b6bf1546778625108a995376a938a6fe1

Làm gì với 24 giờ?

Một cuốn tiểu thuyết nên bắt đầu thế nào, hay bạn sẽ làm được gì trong 24 giờ?

1. “Có những ngày, tốt hơn cả là không bao giờ nên bắt đầu. Lẽ ra ta nên ở trên giường, cuộn mình trong chăn ấm đệm êm, lắng nghe chính hơi thở của mình, để mặc thời gian trôi qua sau những ô cửa kính, sau những bức tường, để mặc cuộc sống cuống cuồng thoát trôi rồi lặng im bất động.” – Nicolas Ancion, “Cơn hoảng loạn thoáng qua” – cuốn tiểu thuyết đang được viết dở.

 

2 copy

 

Có lẽ bạn sẽ cảm thấy kỳ quái. Thứ tiểu thuyết nào mà một người , không phải là biên tập viên của nhà xuất bản, cũng chẳng phải là bạn bè thân thiết của nhà văn, lại có thể đọc từ lúc cuốn sách đang viết dở? Có thể, bạn cũng có thể. Bởi vì đó là một phần trong dự án “Viết tiểu thuyết trong 24h” của nhà văn người Bỉ Nicolas Ancion, trong đó bao gồm 12h tại Hanoi và 12h tại Saigon. Đây đã là lần thứ 3 nhà văn 43 tuổi này thực hiện dự án này, 2 lần trước là tại New York và Bruxelles. Nó cũng là một phần trong những hoạt động của nhà văn tại Việt Nam, nhân dịp ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tiên của anh được Việt hoá: “Chuyện tầng 5”.

Một dự án hay, theo nhiều nghĩa. Và quan trọng là nó dễ tiếp cận, với mọi người. Để chúng ta có thể thử giải đáp cách bắt đầu một cuốn tiểu thuyết, hay gần hơn, 24 giờ thì để làm gì?

2. Ngày hôm qua, nhằm giữa một ngày thu đẹp trời, buổi họp báo ra mắt sách của Nicolas Ancion đã được tổ chức trong một hiệu sách. Buổi họp báo đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo phóng viên, trong đó đã có một câu hỏi như sau: “Tôi có thể hiểu rằng việc viết tiểu thuyết trong 24 giờ như thế này nghĩa là nhà văn chuyên nghiệp có thể viết mọi nơi, mọi chỗ, trong mọi hoàn cảnh không? Tức là các yếu tố như cảm xúc, linh cảm đều không thực sự cần thiết?”. Có lẽ, đó cũng chính là câu hỏi chung của rất nhiều người tham gia buổi họp báo, và cả những người biết đến hoạt động nào. Làm cách nào để một cuốn tiểu thuyết, thứ mà thường được coi như phải viết trong nhiều tháng, nhiều năm, lại có thể được viết trong vòng 24 giờ? Nhất là khi ở Việt Nam, lâu lắm rồi không có nhà văn trẻ nào xuất bản tiểu thuyết, đa phần chỉ là tản mạn, hoặc truyện ngắn.

10633151_10204528707368246_3952439121257259587_o

 Nicolas Ancion đang viết trực tuyến (ảnh tôi chụp luôn)

 

Nicolas đã trả lời thế nào? “Tôi nghĩ rằng có nhiều kiểu nhà văn khác nhau. Như Dostoievsky chẳng hạn, ông mất có một tuần để viết nên một tác phẩm hay, nhưng Flaubert lại mất tới 60 lần sửa chữa mới hoàn thiện được. Có người lại phải viết tiểu thuyết dài kỳ đăng báo, chạy theo từng số báo ra một. Nhưng cảm xúc là thứ luôn tồn tại trong mỗi nhà văn. Trong mỗi giây mỗi phút tôi luôn nảy ra các ý tưởng.” và “Đối với tôi, 24h viết tiểu thuyết như một trò chơi, một dịp để xả hơi, một thử thách với bản thân mình.” Tức là, điều này nên được hiểu với góc nhìn của một màn trình diễn nghệ thuật, ở đây là câu chữ. Một perfomance art, nhưng thay vì nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, ở đây là văn chương. Bạn được quyền ngồi nhìn trực tiếp quá trình sáng tác văn học của một nhà văn, kể từ khi bắt đầu đến khi kết thúc.

Thực ra chẳng có gì lạ, anh chỉ ngồi viết, viết, đôi khi nghe nhạc, và viết. Và thôi, từ đây, hãy nói chuyện khác.

3. Câu chuyện của Nicolas Ancion chỉ là một câu chuyện ví dụ, cho việc bạn có thể, và sẽ làm gì cho 24 giờ sắp tới. Bắt đầu viết một cuốn tiểu thuyết? Xem một bộ phim? Viết một bài báo? Hay xách ba lô lên và đi đâu đó xa xa hơn là bán kính 30km quanh nhà? Bạn có bao giờ nghĩ rằng mình cần cảm hứng để làm việc đó không? Tôi biết không ít người trong số bạn bè tôi – những người tôi hiểu rõ, suốt ngày kêu than rằng mình muốn làm điều nọ, muốn làm điều kia quá, mà chờ mãi chưa thấy có hứng làm, chưa có “một điều gì đó đặc biệt xảy ra” với họ. Rồi thì, giống như trong câu chuyện của Azit Nexin, cho dù có cho bạn cả một toà biệt thự, bạn vẫn sẽ luôn cảm thấy “thiếu một cái gì đó”. Làm sao để có “cái gì đó”?

 

12

Bởi vì cảm hứng đến, và đi một cách cũng vô cùng ngẫu hứng. Bản chất của việc có cảm hứng, là thăng hoa, chứ không phải là điều kiện tiên quyết để tạo nên một điều gì đó kỳ diệu. Cảm hứng, bản thân nó, không thể biến thành câu chữ được. Cảm hứng có thể là một bài thơ, một bài tản mạn 800 hay thậm chí 2000 từ nếu bạn gõ nhanh, cũng có thể là một bài hát. Nhưng cảm hứng sẽ chết sau khi bắt đầu chương II của cuốn tiểu thuyết, hay thậm chí chết toi ngay sau khổ đầu của bài thơ viết dở. Chỉ có sự bền bỉ, tài năng, hay sự suy nghĩ một cách có chủ đích mới có thể giúp cho tác phẩm, hay bất-kỳ-cái-gì-đó ra đời một cách trót lọt.

4. Nói như vậy, là để làm gì? Là để nếu bạn định làm gì đấy trong tương lai, vậy bạn hãy làm điều đó ngay trong 24 giờ sắp tới. Bạn nghĩ rằng mình phải đọc sách? Quá bận để đọc xong một cuốn? Vậy ngày mai, bạn đọc 2 trang, 3 trang. Bạn muốn viết nên một cái gì đó để đời? Mai, bạn thấy gì, bạn viết nó ra. Như kiểu viết “Nhật ký ơi, hôm nay cái bạn ngồi cạnh mình bạn í làm mình chỉ muốn rút dao ra và xông lên”.
Tác phẩm cuộc đời, và chính cuộc đời bạn, đã đang bắt đầu rồi. Hoặc đã kết thúc, rất buồn. Bạn cần một quá trình, để rồi cảm hứng chỉ là một cú hích nhẹ nhàng khiến bạn trở nên nổi bật thôi. Đừng chờ đợi, đừng để 24 giờ sắp tới là ngày dài chờ đại. Đó là ngày bạn bước đi trên con đường dài, nhưng đi, là đến.

 

2 copy

 

5. Cùng lúc đó, thì anh Nicolas Ancion vẫn miệt mài viết tiểu thuyết, có lúc 24 giờ, có lúc 10 năm, nhưng vẫn là nhà văn, và chắc chắn, vẫn viết.
“Lẽ ra ta nên thế, nhưng ta lại chẳng làm thế. Ta luôn vội vã, căng thẳng, âu lo. Ta lao đi như một mũi tên mà chẳng bao giờ chịu tự vấn mình, chẳng bao giờ chịu kiếm tìm câu trả lời.” – Vẫn là cuốn tiểu thuyết đang viết dở ấy. Bạn có thể đọc bản tiếng Pháp, và bản dịch, trực tiếp, tại đây: http://tinyurl.com/ancion

 

 

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top