Vì sợ hãi, Truman Burbank đã không dám rời khỏi thị trấn Seaside thường được gọi là Seaheaven. Sinh ra, lớn lên, có bạn thân, có người yêu, có một cuộc sống bình thường, Truman lúc nào cũng muốn đi khám phá thế giới nhưng luôn phải dừng chân vì sợ hãi. Cho đến một ngày hình ảnh Fiji được cấy vào đầu anh như một ý niệm về sự giải thoát, anh muốn đến đấy. Ước muốn đến hòn đảo không có người ở bên kia bán cầu, muốn thay đổi cuộc sống của mình, đã khiến anh có những hành động vô thức bất thường, và cũng chính vì thế anh đã khám phá ra bí mật lớn nhất cuộc đời mình, một cuộc đời bi hài kịch. Một cuộc đời, mà xét ở ám thị tôn giáo, đã được sắp đặt trước bởi Chúa. Nhưng thực sự có Chúa? Hay định mệnh, xét cho cùng cũng là do bàn tay ta nắm giữ và ý trí ta quyết định?
Tôi đang muốn nhắc đến bộ phim The Truman Show của đạo diễn Peter Weir với sự tham gia diễn xuất của danh hài Jim Carrey. Bi kịch của anh bắt đầu ngay từ trong bụng mẹ. Một bi kịch của xã hội hậu hiện đại, nơi truyền thông với quyền lực vô tận được cung cấp bởi chính sự tò mò của khán giả xem tivi. Nhà sản xuất Christof đã nghĩ ra một kịch bản cho một chương trình truyền hình thực tế đầy tham vọng, khi ông xây dựng riêng một thị trấn, trong đó tất cả những người dân trong đó là những diễn viên, họ sẽ cùng nhau nuôi lớn đứa trẻ được chọn lựa, đứa trẻ duy nhất là thật trong thế giới được xây dựng dưới bàn tay “Chúa Trời” của Christof. Trong thế giới đó, chỉ có Truman (một cách chơi chữ từ True Man) là thật, còn lại tất cả chỉ là những diễn viên đóng vai trò của mình trong một xã hội an toàn nhưng giả dối.
Có bao giờ bạn thử để ý xem có điều gì đó rất nhỏ nhặt nhưng khác biệt đã xảy ra trong cuộc sống đơn điệu của mình không? Đa phần chúng ta đều có một cuộc sống với những thói quen, những hành động trở thành phản xạ, những con đường quen thuộc ta đi về hàng ngày từ nơi học tập về nhà, từ công sở đến quán nơi tụ tập bạn bè… Có bao giờ bạn để ý một ngôi nhà đã thay màu sơn mới, một cái cây đã bị mất đi nhiều cành lá? Đấy là những chi tiết nhỏ nhặt của cuộc sống, nhưng ý nghĩa của nó là về một cuộc sống luôn vận động, bản thân ta cũng vận động, dù thói quen như nào đi nữa, cũng có những sai khác. Chính vì một ngày Truman nhìn thấy những thứ lặp đi lặp lại, những phản ứng được lập trình của những người sống xung quanh mình, anh đã phát hiện ra, ở tuổi 22, 22 năm tồn tại, anh mới biết mình là một sản phẩm truyền hình, nơi mà khán giả háo hức theo dõi anh hàng ngày 24/7.
Christof có nói, điều khiến cho chương trình truyền hình về con người, cuộc sống có phần đơn điệu của người đó được theo dõi và chiêm ngưỡng từ hàng triệu người trên thế giới, vì anh là thật, chân thật, trong sáng, và có niềm tin vào cuộc sống. Hình ảnh Truman rất giống với hình ảnh của George Bailey trong It’s A Wonderful Life (Frank Capra, 1946), một người có trái tim rộng mở, có niềm tin, có ước muốn được khám phá thế giới nhưng cuộc sống níu anh lại, bắt anh phải sống trọn đời mình nơi thị trấn quê nhà. Truman cũng vậy, định mệnh của anh được sắp đặt, anh không thể đến với người anh yêu thực sự, anh không thể rời khỏi thị trấn nhân tạo, một trong hai kì quan có thể nhìn thấy từ bên ngoài trái đất (một lời thoại trong phim đã giới thiệu vậy).
Vẫn là Christof một kẻ lõi đời, thông minh và tham vọng, ông ta có nói rằng, bên ngoài thế giới của ông, thế giới thật cũng đầy những lừa dối, đầy những điều đen tối, còn thế giới mà ông tạo ra mặc dù lừa dối nhưng hoàn toàn an toàn cho Truman. Quả thực như vậy. Nhưng liệu có ai chấp nhận bị điều khiển, chấp nhận phó mặc bản thân mình cho số phận, sợ hãi cuộc sống để chui vào một vỏ bọc an toàn nhưng vô vị. Truman luôn muốn khám phá thế giới bên ngoài, muốn được yêu người mình yêu. Ai mà chẳng vậy, hay tôi nhầm? Chúng ta sẽ chấp nhận số mệnh sắp đặt như cách George Bailey đã phải chấp nhận để ở lại quê nhà giúp đỡ thị trấn của mình, phải chăng đó là vai trò của anh mà anh không thể trút bỏ? phải chăng mỗi chúng ta đều đang có vai trò của mình, vô hình hay hữu ý, ta đang bị định đoạt? Bậc thang dẫn ra ngoài thế giới thực mà Truman bước lên, để quyết định số phận của anh, mang nhiều ý nghĩa ẩn dụ cho mỗi bản thân chúng ta.
Truman đã chiến đấu để sống và được là chính mình. Đã phá bỏ nỗi sợ hãi nước từ khi còn nhỏ, đã tìm cách thoát được sự bế tắc cho cuộc đời bi kịch của mình. Cuộc đời anh là một sân khấu lớn, nhưng cũng như chúng ta, sân khấu thuộc về chúng ta, chứ không phải chúng ta thuộc về sân khấu, chúng ta được và phải được mặc sức làm điều chúng ta muốn cho cuộc sống của chính mình, bỏ qua hết mọi sự áp đặt và áp chế.
Tôi nghĩ, Truman là một tác phẩm hay vì nó có những ám thị thú vị về tôn giáo, mà bản thân người xem có thể tự chiêm nghiệm. Nó không đơn thuần là lời dự đoán trước tương lai của truyền hình, khi mà truyền hình thực tế đang ngày càng phát triển, những nhà sản xuất vì lợi nhuận đã làm đủ mọi chiêu trò để lôi kéo khán giả, hay những pha quảng cáo lộ liễu trên truyền hình mà Christof cài cắm trong show truyền hình của mình. Nó là ý chí tiên quyết của con người, muốn được tự định đoạt số phận của mình.
Bộ phim là một bước tiến lớn trong sự nghiệp của Jim Carrey, anh đã thoát khỏi hình ảnh một diễn viên hài, với khuôn mặt cao su, chuyên diễn những vai diễn hời hợt và thuần tuý giải trí trong những bộ phim trước đó. Jim đã chứng tỏ anh có khả năng hoá thân đa dạng vào các nhân vật khác nhau, để rồi sau này, anh được nhận những vai diễn giàu cảm xúc, đầy ý nghĩa trong các bộ phim như Eternal Sunshine of the Spotless Mind, hay Man on the Moon.
Peter Weir là đạo diễn đa tài có cái nhìn nhân hậu vào đời sống, một cách nhìn đầy chất thơ, một thế giới trong trẻo và đẹp đẽ, với những nhân vật biết vượt lên số phận, biết đi qua luân lý đơn điều của đời sống để trở thành những điển hình của một xã hội mong cầu những cá nhân có được tự do suy nghĩ, và tự do cho định mệnh của mình, những tác phẩm như Dead Poets Society, Fearless, The Way Back. The Truman Show cũng vậy, cùng với biên kịch Andrew Niccol, Peter Weir đã mang lại một tác phẩm sinh động, một câu chuyện đầy tính ám thị cho xã hội hậu hiện đại, và ẩn dụ cho thuyết định mệnh mà mỗi con người phải đối diện trong cuộc đời. Và từ đó, ta xem phim, ngoài việc tận hưởng sự giải trí, là sự chiêm nghiệm, chiêm nghiệm về sự thay đổi của cuộc sống, mà liệu ta đã thực sự để tâm quan sát để nhận chân ra được cuộc sống ta là thực hay chỉ là một chuỗi sự lắp ghép sẵn vô vị và hời hợt.