Trong quá trình làm việc, tiếp xúc với nhiều người với đa dạng vấn đề khác nhau, mình nhận ra rằng mọi người đều gặp những vướng mắc trong tư tưởng hay mang những cách tiếp cận sai lầm về hoàn cảnh nên dẫn tới hành động hay cách ứng xử cũng sai lầm. Sai ở đây tức là kém linh hoạt, kém phát triển và khiến cho vấn đề không được chuyển hóa mà ngày càng trở nên tồi tệ. Các bạn rơi vào vòng xoáy tiêu cực không lối thoát bởi những tư tưởng bị giới hạn hay bị đảo ngược so với các quy luật tự nhiên. Chỉ cần nhận biết và tháo gỡ được chúng thì cuộc sống sẽ vận hành theo một cấu trúc mới, một quy luật mới lưu thông và dễ dàng hơn. Sau đây là 6 tư tưởng sai lầm cơ bản mà chúng ta dễ mắc phải.
1. “TÔI PHẢI GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ.”
Trong 10 người thì có tới 9 người mang ý nghĩ rằng những chuyện tiêu cực phải được giải quyết một cách trực tiếp bằng cách đè nén nó, xua đuổi nó, tô màu khác cho nó, hay tiêu diệt nó, v.v… Các bạn muốn giải quyết hay xử lý những chướng ngại ấy ngay cho đỡ nhức mắt. Nhưng các bạn lại rơi vào cái bẫy tư duy đó là việc “muốn giải quyết vấn đề” đã là sự khẳng định sự tồn tại của vấn đề. Nó chỉ càng làm cho mọi chuyện trở nên áp lực và căng thẳng hơn. Giống như treo biển “Cấm đổ rác” thì người ta lại đổ càng nhiều, là gợi ý cho việc sống bừa bãi. Cách xử lý vấn đề đó là đừng tạo ra vấn đề hoặc đừng củng cố thêm vấn đề đó. Thay vì dành sự chú ý cho nó thì hãy chú ý đến những điều khác tích cực hơn, coi như không có chuyện gì xảy ra. Sự chú ý của bạn đặt ở đâu bạn sẽ sống thực tại ở đó. Tiêu cực không được chuyển hóa bằng việc chú ý hay phân bua với tiêu cực, mà bằng việc sống luôn với những điều tích cực.
“Bạn không thể tạo nên sự thay đổi bằng việc đấu tranh với thực tại đang hiện hữu. Bạn chỉ có thể thay đổi một điều gì đó bằng cách xây dựng một mô hình mới, thứ khiến cho mô hình đang hiện hữu kia trở nên lỗi thời.” — R. Buckminster Fuller
2. “LÝ TRÍ XỊN HƠN TRÁI TIM.”
Đây là điều mà đa phần con người ngày nay bị ‘tẩy não’, rằng lý trí thì xịn hơn trái tim, lý luận xịn hơn hơn cảm nhận, tính toán cho tương lai thì xịn hơn lắng nghe trực giác trong hiện tại. Một người phải suy nghĩ rõ ràng, tường minh và biết tính toán cân đong, lập kế hoạch thì mới là tốt. Còn một người sống theo tình cảm, cảm xúc, linh cảm, mơ mộng và nương theo hoàn cảnh thì là dở. Nhưng thực tế là, lý trí là một tần số thấp hơn, yếu hơn và cứng nhắc hơn trái tim. Lý trí là tâm trí, trái tim là nhân tính, trực giác, tâm trí bậc cao – một thứ sinh ra để điều khiển lý trí. Con người ngày nay gặp đau khổ vì không hiểu biết rõ chức năng của hai phần này và sống theo quy luật hỗn độn: đè nén cảm xúc, nghi ngờ những linh cảm của bản thân và tự ti về khả năng sống của chính mình, không dám yêu, sợ hãi sự tổn thương, sợ cất lên tiếng nói khác biệt, sợ biểu lộ cảm xúc (dù là tiêu cực). Chính bởi tư duy lộn ngược nên chúng ta tự hủy hoại chính mình như một dòng nước bị ứ đọng. Lý trí có xịn hơn trái tim không? Câu trả lời là không và mãi mãi không.
3. “TÔI KHÔNG THỂ QUYẾT ĐỊNH ĐƯỢC HOÀN CẢNH.”
Lo lắng đến tương lai, quan tâm những gì người khác nghĩ, nghi ngờ công việc đang làm, đó là những biểu hiện cơ bản của những người mang tư tưởng rằng bản thân mình không thể tác động lên hoàn cảnh, hay hoàn cảnh hoàn toàn chi phối con người. Đây là tư duy duy vật cứng nhắc mà hầu hết chúng ta mắc phải khi ta không biết bản chất chân thực của mình và của thực tại là các làn sóng năng lượng. Không phải thực tại quyết định bạn là ai, mà bạn là ai mới quyết định thực tại nào sẽ được hiển lộ. Mọi thứ đã có sẵn ở đó và chỉ chờ đợi sự phát sóng của bạn để chúng cùng được xướng lên. Chỉ khi bạn nhận ra rằng thái độ của chính mình mới thực là thế giới bạn đang sống chứ không phải thế giới bạn đang nhìn thấy, thì bạn mới biết chủ động kiến tạo bình an, làm nên những phép màu. Đây là một trong những bí kíp sáng tạo và điều khiển thực tại thông qua bản thân. Một người ở trong trạng thái thiền định sâu sắc cũng sẽ trải nghiệm sự thật này. Nó không chỉ được nói trong các văn bản tôn giáo mà còn trong các bộ phim kinh điển như Dr. Strange, Inception, Star Wars (Jedi sử dụng Thần lực điểu khiển đồ vật, kiểm soát tâm trí, giữ sự cân bằng cho các dải ngân hà, v.v…)
4. “KHÔNG CÓ GÌ TÍCH CỰC TRONG NHỮNG CHUYỆN TIÊU CỰC.”
Biểu hiện cơ bản của lối tư duy một chiều đó là chúng ta nhìn cái gì cũng một chiều. Những người gặp đau khổ là người không nhìn thấy tính hai mặt của vấn đề nên không có sự linh động dẻo dai và vượt thoát khỏi hoàn cảnh. Một người cứ mãi lặp đi lặp lại một lỗi lầm và một chuyện đau khổ khi họ còn chưa nhìn thấy tính tích cực của chúng. Quá khứ sai lầm hay mất mát thì cứ mãi chỉ thấy sai lầm và mất mát đeo bám chứ không thấy rằng bản thân nên học bài học gì từ những chuyện như vậy và tập trung vào hành động. Mọi vấn đề sẽ mãi mãi là vấn đề nếu chúng ta không có một góc nhìn khác về nó, đặc biệt là sử dụng nó để phát triển trí tuệ của chính mình. Khi không có định hướng phát triển trí tuệ thì những điều tiêu cực sẽ luôn dai dẳng và những điều tích cực hiện có cũng bị chết yểu bởi không được sử dụng đúng mục đích.
5. “TÔI CÓ RẤT NHIỀU VẤN ĐỀ.”
Bạn không có nhiều vấn đề như bạn tưởng. Chúng chỉ là nhiều biểu lộ khác nhau của cùng một vấn đề bên trong bạn. Chỉ cần nhìn thấy được nguyên nhân đó là mọi thứ khác sẽ đều được chuyển hóa. Hầu hết với mọi người, nguyên nhân tạo nên những rắc rối trong đời sống của họ là điểm yếu của chính họ như vô kỷ luật, sống cứng nhắc duy lý, ngạo mạn, nghi ngờ, tham lam vật chất, v.v… Khi nào một người tập trung nhìn nhận và cải biến được yếu điểm đó thì mọi mặt trong cuộc sống của họ sẽ cùng được thay đổi tích cực. Đây cũng là cách mà một người thay đổi thực tại bằng việc thay đổi chính mình. Công việc, mối quan hệ, nhà cửa, tiền bạc không phải là vấn đề của bạn hay chuyện bạn cần quan tâm. Thứ bạn cần quan tâm là chính bạn, một vấn đề duy nhất.
6. “PHẢI BIẾT THÌ MỚI TRẢI NGHIỆM, PHẢI GIỎI THÌ MỚI LÀM.”
Với hướng tư duy bảo thủ và sợ hãi, chúng ta tự chặn đứng khả năng phát triển và học hỏi của chính mình bằng việc quy định điều kiện để bắt đầu một trải nghiệm. Phải biết thì mới làm, phải giỏi thì mới đi. Những người có suy nghĩ như thế này thì không bao giờ thành công và thường nhìn nhận sai lầm về những người thành công trong xã hội. Nếu đã biết rồi thì đâu cần phải trải nghiệm nữa, nếu đã giỏi rồi thì đâu cần phải làm nữa. Chúng ta phải bắt tay vào làm thì mới giỏi, phải dũng cảm trải nghiệm thì mới biết nó thật sự là gì. Nhảy vào cuộc chơi, dấn thân hành động mới là con đường lưu thông của năng lượng. Nó khiến cho những thô cứng sợ hãi của một người được bào mòn. Và trong cuộc hành trình ấy, trí tuệ, kinh nghiệm và sự dẻo dai mới dần hiển lộ. Những vĩ nhân là những người thất bại nhiều hơn số lần họ sợ hãi thất bại, họ thà bước tới và vấp ngã còn hơn là ngồi dúm dó một góc và nghi ngại về năng lực của chính mình. Nên nếu muốn đi du lịch, hãy đi. Muốn ngồi thiền, hãy ngồi thiền. Muốn thổ lộ tình cảm, hãy thổ lộ. Mọi thứ tốt đẹp nhất mà bạn khao khát luôn nằm ở phía bên kia của nỗi sợ. Vậy nên đừng nói nhiều, hãy hành động.
“Làm hoặc không làm, không có thử thiếc gì cả.” (Do or do not, there is no try.) — Yoda, Star Wars
Tác giả: Hòa Taro
Ảnh minh họa: Lindsay Henwood/Unsplash