Ida là một bộ phim đơn giản đến kì lạ. Tiết tấu chậm rãi, những cảnh quay đầy chất thơ nhưng vô cùng ám ảnh về sức nặng được truyền tải cho người xem, từng khung hình một, bộ phim lật dở dần bí mật của sự tìm kiếm, tìm kiếm câu chuyện, tìm kiếm sự thật và tìm kiếm bản thể. Đạo diễn gốc Ba Lan Pawel Pawlikowski, người được biết đến nhiều với bộ phim My summer of Love (2004), đã mang đến cho chúng ta một trải nghiệm tuyệt vời tưởng chừng như không còn xa lạ về chủ đề hậu chiến tranh thế giới thứ 2 tại Ba Lan. Và thật không quá ngạc nhiên khi Ida đã được Viện Hàn Lâm Mỹ trao giải Oscar cho bộ phim nói tiếng nước ngoài hay nhất trong buổi lễ trao giải thứ 87.
Dùng tông màu đen trắng để biểu hiện, bộ phim là hành trình đi xuyên Ba Lan của một nữ tu 18 tuổi, sắp nhận lễ thụ phong để mãi mãi ở lại trong tu viện, hiến dâng trọn đời mình cho Chúa. Cô đi cùng với người dì từng là công tố viên. Chuyến hành trình của họ chứa đầy những ẩn ức về quá khứ đau thương của dân tộc cũng như từng người dân Ba Lan ở cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 và dưới thời xã hội chủ nghĩa. Anna (Agata Trzebuchowska), một nữ tu mồ côi từ bé, được khuyến khích liên lạc với người thân duy nhất là dì Wanda (Agata Kulesza), từng là nữ công tố viên, có tư tưởng chống chủ nghĩa xã hội. Wanda một hình ảnh hoàn toàn đối lập với Anna, nghiện rượu, đàng điếm và phức tạp. Lúc này, Wanda tiết lộ cho Anna biết cô tên là Ida, là người Do Thái và bố mẹ cô đã chết trong chiến tranh. Sau đó, hai người họ, hai tính cách khác biệt, một cặp đôi lệch pha cùng nhau làm cuộc hành trình đi xuyên về quá khứ với mục đích tìm kiếm nơi chôn cất bố mẹ Ida. Những bí mật được tiết lộ, Wanda sau một cuộc đời do dự đã dám trở về và tìm kiếm sự thật, Ida hiểu hơn về cuộc sống, về bản thể, và về đức tin của mình qua cuộc gặp gỡ với Lis, một nhạc công chơi Saxophone, khi anh đang chơi nhạc của John Coltrane – một nghệ sĩ nhạc Jazz nổi tiếng người Mỹ.
Người Do Thái và chủ nghĩa Phát Xít, người dân và chủ nghĩa xã hội dưới thời Stalin, những đề tài chưa bao giờ ngừng ám ảnh trong suốt chiều dài lịch sử đến tận bây giờ. Một người nông dân Ba Lan giúp bố mẹ Ida lẩn trốn đã giết họ vì sợ hãi. Một công tố viên dưới chướng chế độ cộng sản đã phán xét người khác và đôi khi buộc họ tội chết mà thực ra họ là người vô tội. Wanda day dứt trong hành trình của mình để tìm đứa con trai thất lạc, day dứt nghĩ về quá khứ buồn bã của mình. Đạo diễn không cần kể lể dài dòng, không cần những thước phim hồi tưởng, quá khứ của Wanda cộng hợp với sự buông thả mình của bà ở hiện tại với rượu, với tình dục… đã tạo nên một sức nặng đầy ám ảnh về lịch sử. Những người dân bà gặp, nói chuyện, chứa quá khứ nhiều bi thương của dân tộc đến mức đa phần họ lảng tránh trong những câu nói ngắn, cộc lốc và thiếu thiện cảm. Bối cảnh phim được đặt vào năm 1962, chiến tranh chưa lùi xa, chủ nghĩa xã hội vẫn đang tồn tại. Một xã hội đè nặng và tổn thương, xã hội mà Wanda đã trốn tránh cho đến khi dám đối diện với sự thật, đó cũng là lúc bà không còn mong muốn sống nữa. Điều mà nữ tu Ida, sống cả đời trong tu viện lần đầu tiên được chứng kiến.
Wanda từng hỏi cô rằng “Giả như con đi ra đời và khám phá rằng chẳng có Chúa nào cả thì sao?”. Câu hỏi đấy chính là sự thử thách đức tin của Anna/Ida trước khi tuyên thệ trước Chúa. Cảnh mở đầu phim, khi Anna cùng những sơ khác đặt bức Tượng Chúa trước sân tu viện thực sự là một cảnh quay đắt giá, nó thể hiện Đức Tin của những người tu hành vào con đường của mình. Khuôn mặt Ida luôn không biểu cảm bất cứ cảm xúc nào, đó là khuôn mặt an phận, tin tưởng và chấp nhận vào số phận đặt sẵn cho mình. Cô không nói lên mong muốn, cô không đi theo ham muốn, cô không đi vào bản thể. Mọi thứ trước mặt cô được giả định là vô thường, cuộc sống hoang đàng của Wanda, lời tán tỉnh của anh chàng nhạc công Lis, cô đi tìm hài cốt bố mẹ mình, chứng kiến những con người mệt mỏi, cuộc sống đa diện trải ra trước mặt. Khi trở lại thư viện, vẫn khuôn mặt không bộc lộ cảm xúc đó, trong cảnh quay những nữ tu nằm xấp trên nền đất hướng về phía Chúa, đôi mắt của Ida mở để lộ ra điều gì đó chưa chấp nhận, chưa thực sự tin mình sẵn sàng để đọc lời khấn thệ hiến trọn thân xác mình cho Chúa. Cảnh quay đó, như nhiều cảnh quay khác, đặt vị trí của con người ở dưới thấp với khoảng trống trên khung hình còn rất nhiều, nó tạo cảm giác trống rỗng, đưa ta một hình dung về xã hội đè nén con người, khiến con người hoang mang, khiến cá nhân trở nên bị lấp liếm và nhỏ bé. Một bộ phim thông thường, dùng camera để tạo những khung hình, và những khung hình liên kết nhau để tạo câu chuyện, đa phần là vậy, ít có bộ phim nào dùng camera để tạo câu chuyện cho từng khung hình như Ida làm được. Mỗi khung hình có sức nặng, có cá tính và sự ám ảnh của riêng nó, thêm vào đó với tông màu đen trắng, sự tương phản được tôn cao, nhấn mạnh và sắc nét hơn rất nhiều.
Sức mạnh của camera được thể hiện tối đa, để chỉ cần 82 phút phim với hai màu đen trắng và tỉ lệ khung hình 4:3 đã từ lâu không còn nhiều người sử dụng, đạo diễn Pawel Pawlikowski đã một cách kiệm lời và tiết chế để mạch chuyển tự nó diễn ra, tự nó đi đến hồi kết, tự mỗi nhân vật tìm thấy mình, tự con người Ba Lan lột tả được chân thực đất nước mình trong bối cảnh xã hội như vậy. Tất nhiên, phải kể đến khả năng hóa thân tuyệt vời vào nhân vật của hai diễn viên Agata Kulesza và Agata Trzebuchowska. Những vai diễn tưởng như đơn giản, ít lời nhưng thực sự nó cần sự tinh tế và khả năng truyền đạt cảm xúc sâu sắc. Ở Wanda ta thấy sự tổn thưởng, nỗi đau được giấu kín trong sự buông tuồng hưởng thụ dường như quá đà trong cuộc sống, sự mạnh mẽ và từng trải để rồi đi đến một kết cục mà dường như rất hợp lý cho tất cả những gì bà đã trải qua. Ida ngược lại, ít nói, ngay cả nghe tin bố mẹ đã chết trong chiến tranh cô cũng không biểu cảm gì, đó là một trái tim thuộc về Chúa, chỉ đang đi chứng kiến cuộc đời thực sự ra sao, niềm tin của cô là mãnh liệt và ngoan đạo, một niềm tin càng được tôi đúc khi nó hiểu hơn những tội lỗi của con người, của chính bản thân mình. Đôi mắt có thần, khuôn mặt được thể hiện đầy ám ảnh. Agata Trzebuchowska thực sự có một vai diễn xuất sắc.
Sinh ra dưới chế độ cộng sản Ba Lan và rời khỏi đó năm 14 tuổi, đó cũng chính là ý niệm để Pawel Pawlikowski khiến bộ phim Ida có chiều sâu và cá tính như vậy. Chiến tranh dù lùi xa, nhưng bản thân xã hội chủ nghĩa hay bất kì một chế độ chính trị nào cũng đều tạo nên những cuộc chiến bên trong bản thể của mỗi người, giữa tốt và xấu, giữa những lựa chọn mà chính thể chế đó đặt vào tay mình, buộc mình phải đi theo, để từ đó, ẩn ức xuất hiện và được lưu giữ, nó khiến cho mỗi người chúng ta ai cũng phải thành một phần của lịch sử, một phần của xã hội. Lúc đó, chúng ta phải hiểu mình, biết mình là ai, biết quá khứ của mình, để chiến thắng số phận, để tìm được bình yên cho cuộc sống.