Đó là một thế giới nơi truyền hình thống trị và văn chương trên bờ tuyệt chủng, một thế giới mà con người không còn ngồi trên hàng hiên trước nhà hay đi tản bộ để nói chuyện với nhau. Thay vào đó họ giam mình vào những thiết bị công nghệ, đeo Vỏ Sò (headphone) ở tai suốt ngày đêm. Tâm trí luôn được dẫn dắt bằng những bản tin rồi đến nhạc, rồi lại bản tin và nhạc. Với tôi, Ray Bradbury – tác giả cuốn 451 độ F là một nhà tiên tri lỗi lạc. 451 độ F được ông hoàn thành và xuất bản năm 1953, khi công nghệ còn chưa phát triển như ngày nay, vậy mà ông đã lường trước được mọi việc.
Câu chuyện viễn tưởng của ông được dựng lên với bối cảnh xã hội, người dân bị lôi cuốn bởi những thông tin rác, và chính phủ lập ra cả biệt đội Lính Phóng Hoả – đối lập với Lính Cứu Hoả, chỉ để đốt hết những ai tàng trữ sách trong nhà. Họ nói với người dân rằng sách làm chúng ta đau khổ, phải suy nghĩ nhiều. Khi ta đọc ông triết gia này có lý thì ông triết gia khác sẽ chửi lại làm chúng ta loạn đầu mà chẳng vui vẻ, hạnh phúc gì. Ta hãy cứ sống với những bản nhạc làm ta thư giãn. Ta vẫn thông thái với những bản tin hằng ngày nhồi nhét vào tâm trí, để nó trông có vẻ như ta bận rộn cả ngày, để tâm trí không có giây phút nào nghỉ ngơi ngẫm nghĩ. Nếu ai cố tỏ ra mình thông thái, nếu ai thư thả tản bộ trên vỉa hè, nếu có ai đó ngồi ngắm trăng, cây cối quá lâu, thì đó chính là kẻ điên và cần phải được điều trị, cần đưa vào hồ sơ, cần phải để cho mọi người xa lánh.
Tôi thấy mình trong vai Guy Montag, trong vai cô gái Clarisse McClellan và trong cả vai của Mildred. Tôi vẫn đọc văn chương, bởi vì đến hiện tại có lẽ vẫn chưa đến thời của tác giả nhắc đến, tôi vẫn còn sách để đọc. Nhưng tôi cũng không thể tránh khỏi những tin tức rác tràn lan mỗi khi mở Internet. Bạn bè tôi thích nói về vụ án Burning Sun của Seungri (Big Bang), thích nói về Khá Bảnh, về Phúc XO hơn là chuyện cá voi trôi dạt lên bờ, mổ bụng ra với trăm tấn ni-lông nhựa. Dường như chẳng có mấy ai thích bàn về Schopenhauer, Albert Schweitzer, Thích Ca hay Jesus.
Và tôi bỗng nhớ đến lời khuyên của chị Rosie Nguyễn – tác giả cuốn Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? rằng hãy đọc sách thay vì đọc báo. Đúng vậy, báo luôn nhồi nhét cho ta nhiều thông tin, cho ta nghĩ rằng mình hiểu biết. Ta nắm được tình hình thế giới hôm nay thế nào. Nhưng nó không giúp đầu óc ta sáng láng, mở rộng hơn như sách. Nó đều là thông tin, nhưng là hai luồng thông tin khác nhau. Một luồng là thông tin vô bổ, giống như mì ăn liền. Còn một luồng ít người quan tâm đến bởi vì nó cần sự kiên trì, giống như trồng một cái cây phải đợi nó mọc rễ. Cho đến khi đã đọc nhiều, mọc đủ nó sẽ vươn lên cao mãi.
Ray Bradbury còn tạo ra con Chó Máy – một con chó không sống cũng không chết. Hoạt động chuẩn xác từng centimet, bách phát bách trúng. Con Chó Máy đó chẳng phải là AI sao? Là kẻ đang âm thầm luồn lách vào thế giới này để thống trị loài người. Và đang có nguy cơ không kiểm soát được.
Loài người – loài tự nhận mình đứng đầu chuỗi thức ăn, tự cho mình là động vật bậc cao, luôn nghĩ mình thông minh nhưng lại dễ bị thuần hoá như một con chó, yếu ớt như con giun con dế, ngu si như con cừu, bị dắt mũi như một con bò.
Trong truyện, chiến tranh bom đạn được lấp liếm, đánh lạc hướng bằng những tin tức vui nhộn, hấp dẫn. Ngoài đời cũng vậy, tin tức chính trị không thể che mắt dư luận thì thổi bùng tin showbiz từ con kiến thành con voi – chuyện ai cũng biết nhưng chẳng mấy ai quan tâm.
Nhưng 451 độ F cũng đề cập đến mặt trái của việc bảo vệ sách quá đà. Tuy chỉ nhắc sơ qua vài trang nhưng tôi cũng muốn mọi người ghi nhớ kỹ đoạn ấy để không bị bám víu vào vật chất. Có đoạn Montag vừa biết đến sách, anh ấy cố gắng tàng trữ thật nhiều sách nhất có thể. Nhưng ông già Faber đã nói với anh rằng:
“Không phải anh cần sách đâu, cái anh cần là thứ đã từng nằm trong sách. Cái anh tìm không phải là sách! Hãy thu gom nó bất cứ khi nào anh có thể tìm được nó, trong những đĩa cũ, những bộ phim cũ, và ở những người bạn cũ, tìm nó trong thiên nhiên và tìm nó trong chính anh. Sách chỉ là một dạng vật chứa nơi ta lưu nhiều thứ mà ta sợ mình có thể quên.”
Đúng vậy, sách chỉ chứa đựng kiến thức, cái ta cần nắm giữ là kiến thức, không phải là những tờ giấy có nhiều chữ. Ray đã rất khôn khéo khi muốn nhắc nhở người đọc rằng cuốn sách của ông không nói về việc cảnh tỉnh con người trân trọng sách mà họ nên trân trọng tri thức.
Nếu chúng ta muốn đạt được ước mơ thì điều đầu tiên là phải tỉnh dậy. Đó cũng là vấn đề của nhiều đứa trẻ thành phố. Khi chúng quá tiện nghi, sống trong quá nhiều internet và thông tin vô bổ, chúng trở nên lười nhác, nghĩ mình biết tuốt và không bao giờ tỉnh dậy. Cả thế giới càng ngủ mơ càng dễ để những thế lực lớn nắm giữ. Cuộc đời ta, ta không thể tự nắm giữ thì không thể thoát ra vòng vây kìm hãm của chúng.
Tác giả: Bà Năm
Biên tập: SUYNGAM.VN