Có lẽ không có studio hoạt hình nào có thể làm ra được nhiều phim hay như Ghibli. Mỗi bộ phim được làm ra với phong cách cổ điển, mỗi khung hình được vẽ tay chi tiết và cẩn thận, câu chuyện luôn mang đậm triết lý nhân sinh quan về cuộc sống, tình yêu, đam mê và cái chết. Mỗi năm, chỉ cần Studio Ghibli ra một phim thôi, cũng đủ cho ta cảm thấy yên tâm về cái đẹp vĩnh cửu sẽ luôn luôn tồn tại. The tale of Princess Kaguya của đạo diễn Isao Takahata đã làm được như vậy tiếp sau bộ phim theo phong cách siêu thực cổ điển của bậc thầy Hayao Miyazaki The Wind Rises ra mắt vào năm 2013.
Dựa theo truyện cổ dân gian của Nhật được ghi lại vào thế kỉ thứ 10 “Câu chuyện về người cắt tre”, đạo diễn Isao Takahata bằng sức mạnh của ngôn ngữ hình ảnh, sử dụng màu nước trong từng khung hình vẽ tay của mình, đã thể hiện lại câu chuyện dưới cái nhìn của chủ nghĩa ấn tượng mang lại cho câu chuyện cổ tích một sức sống mới, một vẻ đẹp mới, và những triết lý về nhân sinh quan chưa bao giờ cũ.
Một người nông dân, công việc hàng ngày của ông là chặt các cây tre, mang về nhà cùng với vợ biến chúng thành các dụng cụ lao động để đi bán. Một ngày, một đốt tre phát sáng và nở bung ra, bên trong có một cô gái nhỏ xíu. Ông cho rằng đó là tạo vật trời ban nên mang về nuôi. Họ không có con, nên việc có một đứa trẻ trong nhà, với ơn của thần linh đã khiến họ thực sự hạnh phúc, đứa trẻ đã chứng tỏ mình không phải người thường, cô gái lớn rất nhanh, chẳng mấy chốc mà bằng những đứa trẻ khác trong làng. Sự phát triển nhanh, cùng với không khí trong lành, không gian rộng lớn để bay nhảy với những người bạn đồng trang lứa đã giúp cô có một tuổi thơ dù thiếu thốn vật chất nhưng vô cùng đầy đủ về mặt tinh thần. Nhưng cuộc đời, khi đã làm kiếp người, thì lẽ khổ đau là bình thường, là tất yếu. Với suy nghĩ mong muốn mang đến cho con gái mình đời sống tiện nghi nhất, xứng đáng nhất với hai từ công chúa mà ông hay gọi con mình. Người đàn ông cắt tre sau khi nhặt được một số vàng rất lớn cũng trong thân những cây tre, đã quyết định chuyển nhà lên kinh đô để những mong mang đến cho con gái một cuộc sống vương giả, biến cô thành công chúa đích thực. Từ đó, những biến cố xảy ra, một nàng công chúa, hay một cô gái nông thôn tự do là điều Kaguya muốn?
Kết cấu chặt chẽ, các tuyến nhân vật được phát triển đầy đủ và thể hiện được những đặc trưng cho từng đối tượng người, điều mà rất cần thiết cho một câu chuyện mang màu sắc thần thoại. Bản thân một câu chuyện cổ tích, những nhân vật thường được điển hình hoá, thậm chí ngay cả những tính chất vô hình như tự do, gò bó, thành thị, nông thôn cũng cần được toát ra với một năng lượng đủ lớn để tạo nên những ấn tượng không thể phai trong lòng người xem. Isao Takahata quả không hổ danh là quái kiệt trong làng làm phim hoạt hình Nhật Bản cũng như thế giới. Với bút lực sắc sảo, tinh tế nhưng đầy sức lay động, cộng với tầm nhìn của một đạo diễn ở khả năng bao quát bối cảnh và cách sắp xếp tuyến truyện sao cho một câu chuyện cổ đích đơn thuần được miêu tả lại với sự sâu sắc và ấn tượng vô cùng, bộ phim gần chạm đến sự tinh tế hoàn hảo.
Sự mềm mại của màu sắc và cách vẽ, với sự nhèo đi của màu nước trong các cảnh động thể hiện sự rung cảm của nỗi buồn, sự khổ, của bể khổ trong một tâm thế trân trọng vẻ đẹp của cuộc sống. Chẳng thế mà, câu chuyện của công chúa Kaguya, dù cho kiếp đời của cô, đôi khi phải nghe lời cha mẹ mà phải làm trái ý mình, bị kìm kẹp trong bản tính thích tự do và yêu mến thiên nhiên, phải xa bạn bè, xa tất cả những kí ức đẹp đẽ của tuổi thơ, cô vẫn không muốn thoát khỏi nó. Vì cuộc sống, vốn chỉ đẹp khi ta hiểu được thế nào là khổ. Đời vốn là bể khổ, cuộc đời là sự trầm luân không dứt của hết nỗi buồn này đến nỗi buồn khác, nó chỉ được đan xen, điểm xuyết bằng những hạnh phúc hữu hạn.
Lấy triết lý bể khổ của nhà Phật để phát triển câu chuyện, và thể hiện thái độ, nhân sinh quan đối với cuộc sống của con người. Câu chuyện cổ tích của Nhật, với sự sắc sảo trong việc tái hiện lại bằng ngôn ngữ điện ảnh đã có sức truyền tải và lay động vô cùng mãnh liệt. Là một người con của Mặt Trăng, Kaguya nhớ đã từng có người đến trái đất giống cô, sau đó trở về Mặt Trăng, mặc dù kí ức bị mất hết, nhưng người đó vô thức vẫn hát một bài đồng giao của trẻ con Trái Đất và khuôn mặt đôi khi đượm buồn mà không biết tại sao. Câu chuyện cũng không kể tại sao người con gái đến trái đất trước Kaguya lại lưu luyến trái đất đến vậy. Nhưng tự thân cuộc đời của Kaguya đã cho ta hiểu tại sao, cho cô công chúa bé bỏng, tội nghiệp hiểu tại sao, dù làm người có nhiều nỗi khổ tâm như vậy nhưng cô vẫn không muốn thoát khỏi nó, trở về nơi yên lành của mình, trở lại Mặt Trăng.
Triết lý là một từ hoa mỹ, đôi khi nó khiến ta thấy ác cảm vì cách nó truyền tải những thông điệp khiến ta cảm giác nặng giáo điều và hình thức, nhưng khi triết lý được khoác bên ngoài một vỏ bọc của tự nhiên, sự thánh thiện, cuộc đời, bản chất con người và cách chúng ta nâng niu cuộc sống thì nó lại có những ánh sắc quang vô cùng đẹp và cảm động. Chính sự đơn giản đến kì lạ của câu chuyện, và những nét vẽ sinh động, và đầy màu sắc mà Isao ảnh hưởng từ chủ nghĩa ấn tượng của Phương Tây đã khiến câu chuyện dung dị và ám ảnh vô cùng. Những cảnh phim giống như những bức vẽ thiên nhiên của Monet khiến đôi mắt ta luôn dịu lại để chiêm ngưỡng và thưởng thức. Không có sự tĩnh lặng nào trong một bức tranh phong cảnh, vì ở trong đó ta nghe được tiếng thiên nhiên, nghe được sự sống, Isao đã làm được điều đó, đã khiến thế giới nghiêng ngả vì vẻ đẹp tuyệt vời của chính cuộc sống.
Không bi kịch như bộ phim hoạt hình kinh điển mà Isao Takahata làm ra cách đây 26 năm Grave of the Fireflies (Mộ đom đóm), nhưng bộ phim toát lên một vẻ đẹp tuyệt tác của nỗi buồn. Trong nỗi buồn đó, mỗi người tìm thấy nét đẹp kì diệu của sự tồn tại, của kiếp làm người. Công chúa Kaguya đã không muốn quay đầu mặc dù trong lúc tuyệt vọng nhất cô đã lỡ thốt lên mong ước được cứu thoát khỏi bể khổ, vì ở cái bến bờ của nơi “Sắc tức thị không không tức thị sắc”, nơi không có khổ, không có sướng, chỉ có sự bất diệt của thần Phật, Kaguya không thể hiểu thế nào là sống, không có u hoài và sầu muộn, không có hạnh phúc vô bờ của tình yêu, tình thương của mẹ cha, nam nữ. Trong cuộc đời mỗi con người chúng ta, lúc nào cũng có trăm vạn nỗi buồn, nhưng tôi tin, chỉ cần ta góp nhặt những khoảng khắc hạnh phúc ít ỏi nhưng vô cùng quý giá, ta sẽ trân trọng cuộc sống biết bao, trân trọng cả những nỗi buồn luôn luôn lai vãng quanh ta.