simon-migaj-yui5vfkhuzs-unsplash

17 câu hỏi thường gặp về Thiền

Bài viết này mình tổng hợp 17 thắc mắc thường gặp của mọi người về thiền. Bảo thiền là dễ cũng đúng mà khó cũng không sai. Dù sao đây vẫn là cuộc hành trình của mỗi người và ai cũng cần dũng cảm dấn thân thực hành để có thể thấu hiểu và làm chủ. Nếu còn câu hỏi nào khác, các bạn có thể để lại dưới phần bình luận, mình sẽ trả lời và cập nhật thêm vào bài viết.

1. Thiền để làm gì?

Đây là câu hỏi về mục đích của thiền mà chúng ta thường quan tâm. Đa số con người tìm đến thiền với mục đích lắng dịu tâm trí, kết nối với tâm hồn trực giác, trau dồi sinh lực, tăng sự sáng tạo, thực chứng các chân lý, v.v… Tuy nhiên, đối với những người đã thực hành thiền sâu sắc, đi vào bản chất của thiền thì nó là quá trình tẩy rửa đi những mục đích hình tướng và tìm ra mục đích tinh thần. Hay có thể nói, khi bỏ đi tất cả các mục đích khi thiền, ta tìm thấy mục đích của thiền.

2. Tôi nên bắt đầu thiền từ đâu?

Có một số người nghe nói về thiền nhưng vẫn chần chừ, trì hoãn việc thực hành vì không biết bắt đầu từ đâu. Suy nghĩ “tôi không biết bắt đầu từ đâu” cản trở họ làm những gì có thể. Những ai thật sự khao khát trải nghiệm và tìm lại bản chất tinh thần của chính mình thì sẽ tự biết tìm kiếm những phương pháp thiền và thực hành theo. Cá nhân mình thì đơn giản là ngồi hít thở và quan sát tâm trí mỗi ngày. Vì có vô vàn phương pháp nên chúng ta muốn bắt đầu từ đâu cũng được. Đi đến đâu hay đến đó, nếu sai thì chỉnh sửa và đi tiếp. Không quan trọng là bắt đầu từ đâu, quan trọng là có bắt đầu hay không.

3. Nên thiền vào thời điểm nào trong ngày?

Theo kinh nghiệm cá nhân, mình thường thiền vào buổi sáng khi vừa thức dậy. Đây là thời điểm cơ thể dồi dào sinh lực nhất vì đã được thư giãn và sạc lại năng lượng sau một đêm ngon giấc. Nếu thiền vào điều kiện này thì sẽ dễ dàng lắng dịu tâm trí và phát huy những phẩm chất tích cực bên trong. Còn khi thiền vào buổi tối trước khi đi ngủ thì sẽ khó phát huy công lực của thiền. Lúc đó, cơ thể ở trạng thái mỏi mệt, tâm trí cũng căng thẳng sau một ngày làm việc và tương tác với thế giới. Tốt nhất là ta nên đi ngủ.

4. Có nên nghe nhạc khi thiền không?

Một số người có thói quen nghe nhạc khi thiền vì nó tạo ra sự ổn định, dễ chịu, thư thái. Tuy nhiên, việc hưởng cảm giác dễ chịu không phải mục đích của thiền. Theo mình, nếu lấy âm thanh làm đối tượng quan sát thì thỉnh thoảng có thể nghe nhạc phục vụ thực hành. Còn nếu không thì ta nên ngồi thiền trong môi trường tĩnh lặng nhất có thể. Vì trong môi trường càng thanh khiết, sự tĩnh lặng bên trong càng dễ dàng được hiển lộ.

5. Thời gian thiền kéo dài bao lâu là thích hợp?

Tối thiểu là 15-30 phút, đều đặn mỗi ngày. Không phải là một tuần có 7 ngày thì ta chơi 6 ngày, còn 1 ngày thì ngồi thiền liên tục 3 tiếng đồng hồ rã hết thân thể. Khi đó, ta không có sự tích lũy gì ngoài những áp lực và mệt mỏi, thiền như vậy phản tác dụng.

6. Khi thiền những suy nghĩ xuất hiện rất nhiều thì nên khắc phục thế nào?

Suy nghĩ nổi lên là chuyện bình thường. Việc chống cự hay tìm cách đè nén, trốn tránh chúng mới là bất thường, trái tự nhiên. Phản ứng này cũng giống như ta không thích trời mưa và muốn thời tiết phải tạnh ráo nên thay vì mặc áo mưa đi làm cho khỏi ướt thì ta nằm lăn ra ăn vạ đòi nắng. Việc cần làm khi tâm trí gợn sóng là quan sát nó như người có nhà ở mặt đường quan sát tàu xe qua lại trên phố. Việc lắng dịu suy nghĩ luôn tỷ lệ thuận với cường độ quan sát/ý thức của bạn.

7. Khi thiền bị buồn ngủ thì nên khắc phục thế nào?

Hiện tượng buồn ngủ khi thiền gọi là hôn trầm. Nó có thể được khắc phục bằng việc mở mắt khi thiền. Bạn cũng nên lựa chọn một khung giờ nào trong ngày mà mình có nhiều sinh lực nhất để thực hành. Không nên thiền vào lúc mệt mỏi, ở nơi ánh sáng yếu, hay trong tư thế nằm. Ngoài ra trong đời sống hàng ngày, bạn nên tăng cường dương khí bằng cách thực hành nofap (không thủ dâm), luyện tập thể dục thể thao, tắm nắng, sống vui vẻ tích cực, v.v…

8. Khi thiền xuất hiện ảo ảnh, ảo giác thì nên làm gì?

Có một số người cho rằng thiền là phải có ảo giác, hình ảnh, phải mở con mắt thứ ba và cho rằng việc sở hữu và đi theo những hình ảnh đó khiến bản thân có quyền năng đặc biệt hơn người. Nhưng đây là tư tưởng tham lam, sai lầm và tai hại. Người thiền xuất hiện ảo giác và dễ bị cuốn theo các tưởng tượng thường là người có khả năng nối đất (grounding) kém, sống ít thực tế, ít gắn bó với hiện tại. Nếu bạn rơi vào tình huống này và muốn cân bằng lại thì khi thiền, hãy lấy những hình ảnh đó làm đối tượng quan sát. Chỉ quan sát mà không chạy theo hay chống cự; phản ứng tương tự như với những suy nghĩ. Ngoài ra, trong đời sống, bạn nên vận động cơ thể tay chân nhiều hơn, gần gũi thiên nhiên cây cối, luyện tập chánh niệm mọi lúc có thể.

9. Khi thiền tôi thấy rất nhàm chán và không muốn tiếp tục nữa thì phải làm sao?

Thiền đưa người ta về với hiện tại. Bình thường chúng ta quen tiếp xúc với những kích thích ồn ào nên khi thiền sẽ trải nghiệm cảm giác đối lập là nhàm chán. Nhưng nó cũng là một cảm giác, một phản ứng của tâm trí về hoàn cảnh. Ta không nhất thiết phải nhúng mình vào nó. Hãy tiếp tục quan sát và tập thích nghi với trạng thái “nhàm chán” đó. Rồi nó cũng sẽ qua.

10. Tại sao tôi thiền mãi mà không thấy tĩnh lặng?

Khi bạn có kỳ vọng về sự tĩnh lặng, bạn sẽ trải nghiệm sự bất an. Hãy nhận ra sự kỳ vọng đó và buông nó đi. .

11. Làm sao để kiểm soát được suy nghĩ khi thiền?

Thiền không phải để kiểm soát suy nghĩ mà là để nhận diện và ứng xử ôn hòa với suy nghĩ. Khi bạn biết nhận diện và ứng xử ôn hòa, bạn tự khắc hiểu ra cơ chế mà suy nghĩ được kiểm soát.

12. Tại sao tôi thiền một thời gian rồi mà không thấy thay đổi gì tích cực?

Một người thiền lâu ngày mà không thấy biến đổi tích cực có nhiều lý do. Hoặc là khoảng thời gian thiền mỗi ngày quá ngắn (dưới 15 phút), hoặc thiền không đều đặn – nay sáng mai chiều mốt nghỉ giải lao, hoặc sử dụng phương pháp không phù hợp với nhận thức hiện tại. Bất kỳ điều gì muốn hình thành và tích lũy hiệu ứng thì đều cần có phương pháp đúng đắn và sự kỷ luật duy trì. Ngoài ra, ta cũng cần ứng dụng chúng trực tiếp vào đời sống thường ngày (cải biến bản thân, đối nhân xử thế hài hòa, v.v…)

13. Thiền có giúp khai mở con mắt thứ ba không? Thiền có giúp thấy được tiền kiếp không?

Nếu xứng đáng với huệ nhãn, bạn không làm gì nó cũng khai mở chứ chưa nói là tập thiền. Tuy nhiên, việc khai mở huệ nhãn không phải mục đích của thiền, và chúng ta cũng không nên tiếp cận thiền với mục đích đó. Vì bất kỳ sự sở hữu hay đạt được nào đều đội lốt lòng tham, trong khi lòng tham là thứ cần được gạn lọc để một người có thể phát triển nhận thức. Nếu bạn xứng đáng, huệ nhãn sẽ đến với bạn, lúc đó bạn sẽ tự biết. Còn với thiền, hãy quên những thành tựu đi.

14. Thiền có giống chánh niệm không?

Kết quả cuối cùng của thiền và chánh niệm giống nhau nhưng hình thức thực hành thì khác nhau. Thiền diễn ra trong môi trường tĩnh lặng và một mình, chánh niệm diễn ra trong môi trường vận động và tương tác với thế giới. Nếu kiên trì thực hành, cả hai đều giúp con người lắng dịu tâm tưởng và kết nối sâu sắc với hiện tại.

15. Vừa lái xe vừa thiền có được không?

Như đã nói ở trên, thiền diễn ra trong sự tĩnh lặng và một mình. Còn nếu bạn lái xe và quan sát các sự vận động, đó gọi là chánh niệm, không phải thiền.

16. Thiền có giúp giác ngộ không?

Có. Mọi thứ đều giúp bạn giác ngộ, nếu bạn có định hướng đó. Tuy nhiên, bạn có giác ngộ được nhờ thiền hay không lại là một chuyện khác.

17. Thiền sai có bị tẩu hỏa nhập ma không?

Nói về phương pháp thì không có đúng sai, chỉ có phù hợp hay không phù hợp. Khi không phù hợp, bạn sẽ không thấy sự hứng thú hay tiến bộ trong quá trình thực hành. Nếu mọi thứ có thể giúp bạn giác ngộ thì cũng có thể khiến bạn tẩu hỏa. Thường thì những người tẩu hỏa là những người có nhiều sự tham lam và chống cự bên trong: tham giác ngộ và chống cự lại quá trình giác ngộ diễn ra không như hình dung của bản thân. Nên tóm lại, thiền không bao giờ khiến bạn gặp rắc rối, nhưng tham sân si thì chắc chắn có.

Tác giả: Hòa Taro
Ảnh minh họa: Simon Migaj/Unsplash

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top