụ), còn phụ nữ nên tập trung vào loại thứ hai là quy phục (nương theo hoàn cảnh), vì cơ thể của mỗi giới được tạo ra để thực chứng những phương thuốc này một cách rõ ràng nhất. Và không có gì quan trọng bằng việc thực chứng chân lý. Khi học được bài học của một cực thì chúng ta sẽ tự khắc hiểu ra bài học ở thái cực còn lại. Vậy nên hãy bắt đầu sống với những phẩm hạnh thay vì những quán tính tiêu cực được tích lũy trong vô thức, nếu bạn thật sự muốn có một cuộc đời xinh đẹp.
Tác giả: Hòa Taro
Ảnh: freddie Jurica Koletić/Unsplash