kung-fu-panda-3-trc3a1i-ce1baa7n-chc3adn-thc3aam-chc3bat-ne1bbafa-1

Kung Fu Panda 3 – Trái cần chín thêm chút nữa

tumblr_inline_nuze9zT0k21s09z1b_1280Sau 5 năm vắng bóng, Kung Fu Panda đã quay trở lại với cuộc hành trình hoàn toàn mới lạ của chú gấu trúc Po. Tất cả những sự kiện diễn ra trong bộ phim đã diễn tả một bước ngoặt quan trọng, có thể gọi là bậc nhất trong cuộc đời của anh chàng mập ú này. Vì sao tôi lại nói như vậy? Vì bộ phim đã cho thấy góc nhìn tâm linh của Po đã đạt đến điểm POW – Thần Long Đại Hiệp – nơi sứ mệnh được nhận ra và thành tựu. Điều đáng quan tâm đó là Kung Fu Panda 3 đã thể hiện chuyến đi ấy như thế nào mà thôi. Mặt trăng chỉ một, nhưng ngón trỏ cả ngàn. Cùng xem bộ phim có ngón gì ha!

Tóm tắt sự kiện nổi bật trong Kung Fu Panda 3 có vài ý sau: Po đã gặp lại được người cha ruột thịt của mình; với sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, cậu đã tìm ra sức mạnh tột cùng, đánh bại được Kai (kẻ đi cướp “khí” của người khác để có thể trở thành mạnh nhất thế giới với mục đích bá chủ thiên hạ.)

Một câu hỏi được đào bới nhiều nhất trong bộ phim đó là “Who am I?” Tất cả các nhân vật đều hành động để hướng về chìa khóa cho câu hỏi muôn thuở ấy. Khi khai thác chúng ở lớp bề mặt, khán giả sẽ tạm thời nhận ra được thông điệp là: “Hãy làm những gì mình thích và làm hết khả năng ở đó. Mọi người đều có cá tính riêng biệt cần được tôn trọng để bản thân có thể phát huy được tiềm lực tối đa.” Khi ở phần ngọn này, Po đã làm thầy dạy mọi người: Lần đầu tiên cậu áp đặt họ theo cách mình biết là họ nên làm như thế – thất bại, lần thứ hai cậu khuyến khích động viên họ đi theo bản năng, tiềm năng, kĩ năng của bản thân – thành công. Tuy nhiên, việc trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?” này vẫn chưa phải là mức độ cuối cùng, vì khi đương đầu với Kai, mọi người vẫn bất lực.

Master Shifu thậm chí cũng chưa tìm ra đáp án, biểu hiện là ông ấy vẫn chưa đánh bại được kẻ thù và cuối phim vẫn muốn được Po chỉ dạy cho bí kíp. Vậy điều ông ấy nói với Po rằng “You don’t even know who you are” cũng chỉ là nói dựa mà thôi – dựa vào những gì mà Cụ Rùa Oogway đã tiên tri về Po – người sẽ lĩnh hội được sức mạnh phi thường. Tôi cho rằng một người thầy thực thụ sẽ không nói những gì mình không biết, dù rằng những điều đó thốt ra từ miệng của người mà mình tin yêu kính trọng nhất. Tác giả đã (chẳng may) làm hình tượng Master Shifu sụp đổ.

Trong Kungfu Panda 2, Po đã tìm thấy được “Inner Peace” khi đối mặt với pháo lửa bắn ra từ những khẩu thần công. Vậy tại sao trong phần 3, Po vẫn không đánh nổi tên trâu Kai đó? “Inner Peace” kia có bao hàm ý nghĩa gì khác ngoài việc lắng lòng không bị xao nhãng để có thể phát huy được kỹ năng võ thuật ở mức cao nhất? Câu trả lời thể hiện rõ mồn một là “không”. Thứ Po tìm thấy ở phần 2 chỉ là một phần lớt phớt giông giống với “Inner Peace” thật sự mà thôi. Vậy nên việc gọi ra chữ “Peace” ấy là điều không hợp lý chút nào.

Theo tôi, chữ “Khí” bộ phim đề cập đến tương tự như The Force trong Star Wars. “Khí” của mỗi người chỉ là mức độ khác nhau trong việc thể hiện dòng chảy sự sống chung ấy ra thế giới vật lý – hay còn gọi là sức mạnh nội tâm hay sức mạnh cá tính. Kẻ nhận ra bản chất của vạn vật sẽ là kẻ hiểu luật chơi – tức là biết cách sống thuận theo dòng chảy tự nhiên, sẽ luôn chiến thắng dù không cần phải chiến thắng.

Kai cướp khí của sư phụ Rùa và sau đó của Po – những người đã hiểu về “khí”, vậy tại sao hắn lại có hai kết cục lại khác nhau? Đơn giản vì thứ tên trâu này cướp chỉ là sức mạnh cá tính của Quy lão tiên sinh mà thôi – một thứ hữu hạn, còn thứ hắn nhận lấy từ Po là vô hạn. Kai không thể chứa nổi nên thành ra banh xác. Điều đáng khen là ở chỗ sư phụ Oogway không “xử đẹp” Kai dù ông có thể, mà để hắn sống trở lại cõi trần như một cơ hội để Po được học về “khí”. Điều này thể hiện tầm nhìn của một bậc thầy đích thực, khiến cho tượng Cụ Rùa trong phim có đổ sụp nhưng trong lòng khán giả vẫn còn nguyên vẹn rạng ngời.

Bộ phim bộc lộ rất tường minh những cái chết đều là do sự chống cự, sự tự giới hạn và chia rẽ. Những cái chết đó đều là sự vỡ nát của những lớp áo choàng mà thôi. Không khó để có thể đoán trước được việc Po đưa “khí” cho đối thủ rồi trận chiến kết thúc hoành tráng khi thân xác trâu Kai tan tành. Người xem sẽ không khỏi hả hê trong bụng rằng: “Cuối cùng phe thiện cũng chiến thắng!”

Nhưng khi nhìn kỹ hơn thì thấy cái kết này vẫn chưa thật sự thuyết phục đối với một nội dung phim đáng giá như vậy. Câu chuyện không còn đơn thuần là phe thiện và phe ác nữa. Khi đã đẩy bộ phim đến ý nghĩa tâm linh sâu thẳm, đến những chân lý bao trùm tất cả rồi thì cái chết của Kai khiến tôi không khỏi nghi ngờ rằng tác giả đã có thật sự hiểu về “Khí”, hay đang cố tình đánh vào tâm lý chia rẽ đúng – sai, mạnh – yếu để thu hút người xem – tức là hạ tầm của bộ phim xuống một mức để vừa lòng đám đông?

Khi một bên đã hiểu ra bản chất của vạn vật rồi thì cuộc chiến không còn cân sức nữa, hay nói chính xác hơn thì thắng thua là điều vô nghĩa. Vậy câu chuyện chẳng còn gì thú vị nếu gấu Po vẫn đánh đến cùng. Tôi cảm thấy cái chết của Kai là sự sụp đổ hoàn toàn của giới hạn tâm trí được tác giả biểu đạt bằng một sự quằn quại, đau đớn, kinh sợ thông qua hình ảnh vật lý.

Nếu Kai này chỉ là một hình ảnh ẩn dụ thì việc tan xác là điều phù hợp. Nhưng hắn cũng là một nhân vật có chức năng tương đương như mọi nhân vật khác. Khi dừng lại ở cái chết của Kai, bộ phim chưa diễn tả được ý nghĩa sâu sắc của việc nhận ra bản chất “là một” của vạn vật, chưa kể nó còn khiến người xem dễ nhầm lẫn đánh đồng Kai và Po chỉ đơn thuần là địch thủ, càng làm gia tăng thêm sự chia rẽ, phân biệt – vô tình đi ngược lại với ý nghĩa của việc hiểu ra chân lý hợp nhất. Tôi không thấy kết thúc bộ phim này thật sự thuyết phục.

Nếu được viết lại đoạn kết thì tôi sẽ không để Kai gánh màn thảm kịch như vậy. Gấu trúc Po sẽ giúp trâu Kai tự nhìn thấy cái chết đau đớn của chính mình nếu vẫn còn cố níu giữ giới hạn tâm trí, từ đó ngộ ra “Khí” thật sự là gì. Khi hắn đã hiểu ra mọi chuyện, sẽ không còn chiến tranh nữa, không còn sinh tử nữa, những ân oán hàng trăm năm trước giữa hắn và sư phụ Rùa sẽ chấm dứt. Hai người bạn sẽ gặp lại nhau ở nơi nguồn cội ấy, ôm lấy người kia thật hiền từ, nhỏ những giọt nước mắt thay cho vạn điều muốn nói, rồi mỉm cười bay lượn giữa không gian cùng muôn vàn cánh hoa đào mềm mại.

Kung Fu Panda 3 đưa ra nội dung về “Khí” là một đề tài quá lớn nếu như không nói là quá sức. Xét theo góc nhìn của cá nhân, tôi thấy bộ phim này chưa thực sự thành công trong việc truyền tải. Nội dung quá khổng lồ khiến cho những ý tứ khác bị lép vế, như: Sống là chính mình, tình yêu gia đình, sự đoàn kết, v.v… Điểm khác biệt trong trận đánh lần này là Po phải nhờ đến sự hỗ trợ từ mọi người thì mới nhận ra được sức mạnh, còn những lần trước chỉ là màn độc diễn. Đây cũng là một ý tưởng ăn khớp với ý nghĩa của dòng chảy sự sống, tính toàn thể, hợp nhất, cái “tất cả”. Đành rằng ta cần những mảnh ghép nhỏ để dẫn tới bức tranh chung cuối cùng, nhưng việc diễn đạt nội dung cao nhất của phim cũng chưa toàn vẹn nên thành ra mọi thứ hỗ trợ nó trở nên lãng phí. Kungfu Panda 3 giống như thứ quả còn chưa chín mà đã hái xuống ăn nên hãy còn đắng và chát.

Nội dung phim ở nhiều cấp độ nên có thể tiếp cận với nhiều đối tượng. Tuy nhiên, cái dở lại là nằm ở sự chênh lệch quá lớn về tầm mức ý nghĩa ấy khiến cho khán giả ít nhiều bị chới với vì cảm giác không thỏa mãn hay không hiểu.

Những yếu tố gây hài trong phim không có gì quá mới mẻ nên không để lại ấn tượng, thậm chí lặp lại cùng một dạng sẽ tạo nên cảm giác lãng nhếch. Dường như Kung Fu Panda 3 đang cạn kiệt ý tưởng rồi nên phải dùng những pha chọc cười ven đường để làm hài lòng khán giả. Còn đối với bọn con nít thì khỏi nói, Kung Fu Gấu Trúc quá ư buồn cười với chúng.

Diễn biến của bộ phim theo trình tự thời gian nên dễ dàng đoán được những bước tiếp theo, chưa kể người xem cũng đã quen thuộc với mô tuýp của hai phần trước nên phần 3 này không có gì quá bất ngờ. Nếu không đoán được cốt phim chính xác là gì thì người xem cũng đã có tâm lý chuẩn bị cho kiểu kết thúc tương tự ngày xưa rồi.

Về mặt hình thức, cảnh phim và âm nhạc của Kung Fu Panda 3 rất sống động, có tính sáng tạo cao, đòi hỏi một óc tưởng tượng không hề nhỏ và khả năng cảm nhận tinh tế. Người xem được làm cho mãn nhãn và mãn nhĩ liên tục. Các nhân vật được thiết kế rất dễ thương về vẻ bề ngoài và tính cách bên trong. Có thể nói đây là những phần ăn điểm mạnh nhất của bộ phim lần này.

Tóm lại, Kung Fu Panda 3 dành được của tôi 7,5/10 điểm.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top