gianandrea-villa-8ittmsyuaby-unsplash

Đừng sống chỉ để làm việc!

Mình từng là một người nghiện công việc, trong tiếng Anh có một từ dùng để mô tả việc này đó là “workaholic.” Lúc nào trong đầu mình cũng nghĩ mọi cách để mọi thứ thuận lợi nhất, tối ưu nhất cho công việc ấy (cụ thể là chuyện viết lách) được diễn ra. Mình đặt nó lên hàng đầu và chỉ chực chăm chăm lao vào nó khi nào có dư một chút sức lực. Nhiều khi, năng suất và chất lượng đâu chưa thấy, riêng với thái độ chú tâm thái quá này đã khiến mình rơi vào cảnh lao động cực đoan. Có thể, chuyện này được gán mác là “hành động vì đam mê.” Nhưng thực tế, mình đã vô tình tạo áp lực và căng thẳng cho bản thân bởi đam mê ấy. Chưa kể, khi tiến độ không được theo ý muốn thì mình thấy rất bất mãn và khó chịu. Rồi khi làm những việc nhỏ nhặt khác có vẻ không liên quan như trồng cây, quét nhà, dọn dẹp thì mình chỉ muốn làm cho thật nhanh để kết thúc chúng. Trong một tâm trí hướng sự chú ý chỉ vào công việc thì dường như mọi hoạt động khác đối với mình chỉ là thứ yếu, là những chuyện chẳng đáng quan tâm, trân trọng. Chuyện này đã từng kéo dài và mình chưa từng ý thức được về tính tiêu cực của nó.

Nhưng có một hôm, khi mình đang cắt tỉa mấy cây hoa cúc ở ngoài ban công vì cành lá của nó trở nên rườm rà. Lúc đó, mình chợt nhận ra rằng đầu óc mình chẳng hề đặt vào cây hoa. Mình thấy cánh tay đưa kéo một cách vội vàng đầy hối thúc và trong lòng mình đang mải nghĩ về chuyện lát nữa sẽ viết cái gì. Ngay tại khoảnh khắc nhận ra ấy, sự chú ý của mình đột nhiên được kéo trở về hiện tại, đối diện với cây hoa dễ thương vẫn đang chờ đợi sự chăm chút. Không hiểu sao, lúc đó trong lòng mình dâng lên một tình yêu tha thiết với cây hoa cúc nhỏ, mình thấy nó thật hiền lành đáng yêu và mình thấy việc cắt tỉa cây sao mà nhiều trìu mến đến thế.

Ngay trong hôm đó, mình đã nhận ra được xu hướng của tâm trí đó là lao đầu về thứ mà nó cho là ưu tiên, thứ mà nó thiên vị. Mình đã tập quay trở lại hiện tại và san sẻ sự chú ý cho cho những chuyện khác trong khả năng có thể. Và một chuyện rất ngạc nhiên đã diễn ra, chuyện mà chưa bao giờ mình nghĩ là mình có thể trải nghiệm được trong đời, đó là mình thấy việc treo cái chổi vào vị trí thường ngày của nó, sau khi quét nhà, là một chuyện thật hoàn hảo và tuyệt vời. Lúc đó mình rất sửng sốt vì cảm nhận mới đã nảy sinh. Mình chưa bao giờ ngờ được là một động tác nhỏ bé, xem chừng như chẳng có ý nghĩa gì quan trọng, nhưng lại mang đến một cảm nhận thực sự ấn tượng. Tất cả chỉ bởi vì lúc đó mình không còn để tâm đến chuyện gì khác ngoài việc treo cái chổi. Chính sự chú ý và chánh niệm cao độ đã tạo nên một trải nghiệm diệu kỳ, dù chỉ với một động tác rất nhỏ.

Vì thấy rất ngỡ ngàng và sung sướng khi chứng kiến sự thay đổi cuộc sống chỉ bằng một sự chú ý được điều hướng, mình đã kể câu chuyện này với người bạn của mình. Anh ấy bảo rằng “em coi công việc là quan trọng nhất vì em không coi God là quan trọng nhất.” Câu nói ấy đã như một cái tát thức tỉnh dành cho mình. Khi mình đang thẩm thấu thông điệp thì anh ấy nói thêm một câu chốt nữa làm mình hoàn toàn tin chắc rằng sự thay đổi của bản thân là hướng đi đúng đắn. Anh nói rằng: “Take it easy, but take it. Hãy tận hưởng cuộc sống!”

Vào khoảnh khắc đó, mình đã nhận ra rằng cảm giác trìu mến thương yêu dành cho cây hoa cúc, và cảm giác lâng lâng vui sướng khi treo cái chổi chính là biểu hiện của việc tận hưởng cuộc sống. Nhìn lại mình mới nhận ra rằng bấy lâu nay mình chỉ dành năng lượng và sự chú ý cho công việc, một góc cực kỳ nhỏ bé trong bức tranh cuộc đời. Còn toàn bộ những góc phần khác, mình đã đều bỏ lỡ. Khi ăn mình không được ngon miệng, khi ngủ mình không được an giấc, khi tắm mình cũng chẳng được thư thái, v.v… Mình đã vô tình rút đi hết sinh lực trong cuộc đời của chính mình chỉ bằng sự thiên vị đối với công việc. Như vậy chẳng phải là mình đã quá ngốc nghếch và dại khờ hay sao?

Nói đến đây có thể sẽ có ai đó bảo rằng: “công việc là trên hết là đúng rồi, bạn phải kiếm tiền chứ, tiền là quan trọng nhất, không có nó thì bạn không vui được đâu.” Mình hoàn toàn cảm thông được cách tư duy này, vì mình đã từng sống nó. Cho đến hôm nay khi đã đổi được góc nhìn, mình có thể khẳng định rằng “công việc là số một, kiếm tiền là số một” chỉ là một lời ngụy biện của một tâm trí sợ hãi và không dám trải nghiệm thế giới ở các khía cạnh khác. Bây giờ, mình không phải là người giàu có gì, công việc cũng chưa gọi là ổn định như bao người. Nhưng mình đã tận hưởng được những khoảnh khắc nhỏ bé và sống hạnh phúc một cách chủ động. Mình thấy việc tận hưởng không hề liên quan gì đến công việc hay tiền bạc. Nó chỉ liên quan đến khả năng điều phối sự chú ý của chúng ta. Vì Thần ở đâu, Khí ở đó. (Energy flows where attention goes.)

Dolores Cannon, người sáng lập phương pháp thôi miên hồi quy và tác giả của cuốn sách tâm linh nổi tiếng The Three Waves of Volunteers and the New Earth (Ba làn sóng tình nguyện và Trái Đất mới), cũng có câu:

“The biggest lesson you come to earth to learn is how to manipulate energy.”

(Tạm dịch là: Bài học lớn nhất khi bạn tới Trái đất đó là học cách điều khiển năng lượng.)

Nếu chúng ta có khả năng đưa sự ý thức của bản thân vào một việc gì đó thì việc ấy sẽ biểu hiện tương đương với ngưỡng năng lượng mà ta đã trao. Càng nhiều sự ý thức thì càng nhiều năng lượng, trải nghiệm sẽ càng tích cực. Ngược lại, càng ít sự ý thức thì trải nghiệm càng tiêu cực. Mọi chuyện là do chính bản thân mỗi người tạo nên, không phải do thế giới bên ngoài. Vậy nên ở trên mình mới kể lại trải nghiệm chỉ treo cái chổi mà cũng thấy như đang ở thiên đường.

Khi bạn dứt ra khỏi sự thiên vị, dứt ra khỏi sự phụ thuộc vào vật chất, dứt ra khỏi tư tưởng rằng mục đích của công việc là để ổn định cuộc sống hoặc kiếm tiền, thì không có nghĩa là bạn sẽ không thể làm ra tiền, không thể giàu có sung túc. Lúc đó, bạn thậm chí còn có nhiều mối liên kết chất lượng hơn trong cuộc sống, khả năng sống trong thực tại giàu có của bạn còn tăng lên gấp bội. Vì bạn đã nhìn thấy đường nối tới những điều mà trước kia bạn xem thường, khinh rẻ. Bây giờ, bạn biết giao hòa tâm hồn mình với những hoạt động khác nhau, bạn trân trọng và nhìn ra giá trị của rất nhiều đối tượng xung quanh. Trong khi nguyên tắc của sự giàu có trù phú không là gì ngoài sự đa dạng các mối liên kết chất lượng.

Đối với mình, kể từ khi “thức tỉnh” được chuyện này, mình đã luyện tập giảm bớt sự thiên vị vào một chuyện bất kỳ mà dàn trải ý thức ra nhiều mặt của đời sống nhất có thể. Mình luyện tập chánh niệm dù trong những chuyện nhỏ bé vụn vặt nhiều hơn. Chưa kể, định nghĩa về công việc của mình đã hoàn toàn thay đổi. Nó không còn bó hẹp trong chuyện viết lách mà mình vẫn tưởng như trước kia nữa, mà nó nằm ở việc tận hưởng và trân trọng mọi phút giây được tiếp xúc với cuộc đời. Đó chính là công việc mà mình sẽ làm kể từ nay.

Ở ngoài kia, mình chứng kiến có những người đi thuê phòng trọ chỉ rất tạm bợ, bí bùng và nhỏ hẹp, chỉ với mục đích là tối về ngủ sau cả ngày đi làm quần quật 8-10 tiếng. Hay câu chuyện của người bạn mình bỏ việc ở công ty để đi đến một vùng đất mới làm lại cuộc đời. Những ngày đầu, bạn liên tục phải nghe những câu hỏi từ những người khác là kiếm được việc chưa, tới đó rồi mày làm gì, sao chưa có thu nhập à. Mình chợt thấy rằng sống không chỉ để làm việc, để kiếm được chút tiền nuôi thân. Sống còn là hạnh phúc với chính mình, trân trọng từng phút giây trôi qua, biết ơn Tạo hóa, hít thở căng tràn lồng ngực, và khám phá những điều vĩ đại ẩn sau những điều bé nhỏ, v.v… Trong Kinh Thánh cũng có câu rằng:

“Nếu người nào được cả thế gian mà mất linh hồn mình thì có ích gì? Người ấy sẽ lấy gì mà đổi linh hồn mình lại?”

Vậy nên, đừng sống chỉ để làm việc, hãy đưa mọi công việc vào sự sống.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top