dippy-landscape-1

Những điều kỳ diệu ở London

Tôi viết tiếp về London sau 2 năm. Bài London đầu tiên tôi viết chủ yếu là phù hợp mục Scent, nói về một thế giới mùi hương ẩn dật nơi xứ sở sương mù. Lần này, sau hơn 2 năm với khoảng trên dưới 30 ngày lê la ở London và các thành phố phụ cận, tôi quyết định viết tiếp về London.

Bạn tôi khi thấy tôi khoe là sẽ (lại) về London vài ngày, bắt chước thói xấu của tôi, sờ tay lên trán “khổ chủ”, mục đích xem tôi “sốt” cao ra sao. London là vậy. Càng thân thuộc nơi này, tôi lại càng thấy háo hức. Mỗi khi có dịp quay lại London, tôi lại “phát cuồng” đến không thể kiềm chế.

Điều tuyệt diệu đầu tiên, ấn tượng nhất, đập ngay vào mắt, đó là tình hình Gay-Les Friendly ở London

8598446

Thế kỉ XXI không có nghĩa mọi quan điểm đều xứng tầm ở thời điểm hiện tại. Tôi đi lê la mấy nước châu Á, cụ thể là Hàn Quốc hiện đại, hốt hoảng sao không thấy người đồng tính. Tính tôi ưa thắc mắc, bèn túm lấy một cô bạn Hàn Quốc thân, và hỏi vấn đề “tế nhị” này. Cô nói xã hội hiện đại nước cô không chấp nhận vấn đề đồng tính. Ở Hàn Quốc, đồng tính gần như là vấn đề tối kị, không ai muốn bàn tới. Nó không xấu xa như ngoại tình, nhưng còn nghiêm trọng hơn ngoại tình. Cô kết luận, cơ bản ở Hàn Quốc, người đồng tính sẽ phải ẩn nấp, không công khai xu hướng tình dục của mình. Tôi nghe mà thấy như ở xứ đạo Hồi cực đoan.

Quay lại London, tôi nghĩ đây là môi trường sống lý tưởng cho những người đồng tính. Trong số những thành phố tôi có dịp đi qua, có lẽ London là nơi thân thiện, thanh lịch và cởi mở nhất. Người lạ đến London có thể thấy người đồng tính hiện diện khắp nơi. Họ tồn tại, sống, yêu, làm việc, hưởng thụ… và tự hào vì mình là người đồng tính. Tôi quan sát thấy ở London, hình như không ai sợ người đồng tính, mọi người ở London nhìn nhận vấn đề đồng tính tự nhiên như hơi thở, như một màu sắc khiến cuộc sống này đa dạng hơn. Tôi xếp hàng đi Natural History Museum, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London, thấy trước mặt một đôi tình nhân nắm tay nhau hăm hở hạnh phúc xếp hàng giống mình đi hưởng thụ văn hóa. Tôi đi tung tẩy mua sắm ở khu Convent Garden cũng gặp nhiều đôi đồng tính hạnh phúc ăn mặc tông xuyệt tông dẫn nhau đi mua sắm. Tôi không biết, liệu có phải London cởi mở nên có nhiều người đồng tính đến thế. Họ không phải khép mình, không phải “giả vờ”, nên họ dám sống, dám yêu, và hưởng thụ.

Stud Life poster small

Nếu có thể, bạn nên đến London ít nhất một lần ,để cảm nhận cuộc sống văn minh hài hòa nó đẹp và đa dạng thế nào. Tôi dám cá, hẳn không ít bạn đọc sẽ thất vọng khi thấy điều tuyệt diệu đầu tiên về London tôi thổ lộ, lại là “vấn đề” này. Nhưng nếu bạn rộng lòng hơn, và điềm tĩnh suy xét, bạn sẽ thấy lợi ích của việc chấp nhận để đa dạng. Một xã hội văn minh biết nhận ra đâu là điều tốt đẹp để dung nạp thì hẳn sẽ nhận được nhiều lợi ích đến không ngờ. Không chỉ riêng vấn đề đồng tính, mà còn vấn đề màu da, sắc tộc… Nếu một con người được chấp nhận và tôn trọng, tôi nghĩ người ta sẽ biết cách sống tốt hơn, bớt bệnh hoạn đi, sẽ biết cống hiến nhiều hơn, hành động tích cực hơn.

Đó chẳng phải là điều tuyệt diệu giản dị nhất sao: Con người ta được Sống đúng nghĩa!

Điều tuyệt diệu thứ hai, cực kì nghiêm túc, làm ơn hãy Sờ trong viện bảo tàng, 100% Free!

Thực ra, nhà mình cũng có một vài bảo tàng giá trị và hấp dẫn. Tôi nhớ ở Hà Nội có bảo tàng Dân Tộc Học. Nơi này khuôn viên rộng, lại có nhiều hoạt động văn hóa bổ ích. Và tất nhiên là mất tiền. Tôi vừa vào website của bảo tàng Dân Tộc Học. Giá vé vào cửa là 40.000đ, chưa kể các phụ phí linh tinh kiểu vé gửi xe rồi này nọ kia.

natural-history-museum-1536
Bên ngoài bảo tàng lịch sử tự nhiên.

Tôi sang Pháp, mê mải Paris. Paris thì nhiều bảo tàng rồi. Quen thuộc nhất là bảo tàng nghệ thuật Lourve, rồi cơ man nào các bảo tàng to nhỏ khác. Như tôi đã nói ở bài viết Tìm gì ở Paris, nước Pháp không cho không ai cái gì. Giá vé vào các viện bảo tàng ở Pháp thường khá đắt đỏ.

Đến London, tôi lại choáng ngợp vì mật độ phủ sóng của các viện bảo tàng. Cái nào cũng to cũng đẹp cũng cầu kì cũng gợi sự tò mò lớn. Và đặc biệt, hầu hết là miễn phí. Tôi vốn nghiện facebook, đi đâu cũng ngó nghiêng xem chỗ nào “tiếng tăm” chút, mò tới, check-in phát, rồi làm gì thì làm. Ở London có một viện bảo tàng mà hầu như ai cũng phải tới, nhất là khách du lịch. Bảo tàng này, tôi đã nhắc ở phần Gay-Les Friendly, bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, Natural History Museum (NHM). Trước, giống như đa số người Việt, tôi chả quan tâm bảo tàng. Có lẽ bị ấn tượng, bảo tàng là nơi chỉ toàn tủ kính chi chít biển Cấm Sờ. Vừa khô khan vừa xa cách. Lý do duy nhất khiến tôi mò tới NHM là vì bộ phim Night At The Museum, Đêm ở viện bảo tàng của Ben Stiller. Tôi trân trọng và yêu thích Ben Stiller bởi Night At The Museum chỉ là một bộ phim thuần giải trí nhưng lại khiến cho một kẻ hờ hững với viện bảo tàng như tôi phải mò tới NHM.

Có lẽ không đâu như bảo tàng có bộ xương khủng long hoành tráng này, người ta phải xếp hàng từ sớm. Tôi lò dò đến lúc 9.30 sáng, đã thấy lố nhố tầm vài ba chục người . 10 giờ bảo tàng mới mở cửa. Thứ hai đầu tuần, đoàn người xếp hàng vào bảo tàng dài đến 200m có lẻ. Giờ vàng đã điểm, tôi háo hức vào NHM chiêm ngưỡng bộ xương khủng long khổng lồ hệt như trong phim Đêm ở Viện bảo tàng. Mò mẫm từ khu này sang khu khác, tôi phát hiện ra NHM còn có xương của đủ loại động vật khác, chứ không chỉ có xương khủng long.

dippy-landscape
Đừng ngại! Hãy sờ đi!

Đặc biệt hơn, bảo tàng có nhiều mẫu vật hóa thạch được trưng bày một cách… mời gọi nhất, kèm theo biển báo khẩn khoản người xem “Please Touch!”, tiếng Việt nghĩa là ” Sờ thử cọi!” Tâm lý con người cơ bản là giản đơn mâu thuẫn đến mức phì cười. Cái gì càng cấm thì lại càng muốn làm. Cái gì mời gọi thì đâm ra ừ hữ. Tôi nhìn thấy nhiều bảng mời sờ quá, đâm ra…ngại. Không dám động chạm sờ vào quá nhiều thứ. Vả lại, sờ nhiều quá rồi, đến mỏi cả tay. Ở khu trưng bày các hóa thạch, tôi thấy có biển mời sờ vào phiến đá dị kì nhìn như… hàm răng một loài vật khổng lồ đã bị tuyệt chủng nào đó, trông rất tò mò và… tươi rói. Tươi đến độ tôi… chẳng dám sờ.

London không chỉ có NHM là miễn phí. London còn có những “báu vật” miễn phí khác cũng lôi cuốn không kém như: TATE Modern, British Gallery, Science Museum… Tôi chả muốn liệt kê thêm. Vì mỗi địa danh này, nhẹ nhàng qua loa cưỡi ngựa xem hoa thì cũng phải mất ít nhất nửa ngày để hoàn thành rồi. Chúng ta thì cần phải cho quan phần Sờ ở viện bảo tàng, để bước sang điều tuyệt diệu thứ ba.

Điều tuyệt diệu thứ ba, KHÔNG GÌ CẢ!

Đó là câu trả lời của tôi khi ở nhà có người hỏi tôi sang London sẽ ăn đặc sản gì? Nhật thì nào là ramen, tempura. Hàn Quốc thì kimchi rồi cơm trộn. Việt Nam thì lại càng nhiều đặc sản: thịt chó (tôi đùa thôi, nói thật lòng, tôi hi vọng độc giả Mann up bạn đọc mục Scent không ai “mọi rợ” đến mức ăn thịt chó thịt mèo thịt cò óc khỉ), bún chả, phở, nem, bánh mì.

full-english-breakfast1
Bữa sáng kiểu Anh.

London, quen thuộc nhất, chả nhẽ lại nhắc đến English breakfast? Nhắc đến bữa sáng, tôi nghĩ châu Á chúng ta, đặc biệt là Việt Nam, có quyền tự hào về một bữa sáng đa dạng, lôi cuốn, và ngon miệng hơn hẳn so với bữa sáng của các nước châu Âu. Chúng ta có đủ loại bún các loại phở, nhiều loại miến, vô vàn loại bánh mì, đa dạng loại cháo. Mùa nào thức nấy. Nếu bạn là người Anh, bạn sống ở Anh, bạn sẽ không có được “đặc quyền” vậy. Bữa sáng của bạn sẽ chỉ là English breakfast. Nếu muốn đổi món, bạn có thể ăn mấy loại đồ ngũ cốc sấy khô chan với sữa. English breakfast cụ thể thế nào, tôi xin phép được chèn vào bài viết một tấm ảnh.

Thịt heo này, ít nấm, ít đậu, trứng, cà chua, xúc xích. Kèm theo cốc nước quả hoặc trà. Thế là thành English breakfast. Cứ ăn sáng kiểu này từ ngày này qua tháng nọ bất di bất dịch chắc tôi ngất lịm mất. Các nơi tôi có dịp đi qua, có lẽ nước Anh có bữa sáng đặc trưng và “bảo thủ” nhất. Bữa sáng ở nhiều khách sạn London thường đúng kiểu Anh như thế này: ít lựa chọn, và giống nhau một cách đáng kinh ngạc.

john-lewis-jubilee-tea-539

Nhắc đến trà, nhà mình dạo này đang có mốt trà chiều khá xa xỉ và “ảo diệu”. Một ấm trà thảo dược thơm thơm. Điểm vài cái bánh ngọt. Quán xá xinh xinh nửa cung điện nửa phòng ngủ công chúa. Ngồi checkin chụp ảnh. Đến lúc tính tiền giật mình vì giá đắt kinh hồn. Trà chiều, khởi nguồn từ Anh quốc, là thú vui xa xỉ. Có lẽ, thay vì thưởng thức bữa sáng kiểu Anh chóng chán, chúng ta nên chịu khó đợi đến giữa chiều, để thưởng thức trà chiều. Món này thì tôi thấy xứng đáng ít nhất một lần bỏ hẳn vài ba tiếng buổi chiều du lich quý giá, cùng kha khá tiền, để thưởng thức. Nhất là khi bạn hảo ngọt, và mê trà.

Trong quá trình chờ đợi từ sáng đến lúc trà chiều, nếu đói, nước Anh có thêm một món truyền thống nữa, Fish & Chips. Đúng như cái tên giản đơn, món ăn gồm cá chiên và khoai tây chiên. Tôi vốn chẳng thích ăn cá. Nên tôi không viết nhiều thêm về món này đâu. Nếu bạn tò mò, tôi xin phép chèn tấm hình Fish & Chips cho dễ hình dung.

fish-and-chips-20140304195514
Đồ ăn nhanh kiểu Anh – Fish and Chips.

Thú thực với bạn, mấy món vừa liệt kê, tôi… chả mê món nào. Liệt kê vậy cho đúng mô tuýp một bài viết kiểu du lịch, cho đúng chất đủ vị. Đồ tây tôi mê lắm, nhưng tôi chỉ nghiện bữa sáng kiểu Việt. Trà tôi cũng mê, nhưng tôi không quen với kiểu trà hoàng gia đến mức này. Cá tôi cũng mê, nhưng tôi chỉ thích cá theo phong cách Nhật Bản thôi.

Giờ là lúc tôi “sống thật”.

Ở London, bạn phải đi bar. Tôi khẳng định đấy. Có thể, bạn đánh giá người viết bài là kiểu người sống gấp, ưa hưởng thụ, bản năng, và là… tấm gương tối. Tôi không quan tâm. Tôi quan niệm, đừng bao giờ cho phép mình già cỗi. Tôi gặp nhiều người trẻ nhưng sao thấy như… hấp hối. Có thể do họ không có gì, cũng có thể họ chỉ có mỗi tiền. Họ bi quan và chán chường đến mức đáng thương hại. Quay lại chuyện đi bar, tôi khẳng định lại, bạn phải đi bar ở London.

Chuyện bar sàn ở Hà Nội thì rõ là bi hài. Sài Gòn thì đỡ cám cảnh, tươi vui và đa dạng hơn. Các nước châu Á, đặc biệt là Nhật thì rộn ràng hơn hẳn. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm cá nhân, tôi đánh giá bar ở London là vui nhất. Ở London, mọi ngày đều như cuối tuần. London có nhiều khu bar sàn. Nhưng vui nhất, khách… đẹp và đa dạng phong cách nhất, thì hẳn là Soho. Soho là “điểm nóng”. Và bạn (hầu như) có tất cả ở Soho: các quán ăn ngon, các rạp hát, các nhãn hàng thời trang… và tất nhiên, không thể thiếu, một khu bar-pub vui vẻ.

1259003068J__ger_Bomb_Halo

Ở Sài Gòn, người ta có thể ngồi pub từ khoảng 3-4 giờ chiều. Giờ này thường có khuyến mại Happy Hour, giảm giá đồ uống. London cũng vậy, bạn có thể “hưởng thụ” đủ loại cocktail từ chiều hôm trước đến… chiều hôm sau. Chúng tôi lê la từ bar này sang bar khác, uống Jager bomb, loại cocktail “điên loạn” rất thịch hành ở London, tối muộn thì vào các Discotheque để nghe nhạc Anh và đung đưa. Ở Soho, mọi người vui vẻ với nhau, chả ai đánh giá ai qua ngoại hình, bạn đẹp hay xấu thì cũng luôn ít nhất có một ai đó để ý và mỉm cười làm quen với bạn. Ở Soho, không ai chung thủy một bar một pub một Discotheque. Những người xa lạ đến Soho, uống, rồi làm quen, rồi lại tìm những bãi đáp mới, uống, rồi lại làm quen, và cùng khám phá mọi Discotheque. Chiều rồi đến đêm. Đêm rồi lại sáng. Khi người ta vui, thời gian trôi nhanh như một cái chớp mắt.

Tất nhiên, điều tuyệt diệu không chỉ dừng lại ở con số 3. London còn kì diệu trong việc chuyển hóa nhiều bộ phim Holywood đặc sắc thành nhạc kịch. London, hay cả Anh quốc, khiến cả thế giới mê mẩn bởi chất nhạc British rất riêng và lôi cuốn. Tuy không có món ăn nào thực sự đặc sắc đặc trưng, nhưng người ta hoàn toàn có thể mãn nguyện với một London hội tụ đủ mọi phong cách ẩm thực không thể không xuýt xoa.

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top