234434922_3032550020312001_5399658364027054566_n

Có nên đâm đầu vào sai lầm hay không?

Theo cảm quan thông thường của chúng ta, sai lầm là một thứ luôn tiêu cực và cần phải tránh xa. Tư duy này đúng, nhưng chỉ một nửa. Thực tế là khi chúng ta luôn né tránh sai lầm, chúng ta trở nên quá thận trọng, hoài nghi, thụ động, sợ hãi và không còn khám phá thế giới với một tinh thần vui vẻ và tò mò nữa. Lao đầu vào sai lầm một cách vô tội vạ hoặc quá cẩn trọng và hoài nghi đều là một thái độ thiên lệch. Để cân bằng điều này, chúng ta cần phải có một cái nhìn rõ ràng về từng khía cạnh của sai lầm cũng như thái độ phù hợp với chúng.

Để có thể đi sâu hơn về mặt bản chất, chúng ta có thể chia sai lầm ra thành hai loại: loại có thể tránh (sai lầm vô ích) và loại không thể tránh (sai lầm hữu ích). Nói cách khác, có những sai lầm chúng ta cần phải va vấp để tiến bộ và có những sai lầm là vô bổ, phí phạm và không cần thiết.

Loại đầu tiên, sai lầm không thể tránh. Sai lầm này bắt nguồn từ việc chúng ta không có bất cứ dữ liệu hay kinh nghiệm nào để quyết định. Giống như ta đối diện với 5 cánh cửa, trong đó chỉ có 1 cánh cửa mở ra căn phòng có thứ mà chúng ta cần tìm. Chúng ta bắt buộc phải thử và sai, không còn cách nào khác. Việc sai lầm sẽ cho ta thêm dữ liệu và bài học, và điều đó rất bổ ích và cần thiết.

Sai lầm không thể tránh được rất phổ biến trong bất kỳ quá trình học hỏi nào. Khi chúng ta khởi động một dự án, chúng ta cần thử các phương pháp để biết phương án nào phù hợp. Khi chúng ta chơi một môn thể thao, chúng ta cần mắc sai lầm và thất bại ở một số chỗ để biết yếu tố nào cần cải thiện. Đây được gọi là loại sai lầm có ích.
Loại sai lầm thứ hai, sai lầm có thể tránh khỏi. Sai lầm này không bắt nguồn từ việc thiếu kinh nghiệm hay dữ liệu, nó bắt nguồn từ những yếu kém trong việc kiểm soát cảm xúc và ham muốn. Đơn giản như bạn bắt đầu một dự án kinh doanh. Bạn chưa tìm hiểu thị trường, yếu tố cung cầu, thị hiếu, khách hàng, sản phẩm mà đã nóng vội đầu tư chỉ bởi vì xu hướng nó đang hot, đang ăn nên làm ra và bạn đang tham vọng có thật nhiều tiền. Những dự án với nền tảng yếu kém như vậy thì thường rất dễ thất bại, hoặc có thành công thì không bền lâu.

Loại sai lầm này còn xuất hiện theo dạng mắc lại một lỗi sai nhiều lần. Bạn đã biết một điều gì đó là đúng và sai ở chỗ nào, nhưng vì cảm xúc của bạn, có thể là ham muốn, nóng vội, cố chấp, kiêu ngạo, sợ hãi,… và bạn mắc lại sai lầm đó nhiều lần, lặp đi lặp lại. Khuôn mẫu của sai lầm này xuất hiện phổ biến trong mọi khía cạnh: mối quan hệ, sự nghiệp, lối sống,… Những sai lầm này là vô ích và phí phạm bởi vì bạn chỉ đang hao phí nguồn lực, năng lượng và tiền bạc chỉ để học một điều mà bạn đã biết. Và hệ quả là bị trói buộc vào một cái vòng luẩn quẩn mà không thể thoát ra.

Thực ra cách tiếp cận không phù hợp với những loại sai lầm bắt nguồn từ một vấn đề cơ bản: khả năng làm chủ và kiểm soát cảm xúc. Nếu bạn gặp bất ổn với cảm xúc của mình. Sự bất ổn đó sẽ biểu hiện với cùng mức độ ở cả hai mặt của một vấn đề. Tức là khi bạn không thể kiểm soát cảm xúc, một mặt bạn sẽ luôn sợ hãi, hoài nghi và ngại va chạm với những sai lầm có ích; mặt khác, bạn lại có xu hướng lặp đi lặp lại những sai lầm vô ích ở bên còn lại. Điều này kìm hãm sự phát triển của bạn trong bất cứ một lĩnh vực hay phạm trù nào.

Khi đã có một thấu hiểu nhất định đối với vấn đề này, việc còn lại của chúng ta là thực hành và áp dụng nó vào thực tế. Bạn muốn giỏi hơn trong việc viết lách, đừng sợ phải viết những bài viết dở. Bạn muốn kỹ năng và tư duy bóng đá của mình tiến bộ hơn, tham gia những trận đấu và đừng ngại thua trận. Cùng với đó, chúng ta phải làm chủ những cảm xúc không ủng hộ cho sự tiến bộ cũng như sự sáng suốt của chúng ta.

Dù sao đi nữa, sai lầm cũng là một gia vị không thể thiếu trong bất cứ chuyến hành trình nào. Ngay cả khi bạn sai lầm trong việc cân bằng thái độ đối với những loại sai lầm, đây là thời điểm để bạn vượt qua bài học đó. Peace!!

Tác giả: Bá Kỳ

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top