TẠI SAO TRIẾT HỌC KHẮC KỶ CÓ THỂ SẼ THÚ VỊ VỚI BẠN?
Nếu trong những ngày tháng tiếp theo bạn muốn tìm kiếm cảm hứng để có cái nhìn khác về cuộc sống, một sự thay đổi trong nội tâm khi tìm về giá trị triết học, lối sống đúng đắn để thấu hiểu bản thân mình và cuộc đời hơn, thì mình khuyên hãy tìm hiểu về triết học Khắc Kỷ.
Lối sống mà triết học Khắc Kỷ hướng tới phù hợp từ một nô lệ, các nhà quý tộc, một vị hoàng đế từ hàng nghìn năm trước cho tới các doanh nhân và người truyền cảm hứng trong thời đại.
Giá trị của triết học Khắc Kỷ không cần một tư duy của người phải đọc hàng trăm cuốn sách để có thể cảm nhận được.
Triết học Khắc kỷ cũng không hứng thú gì với việc cổ vũ bạn phủ nhận tôn giáo hay các tư tưởng triết học khác bằng một sự nổi loạn để chứng minh cho sự tự do tuyệt đối như Osho đã làm.
Và Triết học Khắc Kỷ cũng không cần bạn phải trải qua một lễ rửa tội, một tên thánh hay pháp danh hay pháp hiệu nào cả. Giống như thiền định, triết học Khắc kỷ không cần bạn phải có những gạch đầu dòng nhất định.
Lối sống Khắc kỷ mời gọi bạn ngồi xuống để cảm nhận và ngắm nhìn bất cứ trạng thái, hoàn cảnh, sự kiện nào đang diễn ra ngay trong giây phút này với sự bình thản và chấp nhận như một lẽ thường chắc chắn sẽ phải đi qua trong cuộc đời này. Đối với một người Khắc kỷ, khi bạn không thể chạy trốn những sự khó khăn và tiêu cực, thì tại sao không đối diện với nó bằng cả tâm trí lẫn hành động để giữ được sự bình yên nội tại của bản thân.
TƯ TƯỞNG VỀ TRIẾT HỌC KHẮC KỶ CỦA EPICTETUS
Bây giờ chúng ta hãy quay lại với nhân vật đặc biệt nhất của triết học Khắc kỷ – Epictetus.
Epictetus còn được nhớ đến không chỉ vì đã từng là một nô lệ thông minh, khôn ngoan mà còn là một triết gia Khắc kỷ thọt chân nhưng có ảnh hưởng vô cùng lớn đến Marcus Aurelius – Hoàng đế La Mã và cũng là một nhân vật quan trọng của triết học Khắc Kỷ.
Epictetus ra đời vào khoảng năm 55 sau Công nguyên tại Hierapolis, Phrygia, phía Đông của Đế quốc La Mã. Ngay từ nhỏ, Epictetus đã biểu lộ một tài năng xuất chúng về tri thức dù là một nô lệ. Chủ của ông là Epaphroditus ấn tượng đến nỗi đã gửi Epictetus đến La Mã để học với Gaius Mosunius Rufus – một nhân vật phái Khắc Kỷ có ảnh hưởng lớn lúc đó ở La Mã.
Không mất nhiều thời gian, Epictetus đã trở thành môn đệ nổi tiếng nhất của Rufus, và sau cùng được giải phóng khỏi tình trạng nô lệ. Khi Rufus bị ép phải tự sát vì tội chống lại hoàng đế La Mã, Epictetus liền kế tục thầy mình giảng dạy tại Roma cho đến năm 94 sau Công nguyên, khi Hoàng đế Domitian ra lệnh trục xuất ông.
Epictetus bình thản trước điều đó, ông rời khỏi Roma, mở một trường dạy triết học Khắc kỷ ở Nicopolis với trọng tâm là cách sống với phẩm cách và sự thanh thản. Trong thời gian này, Epictetus đã thuyết giảng nhiều nội dung đã được học trò (và sau này là sử gia nổi tiếng Arrian) ghi chép lại. Cuốn Nghệ thuật sống là nhiều tập hợp các bài thuyết giảng của Epictetus được đóng thành sách.
Trong số những môn đệ theo học Epictetus, có cả Marcus Aurelius Antoninus, tương lai sẽ trở thành Hoàng đế La Mã và cũng là tác giả cuốn Meditations – Suy tưởng, một biểu tượng cho chủ nghĩa Khắc kỷ.
Mình đã đọc cả Nghệ thuật sống của Epictetus và Suy tưởng, thì thấy rằng Aurelius chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Epictetus. Nhưng cách diễn đạt của Aurelius lại không dễ hiểu và nhẹ nhàng như thầy mình mà mang trong nó một sự chấp nhận chịu đựng trong thanh thản.
Epictetus tin rằng công việc cơ bản của triết học là giúp những con người bình thường đối mặt một cách hữu hiệu với những thách thức của cuộc sống thường nhật, và xử lý những mất mát chủ yếu không thể tránh, những nỗi thất vọng và sầu muộn mỗi ngày.
Đối với Epictetus, một cuộc sống hạnh phúc và một cuộc sống đức hạnh là đồng nghĩa với nhau. Hạnh phúc và sự viên mãn cá nhân là những kết quả tự nhiên của việc làm điều thiện. Epictetus cũng coi sự tiến bộ đạo đức quan trọng hơn là việc tìm kiếm sự hoàn hảo về đạo đức.
Epictetus nói rằng điều quan trọng không phải là thực hiện những hành vi tốt, một cuộc sống đạo đức là để giành lấy ân huệ của thần linh, hay sự thán phục của những người khác, mà là để đạt tới sự thanh thản nội tại, và như thế đạt tới sự tự do cá nhân. Đồng thời việc đạt tới đạo đức mà chủ nghĩa Khắc kỷ hướng tới là một cơ hội đồng đều ở trong tầm tay của bất cứ ai, trong bất cứ thời điểm nào. Một nô lệ, một triết gia hay một hoàng đế đều có thể đạt được điều đó nếu họ muốn.
Trọng tâm và lối sống Khắc kỷ mà Epictetus hướng tới gồm ba điều:
- Làm chủ những dục vọng của mình.
- Thực hiện những bổn phận của mình.
- Học cách suy tư một cách rõ ràng về chính mình, cùng những mối quan hệ của mình với thế giới.
Cả ba điều này đều cần thiết, đều đáng suy ngẫm trong cuộc đời của chúng ta để hiểu được bản thân mình hơn và đạt tới sự bình thản trước vô thường trong cuộc sống.
Một vài trích dẫn trong Nghệ thuật sống của Epictetus.
- Hạnh phúc và tự do bắt đầu với sự hiểu biết rõ ràng về một nguyên tắc: Một số điều nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta, và một số khác thì không. Chỉ sau khi bạn đã đối mặt và chấp nhận nguyên tắc nền tảng này, và học cách phân biệt giữa những gì bạn có thể và không thể kiểm soát, thì bạn mới có thể đạt tới bình an nội tâm và cách hành xử hữu hiệu.
- Hãy nhớ: Những điều nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta thì trong bản chất tùy thuộc chúng ta, không bị ngăn trở, không bị câu thúc; trái lại, những cái nằm ngoài tầm kiểm soát của ta thì bấp bênh, lệ thuộc hoặc bị quy định bởi những ý thích bốc đồng và hành động của người khác. Cũng nên nhớ, nếu bạn nghĩ rằng mình có thể hoàn toàn kiểm soát những cái mà bản chất tự nhiên của chúng nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, hay nếu bạn cố lấy những công việc của người khác làm công việc của chính mình, thì bạn sẽ thất bại, trở thành một kẻ phẫn chí, lo lắng và ưa trách móc.
- Hãy tập trung toàn bộ sự chú ý của bạn vào những gì mà mình thực sự cần quan tâm, và hãy rõ ràng, minh bạch rằng cái thuộc về người khác là công việc của họ, chứ không phải là của bạn. Khi làm như thế thì bạn sẽ không bị câu thúc, và không ai có thể ngăn trở bạn. Bạn sẽ thực sự tự do và hành động một cách hữu hiệu, bởi vì những nỗ lực của bạn sẽ được sử dụng tốt và sẽ không bị lãng phí một cách ngốc nghếch vào việc chỉ trích hay chống đối những người khác.
- Nếu bạn muốn sống theo những nguyên tắc như một người Khắc kỷ thì hãy nhớ rằng điều đó sẽ không dễ dàng: Bạn sẽ phải hoàn toàn từ bỏ một số điều, và trì hoãn một số điều khác trong hiện tại bây giờ. Rất có thể bạn sẽ phải từ bỏ sự giàu sang và quyền lực nếu bạn muốn đảm bảo việc đạt tới hạnh phúc và tự do.
- Những ham muốn và ghét bỏ của chúng ta là những “kẻ thống trị” bốc đồng. Chúng yêu sách, buộc ta phải tuân phục những mệnh lệnh của chúng. Lòng ham muốn thúc đẩy ta đuổi theo và đạt điều ta muốn. Sự ghét bỏ, trái lại, yêu sách rằng ta phải tránh điều ta không ưa. Thông thường, khi không đạt được điều ta muốn, ta thất vọng. Khi gặp điều ta không muốn, ta phiền não.
- Lòng ham muốn và sự ghét bỏ, mặc dù mạnh mẽ, cũng chỉ là những thói quen. Và chúng ta có thể tự rèn luyện mình để có những thói quen tốt hơn. Hãy từ bỏ thói quen trốn tránh những điều không nằm trong tầm kiểm soát của bạn, và thay vào đó, hãy tập trung vào việc chống lại những điều không tốt cho bạn nhưng lại nằm trong tầm kiểm soát của mình.
- Hãy cố hết sức để chế ngự những ham muốn của bạn. Bởi vì, nếu bạn ham muốn một cái vốn không nằm trong tầm kiểm soát của riêng mình, thì bạn sẽ thất vọng, trong khi đó, bạn sẽ bỏ bê những cái đáng ham muốn vốn nằm trong tầm kiểm soát của mình.
- Hoàn cảnh ngoại tại không xảy ra để đáp ứng những mong đợi của chúng ta. Những biến cố xảy ra một cách tự nhiên. Người ta hành xử một cách tự nhiên. Hãy ôm giữ những gì mà bạn thực sự đạt được. Hãy mở mắt ra: Hãy nhìn sự vật đúng như thực tướng của chúng, và do vậy tránh cho bạn nỗi đau đớn của sự luyến chấp sai lầm và sự đổ nát có thể tránh được. Hãy nghĩ về những cái làm bạn vui thích – những vật dụng cần thiết mà bạn sử dụng, những người mà bạn trân quý. Nhưng hãy nhớ rằng, chúng và họ có tính chất riêng, vốn hoàn toàn khác biệt với cái cách mà ta nhìn chúng và họ.
- Hãy nhớ rằng khi bạn ôm hôn con, chồng hay vợ mình thì bạn đang ôm một kẻ hữu tử. Như vậy, nếu một trong số họ có mất đi thì bạn nên chịu đựng với sự điềm tĩnh. Khi một điều gì đó xảy ra thì cái duy nhất nằm trong quyền lực của bạn là thái độ của mình đối với nó, bạn có thể chấp nhận hay từ chối nó. Cái thực sự làm chúng ta sợ hãi hay hoảng loạn, không phải là những biến cố ngoại tại, mà là cái cách chúng ta nghĩ về chúng. Cái khuấy động chúng ta, không phải là những sự thể ngoại tại, mà chính là sự thuyết minh của chúng ta về ý nghĩa của chúng.
- Đừng cố tạo ra những quy tắc của riêng bạn. Trong mọi vấn đề – lớn hay nhỏ, công hay tư – hãy hành xử phù hợp với những quy luật của tự nhiên. Việc hòa điệu ý chí của bạn với tự nhiên nên là lý tưởng cao nhất của bạn.
- Điều quan trọng không phải là bạn đang làm cái gì, mà là bạn đang làm nó như thế nào. Khi chúng ta hiểu đúng đắn và sống theo nguyên tắc này, thì mặc dù những khó khăn vẫn khởi lên – vì chúng cũng là một phần của trật tự thiêng liêng – chúng ta vẫn có bình an nội tâm.
Tác giả: Đức Nhân
Biên tập: SUYNGAM.VN