Được phóng tác từ bộ tiểu thuyết A Song of Ice and Fire của tác giả George Raymond Richard Martin (George R. R. Martin), “Game of Thrones” đã kết hợp hài hòa nhiều thể loại : kịch tính, cổ trang, thần thoại…
Nhưng vốn dĩ không có một công thức chung cho kiểu tiểu thuyết và phim, rằng xào nấu những câu chuyện lịch sử sống động và hay ho đến đoạn nào thì cho rồng lửa và phép thuật vào khỏa lấp tính thiếu logic và những màn đánh đấm mèo cào ước lệ.
Nói chung, về nội dung, rất khập khiễng nếu đặt Game of Thrones ra so sánh với Lord of the Ring và Tam Quốc Diễn Nghĩa. Nếu là về thế giới huyền ảo thì nó thua Lord of the Ring, mà về tính kinh tế trị quốc thì thua Tam Quốc.
Cho nên cái khéo léo của Game of Thrones là vận dụng cái hay của mỗi gia phái, mỗi thức một chút, cộng thêm kho tàng lịch sử Á Âu vô cùng phong phú và miễn phí.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bernard Cornwell, George R.R. Martin – tác giả quyển sách “A Song of Ice and Fire” (Game of Thrones (GOT) được chuyển thể từ tiểu thuyết này) – cho biết: ” Tiểu thuyết lịch sử và hư cấu vốn là chị em cùng nhà mà thôi.”. Thí dụ rằng chúng ta có thể thấy chút ít kịch của Shakespeare, lịch sử Anh Quốc, các tác phẩm của Machiavellili, và đế chế Mông Cổ.
Do đó, có lẽ chúng ta sẽ không ngạc nhiên lắm khi những quyển sách của Martin cũng phần nào dựa trên các sự kiện lịch sử có thật. Sau đây là một số chi tiết trong phim mà bất cứ nhà sử học nào cũng sẽ cảm thấy quen thuộc.
- Đại chiến giữa sói và sư tử – Stark vs Lannister
Vua Edward III (Anh Quốc) vào năm 1377, cháu nội của ông, Richard III được lên ngôi vua (do con cả đã qua đời trước đó). Chính việc này đã gây nên sự bất bình cho những người con trai khác của vua Edward, từ đó làm dấy lên một cuộc chiến vương quyền phức tạp, rối rắm và kéo dài gần 50 năm giữa hai nhà Lancaster và York.
Cuộc chiến tranh giành quyền lực này còn được gọi là “Cuộc chiến hoa hồng” – vì gia huy của hai nhà là hồng trắng và hồng đỏ.
Sở dĩ “Chiến tranh Hoa Hồng” kéo dài cả nửa thế kỷ và rối rắm như vậy là do sự nhu nhược của vị vua đương thời, và do sự xảo quyệt của hoàng hậu Margaret đầy tham vọng. Bà gần như nắm mọi quyền hành trong tay, điều khiển vua như một con rối.
Nghe quen đúng không? Nhà Lancasters chính là nhà Lannisters, nhà Starks thì được khắc họa dựa trên nhà Yorks, còn người phụ nữ quỷ quyệt kia không ai khác chính là Cersei Lannister.
- Machiavelli
Vào thời Phục Hưng, nhà ngoại giao Machiavelli lỗi lạc xuất chúng nhưng không kém phần mưu mô xảo quyệt, được xem như là đã sáng lập ra nhiều học thuyết chính trị hiện đại. Thời Machiavelli còn trẻ, nước Ý phân chia thành 5 vương quốc lớn : Napoli ở phía Nam, Milano ở phía Tây Nam, Venise (Venezia) ở phía Tây Bắc, Florence (Firenze) và công quốc Giáo hội ở miền Trung. Cuối thế kỷ XV, chính quyền Florence bổ nhiệm Machiavelli làm Ngoại trưởng năm ông 29 tuổi.
Từ những kinh nghiệm ngoại giao và nhất là từ việc chứng kiến các sự kiện lịch sử liên quan tới các triều đại vua chúa thời Phục Hưng, Machiavelli đã rút tỉa nhiều học thuyết có giá trị cho tới tận ngày nay : chẳng hạn như học thuyết cương nhu, cai trị với bàn tay sắt trong chiếc găng bằng nhung (bọc nhung), cứu cánh biện minh cho phương tiện, ngoài các học thuyết tề gia trị quốc, ông còn viết binh pháp và cách dọ thám thu thập thông tin …
Trên nhiều phương diện, bộ tiểu thuyết của George R. R. Martin có những nét giống như nước Ý phân chia thời Phục Hưng, những thủ đoạn hay mưu kế trong Trò chơi tranh giành bá quyền giống như những gì Machiavelli từng nhắc đến, thông qua những sự kiện lịch sử có liên quan tới ít nhất là hai gia tộc : thứ nhất là dòng dõi Medicis, trị vì tại Florence (Firenze) trong hơn ba thế kỷ, từ giai đoạn cực thịnh (thế kỷ XV) cho tới thời kỳ suy tàn (thế kỷ XVII). Gia tộc thứ nhì là dòng dõi Borgia xuất thân từ triều đại Tây Ban Nha, nhưng nhờ mưu kế mà soán ngôi tước quyền Giáo hoàng tại Ý vào thời Phục Hưng (giữa thế kỷ XV).
Chẳng phải có nhiều người cứ nằng nặc Tywin Lannister là hiện thân của Machiavelli đấy sao?
- Đế chế Mông Cổ
Tác giả và biên kịch phim cũng xây dựng đội quân Dothraki với cảm hứng những chiến binh du mục Mông Cổ. Dù có điều ai cũng nhận thấy là quân đội Dothraki đánh đấm theo kiểu bản năng chứ không có chiến thuật như Mông Cổ. Nói chung phim Âu Mỹ thường là vậy, họ khai thác các chiến binh ngoại lai theo một cách nông cạn với công thức Barbarian cởi trần đóng khố, và chuyện khí tài quân sự thời trung cổ cũng như bày binh bố trận thì luôn chìm dưới tình cảm trai gái và đam mê quyền lực.
Và còn đoàn 1000 chiến thuyền của Euron Greyjoy nữa. Có thể thấy sự nhào nặn tài tình của biên kịch. Họ có thể đem kị binh Mông Cổ ra để “buff” cho Mẹ Rồng, nhưng không quên đem hải quân Mông Cổ đưa cho phe Lannister để cho cân thế trận.
Nguồn cơn chính là từ cuộc chiến Tống và Mông Cổ dưới thời Hốt Tất Liệt.
Đại Hãn Mông Cổ Hốt Tất Liệt không chỉ chinh phục Trung Quốc bằng gót sắt quân đội, mà chủ yếu thông qua chính sách thuế và thương mại thông minh, cùng các biện pháp tiếp xúc chính trị linh hoạt.
Cuộc chiến giữa triều đình Tống và Mông Cổ kéo dài 44 năm (1234-1279), kéo dài nhất trong lịch sử chinh phục của người Mông Cổ. Trong khi phe Tống không có lực lượng kỵ binh tinh nhuệ, họ tự tin sở hữu hải quân hùng mạnh nhất. Sự thống trị của các hạm đội Tống trên phần lớn vùng nước ở miền Nam Trung Quốc cho phép họ cầm cự hết lần này đến lần khác các đợt tấn công của Mông Cổ.
Hốt Tất Liệt xoay chuyển tình hình khi lên nắm quyền vào năm 1260, kế vị anh trai mình là Mông Kha – người thiệt mạng trong một chiến dịch ở Trung Quốc. Ông ta mạnh tay giảm thuế cho các tàu buôn chấp nhận sử dụng các cảng do Mông Cổ quản lý làm “cảng thường trú”. Các điều khoản thương mại được đơn giản hóa.
Lịch sử ghi nhận thuế xuất quan qua cảng của Hốt Tất Liệt chỉ chiếm 3-5% tổng giá trị hàng hóa, so với mức 10-30% tại nhiều cảng khẩu khác. Trong khi đó, triều đình Tống có quyết định sai lầm khi ra lệnh tăng thuế và buộc giới thương nhân phải đưa tàu qua các “điểm dịch vụ” của chính quyền. Một tỉ lệ lớn nhà buôn Trung Quốc, cùng với toàn bộ đội tàu của họ, đã lựa chọn đi theo Mông Cổ. Chỉ trong vài năm, đế chế du mục xây dựng được đội tàu chiến quy mô hơn mọi đối thủ. Cuộc chinh phạt của Hốt Tất Liệt mở màn bằng chuỗi thắng lợi trên mặt nước trước quân Tống.
“Cuộc chiến của Hốt Tất Liệt với Tống sẽ giậm chân tại chỗ nếu không có sự tiếp sức từ lực lượng hải quân Trung Quốc đào ngũ,” nhà sử học James Waterson viết: “Khán giả có thể bất bình trên phim về chuyện làm thế nào Euron Greyjoy đẻ ra 1000 chiến thuyền ở cái hòn đảo chó ăn đá gà ăn sỏi như vậy. Cũng đúng thôi, do thời lượng gấp rút và phong cách làm phim, nên các nhà biên kịch không thể cho chúng ta thấy cụ thể tường tận mọi thứ được.”
- Thép Damascus
Tác giả George R. R. Martin từng dựa theo một loại thép nổi tiếng có thật là Damascus để sáng tạo nên Valyrian nói chung và thanh kiếm Lightbringer của Azor Ahai nói riêng. Damascus là một loại thép được lấy tên theo thủ đô của Syria, nổi tiếng với đặc tính cứng rắn, bền chắc và có những hoa văn độc đáo của mình. Có một truyền thuyết hoang đường về gươm làm bằng thép Damacus là trong quá trình rèn nó người ta cần đâm xuyên qua một người nô lệ.
Trong tiểu thuyết Azor Ahai đã có ba lần rèn kiếm.
Lần thử đầu tiên, Azor Ahai rèn kiếm suốt 30 ngày đêm, nhưng khi anh ta đặt thanh thép còn nóng đỏ vào nước để làm nguội thì nó vỡ vụn thành từng mảnh.
Lần thứ hai, Azor Ahai rèn kiếm trong 50 ngày đêm, và làm nguội bằng cách bắt một con sư tử sống và đâm thanh kiếm nóng đỏ vào tim nó. Tuy nhiên, lại một lần nữa thanh kiếm bị vỡ tan. Azor Ahai rèn thanh kiếm thứ ba suốt 100 ngày đêm. Sau khi rèn xong Azor Ahai đâm thanh kiếm nóng đỏ xuyên thẳng vào tim vợ mình là nàng Nissa Nissa. Linh hồn của Nissa Nissa, hòa quyện với lòng dũng cảm của Azor Ahai đã truyền vào thanh thép, tạo nên thần kiếm “Kẻ Mang Ánh Sáng” (Lightbringer). Về sau, thanh kiếm này đã giúp Azor Ahai đẩy lui đại họa Bóng Trắng, đem mùa xuân và sự sống trở lại với nhân loại.