Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn của trẻ thơ và những tâm hồn lãng du, đó là cách tôi gọi nhà văn từ khi đọc quyển sách đầu tiên “Thiên thần nhỏ của tôi”. Một cách viết có hơi thở và những điều hoài cổ, có những chi tiết khiến tâm hồn người đọc như phiêu du vào thế giới tưởng tượng của riêng mình. “Thiên thần nhỏ của tôi” là một câu truyện viết về trẻ con nhưng bản chất lại mang những giá trị của người trưởng thành. Nếu bạn cần một quyển truyện ngắn giúp bản thân đơn thuần một chút, bình yên một chút, một câu truyện nhẹ nhàng nhưng gây ám ảnh và day dứt khôn nguôi thì quyển sách “Thiên thần nhỏ của tôi” là một lựa chọn vô cùng thích hợp.
- Review sách Thằng quỷ nhỏ – Nguyễn Nhật Ánh
- Review sách Bắt trẻ đồng xanh – J.D.Salinger
- Review tiểu thuyết cho tôi xin một vé đi tuổi thơ
Giới thiệu về nhà văn Nguyễn Nhật Ánh:
Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn người Việt Nam, sinh năm 1955 tại làng Đo Đo, xã Bình Quế huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ông được biết đến qua nhiều tác phẩm văn học về đề tài tuổi mới lớn, các tác phẩm của ông rất được độc giả ưa chuộng và nhiều tác phẩm đã được chuyển thể thành phim: Kính vạn hoa, Cô gái đến từ hôm qua, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc,… Những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh luôn nhẹ nhàng nhưng đủ sức ám ảnh người đọc, lý do đó khiến các tác phẩm của ông thành công vang dội, trở thành kí ức tuổi thơ của nhiều bạn đọc. Năm 1998, ông được Nhà xuất bản Kim Đồng trao giải Nhà văn có sách bán chạy nhất.
Nội dung quyển truyện ngắn Thiên thần nhỏ của tôi:
Truyện bắt đầu với sự chuyển đổi nhà ở của gia đình Kha, và cũng như mọi lần khác, gia đình lại chuyển vào một căn nhà hoàn toàn xa lạ. Tại đây, câu truyện về một Thiên Thần Nhỏ Của Tôi bắt đầu khi Kha gặp Hồng Hoa. Một cô bé nghèo trong xóm, người hay lén lút chui vào khu vườn địa đàng của Kha sau nhà. Nói chính xác thì đó là một khu vườn đầy chất thơ theo ngòi bút miêu tả của Nguyễn Nhật Ánh. Có những câu chữ nhẹ nhàng miêu tả khu vườn sau nhà của Kha, thánh địa của cậu và Hồng Hoa: Cũng có khi tôi ngồi đọc sách trên thành giếng mặc dù khi ngồi trên những tảng đá ẩm ướt rêu đó, tôi nhìn vào trang sách thì ít mà ngắm những bông khế dập dềnh trong lòng giếng thì nhiều. Mặt nước trong vắt được trang điểm bởi màu vàng của lá và màu trắng của bông khế với đường viền xanh rêu chung quanh đối với tôi cũng là một trang sách kỳ diệu không kém và tôi đọc chúng không chán mắt. Rồi từ hai con người xa lạ, hai đứa trẻ ở hai tầng lớp và giai cấp khác nhau sát lại gần nhau, chơi chung và tâm hồn có những nét tương đồng. Kì lạ là Hồng Hoa còn sành sỏi và tường tận từng ngóc ngách trong “vườn địa đàng”, nơi có nhiều trái cây và cây cỏ hơn cả chủ nhà là Kha. Vào một hôm lẻn vào khu vườn, Hồng Hoa bị chó Becgie mà ba Kha mới mang về cắn nát bả vai phải vào viện. Sau đó, Kha mới biết một sự thật đau lòng về Hồng Hoa, về gia đình của cô bé, về một xã hội có chút bất công mà điều đó làm cậu thấy thương Hồng Hoa, thấy xót và có chút lửng thửng, tâm trạng mơ hồ: Ngày hôm đó, lần đầu tiên tôi không nghĩ đến chuyện về nhà…
Một câu truyện viết về hai đứa trẻ nhưng sau đó là một sự thật đau lòng qua lăng kính trẻ thơ
Khu vườn phía sau nhà của Kha là khu vườn của gia đình Hồng Hoa trước đó, nơi cô bé từng lớn lên, từng gắn bó và yêu quý cái vườn địa đàng ấy biết nhường nào. Ấy vậy mà, với việc khai thác vấn đề bất công giữa các tầng lớp, sự phân biệt đối xử giữa người với người, Nguyễn Nhật Ánh khiến người đọc xót cho thân phận của cô bé Hồng Hoa. Nơi từng là của riêng em bây giờ là của người khác, từng là của gia đình em, em lại bị chính chú chó Becgie cắn cho một vết thương trên vai, đó còn là một nỗi đau trong tâm hồn của trẻ thơ: Không biết giờ này em đã tỉnh dậy chưa, và khi nhìn thấy những vì sao lung linh bên cửa sổ, em có bâng khuâng nghĩ đến khu vườn đang giãy chết ngoài kia. Và em có bao giờ biết, đối với tôi, em luôn luôn hồn hậu và đáng yêu như một thiên thần, dẫu là một thiên thần vừa gãy cánh chính trong vườn địa đàng của tuổi thơ em. Gia đình Kha và Hồng Hoa là hai điều trái ngược nhau. Một gia đình giàu có của Kha và gia đình đáng thương bị đánh tư sản nhầm, tịch thu toàn bộ tài sản mà sau đó dù cho bà của cô bé có gửi đơn xin xem xet cũng không thành công của gia đình Hồng Hoa. Câu truyện chủ yếu viết về cuộc gặp mặt của hai đứa trẻ nên vấn đề phân biệt giai cấp và sự bất công không nhắc đến quá nhiều. Với từng câu chữ cuối đoạn văn mà Nguyễn Nhật Ánh viết khiến người đọc đau lòng cho số phận bạc bẽo của Hồng Hoa, xót cho cô gái nhỏ đơn thuần đột nhiên mất đi nhà, mất thứ găn bó từ những ngày đầu trong đời phải lén lút vào khu vườn, để rồi “là một thiên thần vừa gãy cánh chính trong vườn địa đàng của tuổi thơ em”.
Lời kết
Tóm lại, Thiên Thần Nhỏ Của Tôi sẽ cho chúng ta những cảm xúc có chút hụt hẫng, có chút buồn buồn thay cho số phận của đứa trẻ Hồng Hoa qua góc nhìn và cảm nhận của cậu bé Kha. Và chính cậu dù là con nhà khá giả cũng có những tâm sự của riêng mình, có sơ thích khác anh trai mình, phải chăng còn là sự khác biệt trong tâm hồn. Giai cấp nào cũng có những nỗi đau riêng của mình, Nguyễn Nhật Ánh đã nhẹ nhàng đi vào lòng người đọc và để lại một kết thúc mơ hồ nhưng khiến người đọc phải ngẫm, phải ghiền và tự mình vẽ ra một cái kết khác cho nhân vật. Một tác phẩm dù ra mắt đã lâu nhưng có phần bị quên lãng, nay mình hi vọng các bạn sẽ đón đọc và trân trọng lại những giá trị của nó.
Review chi tiết bởi Thể Hồng