Phải thừa nhận chính sự ảo tưởng sức mạnh về trí tuệ của bản thân phần nào khiến tôi tuyệt vọng hơn về bản chất của mình. Ai bảo người có nhận thức và ý thức sẽ khiến cho mọi việc trở nên dễ dàng hơn chứ. Nó chỉ khiến mình thêm phiền muộn hơn về bản thân mà thôi. Thậm chí nếu không kiểm soát được nỗi ưu phiền này sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ thật phiền phức.
Thú thật, trong tâm thế của kẻ chưa bao giờ có giây phút chứng minh mình là con người mạnh mẽ, hay thậm chí là đứa kiểm soát tốt tâm trạng của bản thân, tôi thừa nhận đã từng rất nhiều lần tôi không cảm nhận được thế giới nơi tôi đang tồi tại có một ý nghĩa đặc biệt đáng để tôi níu lại đây. Nhiều lần trong tôi tò mò về cách thế giới bên kia vận hành. Bạn hiểu ý tôi khi tôi nói “thế giới bên kia chứ”? Phải, nó là nơi mà một linh hồn có thể thoải mái tự do thể hiện tâm niệm của họ mà không sợ bị phán xét.
Suy sụp tinh thần hay còn gọi là trầm cảm được bắt nguồn từ một bộ óc không khoẻ mạnh. Theo Futurism, một nghiên cứu mới nhất được đăng trên trang Scientific Reports đã cho thấy mối liên hệ giữa bệnh trầm cảm và cấu trúc của chất trắng trong não bộ, cái mà con người dùng để xử lý những cảm xúc và suy nghĩ của mình. Cụ thể, theo các nhà nghiên cứu tại ĐH Edinburgh đã phát hiện ra rằng chất trắng trong não bộ của những người bị trầm cảm có chất lượng rất thấp. Trầm cảm như là một thứ dịch bệnh tràn lan đáng sợ và không còn xa lạ gì với người dân Việt Nam trong những năm gần đây. Tuy nhiên, để bàn về nguyên nhân, tôi chỉ biết lấy mình làm ví dụ.
Xã hội luôn có cách để khiến ta phải đấu tranh, phải nỗ lực để trở thành một ai đó nổi bật. Tôi cho rằng bản thân mình đã phạm phải sai lầm khủng khiếp nhất chính là việc tôi tự so sánh bản thân với những người khác. Thêm vào đó MXH như Facebook, Instagram… là công cụ đắc lực để tôi phạm phải hành vi tự so sánh này. Tôi vô thức đánh giá thành công của bản thân bằng kết quả của người khác.
Bạn biết đấy, ở cái tuổi 18, nền giáo dục mà tôi được hưởng không đề cập cho tôi biết cách hiểu rõ bản thân tôi muốn gì hoặc nếu có mà lúc đó tôi ham chơi, bồng bột nên chẳng chịu chú tâm. Tôi nhớ về họ với những chỉ dạy chung chung và hướng chúng ta đến cái gọi là lý tưởng chuẩn mực của xã hội mà thôi. Để biết được bản thân thực sự cần gì hoặc sống không phải là đáp ứng mong đợi của người khác hẳn là chúng ta cần nhiều thời gian hơn nữa cho những khoá học tâm lý hoặc triết học.
Tôi không phải là một trường hợp ngoại lệ, nhưng tôi nỗ lực ý thức để tách mình ra khỏi vòng xoáy ấy, một cách có kiểm soát. Bằng cách nào?
Tôi liên tục dằn xé tâm trí mình mỗi ngày. Chỉ đến khi tôi biết đến những lý giải theo khía cạnh tâm lý qua cuốn “Dám bị ghét” như đã chia sẻ trên tôi mới thấy được an ủi phần nào. Nội dung về hành vi tự so sánh đều chiếu theo góc nhìn của nhà tâm lý học Adler. Cụ thể, Chúng ta ngày càng sống để đáp ứng sự mong đợi của người khác nhiều hơn là chính chúng ta. Hợp lý, tôi thích được người khác công nhận, khen ngợi sự nỗ lực và khéo léo của mình qua công việc dẫn chương trình, nhưng trước đó tôi không hề ý thức được rằng tôi đến với nghề là vì tôi muốn được như những người tiền bối đi trước hơn là tôi chọn công việc này vì tôi hiểu rõ nó phù hợp với mình và mình khao khát được làm theo bản năng.
Thêm một vấn đề nữa mà Adler đã giúp tôi tẩy chay sự phô trương giả tạo của chính mình chính là hành động mà tôi cố tỏ ra vượt trội khi đăng những bức ảnh được chỉnh sửa một cách chỉn chu hay được chụp với ai đó quyền lực chỉ với mục đích duy nhất “nhìn tôi xem, tôi đẹp chứ. Nhìn đi, tôi giỏi phải không?” Cốt chỉ để che khoe khoang và mong nhận lại được sự phản hồi tích cực của bạn bè trên facebook. Bấy nhiêu đó chưa đủ, tôi luôn có hành vi sân si cuộc sống của bạn bè qua trang cá nhân của họ cốt chỉ để xác minh rằng ai đó đang tiến triển hoặc chậm chạp trên bước đường mà họ lựa chọn như thế nào. Với ai phát triển quá nhanh, tôi lại thấy bản thân thấp kém, tệ hại, ngược lại với người không cố gắng tôi lại không đề cao. Đấy là vòng xoay của nỗi phiền muộn có nguy cơ gây ra tình trạng rối loạn tâm lý, đặc biệt là trầm cảm. Tôi phải công nhận một điều với các bạn rằng bao nhiêu lý lẽ của cuộc đời cũng không đủ để biện minh cho những sai trái do chính nhân loại tự áp đặt vào nhau. Tôi e ngại những quy luật bất thành văn mà con người hay gán ghép cho nhau mỗi khi cần đưa ra phán xét hay chỉ trích.
Thời điểm đó tôi không hề biết đến khái niệm “phức cảm tự ti” và “phức cảm tự tôn”, đại khái “kẻ nào phô trương nhất định kẻ đó đang tự ti”. Tôi cay đắng thừa nhận vấn đề và âm thầm khắc phục.
Khi ta tự vấn tâm lý một cách đủ nhiều ta sẽ thấy mình không còn lăn tăn về những suy nghĩ lặp đi lặp lại mãi trong đầu. Ta sẽ chẳng còn vùi mình vào những lo lắng, bất an hay sợ hãi hoặc có thể bạn sẽ kiểm soát bình tĩnh một cách chủ động.
Hãy tin rằng, trên thực tế chẳng ai trên thế giới này đều không hoàn toàn ghê tởm ngoại trừ bộ não của họ bị khuyết tật bẩm sinh về mặt cảm xúc- những người mang trong mình căn bệnh “Thái nhân cách” (psychopath) như Hitler. Còn lại, sâu trong mỗi người đều chứa đựng những sự tổn thương và rồi họ che giấu đi nỗi bất hạnh ấy bằng cách phản ứng lại theo những cơ chế phòng vệ tâm lý khác nhau mà thôi.
Khi cảm thức cộng đồng đủ cao, tôi và bạn sẽ thấu hiểu thật sự bản thân mình muốn gì, cách tôi phản ứng lại với cuộc sống này ra sao, tôi sẽ có những cái nhìn dễ thương hơn những người không ưa tôi. Và tôi đang cố gắng mài dũa cái nết của mình từng ngày để phản ứng lại mọi sự bằng con mắt thấu cảm và lòng trắc ẩn.
Tác giả: VRSP