person-110305_1280

Chí Tôn Ca – Bản hùng ca về con đường trở thành một chân nhân

Đầu tiên xin bạn đừng hiểu lầm danh từ chân nhân là một bậc thánh nhân hay một người cao siêu, phi thường nào đó mà mình chẳng thể đạt tới. Chân là thật, nhân là người, chân nhân là một con người đích thực, một con người tình thức, nhận biết rõ bản chất chân thật của mình. Khi một người nào đó thật sự biết mình, anh ta biết Thượng Đế, biết bản chất của thực tại

“He who knows himself knows God” – Clement of Alexandria

Bản thân tôi cũng như bao bạn trẻ khác, đã trải qua bao phen sóng gió, khó khăn và chịu không ít đau khổ trong cuộc đời từ vô vàn những biến động trong cuộc sống thường ngày. Có trải qua nhiều phen như thế, Đôi khi tôi nhìn lại bản thân, tự hỏi ý nghĩa cuộc đời này là gì? Mình đang làm cái quái gì trong cuộc đời này đây, thật sự lúc ấy tôi thấy cuộc đời khá là vô nghĩa, và hay có những suy nghĩ tiêu cực. Tôi cứ luôn hỏi liệu sự tồn tại của mình trên đời có môt ý nghĩa gì đó không? Chí Tôn Ca đã chỉ ra cho tôi một con đường rõ ràng, như ánh sáng xuyên qua làn mây, cho tôi biết sâu bên trong tôi là ai và tôi cần phải làm gì trong cuộc đời mình để xứng đáng với món quà tuyệt vời nhất mà vũ trụ đã ban cho tôi đó chính là cuộc sống này.

Sống trong đời sống không phải là để thỏa mãn thân xác, hưởng thụ. Sống là để cống hiến, để phụng sự.

Tinh thần xuyên suốt trong Chí Tôn Ca, ngài Krishna, hóa thân của Thượng Đế, đã rất nhiều lần nhắc lại với Arjuna, hãy hành động, hãy làm tròn nhiệm vụ, bổn phận của mình. Ngài luôn gửi gắm một thông điệp hãy lao động, làm việc với tất cả lòng nhiệt thành, tận tâm mà không mong cầu thành quả cho riêng mình. Tất cả những việc làm đó là để hiến dâng lên Đấng Tạo Hóa, một cái tên khác cho tất cả nhân loại, vạn vật, Trời Đất, chúng sinh khắp thế gian, khắp vũ trụ. Vì vậy, với tinh thần như thế, một người không phải vì sự ích kỷ cá nhân, mà thay vào đó động cơ làm việc của anh ta là tình yêu, tình yêu cho sự sống, cho Trời Đất, cho tha nhân. Anh không cạnh tranh, đố kỵ, anh yêu mến và giúp đỡ tất cả mọi người. Có thể nói, không phải anh ta đang làm việc, anh ta đang phụng sự trong tình yêu với Đấng Khrishna. Tất cả mọi việc anh làm là một lễ vật, là sự phụng sự thiêng liêng cho Trời Đất.

Mansanobu Fukuoka – một người Nhật đã trải qua sự thức tỉnh tâm linh, cũng đã nói với những người nông dân về tinh thần phụng sự Tự Nhiên trong quyển sách Cuộc Cách mạng một cọng rơm của mình.

“Vì thế đối với người nông dân trong công việc của mình: hãy phụng sự tự nhiên rồi mọi chuyện đều sẽ đâu vào đó” – Mansanobu Fukuoka

Chí Tôn Ca đã có từ hàng ngàn năm trước nhưng những lời dạy trong đó đặc biệt thiết thực trong thời đại ngày nay khi mà nhiều người làm việc vì lòng tham cầu cho bản thân, vì ham danh lợi và thành quả, sinh ra đố kỵ, ganh ghét và tự gây bất an cho chính mình, thậm chí làm những việc trái với đạo lý vì tham lam vô độ.

“Họ cho rằng làm mãn nguyện các giác quan là điều tối quan trọng của nền vănminh nhân loại. Vì thế, họ bất an cho tới ngày tận số. Bị trói buộc bởi trăm ngàn ham muốn và đắm say trong sắc dục, giận hờn, họ cố kiếm tiền bằng đủ mọi cách phi pháp để dùng chúng vào việc làm thỏa mãn giác quan.” (Câu 11-12, chương 16)

Điều tôi thích ở Chí Tôn Ca không chỉ nằm ở tinh thần phụng sự vô tư vô lợi, hơn thế nữa, anh không chỉ phụng sự Thượng Đế bằng những việc anh làm với tha nhân. Anh còn phải hiến dâng chính bản thân mình, vì vậy hãy trở thành phiên bản tốt nhất bằng cách tự tu sữa bản thân và nâng cấp chính mình.

Tất cả những chúng sinh tạo vật của Thượng Đế đều có ba tính chất bị đặt định sẵn, hiền tính, dục tính và si tính. Chúng nằm sẵn ở mỗi con người, si tính là sự vô minh không nhận thức được đạo lý, điều gì đúng, điều gì  sai, điều gì nên làm và không nên làm, mà hành động trong vô thức nhằm thõa mãn thú vui tạm bợ của bản thân. Sự tham lam, đắm nhiễm vào sự thõa mãn các giác quan của thân xác là dục tính. Trong một phần của mỗi chúng ta ai cũng có dục tính, và si tính, nhưng đặc ân của con người là chúng ta cũng có hạt giống hiền tính.

“Hỡi người không phạm tội, hiền tính, cái sạch trong hơn các thuộc tính khác soi sáng và giải thoát chúng sinh khỏi mọi nghiệp chướng. Những người ở dưới ảnh hưởng của thuộc tính này được chế định bởi cảm giác hạnh phúc và trí huệ.” (Câu 6, chương 14)

“Đức Thượng Đế Tối Cao phán: Con trai của Pandu ơi, những người vững vàng trước sự hài hòa của hiền tính, hoạt động của dục tính, hay ảo tưởng của si tính; người nào luôn bình thản và điềm tĩnh trước những tác động của ba thuộc tính vật chất; người nào dửng dưng và siêu việt đối với các biểu hiện đó bởi vì biết rõ tất cả chúng đều là kết quả hoạt động của các thuộc tính vật chất; người nào thấu tỏ bản chất thực sự của mình và coi sướng, khổ như nhau; người nào chẳng phân biệt hòn đất, viên đá với thỏi vàng; người nào đón nhận hạnh phúc và tai ương như nhau; người nào biết chịu đựng lời chê và chẳng để ý tiếng khen, kiên tâm tiến tới đích bất chấp nhục hay vinh; người nào chẳng phân biệt bạn, thù; người nào từ bỏ mọi hoạt động vật chất, người đó đã siêu việt hơn các thuộc tính của thiên nhiên vật chất.” (Câu 22 -25, chương 14)

Dù chịu ảnh hưởng của ba thuộc tính của thiên nhiên, vật chất như trên, nhưng sức mạnh thật sự của con người là có thể vượt lên trên ba thuộc tính đó và “bỏ lại thân xác của loài khỉ, ta dang cánh bay.” Đây là mức độ tâm thức quan trọng và đích đến cần vươn tới trong cuộc đời, khi ấy một người có sự tự do đích thực, sống trong an lạc vững bền, nếm trải chân hạnh phúc đích thực, bất chấp mọi hoàn cảnh xảy ra xung quanh. Ai có thể đạt được trạng thái này, người đó đã trở về nguồn cội, hợp nhất với Thượng Đế, Chân ngã.

Hành trình tự nhận biết bản thân là hành trình dài, đầy cạm bẫy, khó khăn mà ai cũng phải tự mình vượt qua, nhưng đây là một hành trình thiêng liêng và vĩ đại, có rất nhiều người đi trước và soi đường cho chúng ta và ai cũng có khả năng bước đi trên đôi chân của chính mình. Chí Tôn Ca là một trong những ngọn đèn soi sáng con đường cho bất cứ ai tìm đến.

“Đó là con đường của cuộc sống tinh thần và chính trực, sau khi bước lên đó, con người không còn lầm lạc nữa. Nếu đạt được cấp độ này, dù ở phút lâm chung của cuộc đời, anh ta sẽ tới được nước Trời.” (Câu 72, chương 2)

Tác giả: Phạm Văn Thiên

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top