297585955_3303624286537905_6890074404898016040_n

Nghịch lý của tâm thức: Tâm hồn già và tâm hồn trẻ thơ

Khi bạn tu tập tâm linh, bạn đang tiến về vùng đất của những tâm hồn già cỗi, nhưng đồng thời cũng đang bước vào địa đàng của trẻ thơ. Đây là nghịch lý, nhưng thật ra chỉ là hai biểu hiện của cùng một trạng thái tâm thức.

Nếu bạn quan sát những người lớn tuổi, bạn thấy được vẻ điềm đạm bên trong họ. Tồn tại một thứ gì đó rất sâu thẳm và từ tốn. Đó là những biểu hiện từ vết hằn của thời gian bên trong tâm thức. Họ biết rằng một thứ gì đó đến rồi lại đi. Quãng thời gian tồn tại đủ lâu đã cho họ biết điều đó. Họ không còn quá vồ vập và phấn khích quá mức vì một điều . Một phần vì họ biết mọi thứ đều vô thường, một phần vì họ muốn thưởng thức từng khoảnh khắc của sự tồn tại.

Nếu bạn tu tập tâm linh, bạn cũng dần tiến đến những phẩm chất đó. Tu tập tâm linh dạy cho bạn cách buông bỏ những dính mắc. Buông bỏ khiến cho bạn nhẹ nhàng và điềm đạm. Bạn không còn phản ứng quá mức với một sự kiện nào đó nữa. Thay vào đó, bạn chậm rãi quan sát và đón nhận chúng, nhìn ra bản chất của chúng, và trí tuệ cũng phát sinh từ đây. Một người càng điềm đạm thì càng trở nên sáng suốt và thông thái. Mặc dù trạng thái lão hóa của cơ thể và vết hằn của thời gian sẽ dễ đưa một người đến trạng thái đó hơn, nhưng không hẳn cứ phải già đi bạn mới có thể ở trong trạng thái đó. Nó có thể xuất hiện trong cơ thể của một người trẻ, mặc dù ở đó năng lượng căng tràn và đôi khi sốc nổi. Nhưng nếu anh ta đủ buông bỏ, kỷ luật và phát triển về mặt tâm hồn, nét điềm đạm và thông tuệ sẽ hiện trên khuôn mặt anh ta.

Và ở trạng thái tâm thức đó, chúng ta cũng có thể là một đứa trẻ thuần khiết. Hầu hết đứa trẻ này đã biến mất khi chúng ta ở độ tuổi trưởng thành – khi tâm trí bắt đầu hấp thụ những toan tính và khuôn mẫu từ xã hội. Chúng ta có thể thấy những khuôn mặt cau có nghiệm trọng hóa mọi thứ từ người lớn, họ không có vẻ gì là một đứa trẻ cả. Họ chẳng thể sống trong hiện tại, họ không thể thưởng thức một điều gì. Tất cả quãng thời gian họ dành để sống bên trong tâm trí của họ. Hoặc họ có thể thưởng thức được một chút thực tại, nhưng không lâu sau đó, họ nhanh chóng bị xao lãng bởi dòng thác suy nghĩ đang cuồn cuộn bên trong.

Đây là cái chúng ta thực tập trong thiền định – học cách để trở thành một đứa trẻ. Khi đó, chúng ta hoàn toàn kết nối với thực tại mà không bị bất cứ một suy nghĩ liên miên lan man nào cuốn đi. Nếu bạn quan sát những đứa trẻ đang tập trung vào thứ đồ chơi của chúng, chúng thật sự là những thiền sư. Chúng hoàn toàn chánh niệm và không mảy may có bất kỳ sự mất tập trung nào. Chúng ăn và chúng chỉ ăn, chúng chơi và chúng chỉ chơi, chúng tập trung và chúng chỉ tập trung. Và chúng rất vui vẻ với tất cả những điều đó. Người lớn chúng ta cũng có thể như vậy. Đứa trẻ thích khám phá và tò mò trong chúng ta không mất đi, chỉ là chúng ta đã lãng quên nó, hoặc không nhận ra rằng chúng ta vốn vẫn luôn là nó.

Một điều khác nữa bạn có thể thấy ở trẻ thơ là chúng xem mọi thứ rất nhẹ nhàng. Chúng không quan trọng hóa bất kỳ điều gì. Quan trọng hóa mọi thứ là thói quen của bản ngã. Bản ngã cần quan trọng hóa một thứ gì đó để khiến nó trông có vẻ siêu việt hơn kẻ khác. Khi cái tôi cho rằng thứ nó làm là quan trọng, nó mới có thể chứng tỏ sức mạnh của nó. Nhưng trẻ thơ thì không, chúng nghiêm túc với những thứ chúng chơi và sáng tạo, chúng vui vẻ và khám phá nó, nhưng chẳng bao giờ quan trọng hóa những thứ mà chúng tạo ra. Chúng thích trải nghiệm hoàn toàn thực tại mà chúng tham gia thay vì ám ảnh về những thành tích trong đầu chúng.

Đó là một góc nhìn của một vị Thánh, ở đó, vũ trụ chỉ đơn thuần là một giấc mơ – và là một trò đùa lớn. Vũ trụ được tạo ra chỉ vì mục đích sáng tạo. Và theo quy luật thành trụ hoại diệt, vũ trụ hay thế giới một ngày nào đó cũng sẽ qua đi. Điều duy nhất có thật và là nền tảng của mọi biểu hiện chính là Tâm Thức. Giống như triết gia vĩ đại Adi Shankara nói “Vũ trụ là ảo, chỉ có God là thật”.

Xem vũ trụ như một trò đùa không đơn giản là việc buông thả và hời hợt của ego. Nghịch lý là, để xem thế giới như một trò đùa, bạn cần rất nhiều luyện tập và thực hành. Bạn không thể xem thế giới như một trò đùa dưới góc nhìn của một bản ngã. Bản ngã không thể làm điều đó, vì một thứ ảo tưởng nhỏ bé không thể phủ định một ảo tưởng vĩ đại. Một giọt nước không thể phủ định một làn sóng, chỉ có đại dương mới có thể làm điều đó. Để xem thế giới là một trò đùa, bạn cần nhận ra bản chất đích thực vĩnh cửu và phổ quát của bạn. Điều này yêu cầu rất nhiều sự dũng cảm, buông bỏ, yêu thương và hy sinh. Nó không chỉ đơn thuần là sự ích kỷ của bản ngã.

Từ góc nhìn đó, bạn có thể cười, một nụ cười hỷ lạc của niềm vui sáng tạo, đó là nụ cười của Phật Di Lặc – là biểu tượng từ niềm vui của Thượng Đế. Điều này dạy cho chúng ta rằng chúng ta đến với cuộc sống này để sáng tạo, vì niềm vui và tình yêu thương, thay vì bạo lực, mâu thuẫn, ích kỷ, hay tất cả những đau khổ mà chúng ta đang dày xéo cho nhau.

Tuy nhiên, trở thành đứa trẻ hay một tâm hồn trưởng thành không phải là điều dễ dàng. Nó yêu cầu một bước dịch chuyển tâm thức đủ lớn. Khi bạn đủ buông bỏ những dính mắc trong tâm thức, mọi thứ bỗng dưng trở nên nhẹ nhàng, và bạn điềm đạm hơn. Tâm thức của bạn không còn bị thắt nút vào một đối tượng nữa, nó bắt đầu giãn nở. Và với sự rộng mở đó, năng lượng, niềm vui và thực tại mới có thể tràn vào. Bạn cảm nhận được sự sống động và màu nhiệm của cuộc sống.

Sự thông thái và điềm đạm của một linh hồn trưởng thành lẫn sự thuần khiết và niềm vui của trẻ thơ thực ra chỉ là hai mặt của một tâm thức đang ở tần số rung động cao. Bạn đều có thể là hiện thân của cả hai, chúng không hề đối nghịch nhau. Những chúng có thể thiếu khuyết về mặt biểu hiện bên trong một cơ thể.

Khi còn bé, bởi vì cơ thể và tâm trí còn quá non nớt, sẽ không đủ phát triển để biểu hiện sự thông minh và óc quan sát. Còn khi đã già, cơ thể ấy không còn đủ sức để truyền tải khối năng lượng bên trong. Vậy nên thời gian để tu tập tốt nhất là khi bạn còn trẻ, nơi cả tâm trí, cơ thể và năng lượng đều đang ở mức tốt nhất.

Chúng ta đã phí quá nhiều kiếp sống để lẩn quẩn trong khổ đau và ảo tưởng. Việc quan trọng nhất cuộc đời mỗi người đó chính là nhận ra Bản Chất Thật Sự của bạn. Nó không yêu cầu bạn phải đạt được một điều gì đó mới, nó yêu cầu bạn ở lại với những gì vốn luôn ở đó. Khi đó, cuộc sống của Bạn mới bắt đầu.

Tác giả: Kyogi
Photo: Senjuti Kundu – Unsplash

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top