kevin-spacey-house-of-cards-netflix-1

House of Cards – Tuyệt phẩm của phim chính trị

Hiếm có cảnh mở đầu một series truyền hình nào lại “lạnh lùng” như “House of Cards”. Ngay từ cảnh đầu tiên của mùa thứ nhất, người xem đã được thấy nhân vật Frank Underwood (Kevin Spacey thủ vai) sốt sắng chạy ra khi thấy con chó nhà hàng xóm bị xe cán và bỏ chạy mất. Thay vì chờ hàng xóm tới và đưa con chó đang thoi thóp đi cấp cứu, Underwood lại dùng tay để kết liễu sinh vật đáng thương đó. Ông nhìn thẳng vào ống kính để lý giải hành động của mình: “Trên đời này có hai loại nỗi đau: một khiến ta trở nên mạnh mẽ hơn còn một là dạng vô dụng mà chỉ khiến ta khổ sở thêm. Mà tôi thì không có đủ kiên nhẫn cho những thứ vô dụng!”

Cảnh mở đầu trên hé lộ cho khán giả vài điều về “House of Cards”. Đầu tiên là tông màu đen tối sẽ được sử dụng xuyên suốt series, như thể báo trước sẽ chẳng có điều gì tốt đẹp trong cái thế giới mà Underwood là “cái rốn của vũ trụ” ấy. Thứ hai là lối tương tác trực tiếp giữa Underwood với người xem theo phương thức “phá vỡ bức tường thứ tư”, giống như cách nhân vật Deadpool tán dóc với khán giả trong cả comic lẫn phiên bản điện ảnh. Và cuối cùng là bản thân nhân vật Underwood – một bậc thầy của nghệ thuật thao túng và sẵn sàng vượt mọi ranh giới để đạt được điều mình muốn. Hành động giết chết chú chó mà không chớp mắt ấy – đáng sợ thay – mới chỉ là sự khởi đầu của gã.

Frank Underwood - "hố đen vũ trụ" của House of Cards
Frank Underwood – “hố đen vũ trụ” của House of Cards

Nếu ví các series do Netflix sản xuất là một bộ bài thì ắt hẳn “House of Cards” phải là con át chủ bài của hãng dịch vụ truyền hình trực tuyến này. Đơn giản là bởi đây là series đầu tiên do Netflix đầu tư sản xuất và quảng bá rộng rãi, đồng thời phát hành một cách độc đáo với trọn bộ 13 tập ngay trong một ngày để người hâm mộ có thể xem “marathon” liền một mạch thay vì đợi từng tuần một. “House of Cards” trở thành kẻ tiên phong, mở đường cho những “Daredevil”, “Sense8” hay “Narcos” … đến với khán giả sau đó.

Nhưng series chính trị này được ưa thích đến nhường ấy không chỉ bởi việc đi trước dẫn đường mà còn chính bởi bản thân chất lượng vượt trội của nó. Trong thời buổi “kỷ nguyên vàng” của truyền hình với những series được đầu tư công phu về kịch bản lẫn nội dung còn hơn cả phim điện ảnh, “House of Cards” xứng đáng là một ví dụ tiêu biểu. Nhân vật chính của series này là Frank Underwood – Chấp pháp phe đa số của Hạ viện Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Garrett Walker (Michel Gill), Underwood đã được hứa hẹn về chiếc ghế Bộ trưởng Ngoại giao. Song khi đắc cử, Walker lại nuốt lời với Underwood và giao chức Ngoại trưởng cho một người khác.

Sự bội ước của Walker khiến một kẻ đầy tham vọng và đam mê quyền lực như Underwood không thể ngồi yên, dù ngoài mặt gã ra vẻ chấp nhận quyết định ấy. Ở bên cạnh Underwood có người vợ Claire (Robin Wright) xứng đáng là một cặp trời sinh, cùng các thuộc hạ tin cẩn Doug Stamper (Michael Kelly) và Edward Meechum (Nathan Darrow). Bộ sậu với Underwood làm trung tâm ấy dần tiến từng bước vào thế giới nhiều quyền lực và cũng đầy cám dỗ của Nhà trắng …

Dàn nhân vật hai mùa đầu tiên của House of Cards.
Dàn nhân vật hai mùa đầu tiên của House of Cards.

Khác với những series lấy đề tài chính trị tại Nhà trắng như “The West Wing” hay “Veep”, “House of Cards” mang một màu sắc đen tối hơn nhiều. Đơn giản là bởi xuất phát điểm của series này là sự bội ước (của tổng thống Walker) và quyết tâm trả thù (của Underwood). Nhờ lẽ đó, series này không hề khô khan với những chính sách, dự luật … mà trở nên hấp dẫn chẳng thua một tác phẩm hình sự hay trinh thám nào. Chính trường Capitol Hill thậm chí còn phần nào khốc liệt hơn cả chiến trường, bởi sự xuất hiện của một Frank Underwood gian hùng.

Xét theo mọi quy chuẩn đạo đức thông thường, Underwood đều không thể được xem là một người tốt với những hành động lạnh lùng cho tới tàn nhẫn mà người đàn ông này trực tiếp hay gián tiếp gây ra. Ấy thế nhưng trong thâm tâm, khán giả vẫn sẽ ngầm ủng hộ kẻ “phản anh hùng” này, đa phần là bởi muốn xem những nước bài của y còn cao tay đến đâu. Đó là hấp lực của Underwood – một trong những nhân vật hay nhất lịch sử truyền hình. Ký tự viết tắt của tên ông ta là “FU” giống như một lời thách thức ngạo nghễ tới những kẻ đối lập, rằng dù có cố gắng đến thế nào để cản trở đi nữa thì Frank sẽ vẫn luôn đạt được mục đích mình đặt ra.

Phong cách đối thoại “phá vỡ bức tường thứ tư” đem tới cho người xem một phần góc nhìn vào tâm trí của Underwood. Chỉ là một phần thôi chứ không phải tất cả, bởi để đi đến tận cùng lòng dạ của một kẻ đa mưu túc trí cỡ Underwood là điều không tưởng. Những câu nói của Underwood đều “đắt” và nếu được tổng hợp lại hoàn toàn có thể trở thành kim chỉ nam cho những người muốn leo lên đỉnh cao. Với Underwood, “tiền bạc trên đời này cũng chỉ như những ngôi nhà được xây đồng loạt sẽ mòn rữa sau một chục năm, trong khi quyền lực mới là ngôi đền trường tồn hàng thế kỷ”. “Con đường tới quyền lực được lát bởi đạo đức giả, những thương vong và không có chỗ cho sự hối hận”, còn người đi trên con đường đó “hoặc là kẻ đi săn hoặc là bị săn”. Những chia sẻ chân tình đầy sắc sảo ấy vừa khiến khán giả thêm phần hiểu Underwood, lại vừa đem lại cảm giác sẽ chẳng bao giờ có thể nhìn thấu tâm can nhân vật này. Khi Underwood ban ơn cho một người khác thì điều đó không phải xuất phát từ lòng tốt của y mà đơn giản một lúc nào đó, y sẽ quay lại và đòi lại món nợ ân tình ấy.

Những câu nói "đắt" của Underwood qua màn nhập vai bậc thầy của Kevin Spacey.
Những câu nói “đắt” của Underwood qua màn nhập vai bậc thầy của Kevin Spacey.

Tài năng lớn nhất của Underwood là khả năng thao túng người khác, dù là bằng đắc nhân tâm hay lợi dụng điểm yếu mà y đang nắm thóp. Từ tổng thống Walker cho tới những lãnh đạo khác trong “House of Cards” đều đơn thuần là những quân cờ trong tay Underwood và di chuyển vô thức theo ý muốn của nhân vật này. Bộ óc siêu việt cho phép Underwood đi trước người khác – bao gồm cả khán giả – tới cả chục bước và đến khi mọi sự ngã ngũ thì tất cả mới thực sự biết rằng mọi chuyện xảy ra đều đã nằm trong toan tính của vị Chấp pháp.

Bên cạnh Underwood, “House of Cards” còn có nhiều nhân vật thú vị khác như Claire – người vợ sắc sảo tạo thành một cặp trời sinh với Underwood. Người phụ nữ này đã vượt qua cả giới hạn vợ chồng mà còn là một người bạn, một người cộng sự đắc lực trong mọi quyết định của Underwood. Không thể không nhắc tới cánh tay phải trung thành Doug Stamper, kẻ một lòng một dạ trung thành với Underwood nhưng lại mắc những vấn đề riêng tư như nghiện rượu hay mối quan hệ nhập nhằng với một ả gái làng chơi.

Không chỉ xoáy vào Nhà trắng, tác phẩm còn mở rộng ra những tuyến truyện bên ngoài: những nhân viên tận tụy của tờ báo The Herald tìm cách đưa sự thật minh bạch tới với khán giả, cô phóng viên Zoey Barnes và câu chuyện bi thảm vì dính líu tới Underwood, nhà tài phiệt Raymond Tusk đại diện cho những nhóm lợi ích, tay Remy Dalton là một chuyên gia vận động hành lang hay nghị sĩ lầm đường lạc lối Peter Russo … Tất cả tạo nên một thế giới bị dục vọng, quyền lực che phủ nhưng vẫn còn những tia sáng le lói đem lại hy vọng cho những ai tin vào công lý.

Mùa thứ 4 vừa ra mắt đầu tháng 3/2016 hấp dẫn hơn mùa thứ 3 và mang tính thời sự với cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ.
Mùa thứ 4 vừa ra mắt đầu tháng 3/2016 hấp dẫn hơn mùa thứ 3 và mang tính thời sự với cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ.

Kể từ khi ra mắt vào năm 2013 cho tới nay, “House of Cards” đã nhận hàng tá các giải thưởng dành cho phim truyền hình và là một trong những series được chờ đón nhất. Bản thân series cũng không ngừng đổi mới và cập nhật theo thời đại, khi đưa vào trong phim sức mạnh của truyền thông và mạng xã hội. Nếu theo dõi tình hình chính trị thế giới, sẽ không khó để những khán giả tinh ý có thể đưa ra những liên hệ giữa những diễn biến trong phim với bên ngoài, như cách “House of Cards” xây dựng tổng thống Nga Viktor Petrov (Lars Mikkelsen) trong mùa thứ ba hay đề cập tới tổ chức khủng bố ICO trong mùa mới nhất. Ngoài những thay đổi mang tính thời sự về câu chuyện, những yếu tố làm nên cái chất của “House of Cards” như diễn xuất, kịch bản hay bố cục và góc quay vừa đẹp lại vừa giàu tính ẩn dụ vẫn được giữ nguyên.

Trong một năm mà nước Mỹ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống mới, sự xuất hiện của mùa thứ tư “House of Cards” như cơn gió mát lành để thỏa mãn những người hâm mộ. Tầm ảnh hưởng của series này lớn tới mức tài tử Kevin Spacey đã liên tục được hỏi “Nếu Frank Underwood đối đầu với Donald Trump trong cuộc tranh cử tổng thống thì sẽ ra sao?”. Sau một mùa thứ ba có phần tẻ nhạt khi Underwood đã lên tới đỉnh cao mới và không gặp phải đối thủ xứng tầm để phải trổ tài mưu mẹo, mùa thứ tư của “House of Cards” lại hấp dẫn khán giả với những tình tiết gay cấn mới. Việc Claire tỏ ra bất hợp tác cùng sự xuất hiện của một ứng viên tổng thống toàn năng trong mắt dư luận buộc Underwood phải sử dụng những ngón nghề quen thuộc trong hai mùa đầu tiên. Cái kết mở của mùa thứ tư vừa khiến người ta thỏa mãn, lại vừa làm ta thòm thèm khi biết phải đợi một năm nữa mới được xem tiếp “House of Cards”.

Một bộ bài chỉ có 52 lá, còn tâm địa của Underwood là vô tận.

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top