Trong tương lai, mỗi đất nước, mỗi thành phố, mỗi công ty cho đến mỗi cá nhân, sự cạnh tranh giữa chúng ta đều được quyết định bởi khả năng sáng tạo của mình. Nếu bạn vẫn cho rằng “sáng tạo” chỉ cần thiết với những ngành nghề đặc thù như nghệ sĩ, nhà văn hay đạo diễn, thì bạn rất nên đọc cuốn sách này: Sáng tạo – Phương thức làm việc và sinh tồn trong tương lai. Mỗi người đều có khả năng hoặc tiềm năng sáng tạo và bạn cần sử dụng chúng, nhất là trong thời đại ngày nay và trong cả tương lai.
Sức mạnh và vai trò của sáng tạo trong xã hội ngày nay
Hãy bớt chút thời gian, suy nghĩ và trả lời câu hỏi: Xung quanh bạn có đang diễn ra sự sáng tạo không? Đồ vật trên bàn trước mặt bạn liệu có phải là sản phẩm của sự sáng tạo? Hay chính bạn có đang làm việc có liên quan đến sáng tạo không? Bạn có đang sáng tạo không?
Không khó để có câu trả lời: Sáng tạo diễn ra xung quanh chúng ta, mọi lúc, mọi nơi, mọi đối tượng.
Chính vì thế mà ngay trong cái tên thôi, cuốn sách Sáng tạo – Phương thức làm việc và sinh tồn trong tương lai đã thực sự đặt ra được một vấn đề cực quan trọng: Tầm quan trọng của SÁNG TẠO. Vì sao mà tác giả lại nhận định nó quan trọng đến mức liên quan đến cả sự tồn tại? Tác giả Phương Quân của cuốn sách đã đưa ra lời giải thích khá thuyết phục bằng những ví dụ đến từ mọi lĩnh vực của cuộc sống: nghệ thuật, kinh tế, công nghệ,…
-
Mạng Internet, máy vi tính, kĩ thuật số, các thuật toán đang ngày càng ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội của chúng ta, và tập thể đứng sau chúng cũng được xếp vào danh sách những nhà sáng tạo.
-
Những người làm ngành dịch vụ chuyên môn như quảng cáo, tư vấn… đều cần vận dụng sự sáng tạo, phương pháp làm việc và tư duy của họ đều vượt xa phạm vi ngành nghề của mình.
-
Các nhà khởi nghiệp bắt đầu từ con số 0, từ những suy nghĩ hay từ những quan điểm, tạo ra những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, biến những sản phẩm vô hình thành sản phẩm hữu hình, xây dựng một hệ thống hỗ trợ sản phẩm và dịch vụ tốt bao gồm con người, kĩ thuật, tiền bạc và quy trình vận hành, đồng thời họ cũng không ngừng điều chỉnh, tối ưu hóa hệ thống này để phù hợp với các đặc trưng và sáng tạo của họ.
Nhà kinh tế học nổi tiếng Richard Florida đã viết trong cuốn sách The Rise of the Creative Class – And How It’s Transforming Work, Leisure, Community, and Everyday Life của mình rằng: “Nền kinh tế hiện nay của chúng ta là nền kinh tế được tạo nên bởi động lực cung cấp sự sáng tạo của con người.”
Đây là một khẳng định cho vai trò và sức mạnh vô cùng quan trọng của sự SÁNG TẠO.
Sáng tạo là bản năng, tiềm năng của mỗi người, đừng lãng phí nó!
Các ngành công nghiệp sáng tạo theo nghĩa hẹp như thiết kế, nghệ thuật, truyền thông, dịch vụ, quảng cáo, marketing… trong lĩnh vực này không chỉ có những “minh tinh”, mà còn bao gồm những người bình thường. Mặc dù Steve Jobs, người sáng lập Apple là một doanh nhân, nhưng ở ông hội tụ rất nhiều ưu điểm nổi bật của người làm việc trong ngành công nghiệp sáng tạo. Vậy nên, tất cả chúng ta, ai cũng có thể là người sáng tạo.
Rất nhiều người cảm thấy bản thân không thể nào phát huy tính sáng tạo, thực ra đó là vì họ không tin rằng mình có tiềm năng sáng tạo. Họ thường quả quyết rằng bản thân không có khả năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo và có hệ thống. Thực ra, sáng tạo là bản năng của chúng ta, mỗi cá nhân đều có tư duy sáng tạo, nhưng dần dần chúng ta sẽ đè nén những ý tưởng của bản thân, không dám nói ra, lại càng không thực hiện chúng. Chúng ta giao trách nhiệm sáng tạo cho người khác mà không biết chính mình đã lựa chọn như vậy. Rất nhiều khi chúng ta sẽ hoài phí sự sáng tạo của bản thân. Như tác giả có nói, khi lãng phí thực phẩm hay tài nguyên, chúng ta sẽ cảm thấy rất áy náy, nhưng khi lãng phí tiềm năng sáng tạo – tài sản quý báu nhất của con người thì chúng ta lại tỏ ra thờ ơ: làm việc mang tính lặp lại ở trình độ thấp; những mẫu thiết kế sản phẩm bị loại bỏ; ý tưởng khởi nghiệp không nghiên cứu kĩ lưỡng nhanh chóng bị thất bại; chương trình phần mềm không có sự cải tiến nên buộc bị đào thải hoặc làm lại từ đầu…Sự sáng tạo bị lãng phí mà chúng ta đang nhắc đến đều có thể biến thành sự vật hữu hình, hoàn toàn không phải là nằm mơ giữa ban ngày. Thứ bạn lo lắng sẽ lãng phí chính là thứ mà rất nhiều người đang nỗ lực sáng tạo.
Giải pháp để không còn lãng phí sự sáng tạo: Hãy quản lý nó
Vậy làm thế nào để không lãng phí sự sáng tạo của bản thân? Đây cũng là vấn đề trọng tâm của cuốn sách Sáng tạo – Phương thức làm việc và sinh tồn trong tương lai của Phương Quân. Và giải pháp của tác giả là Quản lí sáng tạo.
Có lẽ bạn sẽ thấy khá là mơ hồ và lạ lẫm và nghĩ: Sự sáng tạo cũng có thể quản lí? Các từ “quản lí” và “sáng tạo” dường như không thuộc về nhau nhưng thực tế lại không hề mâu thuẫn.
Thực tế thì Quản lí sáng tạo ở đây không phải là nguồn cảm hứng cho sáng tạo, mà là quá trình xuất phát từ những vấn đề cần được giải quyết, các cá nhân cạnh tranh sức sáng tạo, tiếp theo xây dựng hệ thống tổ chức và hệ thống vận hành sản xuất, cuối cùng là sản xuất ra sản phẩm sáng tạo. Quản lí sáng tạo còn liên quan đến cách thức tư duy trong não bộ của con người, cũng chính là quá trình chúng ta xử lí thông tin hay sự vật, là phương thức để xây dựng cơ cấu tổ chức, là cách tạo ra sản phẩm sáng tạo. Ví dụ như Nghệ thuật được mọi người công nhận là những tác phẩm chứa đầy sự sáng tạo, thông thường nó không cần sự quản lí sáng tạo, mà là trực tiếp đưa sáng tạo của con người kết tụ thành tác phẩm. Tuy nhiên, đối với những loại hình nghệ thuật đòi hỏi sự phối hợp của nhiều người, thì lúc đó quản lí sáng tạo sẽ phát huy vai trò của mình. Ví dụ: việc tạo ra bài hát được nhiều người đón nhận là sự gắn kết từ sáng tác nhạc đến biểu diễn; kịch là một màn trình diễn được thực hiện bởi nhiều người trên sân khấu, đòi hỏi phải có sự phối hợp hài hòa giữa các cá nhân, ngoài ra còn liên quan đến nhiều bộ phận khác như đạo cụ, trang phục…; nhà thiết kế thương mại dựa theo yêu cầu của khách hàng để thiết kế quảng cáo hay sản phẩm, hầu hết đều trải qua quá trình quản lí sáng tạo.
Một cuốn sách về sáng tạo – Bạn cần nó
Bản chất của công việc sáng tạo là giải quyết vấn đề một cách sáng tạo và hệ thống. Người sáng tạo là người giải quyết vấn đề, cũng là người xây dựng hệ thống. Quản lí sáng tạo sẽ giúp quá trình này trở nên hiệu quả hơn. Trong cuốn sách Sáng tạo – Phương thức làm việc và sinh tồn trong tương lai chúng ta sẽ được định nghĩa về quản lí sáng tạo, cùng tìm hiểu về thảo luận phương pháp sáng tạo, cùng nhau tư duy sáng tạo.
Đây là cuốn sách đầu tiên đưa ra đáp án hoàn chỉnh cho những câu:
- Làm thế nào để biến nơi làm việc trở thành nơi sáng tạo?
- Làm thế nào để mỗi cá nhân đều trở thành nhà sáng tạo thực thụ?
- Làm thế nào để quản lí sáng tạo một cách hiệu quả?
Đồng thời cuốn sách cũng cung cấp nhiều cách lí giải độc đáo về các mặt như yếu tố quản lí sáng tạo, phương pháp luận, hệ thống và thiết kế sản phẩm, từ đó giúp chúng ta tìm hiểu về thời đại mới và cách thức để đạt được giá trị bền vững của con người.
Bước vào thế kỉ XXI, cách nói thịnh hành “người làm việc tri thức” đã không còn phản ánh được hiện tại và tương lai của chúng ta. Chỉ học thôi là không đủ, hơn hết chúng ta phải biết vận dụng sự sáng tạo, phát hiện ra những cái mới. Chúng ta đang bước vào thời đại coi kĩ thuật số, trí tuệ nhân tạo và người máy là tiêu chuẩn, các thuật toán và robot đang dần thay thế rất nhiều công việc mang tính lặp lại của chúng ta, chỉ chừa lại vai trò sáng tạo cho con người. Vậy nên, hãy quản lí sự sáng tạo của mình, tận dụng, phát huy nó, đừng để lãng phí!
Chúng ta đều là người làm việc sáng tạo, trong tương lai, sáng tạo chính là lí do sinh tồn của chúng ta.