Phát hành năm 1964, “Woman in the dunes” đã được giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo liên hoan phim Cannes, thêm vào đó bộ phim còn được đề cử giải đạo diễn xuất sắc nhất cho Hiroshi Teshigahara cũng như phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại lễ trao giải Oscar lần thứ 37.
Câu chuyện kể về một người đàn ông nghiên cứu côn trùng Niki Jumpei (Eiji Okada) và thường đi tìm bắt côn trùng để mang về làm tiêu bản. Ước mơ của đời anh cho nghề nghiệp của mình là có một ngày tìm ra một loài côn trùng mới chưa ai phát hiện để được đặt tên mình cho con côn trùng đấy. Một ngày khi anh đi đến một ngôi làng ở gần biển để tìm bắt côn trùng. Đó là một ngôi làng nằm trong dòng chảy của cát, những hạt cát dày 1/8mm luôn luôn chuyển động, hạt cát dường như bé nhỏ nhưng có sức mạnh to lớn khi tập hợp lại, nó khiến ngôi làng luôn phải chiến đấu với cát để sinh tồn. Vì lỡ chuyến xe bus cuối cùng để về thành phố anh được dân làng đưa đến một ngôi nhà nằm dưới hố cát nơi có một người đàn bà (Kyôko Kishida) đang sinh sống để nghỉ tạm theo người làng nói với anh vậy. Và rồi như nhân vật K không thể đến được lâu đài dù rất gần theo tầm mắt (nhân vật trong tiểu thuyết Lâu Đài của Franz Kafka), anh đã không thể thoát khỏi cái định mệnh đang đợi mình nơi hố cát đấy, cái định mệnh mà bức tượng cát luôn luôn chếch 30 độ nhốt anh lại cùng người đàn bà như nước trong một cái cốc loe miệng.
Bộ phim được làm dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nhật Kobo Abe. Kobo Abe thường được so sánh với Franz Kafka ở chủ nghĩa siêu thực của mình. Sự siêu thực, cũng như nghịch lý của chủ nghĩa hiện sinh mà ông ảnh hưởng khá nhiều từ Martin Heidegger hay Nietszche. Nếu có tác phẩm điện ảnh nào có thể so sánh với văn bản gốc mà nó tham chiếu để dựng thành phim thì Woman in the Dunes là một ví dụ điển hình. Những khung hình trắng đen đơn giản, những cảnh quay đặc tả khuôn mặt của nhân vật, đã cho ta một thứ nghiệm sinh chủ nghĩa bằng phim ảnh tuyệt vời về sự bế tắc của mỗi con người trong xã hội mà nhà tiểu thuyết tiên phong Kobo Abe đã thể hiện trong tác phẩm của mình.
Bị mắc kẹt trong ngôi nhà bị ngập ngụa bởi cát cùng người đàn bà, công việc hàng ngày diễn ra đơn điệu là phải xúc cát vào thùng từ tối đến gần sáng để chuyển cho những người làng ở trên đi thu thập cát đó, một phần vì phải xúc cát đi nếu không thì ngôi nhà sẽ bị nhấn chìm bởi cát và như hiệu ứng Domino, một ngôi nhà sụp đổ sẽ đồng nghĩa với việc kéo theo những ngôi nhà khác sụp đổ theo… như một phản ứng dây chuyền, hơn nữa cát đó mặc dù bị pha muối không tốt cho việc xây dựng nhưng vẫn có thể bán với giá rẻ và được thu mua nhiều. Một công việc không thể tẻ ngắt và mệt mỏi hơn. Một hợp tác xã được phân công lao động để có bữa ăn, nước uống hàng ngày. Vậy mà những người dân sống trong những ngôi nhà bị thế vẫn chấp nhận làm, và người làng để duy trì sự tồn tại đó sẵn sàng làm bất cứ điều gì thậm chí là bắt cóc để giúp mình làm việc. Khi người ta đã quá quen với một việc, cũng như đã trải qua nhiều buồn khổ trong cuộc đời người ta dường như chẳng còn ý chí gì để chiến đấu với khó khăn của cuộc sống và chấp nhận nó, buông xuôi mặc cho cuộc đời trôi. Người đàn bà trong đụn cát đó là vậy, chị làm việc cần mẫn, làm việc như một cái máy đã được hẹn giờ, không than trách, không phản kháng và khi có thêm anh, chị còn trở thành một người phụ nữ đảm đang lo cho anh ăn, ngủ, thậm chí là tắm cho anh.
Định mệnh, hay cuộc đời chính là thứ giết chết đi cái bản năng tìm tự do, bản năng mơ mộng để đi đến ước mơ của con người. Niki phản kháng, giả vờ chấp nhận hiện tại để tìm sự lơ đãng của dân làng hòng tìm cách trốn thoát. Anh không bao giờ cam chịu như mọi cơ thể còn lành mạnh, như mọi trái tim còn nhiệt huyết, anh phản kháng, phản kháng bằng cách tìm mọi cách để trốn thoát, thậm chí là bắt trói người đàn bà nhằm ra điều kiện được thả, nhưng nước lại là nhu cầu không thể thiếu của con người,a thiếu nước uống và chịu khuất phục. Rồi anh lại tìm cách khác, cách khác để trốn thoát, để thoát khỏi cái địa ngục toàn cát, cát trong nước, trong cơm, cát phủ một lớp mỏng lên cơ thể trần truồng của người đàn bà ánh lên những tia sáng như kim cương vào buổi sáng, cát bám đầy tóc đầy thân thể đang cuốn lấy nhau của hai người. Định mệnh là một con đường độc đạo mà nếu không can đảm, không dám bước chéo một góc lớn để tự tạo con đường khác thì khó lòng thoát khỏi. Nhưng như sự phi lý của con người, đôi khi ta không thể thoát được nơi ta căm ghét. Cái bức bách của một không gian hạn hẹp, cái lửa cứ hừng hực bên trong trái tim người đàn ông không chịu khuất phục, cái nóng rẫy của cát được hun bởi mặt trời làm thành một không gian phim vô cùng ngột ngạt và khó thở, có lẽ chỉ có dịu một chút cơn ngột ngạt khi họ làm tình, những lúc đấy mọi thứ tan biến, cát chỉ là hạt cát 1,8mm, ngôi làng chỉ là một ngôi làng chài với những người dân hiền hòa, biển xa xa vọng lại những tiếng buồn.
Họ làm tình, người đàn bà không có tên, như mọi thân phận phụ nữ Á Đông khác, câm lặng, cam chịu, và muốn giữ chặt người đàn ông để cho bản thân mình không bị cô đơn. Người đàn bà không muốn NIki trốn thoát, người làm theo lời Niki, người chăm sóc anh tận tuỵ. Hai thân phận nghiệt ngã, trong một hố cát mà nếu không có thang, không có cách gì thoát được nó. Roger Ebert, nhà phê bình phim nổi tiếng đã so sánh bộ phim ngoài là một phim hiện thực còn là một bộ phim ngụ ngôn. Đó là một người đàn ông và một người đàn bà tồn tại trên đời này luôn phải có đôi và cùng chia chung một nhiệm vụ, khi họ đã kết hợp, khi nhiệm vụ có hình hài thì họ dường như không thể thoát được cái định mệnh dường như vô thường của cuộc đời. Là một nhà khoa học, cũng như một người có bản năng sinh tồn mạnh mẽ, Niki biết vũ khí của dân làng để bắt buộc anh phải ở lại lao động là nước. Anh tìm cách làm ra nước nhờ cát. Và khi có thể làm ra nước nhờ cát, khi anh không còn phải phụ thuộc vào sự cung cấp của dân làng, khi anh có thể trốn đi, anh đã ở lại. Tại sao? Tại sao anh lại chọn nghịch lý để tiếp tục sống cuộc đời mình?
Cả tiểu thuyết lẫn phim đều đã truyền đạt rất tốt thông điệp đó. Một bộ phim cũ, trắng đen, buồn nhưng đừng vì thế mà bạn bỏ lỡ nó, vì bộ phim không chỉ đơn giản là một câu chuyện khác cả về không gian, thời gian và con người mà bộ phim chính là những bế tắc mà cuộc sống hay bản thân chúng ta tự đưa ta vào đấy mà không thể thoát được, hay nói cách khác, ta đang sống trong hỗn độn nghịch lý của đời mình.