thea-hdc-hwd_svnzu7q-unsplash

5 con đường tu tập tâm linh nên tránh

Chưa bao giờ mình thấy việc tu tập tâm linh của con người trở nên sôi động như bây giờ. Càng ngày mình càng thấy có nhiều người thức tỉnh nhận thức, hướng vào bên trong để tu tập. Hàng loạt những phương thức tâm linh và cả những “thầy” tâm linh được nảy nở trong giai đoạn này tạo nên một làn sóng, đôi khi là một trào lưu tìm kiếm những giá trị tinh thần. Tuy nhiên, lắm thầy nhiều ma, Đạo cao một thước, ma cao một trượng. Mình quan sát thấy có những lối tu đúng đắn chân thực thì rất ít người sử dụng, còn những lối tu có thể nói là sai lầm, dễ gây xao nhãng thì nhiều người lại mắc phải, đổ xô theo nó mà không thoát ra được.

Trong bài viết này, mình sẽ chỉ ra 5 con đường tu tập tâm linh nên tránh. Hy vọng nội dung này sẽ hữu ích cho những ai thật sự thành tâm trên con đường khai sáng và có thể bước vào chánh đạo, tìm thấy được sự an vui, hạnh phúc trong cuộc đời.

1. Lý thuyết nhồi sọ

Lý thuyết nhồi sọ là hiện tượng mình thấy nhiều nhất trong số những người mình bắt gặp trên hành trình tu tập. Những người đi theo con đường này đọc rất nhiều sách vở, lý thuyết, nhưng tất cả đều là những thứ “trên trời” hoặc được tô vẽ màu mè thêm cho vẻ cao siêu, phức tạp, điệu nghệ. Nhưng khi mình hỏi cách họ áp dụng những lý thuyết đó vào thực tế ra sao thì họ trả lời vòng vo, hỏi rằng nó có liên quan gì đến lối sống thường ngày không thì họ ngụy biện đánh trống lảng, và hỏi rằng “giác ngộ tâm linh là gì” thì trả lời một bài viết dài đến hàng ngàn chữ loằng ngoằng nhưng chẳng có chữ nào đúng vào trọng tâm.

Mình không nói rằng lý thuyết là không quan trọng. Ai cũng nên có nền tảng lý thuyết cơ bản khi làm bất kỳ chuyện gì, vì nó là biển chỉ đường, là chiếc la bàn định hướng. Nhưng nếu chỉ ngồi đọc tràng giang đại hải lý thuyết mà không sử dụng chúng vào thực tiễn (học không đi đôi với hành) thì cũng không khác gì nhồi nhét thật nhiều thức ăn vào miệng mà hàm không chịu nhai, hoặc nuốt xuống dạ dày rồi mà tiêu không nổi sinh ra chứng táo bón.

Đây chính là sự tai hại của việc tập trung quá nhiều vào lý luận, lý thuyết suông mà bỏ qua sự chuyển hóa chúng thành các giá trị thực tiễn. Con đường này dễ dẫn tới hiện tượng “ngộ chữ”, “người Trời”, sống ảo, rối trí, hoang tưởng. Tệ hơn nữa, khi thông tin cũ chưa được tiêu hóa và thấu hiểu mà cứ tiếp tục nạp thêm nữa thì dẫn đến tình trạng bội thực, sợ hãi việc đọc và học hỏi. Lúc này, cơ thể tự tìm cách cân bằng lại bằng việc tự đóng cửa các giác quan tiếp nhận thông tin. Nghĩa là, khi người đó đọc cái gì hay nghe ai nói cái gì, dù giá trị đến thế nào cũng bị dội ngược trở lại như nước đổ lá khoai.

2. Tâm linh lá cải

Các nền văn minh tâm linh phồn thịnh của con người, người ngoài hành tinh, tần số năng lượng của ngày hôm nay, bạn là linh hồn loại nào, các bài “thuyết pháp” của những người nổi tiếng nào đó trên mạng xã hội, v.v… Tất cả những loại thông tin này mình đều xếp vào tâm linh lá cải, tương tự như báo lá cải vậy. Lý do là chúng không quan trọng hoặc/và không có thẩm quyền. Nếu có một tác dụng gì đó thì những thông tin “lá cải” này chỉ giúp truyền cảm hứng bước đầu trên hành trình tìm về bản chất chân thực của mình bằng cách tạo ra một sự thú vị, hưng phấn, tò mò. Khi đã được truyền cảm hứng rồi, bạn nên bước đi tiếp. Nếu bạn thấy kích thích và cứ tiếp tục chôn chân ở giai đoạn này, bạn sẽ không có tiến bộ nào hết, thậm chí là thoái bộ, suốt ngày nói những chuyện trời ơi đất hỡi không có giá trị thực tiễn, hoặc sử dụng những thông tin hời hợt kém chất lượng. Con đường tâm linh lá cải này tương tự như việc ăn đồ fastfood, đã cái miệng nhưng hại cái thân.

Nếu có đọc những thông tin về tâm linh hỗ trợ cho con đường tu tập, mình chỉ khuyến khích đọc những cuốn sách, nghe những bài giảng của những người có thẩm quyền và thực hành theo. Họ là những bậc Thánh (Krishna, Jesus, Đức Phật, Ramana Maharshi, Vivekananda v.v…) hay những bậc giác ngộ, vĩ nhân trong lịch sử con người. Quan điểm của mình luôn là món nào ngon nhất thì ăn trước. Nếu chỉ quen ăn món dở thì sau này gặp món thượng hạng, bạn sẽ không nuốt nó được đâu.

3. Huyền học mì ăn liền

Trước đây mình có một giai đoạn mở dịch vụ xem Tarot Online. Mình đã gặp không ít những trường hợp phụ thuộc vào các công cụ huyền học. Hễ có chuyện gì xảy đến là lại cầu cứu đến “thầy”, dựa dẫm, không tự thực hành tu tập. Những người này dù muốn cuộc sống tốt lên nhưng lại không hề tin tưởng vào sức mạnh tự thân, không chủ động tìm tòi, trải nghiệm. Tất cả chỉ mong một thế lực cao siêu huyền bí nào đó giải dùm (dù chuyện đó dễ như ăn bánh.) Thậm chí, có những người học Tarot chỉ là để tự xem cho chính mình, rồi rơi vào sự luẩn quẩn, tự huyễn hoặc mọi chuyện. Không chỉ Tarot, các hình thức huyền học khác cũng bị lạm dụng như mì ăn liền: đoán thần số, xem cung Hoàng Đạo, giải sao Tử vi, v.v…

Giống như tâm linh lá cải, huyền học mì ăn liền chỉ có tác dụng truyền cảm hứng, tạo sự hứng thú tìm hiểu thế giới tinh thần lúc ban đầu. Nó không nên được lạm dụng, sử dụng quá thường xuyên, hoặc sử dụng cho những người ỷ nại không hề tu tập một ngày nào. Việc lạm dụng này không chỉ gây tổn tại cho người sử dụng mà còn gây nên tai tiếng cho chính bộ môn huyền học đó. Những giá trị thật sự của các bộ môn thiêng liêng này bị bóp méo bởi cách tiếp cận hời hợt và thiếu trách nhiệm của con người. Đây là một con đường nên tránh.

Nếu bạn thật sự quan tâm và tìm đến các bộ môn huyền học, hãy học về cơ chế của nó để liên kết với các tri thức tâm linh, tôn giáo. Chúng sẽ mở ra cánh cửa thiêng dẫn đến sự khai sáng tuyệt vời.

4. Lối tắt của những dân chơi

Phần này mình nói về chuyện các dân chơi dùng các loại chất thức thần, chất kích thích để hòng tìm kiếm giác ngộ trong một nốt nhạc. Chỉ với một dose LSD hay DMT là đủ sức về vươn vai ưỡn ngực với thiên hạ mà tuyên bố rằng “Tôi đã giác ngộ, tôi là Thánh, tôi hiểu hết mọi thứ trong vũ trụ này rồi!” Không, đây không phải là chánh đạo và bạn nên coi chừng cách tiếp cận tu tập như vậy.

Tâm linh có đường tắt không? Câu trả lời là có. Nhưng một nửa còn lại của câu trả lời đó là Tâm linh không chỉ toàn là những đường tắt. Việc giác ngộ có nhiều mức độ, nó còn phụ thuộc vào sự tinh tấn tu tập, căn cơ (độ chín của nhận thức), hoàn cảnh môi trường, v.v… Mình không nói rằng tu tập thì không nên dùng chất để hỗ trợ, nhưng việc chỉ cho rằng chất đưa đến giác ngộ là thiển cận và sai lầm. Các chất chỉ cho bạn thấy một cái nhìn thoáng qua của chân lý, và việc của bạn sau khi kết thúc chuyến trip là ra sức tu tập, cải thiện chính mình và cuộc sống. Việc này sẽ hiện thực hóa những thông tin mà chuyến đi mang lại và tăng tốc nhận thức cho bạn. Nếu không thực hành sau đó, giống như việc lý thuyết nhồi sọ được tăng cấp lên 10 lần, bạn sẽ đắm chìm trong hoang đường, đôi khi là sức khỏe thể chất và tinh thần mất cân bằng sinh ra bệnh tật.

Lối tắt cũng như các công cụ huyền học, nên được sử dụng vô cùng thận trọng.

5. Bàng môn tả đạo

Con đường tu tập tâm linh nên tránh cuối cùng mình muốn đề cập trong bài viết đó là “bàng môn tả đạo” (cảm ơn anh Sang Đặng đã gợi ý cụm từ này). Tu tập kín đáo theo những phương thức dễ gây hiểu lầm hay khuếch đại những năng lực mãnh liệt và đen tối bên trong con người. Một ví dụ cụ thể (mình từng biết ngoài đời thực) đó là các hình thức kích hoạt năng lượng tình dục của con người thông qua chuyện quan hệ tình dục, các hoạt động khiêu khích tình dục, hoặc các tư tưởng tình dục tự do (loạn luân). Trong mọi tôn giáo, các bậc Thánh luôn răn đe nhắc nhở con người bằng cách đưa chuyện tình dục vào danh sách cần tránh hoặc kiêng cữ, thận trọng. Vì năng lượng tình dục đa phần bị con người hiểu lầm, lạm dụng, ngụy biện và con người dễ sa ngã bởi nó. Lợi chẳng thấy nhưng hại thì vô số kể. Những người nhận thức non yếu còn tham sân si nhưng lại muốn tu bằng con đường tình dục thì chẳng khác nào tự đâm đầu vào địa ngục, làm mồi cho quỷ. Ngoài kia có rất nhiều con đường khác có thể dẫn tới cuộc đời hạnh phúc viên mãn, bạn không nhất thiết phải đi theo con đường nhiều cám dỗ đã được cảnh báo này.

Ngoài ra, một số ví dụ khác về bàng môn tả đạo là con đường của phù thủy dùng bùa chú, dùng búp bê để hiện thực hóa năng lực của mình lên người khác, v.v…

Một số kinh nghiệm cá nhân

Quan điểm của mình về việc tu tập giờ đây rất rõ ràng và đơn giản. Nếu mình tu đúng thì mình sẽ càng ngày càng bình an ơn, trong sạch hơn, sống tốt hơn, và cống hiến được nhiều giá trị hơn cho cộng đồng. Nếu tu sai thì càng ngày càng mình sẽ càng rối rắm tâm tư, càng tham lam, càng ác độc. Nếu thấy có dấu hiệu sai lạc, mình sẽ tìm cách sửa lại.

Ngoài ra, một cách mình luôn sử dụng để sàng lọc các thông tin tâm linh đầu vào đó là đặt ra những câu hỏi: Ai là người nói/viết những điều này? Họ có thẩm quyền không? Họ có trải nghiệm trực tiếp về chuyện họ đang nói không? Những thông tin này có cùng một ý tưởng với cốt lõi triết lý của tâm linh, tôn giáo không? Những thông tin này có đưa mình đến gần hơn với cốt lõi đó không?

Từ khi đặt ra bộ lọc như vậy, mình chỉ tập trung đọc những sách Thánh và thực hành theo, rút ngắn thời gian tu tập và liên kết được những ý tưởng quan trọng nhất từ các tôn giáo khác nhau. Cách này vừa hiệu quả, vừa nhanh gọn, vừa không bị xao nhãng. Cho đến bây giờ, mình thấy chỉ cần đọc và thực hành theo một cuốn sách duy nhất đó là Chí Tôn Ca là đủ. Mọi sách vở khác không còn quan trọng và cần thiết nữa.

Kết luận

Nói tóm lại, tu tập vừa dễ mà vừa khó. Dễ là khi bạn xác định đúng trọng tâm lý thuyết, đúng phương pháp và tinh tấn thực hành, liên tục đúc rút từ các trải nghiệm. Còn khó là khi bạn chạy theo những thứ không liên quan gì đến chuyện giác ngộ thiên tính, bạn đọc và học chỉ để mua vui giải trí, thỏa mãn những tâm tư hời hợt, hoặc bạn tu tập chỉ cốt làm dày thêm một lớp mặt nạ bản ngã, ra oai với đời. Vậy nên, trong thời đại tâm linh nhiễu nhương hỗn độn này, bạn bắt đầu tu thôi chưa đủ, hãy tu đúng đường, vì nó sớm muộn cũng dẫn tới giác ngộ, bình an. Còn không, nó chỉ là một bài ca mờ nhạt về con chim tu hú.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top