Trước thềm lễ trao giải Oscar lần thứ 88 gần hai tháng, một làn sóng phản đối từ dư luận dấy lên khi đây là năm thứ hai liên tiếp không có một diễn viên da màu nào xuất hiện trong danh sách đề cử, kéo theo câu hashtag khẩu hiệu #Oscarsowhite trên mạng xã hội nhằm phản đối Viện Hàn Lâm đã quá khắt khe với các đại diện da màu. Điều này không mới, lịch sử lâu đời của Hollywood và giải thưởng Oscar dù chứng kiến nhiều diễn viên da màu lên nhận giải, nhưng số lượng hoàn toàn không đáng kể so với diễn viên da trắng.
1/ Những “viên kim cương đen” của Hollywood:
Năm 1939, tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 12, bà Hattie McDaniel, diễn viên người Mỹ gốc Phi đã giương cao tượng vàng Oscar với vai diễn bà hầu trong bộ phim kinh điển Gone With The Wind, tạo ra một tiền lệ tích cực cho không những điện ảnh Mỹ mà còn điện ảnh thế giới. Tuy rằng thời gian gần đây, áng tình sử của nàng Scarlett đỏng đảnh và chàng Rhett lạnh lùng bị đề xuất cấm chiếu vì những “nghi án” xung quanh việc phân biệt chủng tộc, tượng vàng Oscar củ bà vú Mammy vẫn là một điểm sáng khởi phát tạo cảm hứng cho nhiều lứa diễn viên da màu tiếp sau.
Trong lịch sử Oscar, có 10 nữ diễn viên da màu được đề cử hạng mục Nữ Diễn Viên Chính Xuất Sắc Nhất. 9 trong số 10 vai diễn đó là những nhân vật vô gia cư, và cả 10 vai diễn đều đến từ môi trường sống nghèo nàn, thiếu thốn vật chất. Nam diễn viên da màu được đề cử tổng cộng 20 lần, 13 trong số 20 đề cử là những vai diễn liên quan đến việc bị bắt giữ hoặc tống giam (Flight, The Shawshank Redemption, The Hurricane, Malcolm X..). Tuy cá tính và hoàn cảnh của các nhân vật da màu từng được đề cử/ chiến thắng Oscar chưa có nhiều sự đa dạng, những vai diễn này cũng đã và đang đóng góp ít nhiều cho cộng đồng người da màu.
Có những diễn viên da màu được xem như biểu tượng cho cả một chủng tộc trong địa hạt điện ảnh như: Denzel Washington, Morgan Freeman, Sidney Poitier… Họ thổi hồn vào nhân vật bằng khả năng diễn xuất, nhằm mục đích mang lại cái nhìn sâu sắc và tiệm cận hơn vào đời sống của cộng đồng người Phi, đặc biệt là người Phi trên đất Mỹ.
Morgan Freeman là “cây đa câ đề” của điện ảnh Hollywood, ông sở hữu 1 giải Oscar và 4 đề cử. Được ví như “báu vật” của màn bạc, Morgan Freeman là nghệ sĩ người Mỹ gốc Phi thứ hai (sau Sidney Poitier năm 1992) nhận giải Thành tựu trọn đời, trong lịch sử 39 năm trao giải của Viện Điện ảnh Mỹ. Những tác phẩm của ông cũng nằm trong số những bộ phim gây tiếng vang và thu lợi nhuận cao nhất mọi thời đại. Bản thân Freeman cũng là một trong 10 nam diễn viên xuất sắc nhất mọi thời đại. Denzel Washinton cũng là một tài năng da màu hiếm có của làng điện ảnh. Sở hữu hai tượng vàng Oscar cho phim Glory (’89) và Traning Day (’01), D.Wahshington là một cây cao bóng cả quyền lực và đầy kiêu hãnh của điện ảnh Mỹ. Sự nghiệp diễn xuất đáng nể của Denzel Washington được cả thế giới ca tụng. Anh trở thành một trong những ngôi sao da màu nổi tiếng nhất trong lịch sử điện ảnh Hollywood.
Gần đây nhất, vào năm 2013, khi “viên ngọc đen” Lupita Nyong’o vượt qua các ứng cử viên còn lại để cầm trong tay tượng vàng Oscar hạng mục Nữ Diễn Viên Chính Xuất Sắc nhất cho vai diễn trong phim 12 Years A Slave, cô lập tức tạo ra một chuẩn mực mới cho cái đẹp; trong chuẩn mực đó, vẻ đẹp của người phụ nữ không còn bị khu vực hoá trong “tóc vàng, da trắng, mắt xanh”, mà còn là vẻ đẹp của thần thái và tài năng. Xuất hiện hàng loạt trên các tạp chí thời trang lâu nay chỉ ưu tiên cho những cô mẫu, cô đào da trắng, Lupita khiến người ta nhận ra rằng, vẻ đẹp không chỉ nằm ở sắc da.
Những cái tên ở trên luôn là nguồn cảm hứng cho cộng đồng người da màu. Tuy nhiên, danh sách diễn viên da màu trên bản đồ Oscar chưa bao giờ nhiều hơn 2 đơn vị. Vì sao lại tồn tại sự ít ỏi đó? Vì những vai diễn da màu chưa đủ thuyết phục Hội đồng giám khảo, hay vì một nguyên do to lớn hơn mang tên Sắc tộc?
2/ Những rắc rối mang màu sắc chủng tộc
Trước thềm trao giải Oscar năm nay, vấn đề Sắc tộc lại môt lần nữa trở thành đề tài được bàn luận rốt ráo trên các mạng xã hội. Làn sóng phản đối dữ dội từ dư luận bùng nổ khi đây là năm thứ 2 liên tiếp người da màu không được đề cử ở bất kì hạng mục nào. Creed, Straight Outta Compton và Beasts of No Nation là những bộ phim về người da màu làm lay động người ngay từ khi ra mắt, nhưng lại thua trắng trên trường đua Oscar. Đạo diễn Spike Lee, diễn viên Will Smith và vợ là diễn viên Jada Pinkett Smith, thậm chí đã tuyên bố không tham dự đêm trao giải; một số nhà hoạt động cũng kêu gọi tẩy chay giải thưởng.
Trong 88 lần trao giải Oscar, nhiều diễn viên đã được vinh danh cho những đóng góp của họ trong lĩnh vực điện ảnh. Trong con số 88 lần, có vỏn vẹn 66 diễn viên da màu được đề cử, và chỉ 14 tượng vàng được mang về. Cá nhân người viết cho rằng, đây là một con số khắc nghiệt, và nó chính là đầu đề dẫn đến làn sóng phản ứng kèm theo câu hashtag #Oscarsowhite (Tạm dịch: Oscar quá thiên vị diễn viên da trắng) trở nên mạnh mẽ đến vậy.
Ngày nay, thành công (nghệ thuật + thương mại) của một bộ phim là sự tổng hòa của rất nhiều yếu tố. Sự xuất sắc tự thân của tác phẩm, tất nhiên. Chỉ có điều, như vậy là chưa đủ. Để thành công trong thời đại toàn cầu hóa, bộ phim phải có một mạng lưới phân phối rộng khắp, một chiến lược PR hiệu quả và sự hậu thuẫn của giới phê bình. Và buồn thay, một trong những yếu tố đó còn nằm ở màu da của diễn viên. Khái quát hơn, đó là chuyện sắc tộc. Nhiều tác phẩm chỉ vì vấp phải yếu tố cuối cùng đã không có được vị trí xứng đáng trong lịch sử điện ảnh khi ra mắt.
Điện ảnh, suy cho cùng, còn là một ngành nghề kinh doanh. Trong những buổi casting, ngoài ngôn ngữ điện ảnh, họ còn nói chuyện với diễn viên bằng ngôn ngữ kinh doanh. Trong ngành công nghiệp này, mọi thứ đều nằm ngay ngắn trong hộp. Không cần biết kịch bản của bộ phim sáng tạo và ấn tượng như thế nào, thì mọi diễn viên châu Á đều nói tiếng Trung Quốc, mọi tài xế taxi đều là người Ấn Độ, mọi tội phạm buôn bán ma tuý đều đến từ Mexico, và mọi nô lệ đều là người da đen. Hollywood dường như đang ngày càng thiếu đi sự nhạy cảm cần thiết, và điều này dẫn đến sự cố sắc tộc trước thềm Oscar năm nay. Vai diễn tay đấm boxing của Michael B. Jordan trong Creed có đầy đủ tiềm năng để xuất hiện trong bảng đề cử Oscar, và Jason Mitchell trong vai Eazy-E của phim Straight Outta Compton hoàn toàn xứng đáng với mọi sự tưởng thưởng. Tuy nhiên năm nay, hai đại diện này đều nằm ngoài cuộc. Sự đa dạng về sắc tộc trong ngành công nghiệp điện ảnh chắc chắc còn là câu chuyện dài nhiều chương hồi.
Lễ trao giải Oscar năm nay được dẫn dắt bởi nam diễn viên hài da màu Chris Rock trong vai trò MC. Có vẻ Chris Rock đã thành công trong việc giễu nhại lại sự bất công trong nền công nghiệp điện ảnh Hollywood, nhưng kèm theo đó là nhiều ý kiến trái chiều về cách thể hiện của Chris Rock tại lễ trao giải vừa diễn ra. Nhưng dù sao, Oscar xét cho cùng là nơi trình diễn ở mức độ tối thượng sự khoe mẽ của Hollywood, cái quan trọng vẫn là, liệu ở những mùa giải Oscar tiếp sau lần thứ 88 này, nền công nghiệp Mỹ sẽ có những bước tiếp cận như thế nào, để trả lại công bằng cho những diễn viên da màu tài năng nhưng chưa thực sự được ghi nhận.