the-great-gatsby-9780743273565_hr

The Great Gatsby (F. Scott Fitzgerald) – Bi kịch của kẻ đứng bên lề xã hội Mỹ thế kỷ XX

(911 chữ, 4 phút đọc)

Với bối cảnh trong thập kỉ nước Mỹ lên ngôi nhất mọi thời đại, Gatsby vĩ đại đã được coi như một bức tranh miêu tả chân thật nhất về cuộc sống xa hoa trù phú của những ông hoàng và sự phân chia giai cấp giàu nghèo. Lồng vào đó, nó còn phê phán một xã hội mà  đồng tiền có giá trị hơn những tình cảm chân thực. Phồn thịnh về vật chất ngược lại còn là sự đổ vỡ của những giá trị đạo đức.

Khi đọc cuốn tiểu thuyết tôi vẫn còn thấy mơ màng về nhân vật Gatsby và thực sự tác giả đã không thể nêu nổi bật được hình ảnh anh chàng này ngoài câu “người anh em” mà Gatsby hay sử dụng.

Tên tác phẩm Gatsby vĩ đại ban đầu cũng làm tôi thấy khó chịu bởi trong mắt tôi Gatsby chẳng hề làm gì vĩ đại. Sau hồi lâu ngẫm nghĩ tôi mới tự suy luận rằng chữ “vĩ đại” ấy không hề nói về phẩm chất con người Gatsby mà đơn giản chỉ là một người có nhiều tiền của, tổ chức những lễ hội ăn chơi sa đọa nhưng bên trong rỗng tuếch – một sự vĩ đại hào nhoáng bên ngoài. Một người tự nghĩ rằng mình trở nên vĩ đại khi có nhiều tiền bạc bằng cách buôn rượu lậu.

Và trong Gatsby có điều mà hầu như chúng ta đều mắc phải. Đó là sự thần tượng hoá, chức năng ảo tưởng của não, sau nhiều năm dài ta không gặp một người mà ta yêu say đắm mỗi ngày ta sẽ càng thêm, càng nhiều thêm sự tưởng tượng về những điều hoàn hảo ở họ. Khi Gatsby gặp lại Daisy anh như được chạy vào giấc mộng của chính mình mà không nhận ra rằng Daisy không như anh nghĩ. Không thật sự như những gì anh nghĩ. Chúng ta cũng vậy nhưng thường chúng ta sẽ nhận ra và thất vọng ngay tức khắc, còn Gatsby quá lu mờ vì tình yêu mà không thể chấp nhận ra thời cuộc và xã hội ấy. Chẳng hề có tình yêu nào dành cho anh, ở đó chỉ toàn sự ích kỷ của Daisy, nàng chỉ muốn thoả mãn mình. Đoạn nàng ta đi lấy chồng và nhận được thư của Gatsby là đoạn thể hiện rõ ràng nhất về tiền bạc và tình yêu, trong Daisy có tình yêu nhưng nàng đã khẳng định rằng “con gái chỉ cần ngu ngốc và xinh đẹp.” Nàng đã chọn tiền bạc và luôn chọn tiền bạc khi nàng cưới chồng, khi đến nhà Gatsby và khi anh ta chết.

Đoạn Gatsby chết và chỉ có duy nhất một mình Nick Carraway, Nick đã xoay sở chỉ cần một vài người đến dự nhưng chẳng có ai cả. Tác giả đã rất tài tình khi miêu tả kỹ cảnh ăn chơi trác táng ở đầu câu chuyện và đến đoạn kết lại là một cảnh vô cùng đối ngược và đau thương. Đây là một sự chế nhạo sâu sắc đến giới thượng lưu thời hoàng kim nước Mỹ những năm 1920.

Nếu ở tiểu thuyết ta ít có thể tưởng tượng rõ được những hình ảnh đối lập thì trong bộ phim chuyển thể đã thực sự làm sống động hình ảnh cuốn tiểu thuyết một cách hoàn hảo nhất. Cảnh giàu sang ở New York và Long Island với đoạn giữa là sự nghèo khổ kiết xác. Cảnh nắng nóng chảy mỡ góp phần cho những sự cau có tức giận của nhân vật. Hoá trang để thấy rõ được hình ảnh phản chiếu giữa quý bà và gái điếm. Mọi cuộc thoại đều nằm trong sự kiểm soát để giống nhất với tiểu thuyết mà không hề thêm thắt. Hình ảnh phim đẹp và hơi hướng mơ mộng, lãng mạn. Khi xem bộ phim tôi đã tưởng tượng đến bộ phim La La Land phiên bản ít nhạc hơn.

Ban đầu tôi luôn thắc mắc tại sao The Great Gatsby được công nhận là “cuốn tiểu thuyết sâu sắc nhất”, “được xếp vào truyền thống văn chương nhân loại”, “có giá trị nhất thế kỉ XX” (?!) Bởi vì mọi hình ảnh quá lu mờ khi đọc tác phẩm lần đầu tiên. Nhưng nhờ sự thắc mắc ấy tôi bắt đầu đào sâu vào tìm kiếm những bài review, xem thêm phim và tìm hiểu về nước Mỹ những năm đầu thế kỉ XX. Càng tìm hiểu thì bức màn càng được vén rõ nét hơn. Về chính trị, đó là thời hoàng kim của tham nhũng. Về kinh tế, là thời kì phồn thịnh của tầng lớp trên trong xã hội Mỹ, phát triển thương mại dẫn đến tình trạng xã hội chỉ còn quan tâm đến vật chất. Họ bắt đầu mua sắm, chơi thể thao và bỏ tiền vào những bữa tiệc. Tư tưởng hưởng thụ vật chất ngày càng tăng cao khiến nó trở thành lố lăng, vô liêm sỉ, gái điếm nhảy múa để mua vui.

Cuối cùng, dù Gatsby có cố gắng hoà nhập vào đời sống phù phiếm xa hoa cũng không thể trở thành một phần trong đó. Không những vậy, anh còn chính là nạn nhân của những kẻ ích kỷ, toan tính. Bi kịch vẫn chỉ dành cho riêng anh, Gatsby.

Tác giả: Bà Năm

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top