Thật ra tới tháng 12 này mình 31 tuổi.
Sáng nay có một ông anh chơi lâu năm hỏi mình có quán cà phê nào yên tĩnh, vắng khách, wifi mạnh thích hợp để viết lách không? Mình suy nghĩ một lát và chỉ có thể đưa ra một lựa chọn cho anh ấy, vì làm gì có nhiều quán cà phê nào yên tĩnh, vắng người và thích hợp để viết lách ở Hà Nội chứ? Khi ở tuổi 30, là lúc cần một không gian nhẹ nhàng, yên tĩnh hơn thì mình mới nhận thấy chẳng có mấy quán như vậy ở Hà Nội cả. Khắp thành phố có hàng nghìn quán cà phê, nhưng tất cả chỉ dành cho những ai đã và đang sống trong tuổi 20, là khoảng thời gian dành cho sự hướng ngoại và say mê tìm kiếm giá trị của bản thân khi họ nghĩ rằng nó ở bên ngoài chứ không phải là bên trong.
Tuổi 20 chúng ta vui khi ở bên cạnh người khác và cảm thấy mình bị tâm thần khi ở một mình. Chúng ta có thể trong nháy mắt tìm kiếm sự ồn áo, náo nhiệt, người người ngồi san sát nhau trên những vỉa hè và nói chuyện thời thế, hay ngắm nhìn những bạn gái trẻ trung ăn mặc hợp mốt đi qua để cảm nhận được chúng ta đang tồn tại và không phí hoài dù chỉ một tích tắc của tuổi thanh xuân. Ở tuổi 20, chúng ta cần ra phố, cần hít thở bầu không khí náo nhiệt, cần yêu và cần cảm thấy mình không lạc lõng trong cuộc đời này.
Còn tuổi 30, thay vì kể cho nhau nghe về tình yêu, về các cô gái đang tán tỉnh, công việc, những kế hoạch kiếm tiền hay các chuyến phượt lên vùng cao như những năm 20 tuổi, thì mình và ông anh ấy lại chia sẻ về những giá trị ở bên trong như sự quý giá của khoảng thời gian ở một mình với sự thinh lặng cần thiết để cân bằng cảm xúc và suy nghĩ.
Anh ấy nói rằng đó là sự giác ngộ về mặt tâm lý, là chuyến hành hương để biết được bản chất thực sự của cuộc sống. Đó là ở một mình để cảm nhận thế giới. Cái lợi khi chúng ta già đi, khi giã từ tuổi 20 để bước vào tuổi 30 sẽ dành thời gian để chiêm nghiệm về cuộc đời, về bản thân, về cách để sống hạnh phúc không còn lo lắng hay đau khổ. Mình rất hiểu những gì anh ấy chia sẻ, đó là sự thấu hiểu giữa hai thằng đàn ông độc thân ở tuổi 30 có chung đam mê văn chương chứ không phải cái hiểu ở đầu môi chót lưỡi.
Những năm 20 tuổi của mình trôi qua một cách không thể điên rồ hơn. Gặp những con người giống mình, thực hiện những đam mê với sự tự tin mù quáng và cố chấp, bất chấp tất cả để thổ lộ tình cảm với các cô gái (mấy bạn gái này đều có bồ hết rồi, khốn nạn cái thân tôi) mình si mê và nhiều lần yêu đơn phương một ai đó. Đến bây giờ, nếu được chọn lại thì mình vẫn sẽ làm thế, nhưng với thái độ tập trung hơn và thay vì ở cạnh ai đó vì bản thân muốn hay người đó muốn, thì mình sẽ chọn ở một mình trong những lúc mọi thứ không êm xuôi tốt đẹp hơn. Như trong lúc này vậy. Khi ở tuổi 30 chúng ta mới có thể cảm nhận được rõ ràng đến thế nào. Như một mặc khải hay giác ngộ khi thời điểm đó tới.
Quay trở lại với việc tại sao tuổi 30 lại là thời điểm quan trọng của đời người khi tuổi 20 căng tràn nhựa sống qua đi?
Theo quan sát của mình thì tất cả chúng ta đều đã dồn một đống những thứ mà một cuộc đời phải làm cho bằng hết ở tuổi 20 như tìm kiếm cho được đam mê, ước mơ của mình đến lòi mắt, rồi học hành đỗ đạc, ra trường kiếm tiền, thành lập công ty, kiếm người yêu phù hợp rồi kết hôn, rồi có con và tập trung vào một cuộc sống ổn định trước tuổi 30. Nhiều người trong chúng ta cảm thấy mình vô dụng và bất hạnh nếu không đạt được cái ngưỡng chấp nhận được trước những gì mà bên ngoài, mà xã hội cho rằng mày phải có, mày phải như vậy.
Sẽ có những người lựa chọn vài điều miễn cưỡng để ghép vào bức tranh của cuộc đời mình và chấp nhận nó. Sẽ có những người điên loạn và cảm thấy không cần phải cố gắng gì cả, đến đâu thì đến. Và tuổi 30 chính là thời điểm thích hợp khi tất cả chúng ta đã đi qua những năm tháng tuổi 20 với sự dại khờ, ngây ngô cũng như ném vào thế giới không ít ước vọng lớn lao. Mọi thứ vẫn còn nguyên, chúng ta có thể đạt được tất cả khi tìm thấy giá trị nội tại bên trong.
Tuổi 30 chính là thời điểm mà trong triết học, thiền đạo hay tôn giáo muốn con người hướng đến: Sự nhận biết giá trị về bản thân ngay trong lúc này, ngay bây giờ là niềm hạnh phúc tối thượng khi trong tuổi 20 nhiều người cứ tìm nó ở bên ngoài một cách vô ích. Con người ở tuổi 30 có thể vui vẻ ở một mình mà không phải hoảng loạn như tuổi 20. Và khi chúng ta có thể tự mình an yên thì sẽ khởi sinh hỷ lạc ngay từ bên trong. Đó là bản chất của thiền, là khoảng khắc kết nối với Đấng Sáng Tạo.
Ở tuổi 30 chúng ta dễ dàng nhìn nhận mọi thứ đa chiều hơn, chấp nhận những gì có thể và không thể hơn và quan trọng nhất rằng chúng ta kiên nhẫn và thương yêu chính bản thân mình hơn. Tuổi 20 bạn cho rằng nỗi đau bắt nguồn từ người khác gây ra cho mình. Còn tuổi 30 bạn lại thấy chính bản thân đã đem tới đau khổ cũng như chính bạn cũng sẽ diệt trừ được nỗi đau khổ ấy.
Mình có chia sẻ với ông anh ấy rằng thời gian này, khi ở một mình mình viết được rất nhiều (chẳng hạn như bài viết này) mà không cảm thấy xao nhãng khi ở tuổi 20. Khi nhìn ra xung quanh, mình thấy anh em, bạn bè đã lập gia đình, có con cái đề huề, công việc ổn định và nhìn mình với thái độ thương cảm, trong khi mình lại mới tìm ra cách để bản thân tiến bộ hơn và thấy vui vì điều đó. Sự tiến bộ ở tuổi 30 là một định nghĩa méo mó trong con mắt của những người xung quanh mình. Sẽ có ai đó nói rằng để làm gì đâu khi mình không có điều đó ở tuổi 20? Có lẽ họ đúng, nhưng mình chỉ có thể tìm thấy điều đó khi đã 30 tuổi.
“Em thích mình lúc này hơn là khi 20.”
“Anh cũng thế.”
Và khi mình nghĩ gợi ý với ông anh rằng anh ấy có thể tìm đọc cuốn The Walden – Một mình sống trong rừng của Henry David Thoreau để thấy giá trị sống một mình cần thiết đến thế nào thì anh nói rằng cũng sẽ vào rừng cắm trại một thời gian khi nghỉ việc. Đây là sự tình cờ hay tâm trạng chung của những thằng đàn ông ở tuổi 30 đây? Mình thiên về vế thứ hai.
Ở tuổi 30 khi Đức Jesus chịu chết, thái tử Tất Đạt Đa giác ngộ thành Phật, còn Zeno sáng lập phái Khắc Kỷ, Alexander chinh phục thế giới hay Haruki Murakami bắt đầu viết tiểu thuyết thì mình cùng những người khác bắt đầu có thể ở một mình mà vẫn vui vẻ, hạnh phúc và hiểu rằng cuối cùng mình vẫn đạt được mọi thứ bản thân muốn.
“Tâm trí sẽ nhạy bén hơn và sắc sảo hơn trong tĩnh mịch và sự thầm lặng không hoạt động. Suy nghĩ thì không cần phải có một phòng thí nghiệm lớn. Hãy ở một mình, đó là bí quyết của những phát minh. Hãy ở một mình, đó là khi những ý tưởng được nảy sinh.” Ôi, một ghi chép đã trở thành bất tử của Nikolas Tesla và nói thay lên giá trị ở một mình mà tuổi 30 chúng ta nhận được.
Tác giả: Đức Nhân
Biên tập: SUYNGAM.VN