The Big Lebowski được anh em nhà Coen ra mắt công chúng vào năm 1998, cái năm áp chót của thế kỉ 20. Nghệ thuật điện ảnh ra đời trước đó gần 104 năm bởi anh em nhà Lumière. 104 năm đó chứa đầy những thay đổi chóng mặt của thế giới, cũng đồng thời chứng kiến bước phát triển dài của điện ảnh, để lại cho chúng ta hàng triệu bộ phim – hàng triệu câu chuyện khác nhau, hay có dở có, bi có hài có. Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc áp lực sáng tạo cho các nhà làm phim về sau càng ngày càng lớn. Những chất liệu hay, giàu ý nghĩa đã bị khai thác đến cạn kiệt, không chỉ trên cấp độ tổng thể cả câu chuyện, mà còn ở từng tình huống, chi tiết nhỏ nhặt. Motif về những cặp tình nhân yêu nhau nhưng bị chia cắt vì một trong hai người chết vì bệnh tật hoặc tai nạn mà ta thường thấy lặp đi lặp lại ở các bộ phim truyền hình Hàn Quốc, lấy đi nước mắt của bao thế hệ bà nội trợ Việt Nam, là có nguồn gốc từ tận năm 1970 trong phim Love Story của Arthur Hiller. Viết dài dòng như bên trên là bạn đọc hiểu rằng, thoát ra khỏi cliché (thuật ngữ điện ảnh để chỉ những tình huống, ý tưởng bị lạm dụng đến mức mất đi ý nghĩa ban đầu, đến mức trở nên sáo rỗng và dễ đoán) là rất khó khăn. Nhưng The Big Lebowski đã làm được điều đó, thành công đầu tiên của nó là đánh lừa khán giả hết lần này đến lần khác trong suốt 117 phút của bộ phim.
Một bộ phim đầy những nhân vật kì dị (một gã béo có vấn đề với việc kiểm soát cơn tức giận, một gã gầy còm thuộc loại nhân vật chỉ đến lúc chết mới trở nên quan trọng, và gã nhân vật chính suốt ngày đến sân bowling mà chả thấy chơi bowling bao giờ), những tình huống quái gở, những giấc mơ kì lạ, nhưng đến cuối cùng, chúng lại rất hợp lí và…hoàn toàn không quan trọng.
Câu chuyện của phim bắt đầu với một tình huống vừa buồn cười, vừa trớ trêu, lại có phần nhảm nhí như những phim hài của Adam Sandler, Lebowski “The Dude” trở về nhà từ tiệm tạp hóa để rồi nhận ra nhà của mình bị 2 gã đòi nợ thuê đến phá phách, chúng hành hạ Lebowski (theo phong cách của một bộ phim hài) và tiểu tiện lên tấm thảm giữa phòng khách của lão rồi bỏ đi với lời đe dọa đòi nợ. The Dude của chúng ta chẳng mảy may quan tâm gì đến việc bị ấn đầu vào bồn cầu (nghĩa đen), nhưng lão lại hết sức ức chế vì tấm thảm bị đái lên, vì lí do nhảm nhí “That rug really tied the room together” (Tấm thảm đó thực sự hợp với căn phòng), và lão quyết định đến tìm lão triệu phú có cùng cái tên Lebowski, người mà đáng lẽ ra bọn côn đồ kia phải đến đòi nợ, để đòi bồi thường cho tấm thảm của mình. Thay vì bồi thường, lão triệu phú lại giao cho The Dude một nhiệm vụ bất thường với mức lương cao bất ngờ, để rồi The Dude của chúng ta bị cuốn vào bị xô đẩy một cách thô bạo giữa khắp các thành phần xã hội ở cái thị trấn giáp biển nhỏ bé đó.
Từ điểm này đến cuối phim, anh em nhà Coen sẽ dẫn khán giả vào một cuộc “rượt đuổi”, không phải của những nhân vật trong phim, mà giữa người xem với tình tiết phim. Rất nhiều lần, bạn sẽ chắc mẩm trong đầu: “Quả này là có thằng chết rồi đây, có máu đổ rồi đây!!!” Nhưng không, hết lần này đến lần khác bạn sẽ bị hụt hẫng, rồi lại mong đợi, rồi lại hụt hẫng. Đến cuối phim bạn sẽ nhận ra bộ phim thậm chí còn chẳng có điểm cao trào (climax) như đại đa số các bộ phim khác, Mọi động lực tiềm năng dẫn câu chuyện phim lên đến cao trào đều bị trung lập hóa bằng một cảnh quay trong sân bowling, nơi Lebowski, Walter và Donny coi như đại bản doanh. Thậm chí những tình tiết giải thích mọi khúc mắc ở cuối phim có thể bị coi là không cần thiết, được quay một cách miễn cưỡng chỉ với mục đích “gói lại câu chuyện”. Nhưng nói vậy không có nghĩa bộ phim cứ đều đều trôi qua một cách nhàm chán. Những tình tiết đã qua là qua luôn, những tình tiết sắp tới không thể dự đoán được, khán giả bị buộc tập trung vào những cái đang diễn ra, để rồi đến cuối phim, nhìn lại, mới có thể hiểu dụng ý của đạo diễn. Đó là trong cảnh cuối cùng, khi bạn nhìn thấy nhân vật chính của chúng ta mặc quần short, áo phông giơ cao ly rượu White Russian và nói: “The Dude abides”.
The Dude của chúng ta có lối sống riêng của mình: luôn luôn xuất hiện với quần short, áo phông, dép lê, và thi thoảng với đôi kính râm hoặc bộ pijama. The Dude sống vô công rồi nghề, suốt ngày chỉ thấy lão quanh quần ở sân bowling đàn đúm cùng đám bạn, nhưng thế cũng đồng nghĩa với sự tự do tự tại, vô lo vô nghĩ. Pothead (chỉ những kẻ phê thuốc suốt ngày), deadbeat (chỉ những kẻ nghèo không xu dính túi) và loser (thằng thất bại),… là những từ mọi người, trừ đám bạn của The Dude dùng để gọi lão. Ngay đến từ “dude” mà Lebowski dùng để gọi mình cũng mang một ý nghĩa tự hạ thấp bản thân mình. Nhưng kẻ thất bại đó, giống như cành trúc trong cơn bão, bị xô đẩy, quăng quật bởi gió lốc, xoay hết hướng này đến hướng khác, tưởng như sẽ bị “cuốn theo chiều gió” đến nơi; nhưng không, the Dude vẫn dẻo dai chịu đựng, sau mọi sóng gió vẫn tồn tại và giữ được bản chất, giữ được lối sống riêng của mình. Đó chính là hàm ý của từ “abide” mà the Dude thốt lên đầy tự hào ở cuối phim. Lão sống một cách bị động, không chủ động đi tìm rắc rối, rắc rối luôn tìm đến với lão, nhưng lão không phản kháng, chỉ tìm cách thoát ra khỏi rắc rối. Chỉ duy nhất một lần ta thấy lão chủ động, đó là khi lão đến tìm gặp tay triệu phú Lebowski để đòi bồi thường cho tấm thảm của mình.
Tại sao một kẻ bị ấn đầu vào bồn cầu, suýt bị dọa cắt **** lúc đang tắm lại ức chế vì tấm thảm của mình bị đái lên? “That rug really tied the room together”. Tấm thảm đó là biểu tượng cho sự nhất quán, thống nhất trong lối sống của The Dude, tấm thảm bị đái lên đồng nghĩa với lối sống của lão bị xúc phạm. Nếu bạn nhìn lại cả bộ phim một lần nữa, và đối chiếu với xã hội Mĩ nơi mà nghèo là lỗi tại người nghèo; thất nghiệp, sống vô công rồi nghề là thứ gì đó đáng khinh bỉ; bạn sẽ hiểu rằng the Dude là hình tượng phản kháng lại “Giấc mơ Mĩ” được tạo dựng bởi vô số bộ phim khác, cũng như là tồn tại ngay trong bộ phim này dưới hình mẫu nhân vật triệu phú Lebowski.
The Big Lebowski là một thất bại phòng vé, từng bị coi là bộ phim tệ nhất của hai tay lão làng nhà Coen. Nhưng ý nghĩa ẩn dụ của nó rồi cũng được nhận ra, và nó được công nhận một cách bất thành văn là một phim kinh điển. Viện phim Quốc gia Mĩ cũng vừa trao cho nó một vinh dự lớn lao: chọn lựa để đưa vào bảo tồn vì có ý nghĩa lớn về mặt “văn hóa, lịch sử, hoặc thẩm mĩ”. Nếu bạn chán ngấy những bộ phim với nội dung ca ngợi giấc mơ Mỹ, hãy dành một buổi tối thứ bảy rảnh rỗi để thưởng thức nó, nhưng hãy nhớ, thưởng thức nó với một cái đầu trống rỗng.
Bài tác giả Woody viết cho Mann Up