Cách đây không lâu, mình biết đến cuốn Tự truyện của một Yogi thông qua anh Huy Nguyen, founder . Trong quãng thời gian mình đang đọc lại cuốn kinh thư trác tuyệt của Ấn Độ là Chí Tôn Ca, thì anh Huy cũng đọc cuốn tự truyện này một cách say sưa. Thỉnh thoảng bắt gặp một câu thoại hay một lời nói nào sâu sắc, anh ấy lại chia sẻ ngay với mình. Những lúc như vậy, mình cảm thấy bị cuốn hút tới cuốn tự truyện này. Có một trực giác bên trong mình rung lên rằng những câu trích dẫn kia chắc chắn phải được thốt ra từ miệng của những bậc giác ngộ vì nó mang một khí phách tinh tế lạ thường, không tìm thấy ở những kẻ phàm nhân. Chúng mang những cách diễn đạt và góc nhìn rất sáng tạo mà không hề thiếu thốn đi chút nào tính oai hùng và thâm sâu. Cảm giác ngưỡng mộ của mình, thứ từng xuất hiện khi mình đón đọc Chí Tôn Ca, đã được khơi dậy một lần nữa từ khi được nghe “ké” những mảnh ghép rời rạc từ cuốn tự truyện tuyệt vời này thông qua anh. Và sau này, việc tìm đến cuốn tự truyện và dành thời gian đọc nó mỗi tối đã mang đến cho mình những trải nghiệm xúc động và khai phóng mãnh liệt nhất từ trước đến giờ trong quãng đời tu tập tâm linh.
Nếu bạn không có khao khát vươn đến giác ngộ, Thượng Đế hay những điều huyền nhiệm, thậm chí tối thiểu là có một chút hướng mình về phía đó với ước mong từ bỏ được tư tưởng vô thần, duy vật thì cuốn sách này không dành cho bạn. Chắc chắn là không, vì tất cả những nội dung xoay quanh cuộc đời của bậc thầy yoga giác ngộ, Paramahansa Yogananda, từ thuở ấu thơ cho tới khi sứ mệnh tại Trái Đất của Ngài thành tựu, đều xen kẽ một cách tinh tế những dấu ấn về Thượng Đế thông qua những bài học và trải nghiệm sống của Ngài. Ngoài ra, tác giả cũng đề cập đến không ít những câu chuyện kỳ diệu của các thánh nhân khác. Xuyên suốt cuốn sách là liên tiếp những phép lạ mà thầy Yogananda đã trải nghiệm trực tiếp và được nghe kể lại từ các bậc thánh trong suốt cuộc đời mình.
Theo cả cách trực tiếp và gián tiếp, Paramahansa Yogananda đã nhắc lại 4 con đường chân chính đi đến giác ngộ mà kinh điển Ấn Giáo cổ xưa nhất đã đề cập. Chúng bao gồm:
- con đường sùng tín (the path of devotion – Bhakti Yoga)
- con đường minh triết (the path of knowledge – Jnana Yoga)
- con đường thiền định (the path of meditation – Raja Yoga)
- và con đường hành động (the path of action – Karma Yoga).
Cuộc đời của Ngài là minh chứng hùng hồn cho sự toàn thiện của một cá nhân ở cả 4 con đường.
Nếu như cuốn sách này tuyệt nhiên không dành cho người vô thần (hoặc cố bám giữ quan điểm vô thần), thì nó lại là một liều thuốc tiên cho những người đang hướng đôi mắt mình về phía Thượng Đế. Cá nhân mình chưa từng đọc một cuốn sách tâm linh nào có tác dụng cổ vũ và khai mở đức tin cho hành giả mãnh liệt đến vậy. Nó có chứa đựng một tinh thần say mê vô ngần dành cho sự thức tỉnh tâm linh. Trong quá trình đọc sách, mình đã nhiều lần dâng trào xúc động nghẹn ngào khi cảm nhận những rung động thuần khiết thương yêu và thanh cao của vị thầy cùng những bậc giác ngộ khác đã đi trước. Đến nỗi, trong một lần cảm xúc lên đến đỉnh điểm khi đọc đến khoảnh khắc Lahiri Mahasaya, thầy của thầy của Yogananda được điểm đạo, mình đã òa lên khóc nức nở không sao dừng lại được. Lúc đó, mình có cảm giác như chính mình đang được trải nghiệm sự choáng ngợp và thiêng liêng của khung cảnh ấy, chính mình cũng đang được điểm đạo.
Cuốn tự truyện này đã làm bật lên tài năng diễn đạt và thu phục lòng người của một bậc yogi cao quý. Ngài có khả năng làm chủ ngôn ngữ và diễn đạt nó dưới những góc độ độc đáo và đôi khi là rất dí dỏm hài hước. Có thể, chính việc để hình thức cuốn sách dưới dạng “tự truyện” và gần gũi hóa những thước phim tâm linh huyền diệu của một con người, mà tác giả Yogananda đã dễ dàng lay động được trái tim những kẻ đang trên đường cầu Đạo. Mình cho rằng mục tiêu của cuốn sách là kết nối tình anh em trên toàn cầu đã có một sự thành công nhất định. Khi đọc cuốn tự truyện sinh động này, chúng ta có thể gặp được hình ảnh của chính mình, có lúc như một người trẻ bồng bột nóng vội, có lúc thì nghi ngờ Thượng Đế, có lúc thì khát khao Người, và có lúc thì choáng váng tột độ khi bức màn ảo tưởng của tâm tư bị đập ra vụn vỡ vào một khoảnh khắc không ngờ. Rất nhiều khía cạnh của một đời người được biểu hiện và rất nhiều những cung bậc cảm xúc được giải phóng ở trong tác phẩm tâm linh này như muôn vàn đợt sóng của đại dương.
Kể về cuộc đời của chính mình nhưng đại sư Yogananda cũng đồng thời kể về cuộc đời của những bậc sư phụ tôn kính của Ngài như một cây phả hệ, để từ đó âm thầm khai mở trí tuệ cho những người nào rung lên cùng một nhịp thiêng liêng với các Thầy. Những bậc thầy luôn có những cách trao truyền chân lý một cách khéo léo và khiêm nhường như vậy. Với những kẻ nào mở lòng thì sẽ nhận ra cuốn sách này là một kho báu tâm linh to lớn.
Cái hay của cuốn sách vẫn chưa dừng lại ở việc nói về một dòng tu yoga thâm sâu với sự trao truyền phương pháp yoga mang tính khoa học (kriya yoga), thứ có thể dành cho đông đảo mọi người. Nó còn được nối tiếp và làm cho phong phú bởi những câu chuyện về những bậc chân tu khác như Mahatma Gandhi, Ramana Maharshi, Vivekananda,… và nhiều bậc thánh của Ấn Độ đã giác ngộ Thượng Đế thể hiện nhiều phép lạ của God, và hết lòng phụng sự nhân loại. Tác giả đã làm sống dậy tinh thần tâm linh vô song của Ấn Độ thông qua lớp lớp các thế hệ thánh nhân xuất hiện tại mảnh đất này.
Mình cảm thấy việc đọc và chia sẻ về cuốn sách này như là một định mệnh không thể tránh khỏi. Vì trước đó, mình đã có thể tiếp thu Chí Tôn Ca và Kinh Thánh với lòng sùng kính. Đây cũng là hai cuốn kinh thư được nhắc đến các nội dung nhiều nhất trong Tự truyện của một Yogi. Nếu không có một nền tảng cơ bản về tâm linh đến từ những văn bản tôn giáo cổ xưa quan trọng, thì việc hấp thụ những giáo huấn của những bậc thầy và việc theo đuổi mạch truyện của tác giả sẽ bị vướng vào nhiều điều trắc trở. Nhưng biết đâu được, sự trắc trở ấy lại là một cái cớ giúp bạn đọc tìm tới những văn bản tâm linh cổ kính kia. Các thực tại cùng một tần số sẽ luôn có những mối nối thâm diệu như vậy. Dần dà, bạn sẽ nhận ra rằng những cuốn sách vĩ đại nhất, những bậc thầy tôn kính nhất trong lịch sử loài người đều được xướng tên ở trong cùng một câu chuyện.
Lần đầu tiên trong đời khi đọc một cuốn sách, mình không chỉ bị cuốn hút bởi nội dung chính, mà còn thấy vô cùng ngưỡng mộ cả phần chú thích (bằng chữ cỡ nhỏ) ở dưới các trang. Nhiều khi, đọc được một chú thích chi tiết, mới lạ và uyên thâm cũng đủ khiến mình mãn nguyện và mở mang đầu óc như đọc được cả một cuốn sách quý. Có rất nhiều thông tin bên lề quan trọng được nhắc tới ở phần chú thích này. Nếu bạn bỏ qua và xem thường thì thật đáng tiếc biết nhường nào.
Nếu có một điểm trừ dành cho cuốn sách này thì nó thuộc về phần dịch thuật. Một trong những thuật ngữ quan trọng nhất và nền tảng nhất trong tâm linh tôn giáo, “Self-Realization” (Giác ngộ Chân Ngã), đã bị dịch sai thành “Tự giác ngộ”. Ngoài ra, còn một số điểm dịch khác dễ gây hiểu lầm về ngữ nghĩa. Còn lại, mình hoàn toàn hài lòng với cách sử dụng sự phong phú của Tiếng việt để diễn tả những câu chuyện của bậc giác ngộ. 9/10 là điểm mình dành cho cuốn tự truyện thâm diệu này. (Đứng đầu với điểm 10/10 vẫn là Chí Tôn Ca toàn bích.)
>>> 5 bài học tôi rút ra từ Chí Tôn Ca sau một năm thực hành tâm linh
Để kết thúc bài review, đồng thời tỏ lòng biết ơn những bậc thầy giác ngộ đại từ đại bi, vượt mọi thời gian không gian để cứu vớt nhân loại, mình xin trích dẫn một số đoạn văn mà bản thân thấy tâm đắc và học hỏi được nhiều nhất từ trong cuốn sách:
“Chân lý không phải là lý thuyết, không phải hệ thống triết lý tư biện, không phải sự thông tuệ. Chân lý là sự tương ứng chính xác với thực tại. Với con người, chân lý là tri thức vững như bàn thạch về thực tính của y, rằng Chân Ngã của y là linh hồn.” — Paramahansa Yogananda
“Nếu chúng ta có thể có những khám phá và phát minh mới trong thế giới hiện tượng, ta phải tuyên bố khánh kiệt trên bình diện tâm linh hay sao? Lẽ nào không thể nhân rộng những ngoại lệ mà biến chúng thành quy luật? Nếu mà như vậy, con người phải luôn là súc vật trước đã rồi mới là con người hay sao?” – Gandhi
“Khi bản ngã giao hòa cùng một quyền năng cao hơn, Thiên nhiên sẽ tự động vâng thuận ý chí của con người, không căng thẳng hay gượng gạo. Sự chế ngự Thiên nhiên dễ dàng như vậy bị kẻ duy vật thiếu hiểu biết gọi là ‘thần bí’.” – Sri Ananda Mohan Lahiri (Cháu của đại sư Lahiri Mahasaya, sư phụ của sư phụ của tác giả)
“Chỉ có kẻ dâng mình cho giác ngộ, mà không chỉ đọc các thần khải xưa, mới sáng suốt. Hãy giải mọi khúc mắc của con bằng thiền định. Đổi những suy xét vô ích lấy giao hòa thực sự với Thượng Đế.” — Lahiri Mahasaya
“Hễ ai nhận ra mình là con của Thượng Đế, như Babaji đã nhận ra, thì sẽ được toại nguyện bất kỳ ước nguyện nào bằng những khả năng vô hạn tiềm ẩn trong anh ta.” — Người đồng hành của Lahiri Mahasaya (dẫn Ngài đến trải nghiệm điểm đạo từ sư phụ Babaji)
“Vén bức màn maya là để lộ cái vi mật của sáng tạo. Do vậy, kẻ lột trần vũ trụ là nhà độc thần chân chính duy nhất. Hết thảy những kẻ khác đều đang lễ bái những tượng thờ ngoại đạo. Chừng nào con người còn bị lệ thuộc vào những huyễn hoặc nhị nguyên của Thiên nhiên thì Maya mang khuôn mặt của Janus vẫn còn là nữ thần của anh ta; anh ta sẽ không thể thấy Thượng Đế đích thực duy nhất.” — Paramahansa Yogananda
“Nghi thức bên ngoài không diệt được vô minh, vì chúng không đối nghịch nhau. Chỉ có tuệ giác mới diệt được vô minh. Tri kiến không thể được nảy ra bởi bất kỳ phương tiện nào khác ngoài truy vấn. ‘Ta là ai? Vũ trụ này đã ra đời làm sao? Ai là kẻ tạo ra nó? Cái gì là căn nguyên vật chất của nó?’ Đây là loại truy vấn được bàn đến.” — Adi Shankara (Một trong những nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Hinduism. Ông là một nhà triết học gia, thần học gia vào đầu thế kỉ thứ 8 tại Ấn Độ, người đã tổng hợp ra triết lý Advaita Vedanta. Ông được xem là người đã có công thống nhất và thiết lập củng cố những tư tưởng chính trong Hinduism.)
“Con người là một linh hồn, và có một xác thân. Khi con người nhớ lại đúng cảm thức về thể tính của mình, anh ta sẽ bỏ lại đằng sau mọi mô thức bó buộc. Chừng nào mà anh ta còn mơ hồ trong trạng thái chứng quên tâm linh thường tình của mình thì anh ta còn phải thấy những xiềng xích vi tế của định luật môi trường.” — Sri Yukteswar (Sư phụ của tác giả)
“Thượng Đế đáp lại tất cả và làm cho tất cả. Như Ngài đã gửi mưa xuống theo lời cầu xin của ta, Ngài cũng sẽ đáp lại bất kỳ nguyện ước chân thành nào của tín đồ. Con người hiếm khi nhận ra Thượng Đế thường lưu tâm đến lời cầu nguyện của anh ta biết chừng nào. Ngài không thiên vị một số ít người mà lắng nghe tất cả những ai đầy tin tưởng đến với Ngài. Con cái Ngài luôn phải có niềm tin tuyệt đối vào lòng từ bi của Cha Vô Biên.” — Sri Yukteswar
“Đời người cứ trĩu nặng phiền não cho đến khi anh ta biết cách hòa điệu với ‘Thiên Ý’, ‘đường lối đúng’ của Ngài thường khó hiểu đối với trí thông minh chấp ngã.” — Sri Yukteswar
“Làm sao những kẻ nô lệ giác quan lại có thể thưởng thức trần gian được? Họ đâu thể cảm nhận được những hương vị tinh thế của nó khi mà họ dầm mình trong bùn nguyên sơ. Mọi sự phân biệt đẹp đẽ đều chẳng còn ở người có tham dục bẩm sinh.” — Sri Yukteswar
“Người đời thiển cận mới đúng là những kẻ từ bỏ! Họ từ bỏ của cải thiêng liêng vô song để lấy một nhúm đồ chơi trần tục nghèo nàn.” — Bhaduri Mahasaya
“Thượng Đế thì dung dị. Mọi thứ còn lại đều rắc rối. Đừng đi tìm những giá trị tuyệt đối nơi thế giới tự nhiên tương đối.” — ‘Thánh Hương’
“Để đo giá trị của một người, thánh nhân sử dụng một tiêu chí bất biến, cái khác xa với những tiêu chuẩn hay thay đổi của đời. Nhân loại – quá đỗi đa dạng trong chính mắt nhìn của mình! – dưới cái nhìn của một bậc thầy được chia làm hai loại: Kẻ u mê không tìm kiếm Thượng Đế và người sáng suốt đi tìm Thượng Đế.” — Paramahansa Yogananda
“Nếu ta không mời Thượng Đế làm Khách mùa hè của ta, Ngài sẽ không đến vào mùa đông trong đời ta.” — Lahiri Mahasaya
>> Đọc thêm các trích dẫn khác từ cuốn sách
Tác giả: Vũ Thanh Hòa