everest1

Everest – Hãy biết cúi đầu trước Mẹ Thiên Nhiên

Tôi đi xem Everest với tâm thế của một người thích du lịch mạo hiểm, thích thú những điều kì vĩ và có một lòng tôn kính rất mực đến mẹ tự nhiên. Chính với tâm thế đó bộ phim đã không khiến tôi thất vọng. Những đại cảnh hoành tráng được ghi lại bằng máy quay IMAX, và kĩ thuật 3D được chăm chút qua từng khung hình để thể hiện chiều sâu và độ nổi của cảnh vật, Everest hiện ra trước mắt tôi đúng như những gì tôi được biết, vô cùng đẹp, nhưng cũng vô cùng nguy hiểm. Sự nguy hiểm đó không chỉ được thể hiện bằng băng tuyết và những dốc đá dựng đứng, sự nguy hiểm đó còn được đạo diễn Baltasar Kormákur kể thông qua một thảm hoạ xảy ra năm 1996 đối với hai đoàn leo núi thám hiểm đã cướp đi sinh mạng của nhiều người mà từ đó nó đặt câu hỏi cho những người muốn dùng Everest để làm du lịch mạo hiểm.

Bộ phim bắt đầu bằng những cảnh nằm đâu đó giữa chuyến hành trình chinh phục đỉnh cao 8.848m so với mực nước biển, Everest hiện ra, hoang sơ, đẹp và đầy đe doạ, không có cây cối, chỉ có băng tuyết và đá. Trên đó những con người vô cùng nhỏ bé đang chống lại sức gió có thể lên tới gần 200km/h để tiến về phía trước. Nhà báo Jon Krakauer (Michael Kelly) đã hỏi những người tham gia leo núi: “Tại sao?” (tại sao lại muốn chinh phục đỉnh núi này?) Đúng vậy, tại sao chúng ta lại thèm khát chinh phục nó khi mà biết rằng: “Càng lên đến gần đỉnh ta càng gần cái chết?”

Mỗi người có mục đích riêng của mình, người phụ nữ duy nhất trong đoàn Yasuko Namba (Naoko Mori) muốn chinh phục đỉnh núi cuối cùng khi cô đã chinh phục hết 6 đỉnh núi trên khắp thế giới, Beck Weathers (Josh Brolin) muốn chinh phục để xua những đám mây đen bủa vây tâm trí và cuộc sống mệt mỏi của mình, Doug Hansen (John Hawkes) muốn chứng tỏ bản thân có thể làm được điều gì đó phi thường… Họ tập hợp lại dưới sự chỉ huy của Rob Hall (Jason Clarke), người đàn ông đã từng chinh phục nhiều lần Everest và coi việc đó trở thành nghề nghiệp của mình, hướng dẫn viên cho công ty du lịch mạo hiểm do chính mình sáng lập Adventure Consultants.

Everest-Movie

Dưới kịch bản của hai nhà biên kịch William Nicholson và Simon Beaufoy, đạo diễn Baltasar Kormákur xây dựng bộ phim theo đúng cấu trúc ba hồi kinh điển của Hollywood. Rob Hall chia tay người vợ đã có thai để lên đường đến Nepal cho chuyến hành trình của mình. Những nụ cười, và những lời nói lo lắng mang đến cho ta một dự cảm bất an. Rồi từ đó, bộ phim bằng sự chậm rãi, và thủ pháp dựng nhảy giới thiệu cho ta biết chân dung từng thành viên của đoàn thám hiểm và tính cách của họ. Cũng như vậy, những góc máy với cảnh rộng được sử dụng thường xuyên để lột tả chân dung của đất nước Nepal và sau hết là chính “con quái vật” Everest của mẹ tự nhiên.

Chuyến hành trình bắt đầu. Càng lên cao gió càng lớn, và không khí càng ít Oxy. Rob Hall tự tin vào khả năng của mình với một kế hoạch chính xác về mặt thời gian được đặt ra và phải tuân thủ để đảm bảo sự an toàn. Bên cạnh đó, anh cũng bỏ qua cái tôi cá nhân để hợp tác với Scott Fischer (Jake Gyllenhaal) – một hướng dẫn viên của đoàn du lịch khác. Scott có tính cách trái ngược với Rob, hoang dã và bất cẩn, chủ quan và khinh thường mọi thứ. “Càng lên cao càng đến gần cái chết”. Rob Hall biết vậy, những thành viên leo núi chuyên nghiệp đều biết vậy để chuẩn bị cho mình tinh thần sẵn sàng đón nhận mọi thứ. Nhưng Everest thì bất thường và khó đoán, và nó có thể bẻ gẫy tinh thần của những cá thể người nhỏ bé bất cứ lúc nào.

Bi kịch xảy ra, như điều ta đã dự đoán ngay từ đầu phim. Everest cựa quậy mình. Xung đột xảy ra. Con người sợ hãi trước thiên nhiên, và sợ hãi trước cái chết. Nhưng nhịp phim không đẩy cao. Nó vẫn giữ nguyên sự chậm rãi. Qua đó, đạo diễn như muốn nhấn mạnh hơn nữa cho tất cả chúng ta rằng: “đỉnh núi thì ngay đó, còn con người quá nhỏ bé để thoát khỏi tham vọng của chính mình”. Thi vị hoá trong chất bi kịch được thể hiện bằng điện ảnh. Bộ phim hiện ra thật đẹp, những cái chết không mang đến sự ghê sợ mà chỉ càng làm ta thấm thía về những ước mơ quá lớn mà để đạt được nó đôi khi ta phải đánh đổi bằng cả tính mạng mình. Kinh nghiệm của Rob Hall quá yếu so với sự vô tình của thiên nhiên.

maxresdefault

Tuy hùng vĩ và tuyệt đẹp, nhưng bộ phim không tránh khỏi những thiếu sót rất đáng tiếc. Những thiếu sót đến từ kịch bản dài dòng, với một cấu trúc kể chuyện cơ bản nhưng không có những nút thắt đắt giá có thể tạo nên cảm xúc cho người xem từ một câu chuyện có thật. Thêm nữa, vai trò của Scott Fischer quá mờ nhạt so với cách anh được giới thiệu đến người xem tạo cảm giác hẫng hụt. Tham vọng của đạo diễn là mang đến Everest cho người xem bằng chiếc máy quay IMAX và bối cảnh thật lại mang đến một hiệu ứng ngược, người ta quên mất đi bi kịch đau lòng mà bị mê mải vào cái chóp nhon bé xíu nằm ở độ cao 8.848.

Tuy vậy, Everest là bộ phim mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho khán giả, với màn ảnh rộng (đặc biệt là IMAX), chân dung của ước mơ mà mọi nhà leo núi đều thèm muốn được thực hiện hiện ra trước mắt vô cùng ấn tượng. Đi xem Everest không phải là đi nghe kể lại câu chuyện đã từng là bi kịch làm rúng động lóng người. Mà là đi để hiểu sức mạnh của tự nhiên, bản năng sống sót của con người, và Everest. Đúng vậy, quan trọng là Everest, đỉnh của muôn đỉnh. Giấc mơ của nhiều giấc mơ không thể có lời giải thích: “tại sao chúng ta lại thèm muốn được chạm tay lên nóc nhà thế giới đến vậy?”

Đối với tôi, tôi tin rằng, mọi cuộc chinh phục trong đời, đều có duy nhất một mục đích là chiến thắng bản thân, chinh phục chính mình.

PS: Chắc nhiều người không biết rằng, nhà báo đi cùng đoàn thám hiểm Jon Krakauer, sau này đã viết ra tác phẩm Into Thin Air kể về chuyến hành trình chinh phục Everest của ông và thành viên đoàn của Rob Hall. Và chính ông cũng là tác giả của Into The Wild vô cùng nổi tiếng đã được chuyển thể thành phim năm 2007, một bộ phim đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người trẻ.

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top