“Nếu biết trăm năm là hữu hạn, cớ gì ta không sống thật lâu…”
Bạn đang bỡ ngỡ với cuộc sống? Bạn đang loay hoay tìm một lối đi riêng cho bản thân mình? Hay đơn giản bạn đang cảm thấy cuộc sống này quá tẻ nhạt? Vậy thì, đừng bỏ qua cuốn sách “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” nhé, cuốn sách này không những sẽ cho bạn nhận thấy được cuộc sống này ý nghĩa như thế nào mà còn giúp bạn tìm thấy được giá trị của bản thân mình và rất nhiều điều giá trị khác nữa.
- Sách hay về sống chậm để yêu thương & cảm nhận cuộc sống trọn vẹn hơn
- 5 cuốn sách hay về hạnh phúc nên đọc để sống an vui
- Review sách Không tự khinh bỉ không tự phí hoài – Văn Tình
“Nếu biết trăm năm là hữu hạn” là cuốn sách rất nổi tiếng được nhiều bạn đọc yêu thích của tác giả Phạm Lữ Ân – bút danh chung của cặp vợ chồng Đặng Nguyễn Đông Vy và Phạm Hữu Luận. Hai vị tác giả này đã tạo nên hiện tượng đặc biệt trong văn hoá đọc của giới trẻ Việt nam hiện nay. Tất cả các bài viết của Phạm Lữ Ân sáng tác đều được trích dẫn rất nhiều trên mạng xã hội, trên Youtube và trở thành cảm hứng cho rất nhiều sáng tác ca khúc và kịch bản phim.
Không chỉ thế, “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” còn là một trong những cuốn sách bán chạy nhất tại Việt Nam, cuốn sách đầu tiên xuất bản vào năm 2011 và cho đến thời điểm hiện tại thì cuốn sách này đã được tái bản 20 lần.
Đây là một cuốn sách vô cùng đặc biệt mà mỗi lứa tuổi đọc vào lại có một cảm xúc khác nhau. Đối với riêng tôi, cứ mỗi lần đọc tôi lại có thêm những cảm xúc mới, trải nghiệm mới cùng những bài học có ý nghĩa và đáng nhớ trong cuộc sống. Không như những cuốn sách khác, đọc nhiều chúng ta sẽ thấy nhàm chán, riêng “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” càng đọc tôi lại thấy mình trưởng thành hơn một chút, hiểu biết hơn một chút với những triết lý được trình bày rất đơn giản và dễ hiểu qua giọng văn nhẹ nhàng và đầy sâu lắng, thấm đượm sâu vào lòng người.
Với tập hợp 40 truyện ngắn, viết về những chủ đề quen thuộc trong cuộc sống như tuổi thơ, sự trưởng thành, cách chấp nhận, tình yêu, công việc, con người, … kết hợp với cái giữa cái nhìn đầy sự trải nhiệm và tinh tế, “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” là cuốn sách phù hợp với tất cả mọi người, ở bất kỳ lứa tuổi nào. Đặc biệt là những người đang không hiểu được chính bản thân mình, đang loay hoay đi tìm cho mình lối đi riêng trong cuộc sống..
“Nếu biết trăm năm là hữu hạn” là những câu chuyện về gia đình và là nỗi niềm của đứa con xa quê.
Chương đầu tiên của quyển sách có tiêu đề “Ai qua là chốn bao xa”, chương này nói về gia đình, về khái niệm “nhà” là gì mà ai ai cũng muốn quay về sau những vấp ngã, những khó khăn và bộn bề lo toan của cuộc sống. Qua đó tác giả muốn nhắn nhủ đến bạn đọc, hãy luôn yêu thương gia đình mình, đừng đợi đến khi “qua bao chốn xa” rồi mới thấy yêu thương nhà, yêu thương gia đình, lúc đó có thể chúng ta đã không thể nào quay về lại được.
“Nếu biết trăm năm là hữu hạn” còn là những câu chuyện về tình yêu của tuổi trẻ, những rung động, những tổn thương của tình yêu đầu đời thơ ngây vụng dại.Thường thì tình yêu của tuổi trẻ sẽ gắn liền với quan niệm chờ đợi là hạnh phúc. Những với Phạm Lữ Ân thì khácqua những câu chuyện đầy cảm xúc tác giả khuyên những người đang yêu yêu đừng nên giành tuổi thanh xuân chỉ để chờ đợi một người. Vì đây là thời gian đẹp đẽ nhất của cuộc đời mình, bạn không nên chỉ vì một người không yêu thương mình mà lại bỏ qua nhiều cơ hội quan trọng khác trong cuộc đời.
“Ồ, cuộc đời cũng như hơi thở vậy thôi. Ta không thể hít một hơi dài quá khả năng của mình. Nhưng ta có thể hít sâu hết khả năng của mình trong từng hơi thở. Tôi vẫn tin rằng nếu bạn thực sự biết hưởng thụ, bạn sẽ luôn thấy mình đã sống rất sâu.
Nếu đã biết trăm năm là hữu hạn, cớ gì ta không sống thật sâu…?”
“Có đôi khi những bộn bề của cuộc sống cuốn ta đi như dòng nước hững hờ cuốn trôi chiếc lá. Cứ thế, ta vội vã làm, vội vã ăn, vội vã ngủ, vội vã yêu và vội vã… để sống! Chắc hẳn đã không ít lần mỗi chúng ta đều thốt lên “giá như…”
“Người ta gọi tuổi mới lớn là “tuổi biết buồn”. “Biết buồn” tức là chạm ngõ cuộc đời rồi đó. Biết buồn tức là bắt đầu nhận ra sự hiện hữu của những khoảng trống trong tâm hồn. Biết buồn là khi nhận ra rằng có những lúc mình cảm thấy cô độc. Khi đó, hãy dành cho sự cô độc một khoảng riêng, hãy đóng khung sự cô đơn trong giới hạn của nó, như một căn phòng trống trong ngôi nhà tâm hồn. Mỗi lần vào căn phòng ấy, dù tự nguyện hay bị xô đẩy, thì bạn vẫn có thể điềm tĩnh khám phá bản thân trong sự tĩnh lặng. để rồi sau đó, bạn bình thản bước ra, khép cánh cửa lại và trở về với cuộc sống bề bộn thường ngày, vốn lắm nỗi buồn nhưng cũng không bao giờ thiếu niềm vui…”
Đây là những đoạn trích dẫn mà tôi rất yêu thích nhất trong cuốn sách này. Từng câu, từng chữ như ăn sâu vào tâm trí của người đọc và cứ thế cuốn người đọc đi theo mạch truyện một cách nhẹ nhàng và đầy sâu lắng….
“Nếu đã biết trăm năm là hữu hạn” là cuốn sách không những đưa ra những triết lý sống đầy sâu sắc, mà còn là sự chia sẻ, là lời tâm tình nhẹ nhàng, đầy sự chân thành và gần gũi mang đến cho mỗi chúng ta những bài học giá trị về cuộc sống. Hãy luôn suy nghĩ tích cực, lạc quan, luôn dũng cảm đương đầu và cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống muôn màu này.
“Nếu biết trước trăm năm là hữu hạn” đã giúp tôi hiểu ra được rằng cuộc sống này ngắn ngủi lắm, hãy bước thật chậm thôi trong từng giây phút hữu hạn của đời người, để có thể cảm nhận từng bước chân mình đang đi, để chiêm nghiệm được từng khoảnh khắc của cuộc sống, để cuộc sống ghi dấu vào tâm hồn mình và để biết rằng tâm hồn sẽ không bao giờ lãng quên những giây phút sống đã đi qua ấy. Hãy đọc cuốn sách để tìm thấy một khoảng lặng cho riêng mình và định hướng được con đường mà mình đang đi, bạn nhé!