razvan-chisu-ua-agenjmi4-unsplash

Tự học – Phần 3: Thành nhân tính trước, thành công tính sau

Vào năm 2001, cậu bé Daniel Radcliffe đã được chọn vào vai chính trong bộ phim Harry Potter Và Hòn Đá Phù Thủy được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên. Bộ phim thành công rực rỡ, mang về 975 triệu USD cho nhà sản xuất. Daniel lúc này mới chỉ 12 tuổi, đã trở thành triệu phú nhờ mức cát-xê khổng lồ khi các bạn cậu còn đang trốn học đi chơi game.

Radcliffe sau đó tiếp tục thủ vai chính trong 7 phần còn lại của loạt phim Harry Potter. Chuỗi phim trở thành một trong những thương hiệu ăn khách nhất lịch sử, mang về tổng cộng 8,5 tỉ USD. Khi loạt phim kết thúc vào năm 2011, Radcliffe lúc này đã trở nên cực kỳ giàu có với tài sản hàng chục triệu USD¹. Anh là một trong những thiếu niên giàu nhất không thuộc hoàng gia Anh, và tên của anh luôn dẫn đầu trong những bảng xếp hạng tài sản của những người trẻ tuổi.

Nhưng bất chấp thành công rực rỡ của mình, Radcliffe vẫn không có được một cuộc sống hạnh phúc. Anh bị stress nặng do phải đóng vai Harry Potter cả trong phim lẫn ngoài đời. Anh gặp áp lực lớn trong công việc, và cảm thấy hoang mang vì những ánh nhìn từ công chúng. Radcliffe sau đó tìm đến rượu để giải tỏa những gánh nặng tinh thần mà anh phải đối mặt. Ở tuổi thiếu niên, Radcliffe thường xuyên rơi vào tình trạng say xỉn bất kể ngày hay đêm. Thỉnh thoảng anh đến phim trường và vào vai Harry Potter khi vẫn còn đang say rượu. Thỉnh thoảng, người ta bắt gặp Harry Potter trong các quán bar đang nốc rượu ừng ực, quần áo xốc xếch còn hơi thở thì nồng nặc mùi cồn. Trong một cuộc phỏng vấn, Radcliffe trả lời rằng: “Tôi đã uống rất nhiều vào những phần cuối của Potter và uống thêm cả sau khi nó kết thúc, tôi đã rất hoảng loạn, tôi không biết phải làm gì tiếp theo, tôi sẽ không thoải mái nếu để bản thân tỉnh táo.”

Mặc dù chúng ta luôn mong muốn có được cuộc sống của những người thành công, cuộc đời họ lại không hạnh phúc như chúng ta vẫn tưởng. Đa số những người nổi tiếng đều không có cuộc sống hạnh phúc. Rất nhiều ca sĩ, diễn viên, nhạc sĩ lừng danh mắc các chứng nghiện chất kích thích hoặc sa vào nhiều các tệ nạn. Những người thành công khác không sa đọa lại thường không có được cuộc sống cá nhân và hôn nhân hạnh phúc. Chúng ta khao khát có một sự nghiệp thành công, nhưng những người thành công lại không hạnh phúc, thậm chí là sống đầy đau khổ. Tại sao lại như vậy? Và nếu vậy thì ta có nên khao khát thành công hay không?

Kỹ năng sống và kỹ năng sự nghiệp

Tiền bạc và danh vọng là thước đo của con người trong xã hội hiện nay. Bạn càng giàu có và nổi tiếng, xã hội sẽ càng coi trọng bạn. Vì thế, toàn bộ quá trình học tập và trau dồi bản thân của chúng ta hướng đến việc: làm sao để trở nên giàu có hơn. Tất cả những môn chuyên ngành mà trường học dạy chúng ta, hay những kỹ năng nghề nghiệp mà ta trau dồi, những bằng cấp mà ta cố gắng đạt được đều là để kiếm được thêm nhiều tiền hơn. Chúng ta thường dành toàn bộ thời gian phát triển bản thân của mình nhằm vào việc phát triển các kỹ năng sự nghiệp như ngoại ngữ, các bằng cấp và chứng chỉ, hay các kỹ năng mềm phục vụ cho công việc.

Nhưng cuộc sống của chúng ta không chỉ có vấn đề về tiền, ta còn phải đối mặt với nhiều vấn đề khác của cuộc sống. Những rắc rối lớn nhất trong cuộc sống của ta thường đến từ một trong hai nơi: thế giới nội tâm và thế giới xã hội bên ngoài.

Thế giới nội tâm của mỗi người rất rộng lớn và là nơi ta phải đối mặt với nhiều vấn đề về cảm xúc tiêu cực như: tự ti, lo lắng, cô đơn… Những cảm xúc tiêu cực này thường gây nhiều đau khổ cho ta nhất, và là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những vấn đề về lối sống hàng ngày của ta như có nhiều thói quen xấu, nghiện chất kích thích, vô độ, sa vào những tệ nạn,… Bên cạnh đó, ta cũng gặp nhiều rắc rối với xã hội bên ngoài. Hầu hết mọi người đều có vấn đề trong việc giao tiếp, các mối quan hệ, hay đối mặt với ánh nhìn từ người khác. Ngày nay, việc tự ti, mặc cảm hay bất lực trong việc xây dựng các mối quan hệ lành mạnh đang gây ra ngày một nhiều rắc rối hơn.

Các vấn đề cuộc sống này, vấn đề nội tâm và vấn đề xã hội chiếm một phần lớn hơn trong cuộc đời ta so với vấn đề tiền bạc. Ta thường bị dày vò bởi cô đơn và tự ti nhiều hơn là vì sự thiếu thốn vật chất. Những cảm xúc tiêu cực mà ta gặp phải, lối sống vô độ và các mối quan hệ xã hội gây nên nhiều đau khổ cho ta hơn so với việc ta không có được thành công hay danh tiếng. Có rất nhiều người sống ở những vùng nông thôn nghèo nhưng vẫn hạnh phúc, trong khi nhiều ngôi sao sống trên đỉnh tòa tháp 90 tầng lại vẫn cứ đau khổ. Với Radcliffe, tiền bạc hoàn toàn không phải là vấn đề với anh. Nhưng anh gặp vấn đề nghiêm trọng với những áp lực trong cuộc sống của mình. Đó là lý do Radcliffe tắm mình trong rượu để cố gắng quên đi những vấn đề ấy. Đó là lý do anh nói mình không thoải mái khi bản thân tỉnh táo. Vì khi tỉnh táo, Radcliffe sẽ lại phải đối mặt với những vấn đề nội tâm và xã hội của mình. Thói xấu đó, cũng chính là một vấn đề đã kéo lùi cuộc đời của Radcliffe.

Để giải quyết những vấn đề cuộc sống này, ta cần có những kỹ năng mà tôi gọi là kỹ năng sống. Đó là những kỹ năng sẽ giúp ta giải quyết được các vấn đề nội tâm và hòa hợp tốt với xã hội. Những kỹ năng sống thiết yếu nhất có thể kể đến như: cân bằng cảm xúc, kiểm soát bản thân, xây dựng lối sống lành mạnh, giao tiếp và ứng xử, tự tin, xây dựng các mối quan hệ,…

Kỹ năng sự nghiệp quyết định thành công của ta, còn kỹ năng sống quyết định hạnh phúc trong cuộc sống của ta. Có nhiều kỹ năng sự nghiệp sẽ giúp bạn kiếm được nhiều tiền, nhưng có nhiều kỹ năng sống sẽ giúp bạn giải quyết được các vấn đề cuộc sống và hạnh phúc hơn. Việc ứng xử với các cảm xúc của bản thân sẽ quyết định mức độ hạnh phúc nội tại của ta. Việc xây dựng các thói quen tốt sẽ dẫn đến một lối sống lành mạnh để ta có thể hạnh phúc. Việc đối nhân xử thế sẽ quyết định những người ở bên ta, và thái độ của ta với những phán xét từ xã hội. Nếu ta có những kỹ năng sống cần thiết, ta sẽ có thể

a) Xử lý được những cảm xúc tiêu cực.

b) Xây dựng lối sống tốt.

c) Giao tiếp xã hội tốt.

Đó là những nền tảng quan trọng nhất của một cuộc sống hạnh phúc.

Radcliffe rất giỏi về các kỹ năng sự nghiệp. Khả năng nghệ thuật của anh quá tuyệt vời và nó mang lại sự giàu sang tột bậc khi anh mới chỉ ở tuổi thiếu niên. Nhưng Radcliffe đã thiếu hụt quá nhiều kỹ năng sống. Anh không biết làm gì với sự hoang mang và tự ti của mình. Đó là lý do anh ở trên đỉnh vinh quang cùng với một cuộc đời đau khổ và những chai rượu.

Nền văn hóa của chúng ta coi trọng thành công, và vì thế mà đa phần mọi người đều chỉ quan tâm tới việc xây dựng sự nghiệp. Xã hội chỉ tập trung vào khuyến khích mọi người mài giũa các kỹ năng sự nghiệp. Các trường học chỉ dạy sinh viên cách kiếm tiền và các diễn giả chỉ toàn nói về làm giàu. Các phương tiện truyền thông thì suốt ngày ra rả về thành công, những người thành công, và làm thế nào để thành công. Xã hội luôn cho rằng những kỹ năng sự nghiệp quan trọng hơn những kỹ năng sống, và điều này tạo nên nhiều vấn đề.

Vấn đề của người thành công

Mục tiêu của đa số mọi người trong chúng ta là thành công và danh vọng. Chúng ta hướng đến cuộc sống của người nổi tiếng vì cho rằng nếu có được thành công và danh vọng như họ thì ta sẽ rất hạnh phúc. Đó là lý do ta phấn đấu trau dồi các kỹ năng sự nghiệp. Mọi người thường nghĩ rằng:

TẬP TRUNG TRAU DỒI KỸ NĂNG SỰ NGHIỆP = THÀNH CÔNG = HẠNH PHÚC (1)

Nhưng để có thể thành công, ta cần phải trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó. Để trở thành chuyên gia, ta cần bỏ ra rất nhiều thời gian để mài giũa một hoặc một nhóm kỹ năng sự nghiệp. Và vì ta chỉ quan tâm đến sự giàu có, ta thường dành toàn bộ thời gian của mình để trau dồi các kỹ năng sự nghiệp và bỏ qua việc trau dồi các kỹ năng sống. Kết quả là, ta sẽ bị dày vò bởi rất nhiều vấn đề với nội tâm và xã hội (thứ chiếm phần lớn hơn trong cuộc đời) vì ta không có những kỹ năng sống cần thiết để giải quyết chúng. Ta có thể sẽ có được thành công từ những kỹ năng sự nghiệp, nhưng thiếu hụt kỹ năng cuộc sống dẫn đến ta gặp rất nhiều vấn đề cuộc sống và sẽ không có được hạnh phúc.

Đó là những điều xảy ra với những người nổi tiếng. Họ dành cả đời mình cho sự nghiệp đến mức không biết những kỹ năng sống cần thiết để giải quyết vấn đề mình. Daniel Radcliffe đã dành cả tuổi thanh xuân để mài giũa khả năng diễn xuất, nên anh không biết cách đối mặt với những cảm xúc của mình, và thế là anh chìm trong rượu. Diego Maradona chỉ mải miết trau dồi kỹ năng sân cỏ, nên ông không biết cách nào để xây dựng một lối sống lành mạnh, cuối cùng “cậu bé vàng” trở thành một gã hư hỏng và nghiện ngập. Avicii² quá đam mê với âm nhạc và bỏ qua vấn đề về sức khỏe và stress của mình, điều ấy dẫn đến giấc ngủ mãi mãi của chính anh, dù cho anh đã đánh thức rất nhiều người. Marilyn Monroe mắc chứng trầm cảm và đổ vỡ trong những cuộc hôn nhân vì bà đã không biết gì hơn ngoài làm diễn viên và người mẫu.

Đa số những người thành công và nổi tiếng không có được cuộc sống hạnh phúc. Họ thiếu hụt quá nhiều kỹ năng sống nên thường gặp vấn đề nghiêm trọng về tinh thần hoặc các mối quan hệ trong đời họ. Đó là lý do vì sao những người nổi tiếng rất hay sử dụng chất kích thích để quên đi các vấn đề này. Đó là lý do vì sao mà nhiều nhà văn và nhạc sĩ tài ba nếu không tự tử vì rượu thì cũng tự nhét họng súng vào mồm mình. Khác với suy nghĩ thông thường, việc tập trung vào thành công thường dẫn đến:

TẬP TRUNG TRAU DỒI KỸ NĂNG SỰ NGHIỆP = THÀNH CÔNG (HOẶC KHÔNG) = THIẾU HỤT KỸ NĂNG SỐNG = CÓ NHIỀU VẤN ĐỀ CUỘC SỐNG = ĐAU KHỔ (2)

Thế đấy. Vụ này cứ như một trò lừa đảo vậy. Mặc dù ta dành cả đời mình theo đuổi thành công và nghĩ rằng nó sẽ mang lại hạnh phúc cho ta³ , câu trả lời lại hoàn toàn ngược lại. Việc theo đuổi thành công trớ trêu thay lại thường không mang lại hạnh phúc.

Nhưng mục tiêu của ta thì vẫn luôn là hạnh phúc. Hạnh phúc là lý do ta cố gắng có được thành công và danh vọng. Vậy sẽ thế nào nếu ta trau dồi các kỹ năng sống thay vì các kỹ năng sự nghiệp, thứ quyết định hạnh phúc của ta?

Thành nhân tính trước, thành công tính sau

Khác với niềm tin chủ đạo trong xã hội hiện nay, thành công về mặt vật chất và danh tiếng không được coi trọng trong phần lớn lịch sử loài người. Giàu sang và danh vọng chỉ được xã hội đặt lên hàng đầu từ nửa cuối thế kỷ 19 cho đến nay, sau khi cách mạng công nghiệp lần thứ 2 xảy ra. Những kỹ năng sự nghiệp như kế toán, luật, tài chính, quản trị chỉ được coi trọng và đưa vào giảng dạy rộng rãi sau thời gian này.

Trước đó, thế giới của chúng ta coi trọng những người có kỹ năng sống hơn những người có kỹ năng sự nghiệp. Vào thời cổ đại, những cá thể mạnh mẽ có khả năng đương đầu với khó khăn và kết nối các thành viên sẽ trở thành thủ lĩnh, chứ không phải những người dự trữ được nhiều thịt trong hang đá. Xã hội vẫn tiếp tục coi trọng các kỹ năng sống cho đến trước khi công nghiệp xuất hiện. Những chủ nghĩa triết học như Nho học, chủ nghĩa Khắc kỷ hay những tôn giáo như Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo được đưa vào giảng dạy và trở thành tư tưởng chủ đạo của xã hội vì đó là những chỉ dẫn về kỹ năng sống⁰. Xã hội xưa tôn vinh và chú trọng đào tạo những người có khả năng kiểm soát tâm trí, cân bằng cảm xúc và giao tiếp tốt hơn là những người có khả năng làm giàu. Ví dụ như các tầng lớp trong xã hội phương đông là “sĩ, nông, công, thương”. Sĩ là những người có các đức tính “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín”. Họ được coi trọng hơn so với Thương nhân – những người có nhiều tiền bạc. Nói chung, trong phần lớn lịch sử con người coi trọng những kỹ năng sống hơn những kỹ năng sự nghiệp. Họ coi trọng việc THÀNH NHÂN hơn là THÀNH CÔNG.

Như tôi đã thể hiện trong 2 bài viết trước, quan điểm trong việc tu thân của tôi khác hẳn so với những quan niệm phổ biến trong xã hội hiện nay. Tôi cho rằng: Vì những vấn đề cuộc sống sẽ dày vò ta nhiều hơn các vấn đề sự nghiệp, ta nên ưu tiên mài giũa các kỹ năng sống nhiều hơn so với các kỹ năng sự nghiệp. Chúng ta nên học cách thấu hiểu cảm xúc của bản thân nhiều hơn học ngoại ngữ. Ta nên học cách giao tiếp và ứng xử với người khác nhiều hơn học các môn chuyên ngành. Ta nên mài giũa sự tự tin của mình nhiều hơn trau dồi kiến thức chuyên môn. Ta nên xây dựng lối sống tốt trước khi gây dựng sự nghiệp lớn. Hay có thể nói là: Ta nên chú trọng đến việc thành nhân hơn là thành công.

Có 2 lợi ích siêu to khổng lồ dẫn tôi đến quan điểm này:

Thứ nhất, việc mài giũa các kỹ năng sống sẽ giúp ta giải quyết được các vấn đề cuộc sống, và từ đó ta sẽ có thể sống hạnh phúc kể cả khi không có được thành công. Hạnh phúc phụ thuộc vào lối sống, tâm trí và các mối quan hệ của ta nhiều hơn là sự giàu có. Việc trau dồi các kỹ năng sống sẽ giúp ta có một lối sống lành mạnh và những mối quan hệ tốt, từ đó đem lại cuộc sống viên mãn cho ta. Nếu tôi gặp vấn đề với sự cô đơn và không biết làm thế nào để trò chuyện với cô gái mà tôi thích, việc trau dồi trí tuệ cảm xúc và khả năng giao tiếp sẽ giúp tôi giải quyết được hai vấn đề này và tôi sẽ hạnh phúc hơn với cuộc sống của mình. Việc biết cách kiểm soát bản thân sẽ giúp tôi xây dựng các thói quen lành mạnh, việc tự tin sẽ giúp tôi thoải mái trong đời sống xã hội. Thành thục các kỹ năng sống là chìa khóa giúp ta xử lý những vấn đề cuộc sống xảy ra liên miên bất tận trong cuộc đời mình, và nó sẽ giúp ta có một cuộc sống hạnh phúc hơn cũng như phải chịu đựng ít đau khổ hơn. Chẳng phải điều cuối cùng ta mong muốn là hạnh phúc hay sao?

Thứ hai, vì ta trở nên hạnh phúc hơn, ta sẽ có thể trở nên thành công hơn. Mọi người thường nghĩ rằng khi ta thành công thì ta sẽ hạnh phúc. Nhưng thực tế thì thành công tác động rất ít đến hạnh phúc. Hạnh phúc đến từ những thành công sẽ qua đi rất nhanh và xét về mặt tổng thể cuộc sống thì thành công hơn không mang lại nhiều hạnh phúc hơn. Daniel Radcliffe và những người nổi tiếng là minh chứng sống động cho điều này. Ngược lại, hạnh phúc có tác động rất lớn tới thành công. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng khi con người hạnh phúc hơn thì họ sẽ thành công hơn⁴. Khi bạn đang gặp chuyện vui, bạn sẽ làm việc tốt hơn rất nhiều. Việc có được các kỹ năng sống là bàn đạp để có được hạnh phúc, và hạnh phúc ấy sẽ tạo đà cho thành công. (Chẳng phải bạn đã học tốt hơn rất nhiều khi có mối tình đầu hồi cấp 3 hay sao?) Và cũng chỉ khi đó thì thành công mới có ý nghĩa. Xét cho cùng thì nếu ta đứng trên đỉnh vinh quang nhưng chìm trong đau khổ, thì thành công ấy có còn ý nghĩa gì đâu cơ chứ?

Vì thế, công thức thực sự của việc phát triển bản thân nên là:

TRAU DỒI KỸ NĂNG SỐNG = SỐNG TỐT = HẠNH PHÚC → THÀNH CÔNG

Đây là một công thức tốt hơn. Nó đàm bảo ta sẽ có được hạnh phúc và thành công, so với chỉ thành công như công thức (2).

Thành công trên nền tảng thành nhân

“Này Huy, cái vụ trau dồi kỹ năng sống này nghe hay thật đấy, nhưng còn chiếc Mercedes mà tôi đang cố tiết kiệm tiền để mua thì sao? Thế còn vị doanh nhân thành đạt được mọi người ngưỡng mộ mà tôi đang cố trở thành thì sao? Còn cả căn biệt thự ven hồ mà tôi vẫn ao ước bấy lâu nay nữa chứ? Nếu tôi toàn trau dồi kỹ năng sống, thì tôi sẽ chẳng có được thành công mà tôi vẫn muốn à? Tôi chẳng thích thế đâu.”

Tôi rất vui vì thắc mắc của bạn.

Khi tôi nói rằng ta nên trau dồi kỹ năng sống, điều ấy không có nghĩa là ta nên bỏ qua các kỹ năng sự nghiệp. Việc có một sự nghiệp thành công là mong ước chính đáng và không có gì xấu cả. Tuy nhiên, ta nên sắp xếp lại thứ tự ưu tiên trong danh mục cố gắng của mình. Những vấn đề cuộc sống nghiêm trọng hơn những vấn đề sự nghiệp, và ta nên mài giũa những kỹ năng sống trước tiên và nhiều hơn so với những kỹ năng sự nghiệp. Ta nên thành nhân trước khi thành công, và dùng những kỹ năng sống và hạnh phúc mà mình đạt được từ thành nhân để tạo bàn đạp tiến tới thành công.

Cái hay của việc trau dồi kỹ năng sống là: những kỹ năng sự nghiệp quan trọng nhất đều được cấu thành từ những kỹ năng sống. Nếu ta thành thục các kỹ năng sống cốt lõi, ta cũng sẽ thành thục các kỹ năng sự nghiệp quan trọng.
Giả sử như bây giờ tôi bắt đầu một công việc kinh doanh online. Những kỹ năng sự nghiệp quan trọng nhất với tôi sẽ là a) Khả năng vượt qua khó khăn trong kinh doanh, b) Kỷ luật bản thân trong công việc và c) Khả năng giao tiếp, kết nối với đối tác và nhân viên. Bạn có thể thấy, nếu như tôi thành thạo các kỹ năng sống, tôi cũng sẽ có thể thành thạo luôn những kỹ năng sự nghiệp này. Nếu như tôi có được khả năng cân bằng cảm xúc, tôi sẽ có thể vượt qua giông bão xảy đến với tôi. Nếu như tôi biết cách xây dựng thói quen và điều độ trong cuộc sống hàng ngày, tôi cũng sẽ dễ dàng có được kỷ luật trong công việc. Và nếu tôi biết cách nắm bắt và thấu hiểu cảm xúc của người khác, tôi hẳn sẽ có thể giao tiếp với đối tác và thu hút nhân viên. Những kỹ năng sống như EQ hay kỷ luật bản thân cũng sẽ là nền tảng để học các kỹ năng sự nghiệp khác như kế toán, marketing, quản lý tài chính. Nếu như tôi có thể kỷ luật bản thân để học tập và làm việc 12 tiếng mỗi ngày, những kỹ năng sự nghiệp kia có gì khó để thành thạo đâu cơ chứ?

Bí quyết của món súp là trau dồi những kỹ năng sống cốt lõi nhất, và nó sẽ giúp bạn thành thục luôn những kỹ năng sự nghiệp thiết yếu nhất. Các nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng các kỹ năng sống như trí tuệ cảm xúc có tác động đến thành công nhiều hơn kỹ năng nghề nghiệp⁵. Ngược lại, nếu ta dành toàn bộ thời gian để trau dồi các kỹ năng sự nghiệp, ta sẽ lại đi vào vết xe đổ của những người nổi tiếng.

Khi viết bài viết này, tôi chợt nhớ về điều mà bố mẹ tôi vẫn hay nói khi tôi còn nhỏ và lười học, “Bố mẹ chỉ mong con học để nên Người.” Nên Người ở đây theo tôi hiểu là có một cuộc sống tốt và có được những đức tính tốt. Cũng như những đứa con ngoan ngoãn khác, tôi ghi lòng tạc dạ lời dạy của bố mẹ trong…3 ngày. Sau đó thì tôi trốn học và đi chơi điện tử.

Khi tôi lớn lên và bắt đầu có một chút trách nhiệm với việc hoàn thiện bản thân mình, tôi lại bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của xã hội và coi trọng thành công hơn hết. Mục tiêu của tôi luôn là cố gắng kiếm thật nhiều tiền. Khát vọng của tôi là trở thành một người giàu có mà khi tôi bước vào công sở, mọi người sẽ dạt sang hai bên mà ngả mũ cúi chào tôi. Và điều ấy sớm dẫn tôi tới vô vàn rắc rối trong cuộc sống.

Tôi cứ ngỡ rằng, bố mẹ mong muốn tôi thành công. Nhưng bố mẹ tôi chẳng bao giờ nói như vậy cả. Bố mẹ tôi chẳng bao giờ bảo rằng, bố mẹ mong con học để trở thành triệu phú dollar, mua một căn nhà ở Ciputra và cuối tuần đưa bố mẹ đi mua sắm ở Tràng Tiền Plaza. Bố mẹ tôi chẳng bao giờ nói như vậy cả.

Ông bà chỉ mong tôi nên Người mà thôi.

Bài viết liên quan:

Tự học (phần 1): Không trông chờ được gì nhiều từ trường học

Tự học (phần 2): Học chủ động thay vì học thụ động

Bạn có thể ghé thăm blog của tôi tại: fb.com/cahoileothac

Tác giả: Vũ Đức Huy

Biên tập: SUYNGAM.VN

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top