(1652 chữ, 6.5 phút đọc)
The Grand Budapest Hotel là bộ phim tôi xem đi xem lại nhiều nhất trong tất cả các phim đã từng được thưởng thức từ trước đến nay. Trong vòng một tuần tôi xem nó đến hơn chục lần, và mỗi lần đều tua đi tua lại các tình huống đặc biệt buồn cười và tự nhủ rằng tại sao người ta có thể làm ra những thứ mang tính giải trí tinh tế đến thế. Sự hài hước của bộ phim cũng khoác lên mình vẻ quý phái và diễm lệ tương tự như chính khách sạn trứ danh Grand Budapest vậy.
Bộ phim không gây cười bằng việc sử dụng những kích thích gượng ép thông qua điệu bộ tiếu lâm của những anh hề, hay bằng những câu đùa nhợt nhạt của hội ba xàm ba láp. Nó làm người ta phải té ghế bởi nó kể câu chuyện theo cách người xem không ngờ đến nhất. The Grand Budapest Hotel đưa sự nghiêm túc, đứng đắn, thanh lịch, điềm đạm, thư thái lên một cường độ bão hòa, để bất kỳ dấu vết nào nằm ngoài ra khỏi tính chất ấy sẽ đều dễ dàng được phát hiện và nổ ra thành những tia sáng khoan khoái trong tâm trí khán giả.
Có lẽ đây là bộ phim thú vị nhất mà tôi từng được xem và phải ngả nón thán phục vì độ thông minh và thanh lịch của nó. Những diễn biến chính (xương cốt) của câu chuyện được kể rất súc tích và sáng tạo, hoặc theo cách lộn ngược – kết quả trước, giải thích sau; hoặc là vứt phăng đi phần giải thích để nó tự đến trong suy luận của người xem, hoặc là cắt đan chồng lớp các câu chuyện. Ngoài ra, những biểu đạt cụ thể ở các tình huống (da thịt) thì lại cực “xàm” hoặc cực phô trương. Chất xàm trong phim không phải là thứ sinh ra cho có, được đặt bừa bãi lôi thôi ở đâu đó cũng được, miễn sao The Grand Budapest Hotel trở thành một tác phẩm hài. Không, sự xàm chỉ được trào ra sau khi ở đó đã tích lũy đủ những nghiêm túc, trịch thượng, cầu kỳ.
Về cơ bản, câu chuyện trong The Grand Budapest Hotel rất đơn giản, chỉ là Gustave H – một người quản lý khách sạn, cùng hợp sức với cấp dưới của mình – Zero Moustafa, để chứng minh mình vô tội sau khi anh bị quy kết vào tội giết người. Nhưng chính cách kể chuyện diêm dúa nhiều tầng lớp mà bộ phim trở nên thú vị, sinh động và kích thích tư duy hơn mức bình thường. Nó có một phong cách, sắc thái hoàn toàn khác biệt khiến người ta phải chú ý, phải khắc ghi trong tâm tưởng và phải bảo với những ai chưa từng xem là “Khó mà tìm ra được một bộ phim nào hài hước hơn.”
Gustave: Nhân tiện, bà ấy làm tình cực đã.
Zero Moustafa: Bà ấy 84 tuổi rồi, thưa quản lý Gustave.
Gustave: Ta từng ngủ với người già hơn cơ.
The Grand Budapest Hotel là sự giao thoa giữa cổ điển và hiện đại, giữa hài kịch và bi kịch, giữa quá khứ và hiện tại. Ở đây, chất nghệ thuật được phủ khắp cả trong nội dung và hình thức, khiến độ cộng hưởng về vẻ đẹp đạt tới ngưỡng đáng nể. Nếu để ý kỹ, người xem có thể nhận ra tất cả các góc quay đều vuông góc 90 độ. Cấu trúc phim và bố cục của các cảnh quay đều là dạng đối xứng. Thậm chí, các nhân vật trong phim cũng dịch chuyển và tương tác đối xứng với nhau. Sự chặt chẽ và chính xác mức độ cao được thể hiện rõ rệt trong kết cấu. Dường như không có một bước đi nào của diễn viên là ra khỏi trật tự. Thậm chí đến một cái rướn lông mày cũng không hề thừa thãi. Và tôi đã có thêm một thú vui đáng kể khi xem The Grand Budapest Hotel đó là phát hiện ra các dấu hiệu đối xứng trong phim. Kết quả cho mỗi lần quan sát thành công là dopamine trong não tiết ra để biến đổi thành một tiếng cười khoan khoái.
Về nội dung, bộ phim truyền đạt thông điệp mãnh liệt nhất về sự trung thành – được thể hiện song song với sự phản bội, trong các mối quan hệ gia đình, đồng nghiệp, người yêu, vợ chồng, và thậm chí cả bạn bè (cùng một trại giam). Sự trung thành ấy là một sắc thái kiên cố và sâu sắc bậc nhất của tình yêu – nó giúp những kẻ trong câu chuyện sát cánh bên nhau đi qua những cơn họa nạn. Người ta sẽ dành một cảm tình lớn lao cho các nhân vật chính diện bởi sự tận tâm mà họ có, và cũng yêu luôn các nhân vật phản diện bất chấp họ xảo quyệt và tàn độc đến mức nào. Vì bầu không khí hài hước của bộ phim làm cho người ta dễ dàng khoan dung trước tất cả mọi thứ.
Khi xem phim này tôi có nhớ tới cuốn sách Ba gã cùng thuyền chưa kể con chó của nhà văn Jerome K. Jerome với lối kể chuyện tỉnh queo và châm chích. The Grand Budapest Hotel cũng sử dụng không ít những lời thoại hay hành động thể hiện sự mỉa mai với những yếu điểm của con người như sự hám lợi, khiên cưỡng, và hào nhoáng thái quá.
Mặc dù đây là một bộ phim hài nhưng không có nghĩa là nó thiếu đi những khoảng lặng, những phút trầm tư suy ngẫm dành cho người xem. Những ý niệm tình cảm sâu sắc thấm đượm trong những bài thơ giàu hình ảnh của nhân vật, trong lời kể chuyện đầy ẩn ý của tác giả. Và hơn cả, những hành động sẻ chia cùng nhau trong những thời khắc khổ đau hay vui sướng là thứ làm nên sự lấp lánh ngọt ngào cho tinh thần của bộ phim.
Dàn diễn viên với rất nhiều gương mặt đáng chú ý đã đóng góp những màn trình diễn sắc nét và chỉn chu. Ta có thể nhận ra chúa tể Voldemort trong series Harry Potter, The Ancient One trong Doctor Strange, Người kể chuyện trong Fight Club, Madeleine trong Điệp viên 007: Bóng ma, v.v… Không ai bị lu mờ dù họ chỉ xuất hiện ở một đôi cảnh.
Trong đó, nam diễn viên Ralph Fiennes vào vai nhân vật chính – quản lý Gustave H mang lại cho tôi ấn tượng rất mạnh mẽ. (Ralph cũng là người vào vai chúa tể Voldemort trong series Harry Potter vừa nói ở trên.) Cách nói chuyện bay bướm vần điệu, tuôn hàng tràng như bắn súng liên thanh mà không hề chớp mắt làm nên phong cách riêng biệt của ngài quản lý. Ngoài ra, sự thăng giáng, đảo cực chớp nhoáng của Gustave từ vẻ lịch thiệp, cao quý, lãng mạn, cổ điển, hoa mĩ sang vẻ ngang tàng, bất cần, mệt nhọc, cục cằn, thô thiển là thứ khiến tôi thấy thích thú, cuốn hút. Nhưng tôi lại chẳng đoán biết được nhân cách thực sự của Gustave vì tôi không biết mặt nào mới là con người của ông ta, hay chẳng có mặt nào cả.
Tuy nhiên, nhân vật tôi yêu thích nhất lại là Zero Moustafa hồi trẻ – nhân viên tiền sảnh của khách sạn (Lobby Boy) và bạn đồng hành cùng Gustave, do Tony Revolori thủ vai. Ngoài dáng người hơi khúm núm cùng bước đi nhanh, ngắn, không rõ là vội vàng hay cực kỳ tháo vát thì vẻ mặt “biểu cảm tối thiểu” của Zero là thứ gây cười đáng gờm. Vẻ mặt đó thật sự là thứ rất khó diễn với những rung động thể hiện thái độ thoáng qua của nhân vật như một làn sương mỏng manh. Ẩn chứa bên trong chàng trai trẻ là rất nhiều những ý nghĩ, suy tư, thậm chí cả mưu đồ, chiến lược. Người ta sẽ tưởng anh Lobby Boy này ngốc nghếch, khờ khạo và cam chịu nhưng càng theo dõi họ càng thấy anh ta là một trợ lý khôn ngoan và là một người bạn đáng tin cậy bậc nhất. Đằng sau Zero là cả một núi những bất ngờ.
Khi nhìn lại sự đối xứng của bộ phim thì tôi chợt giật mình nhận ra rằng quản lý Gustave H và Zero Moustafa chính là hình ảnh phản chiếu của nhau qua một tấm gương. Một người phô trương, cầu kỳ, bảnh chọe, một người giản dị, chất phác và ít màng đến những vui thú. Họ bổ sung các khiếm khuyết cho nhau để trở nên hoàn thiện hơn, và hai người đã có một câu chuyện truy tìm công lý đầy màu sắc.
Bộ phim có tiết tấu nhanh cùng âm nhạc mang sắc thái tao nhã cổ điển, lúc du dương, khi rộn ràng, lúc trầm hùng, khi bí hiểm. Phần lời thoại của các diễn viên cũng là thứ đáng chú ý vì sự đối đáp thông minh, lém lỉnh. Có thể nói, The Grand Budapest Hotel xứng đáng là một kiệt tác nghệ thuật với chất thơ, chất nhạc, chất kịch hài hòa. Đạo diễn Wes Anderson chắc hẳn đã đầu tư mài giũa, điêu khắc rất kỳ công bộ phim này. Có thể coi đây là bộ phim đẹp nhất mà tôi từng xem cả về nội dung và hình thức. Vì không biết chê nó ở chỗ nào nên 10/10 là điểm dành cho The Grand Budapest Hotel. (Và trailer cũng là một thứ không nên bỏ qua.)