Nếu có ai đó bảo rằng hạnh phúc là thứ từ trên trời rơi xuống thì tôi có thể gật đầu đồng ý. Vì không chỉ hạnh phúc mà mọi thứ khác từ vui vẻ, buồn rầu, giận dữ,… tôi cho rằng đều không thuộc về bản thân mình mà nằm trong tay vũ trụ. Tất cả những gì tôi có là thái độ với chúng. Và thái độ này là thứ sản phẩm duy nhất tôi có thể kiểm soát, nhào nặn, biến đổi được thành nỗi vui hoặc đớn đau cho riêng mình.
Tôi cho rằng muốn bảo toàn cuộc sống hạnh phúc thì ta phải duy trì thái độ hạnh phúc – tức là phản ứng hợp lý, khuyến khích sự phát triển tích cực của chính mình trong mọi hoàn cảnh. Lời khẳng định của một người với thế giới quyết định chất lượng đời sống của anh ta. Nếu người đó bảo nó xinh đẹp, thì dứt khoát thế giới không thể xấu xa được. Còn nếu họ bảo nó xấu xa, thì muôn vàn hoa lá trên đời đắp vào cũng không thể làm nên những duyên dáng.
Nguyễn Du đã từng có câu:
“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.”
Vậy nên, vấn đề không nằm ở cảnh, mà ở người. Và trong bài viết này tôi muốn chia sẻ một vài cách đang sử dụng để duy trì thái độ hạnh phúc của bản thân. Nói đến đây hẳn sẽ có người bảo rằng việc gì phải bày vẽ thế, buồn thì cứ buồn thôi, đau đớn thì cứ đau đớn thôi. Nhưng có lẽ người này đang hiểu lầm ý tôi muốn nói.
Duy trì thái độ hạnh phúc không có nghĩa là ta không thể khóc, không thể nói ra những lời muốn nói trong lúc xúc cảm dâng trào, mà nó đơn giản là không đánh mất vị trí hay điểm nhìn của mình khi hoàn cảnh xung quanh đang diễn ra. Và quan trọng hơn cả là ta không nhất thiết phải chịu đựng đau khổ khi bản thân có những lối đi khác tốt đẹp hơn.
“Hạnh phúc không phải là điều tự nhiên mà có. Nó đến từ những hành động của chính bạn.” – Đạt Lai Lạt Ma
1. Tập thể dục đều đặn
“Không có một tinh thần bạc nhược trong một thể xác tráng kiện, hay một tinh thần minh mẫn trong một thể xác bệnh hoạn.”
Câu nói này đã đủ để nói lên tầm quan trọng của sức khỏe đối với mỗi chúng ta. Một người dù có khát vọng, đam mê, ý tưởng lớn lao đến cỡ nào nhưng thân thể luôn đau ốm, bệnh hoạn thì tinh thần của họ cũng bị ảnh hưởng ít nhiều và gặp khó khăn trên con đường hành động.
Khi có một cơ thể khỏe mạnh, cá nhân tôi thấy bản thân mình tiếp cận thế giới một cách tích cực và tự tin hơn. Bây giờ khi phải đi bộ một đoạn đường vài cây số tôi thấy nó là chuyện nhỏ, so với trước kia khi ít luyện tập thì bước chân từ nhà ra đến chợ cách 500m đã thấy ngại người. Hay khi chạy bộ, tôi thấy đầu óc được lưu thông, các ý tưởng mới đổ về rộn ràng, vui vẻ, các khúc mắc trong lòng tự được tháo gỡ rất kỳ diệu.
Các bạn có biết rằng khi tập thể dục, cơ thể chúng ta sẽ tiết ra hooc-môn endorphin làm giảm căng thẳng, tăng cảm giác thỏa mãn và hưng phấn không? Vậy tức là nếu luyện tập thường xuyên, ta sẽ vừa có thể lực sung mãn, vừa có tinh thần tươi tốt. Một mũi tên trúng hai đích vậy.
2. Xây dựng nhiều thú vui, sở thích
Những sở thích, niềm đam mê đưa ta gần hơn với sự tình yêu, sự vui vẻ, hài lòng – là những trạng thái cảm xúc có tần số cao. Sở thích, đam mê là những người bạn thiện lành mà chúng ta cần phát hiện, xây dựng và duy trì kết nối.
Nhiều người có thể nói rằng “tôi chẳng có thú vui gì, tôi chẳng biết mình thích cái gì.” Và tất nhiên, họ vẫn ngồi im một chỗ và chẳng làm gì cả. Mỗi ngày trôi qua, lời khẳng định đó càng được găm sâu vào trong tâm trí, trở thành một vòng luẩn quẩn không lối thoát. Toàn bộ thời gian của họ dành cho những thứ họ không yêu. Đó chẳng phải là một đời sống đáng buồn chán hay sao?
Bí kíp ở đây đó là hãy trải nghiệm, dấn thân vào đời sống để tìm kiếm ra điều gì mình thật sự thích, mình có thế mạnh và tập trung vào nó.
Tôi không bao giờ biết mình thích chụp ảnh nếu tôi không cầm cái máy ảnh lên và đi lang thang ngoài sân vườn đầy hoa cỏ. Tôi không bao giờ biết mình thích viết lách nếu tôi không cầm bút lên và thổ lộ những tâm tình trong những dòng nhật ký. Tôi không bao giờ biết mình thích chế meme để đi chọc cười mọi người nếu như tôi không theo dõi những kênh hài hước trên mạng.
Nhờ vậy mà khi đang giận dỗi, bực dọc chuyện gì đó, mặt mũi nhăn nhó hết cả, đột nhiên nhìn thấy một bông hoa hay một con mèo, thì cái máu chụp ảnh trong tôi lại bừng lên, khiến tôi quên tiệt luôn mình đang muốn dỗi thêm năm phút nữa cho hả dạ.
Giờ đây, khi những căng thẳng hay xung đột ập tới, chúng chẳng xi nhê gì vì tôi có những tình yêu khác đủ lớn để kéo sự chú ý trở lại. Tôi nuôi nấng những góc vui vẻ, say mê của mình mỗi ngày cho tới khi việc này trở thành một thói quen, một lẽ sống. Và những gì không thuộc về nơi đó sẽ tự khắc bị triệt tiêu một cách tự nhiên.
3. Không nói/nghĩ chuyện tiêu cực
Tôi cho rằng tâm trí là một sản phẩm rất tinh vi, mà cũng rất đơn giản tùy thuộc vào việc ta sử dụng nó như thế nào. Nếu muốn một đời sống vui vẻ hạnh phúc thì chúng ta không nên nuông chiều những điều tiêu cực ở bên trong hay bên ngoài mình. Vì ngôn ngữ tạo nên thực tại. Ai biết lựa chọn ngôn từ đúng đắn (ở trong đầu hay ngoài cửa miệng) thì có thể kiến tạo ra đời sống đúng đắn.
Khi có nhận thức về điều này, tôi đã tự ra một điều luật cho tâm trí là không được nói hay nghĩ tiêu cực đến câu thứ 3 dù tình huống đó căng thẳng đến cỡ nào đi chăng nữa. Ranh giới này được đặt ra thay cho lời nhắc nhở/báo động mỗi khi thái độ bên trong đảo cực. Khi thái độ của bản thân để thả rông, mặc sức chịu ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh thì hậu quả sẽ rất khó lường nếu môi trường đó là tiêu cực. Những thối tha có thể cộng hưởng lớn mạnh lên theo cấp số nhân và ăn tươi nuốt sống những ngọt lành khác đang yên ổn trong tâm hồn.
Nếu tiếp xúc nhiều với những điều tiêu cực, thái độ của ta sẽ bị ảnh hưởng bởi chúng; ta dần bắt chước chúng, trở thành đồng minh của chúng một cách vô thức. Và khi những tình huống cần những sáng tươi để cứu vớt lại cục diện xảy tới thì ta giật mình khi bản thân mình đang mang một cái túi trống trơn những điều giá trị và buộc phải nằm ngửa ra cho đời đập tan tành.
“Những lựa chọn của chúng ta, Harry, nói lên chúng ta thật sự là ai, nhiều hơn những khả năng của chúng ta.” – Albus Dumbledore
Bên cạnh việc ra lệnh cho tâm trí về hoạt động của nó (cho nó sự lựa chọn cụ thể), tôi cũng unfollow tất cả những kênh thông tin tiêu cực (đồng thời theo dõi những nguồn tin vui vẻ bổ ích, nâng cao tinh thần của mình.) Một lời tiêu cực cũng không được xuất hiện trước mặt tôi. Nếu không phải tâm sự, ai đó là bạn bè nói những câu chuyện thối nát, căng thẳng, tôi sẽ bảo rằng mình không muốn nghe. Nếu họ vẫn tiếp tục kể lể, tôi sẽ bye bye và đi chụp ảnh những bông hoa.
“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ.
Người khôn, người đến chỗ lao xao.”
– Nguyễn Bỉnh Khiêm
4. Thiền định
Những gì tôi nói ở 3 phần trên là cách duy trì hạnh phúc bằng việc thiết lập ngưỡng tối ưu lần lượt của cơ thể, xúc cảm và tâm trí. Nhưng tôi cho rằng việc thiền định sẽ giúp một người nắm chắc tay cương khi ba con ngựa cơ thể, tâm trí và xúc cảm ấy lồng lên chực vượt khỏi tầm kiểm soát.
Rất nhiều tác dụng tích cực của thiền đối với con người tôi sẽ không đề cập nhiều ở đây nữa, các bạn có thể tra cứu nó trên mạng rất dễ dàng. Nhưng với cá nhân, khi thiền, tôi nhận ra và củng cố được rằng hạnh phúc chân thực không phụ thuộc vào những điều kiện của thế giới bên ngoài; mà nó là bản thể, linh hồn mình – thứ không cần phải lồng lên để có thể chạm tới.
“Mọi thứ trong vũ trụ có ở trong bạn. Hãy tự hỏi mình tất cả.” – Rumi
📌 Ngồi thiền có lợi ích gì không dựa theo khoa học?
Ngoài thiền định, 3 “quy tắc” ban đầu tôi đặt ra cho bản thân ở trên chỉ là những phương pháp phụ giúp cộng hưởng và hiện thực hóa tối đa hạnh phúc nội tại ra thế giới hữu hình. Không có chúng, tôi vẫn vui, nhưng có chúng thì đời tôi càng rạng rỡ thêm nữa.
📌 Trong SUYNGAM.VN Club có tổ chức Challenge xây dựng thói quen thiền, đọc sách, tập thể dục và nofap hàng tháng (có thưởng cho những người đạt thành tích cao.) Ai muốn thì có thể gia nhập group để ghi danh (Viết rõ lý do muốn tham gia.)
Tác giả: Vũ Thanh Hòa