5

Cast Away – Cuộc chuyển mình giữa miền hoang đảo

thđp review

(1426 chữ, 6 phút đọc)

Cast Away có thể coi là một biến thể của Robinson trên đảo hoang (Robinson Crusoe), tuy nhiên, nó giản dị hơn rất nhiều. Khó khăn của Chuck Noland (Tom Hanks thủ vai) một người bị ám ảnh về thời gian, nhân viên của hãng vận chuyển FedEx khi trôi dạt vào một hòn đảo không chỉ là bảo vệ sự sinh tồn của bản thân giữa một môi trường hoang dã, mà còn là chống chọi với nỗi cô đơn khi cách biệt với thế giới con người trong một khoảng thời gian anh không biết sẽ kéo dài bao lâu.

Có thể, người xem sẽ cảm thấy một sự buồn tẻ, nhàm chán khi đến khoảng 80 phút (2/3 thời gian của phim) chỉ xoay quanh duy nhất một nhân vật. Thậm chí bộ phim cũng không có lời kể chuyện nên hầu hết là sự im lặng. Robinson Crusoe có con chó Skipper bầu bạn, nó có thể đi vòng quanh và phát ra âm thanh giao tiếp bằng việc sủa. Rồi Robinson cũng có Thứ Sáu (Friday) để nói chuyện cùng, dù hai người cũng gặp giới hạn nhất định khi bất đồng ngôn ngữ. Còn ở đây, Chuck Noland hoàn toàn một mình. Sự im lặng mà khán giả đối diện khi xem phim là một phần gợi mở ra sự im lặng mà người đàn ông kia phải trải qua trên hoang đảo. Đó không hề là một cảm giác dễ chịu, đặc biệt với ai đã quen thuộc với đời sống xã hội.

Thử tưởng tượng khi rơi vào một hòn đảo hoang, không thức ăn, không nước uống, không người bầu bạn, vậy bạn sẽ sống sót bằng cách nào? Những thiếu thốn vật chất cơ bản đã đánh động bản năng sinh tồn của của Chuck Noland. Và những phản ứng hành động của anh ta ở nơi hoang dã là thứ lôi cuốn sự tò mò của khán giả. Câu nói “Cái khó ló cái khôn” đã được thể hiện rất sinh động trong Cast Away với những tình huống dí dỏm, sáng tạo khiến tôi phải bật cười khoái chí. Sự lạc quan của nhân vật chính trong hoàn cảnh “cụt đường” cũng là một ngọn lửa truyền cảm hứng to lớn.

Không nhất thiết bạn phải bị rơi máy bay và dạt vào một nơi tận cùng trái đất nào đó thì mới cảm thấy được sự bất lực, tuyệt vọng hay cô đơn. Những gì mà Chuck Noland đã làm ở trên hòn đảo đó có thể minh họa cho một ý chí sống mãnh liệt một người cần có. Anh tự cứu vớt cuộc sống của mình bằng những gì gần gũi nhất, nương tựa vào những vật dụng trong tay để phục vụ cho mục đích sinh tồn.

Không cần đến những kịch tính giật gân như cá mập cắn hay đánh nhau với thổ dân thì cuộc sống của Chuck Noland mới trở nên khó khăn. Ở đây, việc nhóm lửa, đánh bắt cá hay tách vỏ dừa cũng đã đủ khiến người đàn ông này đổ mồ hôi sôi nước mắt vì trong tay chẳng hề có dụng cụ gì ra hồn. Đôi khi, phải rơi vào những hoàn cảnh thiếu thốn ngặt nghèo, người ta mới thấy quý giá, trân trọng những sung túc đủ đầy mà mình từng được hưởng trước kia.

Trong phim, Chuck Noland là một người bị ám ảnh về thời gian, luôn hoạt động chính xác theo từng kế hoạch, từng nấc kim giờ. Anh trở nên luôn hối hả, vội vã. Chính chuyến phiêu bạt tới hoang đảo, nơi mọi lịch trình bị phá vỡ, người đàn ông này mới có thể nếm trải đời sống thật sự nằm ngoài vòng vây của thời gian. Trong Peter Pan, hình tượng con cá sấu với chiếc đồng hồ kêu tích tắc trong bụng luôn đeo bám theo thuyền trưởng Hook cũng là một sự hàm ý tương đồng cho việc con người sợ hãi trước sự truy đuổi của thời giờ và bị nuốt chửng bởi vòng xoáy sinh diệt.

Cast Away cũng như một lời nhắn nhủ rằng con người mải miết chạy đua với những toan tính, lịch trình, kế hoạch mà bị cuốn trôi đi khỏi những điều giản dị xinh đẹp trong đời sống thường ngày. Chúng ta coi thường những bước đi trên phố, chúng ta ngó lơ những miếng thức ăn, chúng ta bỏ qua những lời chào hỏi. Trong sự vội vã, con người tưởng rằng sẽ đạt được một điều gì đó, nhưng thực ra, họ đang đánh mất rất nhiều – bao gồm cả hiện tại.

Bộ phim không chỉ gợi nhắc đến Robinson Crusoe mà còn khiến tôi nhớ đến cuộc hành trình vào trong hoang dã của Alexander Supertramp hay chuyến lênh đênh giữa đại dương của chàng trai trẻ Pi. Cast Away không trực tiếp đề cập đến Thượng Đế hay tôn giáo như những câu chuyện kia nhưng diễn biến của bộ phim cùng những sự khớp nối của các tình huống đã thể hiện ý tưởng về số phận hay định mệnh. Những gì Chuck Noland đã làm là lắng nghe dòng chảy của cuộc sống và đón nhận những gì nó mang đến cho anh, trong sự thanh thản của tâm hồn.

“I gotta keep breathing. Because tomorrow the sun will rise. Who knows what the tide could bring.”

Tôi rất thích cách mà những bộ phim phiêu lưu truyền đạt ý tưởng về sự trưởng thành của một con người. Rơi máy bay hay đắm tàu do giông bão như một sự ẩn dụ về sự sụp đổ thực tại cũ và con người phải trải qua những chấn động tâm lý, sự dữ dội, cực đoan trong cảm xúc. Nhưng đó mới là sự khởi đầu cho cuộc hành trình tìm lại chính mình hay nhận ra ý nghĩa của cuộc đời. Sau khi sống sót qua những sóng gió bão bùng, họ đi vào giai đoạn tiếp theo là dạt vào hoang đảo hiu quạnh hay lênh đênh một mình giữa đại dương. Đây là những hình ảnh đại diện cho sự cô đơn của con người khi bước vào những trải nghiệm trực tiếp của cá nhân, những suy tư sâu thẳm mà chỉ khi ở trong thinh lặng, hoàn toàn ngắt kết nối với thế giới mới có thể nghe thấy. Rồi cuối cùng khi vượt qua giai đoạn này và trở về từ miền hoang vắng, sức mạnh và sự khôn ngoan của kẻ lữ hành đã được nâng lên một tầm cao mới. Kẻ đó bước đi giữa cuộc đời bằng con mắt mới. Đây chính là một sự tái sinh.

Tom Hanks đã có một màn trình diễn vô cùng xuất sắc và khéo léo trong Cast Away. Có thể nói, đây là vai diễn để đời của nam diễn viên này với đa dạng cung bậc cảm xúc và tâm trạng được thể hiện. Thứ để lại dấu ấn sâu sắc nhất trong tôi đó là gương mặt và ánh nhìn đăm đăm vào biển khơi của người đàn ông này khi ở trong trạng thái vô định, cô đơn tột cùng. Chuck Noland trước và sau khi từ hoang đảo trở về là hai con người hoàn toàn khác biệt. Anh đã có một cuộc chuyển đổi cả về thể chất và tinh thần, mạnh mẽ hơn, can trường hơn và thông thái hơn. Ngay cả với diễn viên Tom Hanks, anh đã ăn uống thoái mái để lên cân sao cho phù hợp với thể trạng của Chuck Noland khi chưa dạt tới đảo. Sau đó anh lại ăn kiêng và nuôi râu tóc dài ra trong vòng một năm để có ngoại hình của một người sống trong hoang dã.

Cấu trúc của bộ phim rất đơn giản với diễn biến theo trình tự thời gian và không có nhiều tuyến nhân vật hay các câu chuyện chồng lớp. Tất cả xoay quanh biến động cuộc đời của một người đàn ông, cách anh ta đi qua nó và những bài học đã gặt hái được từ cuộc hành trình. Người xem không cần phải đau đầu suy luận hay tư duy điều gì phức tạp. Tất cả những gì khán giả cần là thư giãn, mở rộng lòng mình và cảm nhận. Sẽ có những nụ cười và những giọt nước mắt đang để dành chờ. 8/10 là điểm dành cho Cast Away.

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top