Có lẽ ai cũng từng nghe trích đoạn nổi tiếng trong cuốn Nhà Giả Kim của tác giả Paulo Coelho:
“Khi cậu quyết tâm muốn điều gì thì cả Vũ Trụ sẽ tác động để giúp cậu đạt được mục đích.”
Điều đó đã đúng với bạn chưa?
Có lẽ mỗi cá nhân sinh ra đều có một nhiệm vụ, vai trò nhất định trong Vũ Trụ này và chúng ta đều nhiệt huyết theo đuổi cái được gọi là: “Ta là ai? Ta muốn gì? Hạnh phúc là gì? Điều đó đáng giá bao nhiêu?” trong một khoảng thời gian nhất định. Bạn có từng như vậy, từng đấu tranh với định kiến, số đông xã hội, thậm chí gia đình để làm điều mình cho là đúng: Khi bắt đầu thì tràn trề nhiệt huyết, tự tin nhưng đến khi gặp khó khăn, thất bại thì sợ hãi, chênh vênh, đau khổ, hoài nghi nên tiếp tục hay từ bỏ? Và tự hỏi, Vũ Trụ ở đâu, tại sao người chưa tới, chưa tác động để hỗ trợ bạn. Thực ra Vũ Trụ đang hỏi bạn, bạn có thật sự muốn điều đó, bạn có quyết tâm không? Và từ bỏ hay tiếp tục chính là câu trả lời. Có người trả lời dứt khoát, cũng có người thì hoài nghi về điều đó nên Vũ Trụ phải nhiều lần, thông qua các phương thức hay tình huống khác nhau trong cuộc sống của bạn. Có lúc Vũ Trụ xuất hiện như một người bạn, có lúc lại giống một cuốn sách, thước phim, lúc khác lại giống đối thủ của bạn,… Vũ Trụ có thể là tất cả, xuất hiện bất kỳ đâu, kể cả là bạn, nên đừng tìm Vũ Trụ hãy lắng nghe và kết nối, Vũ Trụ sẽ hỗ trợ bạn, dẫn dắt bạn đến điều bạn cần để thực hiện điều bạn muốn. Và đó là một chặng đường dài, một hành trình không dễ dàng. Bạn có thể tìm được rất nhiều tác phẩm nói về hành trình đó, còn tôi tìm thấy bóng dáng, triết lý của tất cả các tác phẩm mà mình từng đọc về điều đó ở Chí Tôn Ca trong tập sử thi Mahabharata của Ấn Độ, được viết bởi nhiều người trong nhiều thế kỷ trước công nguyên.
Chí Tôn Ca kể về hành trình giác ngộ của Arjuna (hoàng tử của nhà Pandavas) về nhân sinh quan và tìm đến Chân ngã thông qua Yoga ngay trước khi cuộc chiến giữa năm anh em nhà Pandavas và một trăm anh em nhà Kauravas diễn ra dưới sự giảng dạy của Đức Chí Tôn (Krishna).
Khi Arjuna từ chối thực hiện bổn phận của mình là chiến đấu để giải quyết mâu thuẫn, xung đột dòng tộc vì lòng thương cảm (giác quan) trước cảnh nồi da nấu thịt. Arjuna giống như bất kỳ ai trong chúng ta khi đối diện với hành động và từ chối hành động vì rất nhiều lý do khác nhau. Đại đa số lý do đều có lý và hợp tình như Arjuna, nhưng sai về bản chất vận hành của Vũ Trụ, của quy luật tự nhiên như việc “ai sinh ra rồi cũng phải chết” (chương 2, câu 27), có xung đột mâu thuẫn ắt phải dùng chiến tranh để giải quyết, lý do có lẽ chỉ là để trốn tránh hành động, né tránh việc phải thực hiện bổn phận của mình.
Để giúp Arjuna thức tỉnh và thực hiện bổn phận của mình, Đức Chí Tôn đã chỉ dạy cho Arjuna về con đường thực hành Yoga: Giải thoát bản thân khỏi yêu và ghét, chế ngự các giác quan và bình thản thực hiện bổn phận không màng đến kết quả. Đó cũng chính là con đường tìm đến Chân ngã nội tâm là sự cao quý và thanh khiết của trí tuệ tâm linh.
Khi con người bị cuộc sống cuốn đi, chẳng khác nào con thiêu thân thấy ánh sáng chói lòa thì lao mình tới và bị thiêu rụi trở nên vô nghĩa, thất bại (chương 11, câu 26-28). Và con đường thực hành Yoga thực chất là quá trình kết nối với chính bản thân mình, thoát ra khỏi sự điều khiển của giác quan, quan sát chính nó, hiểu nó và chế ngự nó để tìm thấy sự bình yên. Khi không bị kích động bởi các giác quan sẽ không có những hành động thiếu kiểm soát và con người có thể đạt tới trạng thái:
“Người nào thấy được hạnh phúc, niềm vui và sự sảng khoái tinh thần bên trong chính mình và hướng khát vọng vào nội tại, người đó đích thị là nhà huyền học toàn thiện.” (chương 5, câu 24).
Hay giống như trong cuốn Đi tìm lẽ sống của Viktor E. Frankl viết:
“Người ta có thể lấy đi của một người mọi thứ, chỉ trừ một điều: sự tự do – sự tự do trong việc lựa chọn thái độ sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào và sự tự do lựa chọn hướng đi của mình.”
Lựa chọn là con thiêu thân hay lựa chọn là nhà huyền học toàn thiện, điều đó phụ thuộc vào sự giác ngộ và thực hành Yoga của mỗi người.
Ngoài phương thức thực hành Yoga, Đức Chí Tôn giảng dạy cho Arjuna về thiên nhiên và những quy luật của nó, về thần thánh và ác quỷ, về cả đức tin và những biến thể của đức tin. Nhưng bạn ơi, hãy chú ý đến chương 7 và phân đoạn Đức Chí Tôn nói về linh hồn, thực sự là tuyệt vời. Khi Đức Chí Tôn bộc bạch hết cõi lòng mình với người học trò yêu quý Arjuna về Ngài – Đấng Tuyệt Đối: “Ta là khởi đầu và kết thúc của mọi vật chất và tinh thần ở thế giới này”, “Ta là vị của nước, là ánh sáng của mặt trời và mặt trăng…”, “dù là hiền tính, dục tính hay vô minh tính, cũng đều do năng lượng của Ta sinh ra. Ta là tất cả nhưng Ta độc lập với tất cả…”(chương 7)
Tôi cảm thấy Ngài là Ta, là chúng ta, là mọi vật và tất cả có phải là một, chỉ là một, Vũ Trụ này thực chất chỉ làm một thôi. Mọi thứ hòa vào và tan ra, hợp nhất nhưng lại độc lập với nhau. Chúng ta có thể thấy điều tương tự khi đọc đoạn Santiago biến thành gió trong Nhà giả kim, đó là lúc Santiago hiểu được ngôn ngữ của Vũ Trụ, hòa mình vào Vũ Trụ và trở thành một bản thể khác của Vũ Trụ, đó là gió. Hay chúng ta giống như những tế bào nhỏ trong một cơ thể lớn, khi tế bào này chết đi, tế bào khác được tái sinh, linh hồn lan tỏa khắp cơ thể và bất diệt, chỉ giống như con người mặc quần áo mới, bỏ quần áo cũ. Nghĩa là những điều linh hồn đã trải qua ở các cơ thể khác nhau (trong các thời gian khác nhau) sẽ còn mãi và nó được kể lại cho cơ thể mới bằng ngôn ngữ riêng, giống như hiện tượng Déjà vu mà chúng ta thường thấy. Điều này cũng được giải thích trong cuốn Hành trình của linh hồn về các kiếp sống và bản thể trải nghiệm.
Trên thực tế đã có nhiều thí nghiệm chứng minh không chỉ con người mới có sự giao tiếp và linh hồn. Như trong cuốn Thông điệp của nước của tác giả Masaru Emoto có chụp lại những bức ảnh của nước khi được tiếp xúc với các môi trường, lời nói, cách cư xử đối lập, chúng có những tinh thể đối lập, điều đó chứng tỏ nước có cảm xúc và linh hồn. Hay một ví dụ khác về một loạt thí nghiệm của Cleve Backster (chuyên gia phát hiện nói dối Cục tình báo Trung ương Mỹ – CIA) từ năm 1966 đã chứng tỏ thực vật có phản ứng cảm xúc mạnh mẽ trước các sự việc xảy ra xung quanh thông qua tần số do máy nói dối ghi lại, có khả năng ghi nhớ hay thưởng thức âm nhạc,…
Những điều này chứng tỏ mọi sinh vật trên trong Vũ Trụ đều có khả năng giao tiếp, kết nối, thậm chí chỉ là một mà thôi. Khi thông qua thực hành Yoga Đức Chi Tôn có thể nhìn thấy mọi kiếp luân hồi, hiển thị trong mọi hoàn cảnh và sinh vật khác nhau, nên Ngài có thể thông tuệ được bản chất của Vũ Trụ này, từ thần thánh đến quỷ quái, từ thiên nhiên đến con người, từ kiếp sống này đến kiếp sống kia, xuyên suốt nhiều thời đại khác nhau. Có lẽ Đức Chí Tôn cũng là đại diện cho một niềm tin, ý niệm tồn tại vĩnh cửu.
Rõ ràng, Chí Tôn Ca không chỉ là bài giảng mang màu sắc tôn giáo, đó là kim chỉ nang cho mọi kiếp sống trong Vũ Trụ này. Dù biết, đó là những triết lý cơ bản, sâu sắc và vĩnh cửu về sự sống, cái chết, linh hồn, về con người, thiên nhiên, Đấng Tối Cao, nhưng đến bây giờ tôi cũng chưa thể hiểu hết những tầng giá trị sâu của Chí Tôn Ca. Và Chí Tôn Ca xứng đáng là tác phẩm đọc lại nhiều lần trong tương lai và cho thế hệ sau.
Tác giả: Hải Yến