Cách đây sáu tháng, vụ xả súng ở tòa soạn báo Charlie Hebdo gây rúng động giới truyền thông thế giới. Những người đang sống ở châu Âu, đặc biệt là Pháp vốn không xa lạ gì với tuần báo biếm họa này với những mục bút chiến và biếm họa gây tranh cãi nảy lửa về tôn giáo và chính trị, về những phần tử cực đoan. 12 người bị bắn chết trong đó có tám nhân viên tòa soạn, nhiều người khác bị thương, sau đó là cả cảnh sát và dân thường.
Bất chấp mọi việc, Charlie Hebdo vẫn tiếp tục hoạt động với phát ngôn, “Bởi vì ngòi bút luôn ở trên sự tàn bạo, bởi vì tự do là một quyền trên toàn thế giới, bởi vì các bạn ủng hộ chúng tôi, chúng tôi, Charlie, sẽ phát hành số tiếp theo vào thứ tư tuần tới.”
Cả thế giới như phân tách thành hai thái cực: hàng triệu người đi tuần hành ủng hộ tự do ngôn luận, phản đối chủ nghĩa khủng bố/hồi giáo cực đoan – đối đầu với thế giới Hồi giáo khi cho rằng, việc tòa báo Charlie làm không phải tự do ngôn luận mà là nhục mạ tôn giáo tín ngưỡng của người khác. Ở đây chúng ta không xét đến đúng sai, vì thứ nhất chúng ta không thuộc về thế giới phương Tây lẫn Hồi giáo, ta sẽ không hiểu được họ nghĩ gì. Thứ hai, cái ngày chúng ta còn trẻ dại, thế giới này chỉ có hai màu: đen và trắng. Đúng và sai. Tốt và xấu. Nhưng càng lớn ta mới thấy không dễ để phán xét rạch ròi mọi thứ và mọi con người trên đời này. Không có lý tưởng đúng sai
Tự do ngôn luận và tự do tôn giáo là hai vấn đề song song và thuộc về truyền thống của các nước châu Âu – nơi người ta có thể viết, vẽ, chửi, nói về bất kỳ cái gì họ thích. Và đôi khi hai đường thẳng song song trên giao nhau, đó là khi những vụ như Charlie xảy ra – như một hậu quả tất yếu của một thập kỷ những mâu thuẫn và tranh cãi bất tận.
Xét trên một lăng kính nhỏ và cá nhân hơn, tôi luôn nghĩ rằng tốc độ tăng tiến của đường truyền Internet và công nghệ đang nhanh hơn nhiều sự phổ cập giáo dục và văn hóa. Không chỉ ở Việt Nam.
Bản thân chúng ta hiện không xa lạ với cụm từ “Cộng đồng mạng Việt Nam” – những con người vô danh giấu mình sau màn hình máy tính, một phần có thật, một phần do báo chí dựng lên để dắt mũi dư luận vào những cuộc tranh luận nảy lửa nhưng vô nghĩa. Thực ra chúng ta nên khách quan và bớt khắt khe đi một chút, vì phân nào cũng là phân, nó có mùi như nhau, dù là ở Việt Nam, Mỹ hay châu Âu.
Gần đây tôi có nói chuyện với một tay bạn Đức cùng nhà. Hắn khẳng định rằng nước Đức đang quá thừa cái gọi là “dân chủ” và tự do ngôn luận (“Mỹ còn tồi tệ hơn”, trích lời hắn) – và cái gì bị đẩy đến mức cực đoan cũng sẽ có hậu quả tất yếu. Đừng nghĩ chỉ có ở Việt Nam, do văn hóa kinh tế kém phát triển mới có “Cộng đồng mạng”, ngay tại đây giữa đất nước văn minh đang gồng gánh cả châu Âu về mặt kinh tế, các thanh niên trẻ cũng hăng hái bình luận những dòng thật dài, cãi, chửi và mạt sát nhau nhiệt tình ở trên mạng vì đủ mọi vấn đề thời sự xã hội nóng bỏng, nào người ăn chay đối đầu người ăn thịt (ở Đức có khoảng 8 triệu người ăn chay, tức là 10% dân số – rất nhiều trong số họ tin và có những lập luận vững chắc rằng ăn chay/ăn thịt không phải một lựa chọn, sở thích cá nhân mà là một việc giúp bảo vệ môi trường, khí hậu và tài nguyên Trái Đất), ngược đãi động vật ở các trang trại chăn nuôi kiểu công nghiệp, chuyện cho Hy Lạp vay tiền (và các thuyết âm mưu), sự bất cập của chính sách người nhập cư và dân tị nạn (cái gì đứng đằng sau thật sự việc người Đức nhận quá nhiều người tị nạn trong khi rất nhiều người còn sống ở “mức tối thiểu”), phong trào Pegida bài hồi giáo vs. những người bài Pegida và một Nazi thứ hai, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa tiêu thụ…. Tin tôi đi, một khi động đến những thứ khiến người ta thấy nhột và ức chế thì không hề có sự khác biệt. Sự thật vốn khó nghe, và để có phản ứng đúng mực lại càng khó hơn gấp bội, lúc này đây thứ duy nhất khi trên mạng giúp tôi phân biệt được Đức với Việt Nam chỉ có một: ngôn ngữ.
Vậy tự do ngôn luận là gì?
Quyền tự do ngôn luận là một nhân tố then chốt của một nền dân chủ. Đơn giản vì ý tưởng định hình nên xã hội, một ý tưởng dù mới đầu nghe qua có điên rồ, kỳ dị đến mức nào như nào đi nữa cuối cùng cũng có khi mang lại lợi ích cho cộng đồng. Mọi thứ đều được khuyến khích ở đây. Chính vì vậy công dân ở các nước có nền dân chủ phát triển không bị cấm đoán hay trừng phạt khi thể hiện góc nhìn cá nhân của mình, cho dù nó có khó nghe đi nào chăng nữa. Nói một cách khác, những phát ngôn của họ được giải trừ khỏi truy cứu và trách nhiệm luật pháp, bất chấp việc bộc lộ danh tính rõ ràng trước những người cầm quyền. Nghe thì màu mè và thiên đường vậy thôi, chứ một khi nghĩ thật kỹ, chẳng có cái gì gọi là sự tự do ngôn luận hoàn toàn cả.
Internet thì khác. Đây là một hình thức giao tiếp khuyết danh, tức là đáng nhẽ nó đã có điều kiện cần để thực hiện sự tự do ngôn luận tốt hơn những phương tiện truyền thống. Có những mặt Internet đang làm tốt, nhưng cũng có nhiều góc khuất – đời là vậy, bất cứ cái gì tốt cũng có giá của nó, câu hỏi của chúng ta ở đây là, liệu cái giá ta phải trả có vượt quá những lợi ích nó mang lại?
Nhiều người dân chúng ta tìm đến mạng internet như một cứu cánh cuối cùng, và tâm lý chung của đám đông là vì ở ngoài xã hội chúng ta bị chèn ép đủ rồi nên lên đây họ phải nói cho sướng miệng. Thực ra nguyên nhân không phải như thế. Quan sát từ những gì mắt thấy tai nghe của tôi từ xã hội Đức và Việt Nam thì những gì con người thể hiện trên mạng khá giống nhau, không có nhiều sự khác biệt – bất chấp sự chênh lệch về văn hóa, kinh tế hay dân chủ. Tôi không nói đến những điều vĩ mô, chính trị cao xa gì mà chỉ là cách tôi với bạn hành xử và đối đáp với nhau trên mạng này.
Chúng ta đang phải trả cái giá cho cái gọi là sự tự do ở trên mạng.
1) Tự do ngôn luận theo nguyên gốc là quyền thể hiện ý kiến tự do của mình trước những kẻ có quyền, có tiền, trước ý kiến đám đông – để bảo vệ những người yếu thế. Trước khi hô hào cái tự do ngôn luận của bạn thì hãy xem nó có phục vụ mục đích ấy không – hay dùng để chửi nhau, chửi chính những người đồng bào cho sướng miệng hơn là đưa ra ý kiến giúp xã hội phát triển tiến lên?
Ai cũng thích thể hiện ý kiến, ai cũng thích phản biện. Nhưng không ai biết lúc nào cần im lặng, khi nào chịu bình tĩnh lắng nghe, tìm hiểu và nghiền ngẫm kỹ những gì người khác nói (xin lỗi, phải là viết mới đúng), chứ không chỉ đơn giản dựa vào yêu ghét và chăm chăm vào soi một từ, một câu và rút nó ra vào văn cảnh. Thậm chí đáng kinh tởm hơn là kiểu cứ phải chửi đã, đọc sau hoặc lôi gốc gác, đời tư cá nhân, ngoại hình quần áo của người khác ra để nhục mạ dù nó chẳng liên quan đến vấn đề tranh luận. Ở nước ngoài có tự do ngôn luận thì cũng có tội dành cho việc xúc phạm người khác. Đừng đòi quyền lợi khi không thực hiện được những trách nhiệm, nghĩa vụ đi kèm.
Các cụ có câu, “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” thì giờ tôi nghĩ chúng ta cần nhất việc, “Xóa đi bảy lần trước khi viết. Sau từng ấy lần xóa mà vẫn muốn viết câu ấy thì hãy làm.”
2) Bạn có thấy từ “Tự do” trong cụm từ “Tự do ngôn luận”? Liệu một từ đẹp đẽ như “tự do” có gắn liền với việc suốt ngày chia sẻ một cái gì xấu xí và chửi bới?
Tất nhiên, đọc đến đây bạn có thể phản biện lại với tôi rằng, “Facebook là của cá nhân tôi, tôi thích viết gì thì mặc xác tôi chứ liên quan gì đến anh.” Bạn lại bất mãn rồi.
Nếu chúng ta muốn thay đổi thế giới hãy chỉ cho người ta thấy thế giới này đẹp như nào, chứ đừng mãi chỉ nhìn thấy những cái xấu xí. Nhìn lại quá khứ, tôi đã có nhiều thay đổi mà bản thân mình thấy hài lòng: thế giới này vốn đã đủ thứ năng lượng tiêu cực rồi, vậy nên tôi sẽ không góp phần tạo thêm ra nó nữa. Tôi sẽ chỉ nói và chia sẻ về những gì tôi yêu, đẹp đẽ, đam mê, những thứ có thể khơi gợi cảm hứng cho người khác, những thứ chính bản thân tôi cũng không muốn nhìn thấy.
Tôi nghĩ rằng một khi cái vấn đề chúng ta cãi nhau là vớ vẩn thì cho dù ta đúng hay sai, khi bắt đầu tham gia vào guồng quay đó đã là thất bại. Không có ai thắng cuộc từ những tranh cãi như vậy để mà hả hê sung sướng. Rốt cuộc thì việc share một cái bài báo lá cải, giật tít của một trang báo điện tử rẻ tiền hay một cá nhân vớ vẩn nào đó mình vốn ghét về facebook sau đó cùng đồng bọn chửi và cười thỏa mãn với việc chửi liệu mang lại được gì ngoài view cho nó?
3) Tự do ngôn luận gắn liền với tự do báo chí. Nhưng báo chí mạng hiện tại không chỉ có tự do mà còn cả tự tung, tự tác.
Đã có đủ những “câu chửi tốt đẹp” nhất dành cho các thể loại báo mạng nên tôi không “biết rồi nói mãi nữa”.
Cái chúng ta thực sự cần làm là im lặng, làm những việc của chúng ta và để cho chúng chết trong im lặng trước khi đẻ trứng chứ không phải quảng cáo nhiệt tình để chúng có thêm tiền quảng cáo và tiếp tục sản xuất nhiều bài như thế nữa. Đừng để báo chí dắt mũi xong lại tự tin tưởng rằng mình có chính kiến.
4) Tự do ngôn luận không phải cái cớ để xâm phạm tự do cá nhân người khác
Ẩn danh và khuyết danh là một thứ mặt hàng xa xỉ ở thời đại này mà không phải ai cũng đủ khả năng chi trả. Một con dao hai lưỡi: từ khi ra đời cách đây hơn 40 năm, Internet đã trở thành một miền đất hứa cho con người thể hiện quan điểm của mình về xã hội, chính trị, tôn giáo, giới tính… mà không sợ bị người khác phán xét, kỳ thị. Nhưng giờ đây nó đã mất, mãi mãi. Sự vô danh của internet không còn bảo vệ được người ta khỏi bị hành hung, nhục mạ trên mạng bởi những kẻ lợi dụng vô danh khác nữa. Lời nói không rõ danh tính trở thành một thứ không có trọng lượng và bị sử dụng bừa bãi, ngay cả khi nó có thể làm tổn thương người khác. Với những Chí Phèo trên mạng, chấp nhận việc không cùng chung một ý kiến chưa đủ, hắn phải lôi cả họ hàng hang hốc nhau ra chửi hoặc bĩu môi lườm nguýt một cái thật dài, viết những câu chửi thật độc địa và hẹp hòi với bất cứ ai hắn thấy ngứa mắt – những người hắn chẳng biết quái gì về người ta nhưng lại tưởng là biết tuốt. Những cuộc săn phù thủy online diễn ra hàng ngày như một môn thể thao giải trí thời hậu hiện đại. Nên nhớ rằng, những cuộc săn phù thủy trên mạng là ảo, nhưng hậu quả nó gây ra thì rất thật.
Ngay cả Facebook cũng bắt người dùng phải nhập tên thật, cách duy nhất để một người có thể bảo vệ chính mình vào thời đại này là rút dây mạng ra khỏi máy tính của mình.
5) Căn bệnh nặng của thứ gọi là “thông tin xác thực”
Một căn bệnh thật sự đáng sợ khi có những kẻ muốn câu like, câu view mà tung những tin tức thất thiệt đánh trúng vào tim đen của người đọc, họ mù quáng đọc nó và share đi với tốc độ chóng mặt. Có những lời dối trá một khi được nói quá lâu sẽ trở thành sự thật. Từ sức khỏe, tin tức, kiến thức khoa học, tình dục, tin đồn về anh ca sĩ này cô người mẫu kia, những câu chuyện cảm động… Ví dụ gần đây nhất tôi thấy là một video của Hàn Quốc quay người Nhật làm đồ ăn giả để trưng bày trước cửa kính nhà hàng cho khách (chuyện hết sức phổ biến) được một trang fanpage khá đông người theo dõi up lại và viết tựa đề “Đúng là khựa, cái gì cũng làm giả được” để kích động những thanh niên vốn bài Trung Quốc cực đoan vào chửi.
Sống trong thời đại này là một điều may mắn khi ai cũng có thể tự học những thứ mình thích, tự trang bị cho bản thân thêm kiến thức nhưng nguy cơ tiềm tàng, kiến thức nhiễu nhương không phải là ít. Một lần nữa, tôi và bạn chúng ta phải tự bảo vệ mình bằng kiến thức, bằng cái đầu suy xét, không thiên vị, kiểm tra nguồn và những người share nó một cách cẩn thận.
Bạn muốn tự do ngôn luận? Được thôi, những hãy cẩn thận với những gì mình ước.