Đức Jesus nói rất nhiều về điều này trong đời rao giảng của Ngài: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện.” Vậy tỉnh thức là gì? Tại sao chúng ta phải cần luôn tỉnh thức? Và Tỉnh thức thôi đã đủ chưa?
Bạn cần phải hiểu rõ rằng tỉnh thức khác với sự ý thức. Một người có ý thức chưa hẳn đang ở trong trạng thái tỉnh thức. Bạn không vứt rác bữa bãi, không ồn ào to tiếng nơi công cộng, không khạc nhổ, tiểu đái ngoài đường… là một người được coi có ý thức. Ý thức này thể hiện một sự văn minh hay thể hiện một người có văn hoá cao trong đời sống xã hội. Nó thuộc phàm trù tri thức khác với trạng thái của một người luôn tỉnh thức.
Khi bạn ngủ bạn không nhận biết chuyện gì đang xảy ra xung quanh bạn, và khi thoát khỏi giấc ngủ đó bạn trở nên nhận biết. Tỉnh thức là một trạng thái mà ở đó bạn phải nhận thấy một cách rõ ràng cái gì đang chi phối mình. Bạn nhận ra cảm xúc, ký ức, tư tưởng, hình tượng nào đang điều khiển bạn nói, hành động. Hơn nữa người tỉnh thức là người nhận ra mình được vun đắp như thế nào qua xã hội. Xa hơn nữa người tỉnh thức nhận ra khổ của mình đến từ đâu; sự bất an, hoang mang, ham muốn, nỗi sợ thực sự là gì?
Người tỉnh thức là người đưa ra chọn lựa khôn ngoan bởi vì là người có khả năng nhận biết rõ toàn bộ quy trình của một hành vi hay lời nói trong cuộc sống: tại sao nó có đó? Nó đến từ đâu? Và nó thực sự tồn tại hay không? Có thể nói một người đạt tới trạng thái tỉnh thức luôn luôn, là người đã đạt được một nửa chẳng đường trên con đường nhận ra Đạo.
Câu hỏi là tại sao chúng ta cần luôn tỉnh thức? Và tỉnh thức thôi đã đủ chưa để trở về với bản thể thuần khiết của mình?
Sự tỉnh thức giúp con người đưa ra được những phán ứng khôn ngoan và hợp lý trong từng khoảnh khắc. Một người tỉnh thức là một người sống trọn vẹn trong hiện tại, không lo sợ hay bất an vì tương lai hay quá khứ. Thế nhưng có rất nhiều thứ bủa vây đời sống ta, và phần lớn chúng ta trong tư cách là một người cha, người mẹ, người con, người làm việc, người được yêu, người xã hội chúng ta rất khó để duy trì sự tỉnh thức thường trực hàng ngày liên lỉ. Nào là trách nhiệm gia đình, mục tiêu công việc, nghĩa vụ trong xã hội chúng ta dễ bị đưa lại vào vòng tròn lặp lại của đời sống lệ thuộc và trói buộc. Vì thế Đức Jesus nói rằng: tỉnh thức và cầu nguyện.
Đối với người Ki-tô giáo cầu nguyện là một hình thức của đời sống tôn giáo, đó là phương cách con người tiếp xúc với Thiên Chúa qua chuyện trò tâm tình như người con với cha, như người bạn… Cầu nguyện thường bị xem như việc xin điều này điều kia với Thiên Chúa hơn là một phương pháp để con người đi sâu hơn trong sự hiện hữu của Ngài. Tôi nghĩ cầu nguyện là phương pháp phù hợp với con đường mà Đức Jesus đã sống, cũng giống như Thiền là phương pháp tốt nhất mà Phật đã dùng trong con đường tới giác ngộ. Những người đi theo con đường của Đức Jesus phải hiểu rõ hơn và thực hành nhiều hơn phương pháp Cầu Nguyện, bởi cầu nguyện đặt nền tảng trên chính đức tin của các bạn. Vậy cầu nguyện là gì?
Hãy nhớ lại toàn bộ cuộc đời của Đức Jesus, tôi nghĩ các bạn sẽ hiểu ra được ý nghĩa của cầu nguyện và những thang bậc mà các bạn cần thực hành. Khi Đức Jesus bắt đầu rao giảng, Ngài vào sa mạc ăn chay và cầu nguyện 40 ngày. Vâng, cầu nguyện chính là mở cửa tầm hồn và tâm trí bạn ra để lắng nghe lời Chúa. Hay nói cách khác, cầu nguyện trước tiên phải được hiểu như là một lối riêng tư từng cá nhân đi vào và kết nối mật thiết với Thiên Chúa để có thể đón nhận sức mạnh từ Ngài, hay nói cách khác là đón nhận sự khôn ngoan và thông thái từ Thiên Chúa.
Rồi khi trải qua những tháng ngày bôn ba rao giảng Tin Mừng, Đức Jesus thường lui tới nơi vắng vẻ để cầu nguyện. Vậy thì cầu nguyện phải là sự liên tục trong đời bạn, như là cách để nhắc nhở và nuôi dưỡng đức tin của bạn. Có lẽ, giá trị cao nhất của sự cầu nguyện trong ki-tô giáo là phải nói đến hình ảnh Đức Jesus quỳ bên tảng đá cầu nguyện trước khi bị quan quân đến bắt và kết án Ngài. Hình ảnh đó gợi lên cho tôi một sự xác tín mạnh mẽ rằng: bất kì ai đi theo con đường mà Đức Jesus đã đi mà không có đời sống cầu nguyện, sẽ không bao giờ đạt tới được Nước Trời. Tại sao? Bởi chính qua cầu nguyện, qua sự riêng tư, qua sự thinh lặng của lời cầu nguyện đức tin của bạn được bồi bổ, được lớn mạnh, và sức mạnh của Thiên Chúa Tình Yêu và Khôn ngoan sẽ ngự trị với bạn.
Khi tôi đọc kinh thánh, tôi thích thú câu nói: tỉnh thức và cầu nguyện. Bởi tỉnh thức là thể sự khát khao của bạn đối với sự công chính, hoà bình, tình yêu, trong trắng, thật thà như tám mối phúc nhắc tới. Và cầu nguyện như cách bạn tin tưởng vào Thiên Chúa để qua đó Ngài cho bạn được no thoả sự công chính và tình yêu. Đây là cách mà tôi nghĩ, tất cả những ai đi theo con đường Đức Jesus đều phải bước theo: đặt hoàn toàn tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa và luôn đáp lại bất kì lời mời gọi nào của Ngài. Đó là ý nghĩa của câu nói: Tỉnh thức và cầu nguyện.
Tác giả: Bình Minh