Liệu hằng ngày chúng ta đã làm chủ được tâm trí (mind) của chính mình chưa? Liệu bạn có thể dừng suy nghĩ của mình lại thay vì cứ để cho tâm trí chạy đuổi theo các vấn đề liên miên không dứt? Tâm trí là một con khỉ hiếu động, không làm chủ tâm trí giống như bạn không làm chủ được đôi chân của mình, mặc dù bạn muốn nghỉ ngơi nhưng đôi chân ấy cứ nhảy múa hoài không thôi.
Linh hồn là quan trọng nhất, tâm trí chỉ là công cụ để bạn sử dụng, khi bạn không làm chủ được tâm trí, nó sẽ thao túng và hành hạ bạn thay vì sử dụng nó một cách hiệu quả.
“Con người cần sử dụng tâm trí để giải thoát chính mình, chứ không phải để thoái hóa. Tâm trí vừa làbạn vừa là thù của linh hồn. Đối với người đã chế ngự được tâm trí, nó là bạn tốt nhất. Còn đối với kẻ chẳng làm được điều đó, nó là kẻ thù ghê gớm nhất. Người chế ngự được tâm trí là người đã đạt tới Linh Hồn Tối Cao vì anh ta đã tìm thấy sự bình yên. Đối với người đó, sướng hay khổ, nóng hay lạnh, vinh hay nhục đều như nhau.” – Đức Krishna (Chí Tôn Ca, 6:5-7)
Đọc và trau dồi kiến thức về các vấn đề tâm linh, triết học là cần thiết, tuy nhiên, nếu không thực hành thì cũng vô ích khi tất cả chỉ để làm dày thêm bức tường tâm trí thay vì vượt qua nó để tìm thấy sự bình an. Kiến thức mà không biến thành trí tuệ thông qua trải nghiệm và thực hành, như ăn đồ ăn mà không tiêu hóa, sớm muộn cũng bị bội thực và rối loạn, đi sai mục đích ban đầu. Giống như câu chuyện hai người đàn ông đang so đo với nhau xem ai khiêm tốn hơn. Hay mâu thuẫn của việc “Suy nghĩ về cách để dừng suy nghĩ”. Tất cả chỉ là một vòng lẩn quẩn không có tiến triển khi không có sự thực hành.
Đây là bài mình góp nhặt các comment của chị Hòa, anh Huy (Founder SUYNGAM.VN) và anh Tú Nguyễn trong một Topic tại SUYNGAM.VN Deep Club về cách tĩnh lặng tâm trí.
Cách 1: Mình chia sẻ một cách tĩnh lặng ngay lập tức, đó là truy vấn Chân Ngã. Hãy đặt câu hỏi: “Ai đang nghĩ?” Hoặc “Cái gì đang thấy những suy nghĩ?” Tat tvam asi: You are That.
“TAT TVAM ASI. (Tiếng Anh: You are That. Tiếng Việt: Bạn chính là Nó / Cái Đó.) Ý nghĩa của câu nói này là Chân Ngã (bản chất đích thực của mỗi người), trong trạng thái nguyên thủy, tinh khiết của nó, thì hoàn toàn tương đồng với Thực Tại Tối Hậu (aka God), nền tảng và nguồn gốc của mọi hiện tượng.” – Huy Nguyen, “Tat Tvam Asi: BẠN chính là NÓ – BẠN cũng chính là điều bạn đang tìm kiếm” (bit.ly/2ZMZ1Iw)
Cách 2: Thiền 30’ vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, và 30’ vào buổi tối trước khi đi ngủ, bạn sẽ còn phải làm quen với một thời gian tâm trí huyên náo, nhưng nó chỉ là cơ chế tự nhiên vận hành. Điều quan trọng trong quá trình tĩnh lặng cho riêng mình đó là hãy nhận biết, nhận biết mọi thứ và tất cả các tiếng động xung quanh: tiếng xe máy bắt đầu chạy trên đường, tiếng quét sân, tiếng lá rụng, tiếng chim, … đấy là nhận biết và không cần thêm bất cứ dữ liệu nào, chỉ lắng nghe, mỗi khi tâm trí bắt đầu loay hoay tạo ra những câu chuyện hãy tập trung vào hơi thở. Thiền là cách đơn giản và dễ nhất để trượt vào khoảng trống, thông điệp sẽ đến lúc thích hợp trong khoảng trống đó.
Cách 3: Hãy giữ im lặng nhiều nhất có thể trong ngày, nếu không có việc gì để phải nói ra bằng lời hãy giữ im lặng. Nhiều người không quen với thực tập này sẽ thấy đối thoại nội tâm tuôn ra nhiều hơn, nhưng chỉ cần 2-3 ngày liên tiếp kiên trì thực hiện, nếu giữ im lặng cho cả một ngày là khó quá thì bạn có thể đặt cho mình là khoảng 2-3 tiếng thôi. Giữ im lặng ở đây cũng đồng nghĩa với việc bất cứ tình huống nào xảy đến với mình dù nó tồi tệ theo cách nhận xét thông thường bạn cũng không phân tích, không chỉ trích, không phán xét tình huống đó, dần dần những đối thoại nội tâm, những suy nghĩ miên man sẽ lắng đọng, vì tâm trí biết rằng dù nó có huyên náo thế nào thì cũng không thể vượt qua được sự quan sát của bản thể, tức Chân Ngã của bạn. Đôi lời chia sẻ, và chỉ có thực hành mới chứng nghiệm được những gì mình nói với bạn. Mình vẫn thực hiện nó hàng ngày, một lúc nào đó thấy trời xanh hơn, cây cối tràn đầy sức sống hơn thì đó là lúc vũ trụ đang trải nghiệm chính mình.
Bài liên quan
- Tại sao chúng ta cần tĩnh lặng?
Tác giả: Bá Kỳ