jackson-david-wuydtfap3t4-unsplash

Sợ hãi có thể biến thành yêu thương như thế nào?

Ngôn ngữ và cảm xúc là các chất liệu để tạo nên thực tại. Như một cỗ máy được nạp cho một dòng điện, nó sẽ chạy nhanh hay chậm, mạnh hay yếu, tùy theo cường độ của dòng điện ấy. Mỗi chúng ta đang sử dụng những câu thần chú cho cuộc sống của mình thông qua ngôn ngữ và cảm xúc. Trong đó, cảm xúc mạnh nhất là tình yêu, còn ngôn ngữ mạnh nhất là sự thật. Nếu bạn có thể nói hay nghĩ những gì bạn thật sự yêu, thì bạn sẽ dễ dàng trải nghiệm những điều đó trong cuộc sống.

Tuy nhiên, rất hiếm người có thể chủ động sống với một tâm thế tin yêu, tập trung sự chú ý của mình vào những điều tích cực. Đa số chúng ta được thúc đẩy bởi bản năng ham muốn, bởi sự sợ hãi né tránh những điều tiêu cực nguy hiểm. 

“Từ góc nhìn của cấp độ này (sợ hãi), thế giới trông thật đáng sợ, đầy cạm bẫy và đe dọa. Nỗi sợ là công cụ kiểm soát chính thức được các cơ quan và chế độ rất ưa thích, và sự bất an chính là cổ phiếu-đang-giao dịch của những tay thao túng lớn trên thị trường. Truyền thông và quảng cáo phô bày nỗi sợ để gia tăng thị phần.” – David Hawkins, Power vs. Force

Khi chúng ta chỉ có thể nạp vào cuộc sống một năng lượng nhất định, thì nó sẽ hiện ra tối đa cũng chỉ được một ngưỡng như vậy, không hơn. 

Ví dụ chúng ta sợ người ta không chú ý đến mình và cố gắng thể hiện bản thân để được chú ý và công nhận. Nhưng điều đó khiến người khác thấy không thoải mái và càng lánh xa chúng ta hơn. Ta sợ điều gì, điều đó trở thành hiện thực. Nỗi sợ hãi cũng là năng lượng và nó đủ để vận hành một thực tại sợ hãi.

Nhưng thay vì chỉ phản ứng theo bản năng sợ hãi, chúng ta thử tập nhìn sâu vào lòng mình và hỏi rằng chúng ta thực sự yêu điều gì khi chúng ta đang sợ hãi sự từ chối của người khác? Khi ấy, câu trả lời sẽ được trái tim dẫn dắt đến khẳng định rằng chúng ta yêu sự chan hòa kết nối với mọi người, chúng ta yêu việc trải nghiệm sự tự tin vào giá trị của chính mình. 

Khi nhận ra mình yêu điều gì, chúng ta sẽ khẳng định điều đó. Hãy nói với chính mình rằng tôi yêu thích những cuộc nói chuyện cởi mở và đồng điệu. Tôi yêu thích được gặp gỡ những con người tôn trọng những gì tôi hiện có. Tôi yêu thích được là chính mình khi ở bất kỳ đâu.

Nhờ vậy, bạn sẽ thực sự kết nối và trân trọng chính mình. Bạn sẽ thu hút những người cũng nhận ra giá trị của bạn và yêu mến bạn. Năng lượng yêu thương sẽ tạo ra thực tại yêu thương – thứ bạn thực sự mong mỏi nhất nhưng tạm thời còn chưa biết cách diễn đạt.

May mắn làm sao, mọi khẳng định tiêu cực đều có thể được thay thế bằng khẳng định tích cực mà không hề làm thay đổi ý muốn của bạn trong đó. Thậm chí, những góc nhìn tích cực mở rộng hơn, làm mạnh hơn thế giới mà bạn muốn trải nghiệm. Ngay khi bạn nói ra bạn đã cảm thấy nó.

Ví dụ khi bạn sợ nghèo đói, bạn dễ dàng có xu hướng chống cự lại điều bạn sợ và thầm nói với chính mình rằng tôi không muốn nghèo đói. Nhưng khi dành một phút để nhìn sâu hơn vào nỗi sợ thì bạn sẽ nhận ra rằng thực chất bạn đang yêu sự sung túc và no ấm! 

Vậy nên đừng nói rằng tôi không muốn chết đói vào ngày mai và ngồi lo lắng suy nghĩ đủ cách để kiếm tiền. Mà hãy nói rằng tôi yêu việc được sống trong sự đủ đầy, tôi hài lòng với những gì cuộc sống mang lại và tôi tin rằng cuộc sống luôn mở ra cho tôi những cánh cửa dẫn đến sự trù phú. Rồi chẳng chóng thì chầy, bạn cũng sẽ được dẫn dắt đến những cơ hội ổn thỏa về tài chính. 

Đó là cách mà bạn mở rộng bối cảnh, chuyển hóa cảm xúc của chính mình. Nhờ đó, cuộc sống của bạn được nâng tầm chỉ sau một sự thay đổi góc nhìn rất nhỏ.

Hay một ví dụ khác, khi bạn sợ mắc bệnh, thì đừng vội run rẩy và nói rằng tôi không muốn mắc bệnh và làm đủ thứ chuyện phòng thủ này kia. Đừng vội để nỗi sợ hãi lan tràn trước khi bạn cải tạo được nó thành một thứ gì đó hữu ích hơn. Lúc này, hãy tập nhìn sâu vào nỗi sợ ấy và tìm ra điều đối lập. Nó chính là sức đề kháng tốt và một thể lực sung mãn dẻo dai, thứ đang chờ đợi bạn kết nối bằng tình yêu và sự bình tĩnh. Khi cảm thấy tình yêu đã hiện diện ở đó thì bạn có thể dễ dàng thốt lên rằng: tôi yêu sự khỏe mạnh, tôi yêu một thể lực dồi dào bền bỉ. Và bạn sẽ bắt đầu sống để khẳng định những hình dung đó. Thực tại mắc bệnh sẽ chẳng có cơ hội được phát triển vì bạn đã không còn nuôi dưỡng nó.

Cứ như vậy, với mọi nỗi sợ có thể kể tên, bạn đều có thể dùng nó làm đòn bẩy để tiến tới tình yêu. Nỗi sợ kẻ thù trở thành tình yêu với những người cùng chí hướng, nỗi sợ tuổi già trở thành tình yêu với nhiệt huyết và đam mê tuổi trẻ, nỗi sợ cái chết trở thành tình yêu với từng phút giây được sống, nỗi sợ cô đơn trở thành tình yêu với việc chan hòa cùng vạn vật,… Tình yêu nằm trong tất cả, và bạn hoàn toàn có thể nhận ra nó. 

Cuối cùng, nếu bạn vẫn còn phân vân giữa việc nên sống bằng yêu thương hay bằng sợ hãi, hãy tưởng tượng một phép so sánh nhỏ dưới đây.

Ở một thực tại nào đó bạn có 100 đô la, bạn đầu tư vào một dự án tồi khiến bạn ngày càng thua lỗ. Thấy vậy, bạn vẫn không chịu dừng lại việc đầu tư này nên dẫn tới việc bạn bị khuynh gia bại sản. Điều này cũng giống như bạn mang năng lượng sợ hãi vào khắp nơi trong cuộc sống của mình và để nó hủy hoại tất cả. 

Còn ở một thực tại song song khác, bạn có 500 đô la và đầu tư vào một dự án giúp bạn có thêm gấp 100 lần, 1000 lần số vốn ban đầu bạn đã bỏ vào. Điều này cũng giống như bạn vận dụng năng lượng tình yêu vào mọi mặt của cuộc sống và khiến cuộc sống ngày càng trở nên hạnh phúc trù phú. 

Vậy bạn sẽ chọn bên nào? Yêu thương hay sợ hãi?

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top