Tôi vốn không thích nói nhiều về vấn đề chính trị, tôn giáo, vùng miền, vì tôi tự thấy rằng nếu mình chưa đủ hiểu biết, bản thân chưa đủ tốt, chưa nắm rõ chúng đầu cuối thì cũng không nên tham gia bàn tán. Có quá nhiều fanpage, những con người uy tín có ảnh hưởng viết về lợi hại thiệt hơn, về cách ứng xử, về tình hình căng thẳng update hàng giờ mà bạn có thể tìm đọc. Nhưng hôm nay Lu nói anh hãy viết về chiến tranh, cũng vừa lúc những lo toan của bản thân hướng về những con tàu ngoài khơi xa kia nên tôi chấp bút – cho dù hôm nay là sinh nhật tôi, và tôi chỉ muốn nói về những thứ hạnh phúc và vui vẻ.
Chúng ta biết những gì về chiến tranh?
Thế hệ như tôi gần như là mù tịt, gần như không biết đến chút gì bom đạn, nhưng thế hệ tôi nghe được những dư chấn ấy từ lời kể của ông bà cha mẹ. Đó là những tháng ngày chỉ có máu và nước mắt, loạn lạc, chia lìa. Chiến tranh đến, chưa bao giờ là niềm vui cả, cho dù đó là người thắng hay kẻ thua. Tất cả đều bao quanh bởi cái chết, những vết sẹo thể chất và tinh thần không thể lành.
Mẹ tôi nhớ như in những lúc nằm ôm những đứa em dưới nắp hầm tránh bom nghe những tiếng ầm ầm sấm rền bốn bề tứ phía, các em gào khóc đến ngạt thở bởi sợ hãi và sức ép của bom đạn. Bố chạy loang loáng đi chạy loạn trên cái xe đạp cò cử chân còn chưa chạm được đất với đống đồ chất như núi yên sau. Ông bà vơ vội mọi thứ vào quang gánh để di tản, con cái họ hàng ly tán khắp chốn cùng quê. Họ chỉ ước mơ đến những lúc trở về.
Chiến tranh trong ký ức của họ là như thế.
Rồi họ ra mặt trận, uống nước trong những hố bom, nhặt những xác đồng đội ngã xuống sau lệnh xung phong, chiến đấu với cái đói khát và những cơn sốt rét khốn khổ. Kinh hãi nhìn những người hôm trước còn chia với họ một hơi thuốc, kể với họ một câu chuyện, hôm nay đã nằm xuống chưa kịp nói một lời từ biệt. Chú tôi kể về thành cổ Quảng Trị – cối xay thanh niên miền Bắc, một thời vãn cả sinh viên Hà Nội đi đầu quân – Chú đã chiến đấu ở đó, và là một trong những người sống sót duy nhất trong hàng trăm đồng đội cùng đợt. Nhiều người còn chưa thấy được mặt trận đã nhắm mắt xuôi tay vì bom tọa độ. Những ám ảnh theo họ mãi mãi cho đến cuối đời, trong cả những cơn mơ giữa thời bình.
Khi tôi hỏi họ, họ chưa một lần mong muốn chiến tranh xảy ra một lần nữa. Vì “Máu đã đổ quá nhiều”, vì họ đã thấy quá nhiều cái chết.
Mảnh đất nhỏ bé hình chữ S này đã yên tĩnh được bao lâu? Cũng chỉ vài chục năm vắng tiếng súng. Những ký ức kinh hoàng vẫn còn nguyên đó từ những bảo tàng chứng tích, những thước phim tư liệu, những cuốn sách còn lưu lại, cả những tấm ảnh mỗi lần nhìn vào đó ta không khỏi bàng hoàng và ghê sợ. Ký ức đó được viết lại bằng cả những căm hờn, xương máu.
Tôi nhặt nhạnh lại những lời kể chắp vá đó và tự hình dung cho mình hình ảnh một cuộc chiến. Giữa lúc khắp nơi đang sôi sục vì biển Đông.
Trong lúc xem thời sự, bên mâm cơm. Tôi nói nếu có chuyện đó xảy ra thật, tôi sẽ đi. Nếu có tổng động viên, tôi cũng sẽ xung phong đi. Không chỉ vì yêu nước, tôi còn nhìn đứa em trai của tôi, nó quá trẻ để ra trận, một cậu sinh viên năm nhất ngu ngơ khờ khạo việc đời. Tôi nhìn bố tôi đã quá già để một lần nữa cầm súng. Nếu mỗi nhà chỉ lấy một người. Tôi sẽ đi. Bình yên sẽ ở lại với những người tôi yêu quý nhất. Chỉ duy nhất ý nghĩ đó vụt hiện ra trong đầu. Cả nhà im lặng.
Tôi sợ chứ. Vì tôi đã đọc và xem quá nhiều về chiến tranh. Đó còn là cái chết thường trực hiện hữu. Tôi không hô hào khẩu hiệu, cũng chẳng mong mỏi gì phải đánh phải chém hay phải giết. Tôi chỉ mong điều đó không bao giờ xảy ra cả, bởi tôi tin, nếu có nổ súng, nó sẽ khác xa lắm với những gì chúng ta đang ngồi trong êm ấm no đủ gõ bàn phím mà tưởng tượng.
“Không có người nào điên rồ đến mức muốn chiến tranh hơn hòa bình: Vì trong hòa bình con chôn cất cha, còn trong thời chiến thì cha chôn cất con” – Herodorus
Bao nhiêu người dám ra trận? Bao nhiêu người dám giết người? Bao nhiêu kẻ nói là không sợ chết? Hay đơn giản hơn đã bao nhiêu người trong số các bạn từng cầm và nhìn thấy khẩu súng thật ngoài đời?
Cái tôi suy nghĩ là trong mọi hoàn cảnh, hãy cứ giữ một cái đầu lạnh, đoàn kết và vững tinh thần. Việc gì phải đến thì nó sẽ đến. Ở thời điểm đó, hoàn cảnh đó ta sẽ có lựa chọn riêng cho mình. Cầm súng lên đường hay bỏ chạy, anh hùng hay kẻ hèn nhát, lúc đó mới rõ mặt. Mọi lời nói lúc này cũng chỉ là vô nghĩa.
Thay vì việc chúng ta tranh cãi nhau vì một cái dây điện thoại đã cắm hay chưa, về việc tại sao có tầu ngầm, tên lửa lại không nhả đạn, tại sao không thế này thế kia. Hãy tự chuẩn bị cho mình mọi thứ cần thiết, hãy luôn sẵn sàng. Bởi đây là ứng xử cực kỳ khó khăn của ngoại giao, của nước lớn nước nhỏ, của kinh tế địa chính trị và mưu toan của những bậc cầm quyền. Nó không đơn giản chỉ là việc ghét là đánh, thích là chiếm, muốn là nổ súng và tiêu diệt. Bởi nếu như vậy, sẽ không còn có những đường biên giới, những luật lệ, nhiều chủng tộc và tiếng nói màu da như bây giờ.
Chúng ta không cúi đầu. Chúng ta sẽ chiến đấu vì mảnh đất này, lá cờ đỏ máu này chứ không phải vì thứ gì khác. Chúng ta sẽ sống và chết như cha ông chúng ta một thời ngã xuống để giữ nước. Hãy nhớ lấy điều đó. Nhưng cùng với việc đó, hãy giữ bình tĩnh, rèn luyện sức khỏe và chờ đợi. Hãy khôn ngoan đừng để mình kích động.
Dù tình hình thế nào đi nữa, tôi tin rằng, nếu chúng ta, Bắc Trung Nam đoàn kết sát cánh bên nhau như những phút giây qua, triệu con tim chung một nhịp đập thì không có gì là không thể. Dân tộc này, dải đất này không cần những lời nói sáo rỗng, những lời hứa không được thực hiện mà là tinh thần đoàn kết một lòng. Chính sức mạnh ấy giúp chúng ta đi qua những năm tháng máu lửa, qua Bắc thuộc, qua Phát Xít Nhật, qua Pháp, qua Mỹ để đến với độc lập, với tự do…
Đồng bào ạ!
“Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về!”