e9bb873393dfe5504866191bc66e28a7-e1509350428917-1

Những quy tắc khi tham dự một buổi tiệc kiểu phương Tây

Có nhiều người trong chúng ta gặp khó khăn khi được mời đến dự một buổi tiệc kiểu phương Tây. Không sao cả, chúng ta có thể vượt qua dựa trên hai thứ căn bản : một là bắt đầu từ gốc vấn đề và hai là chịu khó thực hành nhiều.

Những quy tắc hành xử khi đi dự một buổi tiệc thuộc là Lễ Nghi. Hãy đảm bảo phần Lễ trước, đó là phần gốc của vấn đề, sau đó phần Nghi sẽ hiện ra thật đơn giản.

Tôi đã đọc được một bài viết tương đối dài về mẹo ghi nhớ tên đối tác. Nhưng thực ra vấn đề chốt lại là chúng ta thường hồi hộp và suy nghĩ xao lãng khi làm quen chứ không hẳn do trí nhớ kém. Nhìn thẳng và chăm chú nghe khi người khác giới thiệu – đó là một phần của đức tính tôn trọng người khác, vậy là sẽ giải quyết được vấn đề. Quý vị thấy đấy, nếu xử lý từ gốc rễ thì mọi thứ sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều.

Hay một câu chuyện khác là “thức ăn cho vào miệng chứ không phải miệng cho vào thức ăn” cũng không thuần túy thuộc về kỹ thuật sử dụng dao nĩa. Nó đến từ tâm thái. Một tâm thái cao quý và Nhẫn nại là chìa khóa cho vấn đề này. Do đó, hãy luôn ghi nhớ như vậy, giữ Lễ và thể hiện có văn hóa là điều bắt buộc đầu tiên.

Một quán đồ uống mà tôi biết thường tổ chức sự kiện khách hàng rất thành công vì khách đã được tập luyện hàng ngày khi đến quán rồi. Từ cách đi đứng, nói năng, tôn trọng không gian, xếp hàng, xin thêm đồ uống hoặc tự phục vụ đã thành nếp, nên kể cả trong những sự kiện quy mô thì mọi việc vẫn không bị mất kiểm soát.

Quay trở lại vấn đề, tiệc là một tên gọi rất chung chung, nó có thể là banquet, cocktail, reception, luncheon, sauterie, gouter, surprise party, al fresco … mà người Việt Nam thường chia đại khái thành chiêu đãi, tiệc uống, tiệc đứng, tiệc ngồi, tiệc hóa trang, tiệc ngoài trời…  Tên của loại tiệc giúp chúng ta giải quyết nhiều vấn đề, từ việc đầu tiên – lựa chọn trang phục cho đến việc chuẩn bị kỹ năng gì khi dùng bữa.

Nói chung vấn đề đầu tiên là mặc gì thì thường chủ tiệc đã cung cấp dress code ngay trong thiệp mời rồi.

Có những buổi gặp mặt, tiệc rượu, và có cả những buổi tiếp tân – đó là thứ tự tăng dần về độ trang trọng. Tất nhiên cũng có một vài buổi tiếp tân giản dị và những buổi gặp mặt trang trọng. Một lần nữa, sự trang trọng phụ thuộc vào hoàn cảnh.

Những buổi gặp mặt thường là những buổi xã giao và thường thoải mái hơn, thường được tổ chức đơn giản bởi một nhóm người đã quen nhau từ trước. Yêu cầu trang phục trong những buổi thế này từ bình dân đến business casual. Mặt khác, tiệc rượu là những buổi mà phần lớn khách mời không quen nhau, và do đó cần ăn mặc trang trọng hơn để người ta nhìn nhau tốt hơn. Những buổi như thế này tạo ra rất nhiều mối quan hệ mới và những mối làm ăn mới. Yêu cầu trang phục trong những những buổi thế này thường là từ business casual đến black tie optional. Buổi tiếp tân, những buổi chào đón một cặp vợ chồng mới, một chủ tịch tập đoàn mới, hay một đứa trẻ mới ra đời. Mặc dù có những buổi tiếp tân giản dị, phần lớn là những buổi trang trọng, bởi khách mời cần bày tỏ sự tôn trọng đối với chủ nhà. Những buổi thế này yêu cầu từ semi-formal đến black tie. Những buổi yến tiệc hoặc sự kiện trang trọng tổ chức vào ban ngày thì sẽ là white tie.

Vấn đề tiếp theo, khi vào dự tiệc, có một điều cũng thuộc về cơ bản, đó là “tiền chủ hậu khách”. Đây là quy tắc vàng nếu quý vị cảm thấy không biết làm gì, đơn giản là quan sát và làm theo hướng dẫn của chủ tiệc. Ví dụ nâng ly sau khi người chủ tiệc nâng ly, ăn sau khi mọi người đã an tọa và người chủ tiệc bắt đầu, đến cả việc sử dụng tay cho những món ăn nào…. Vì sự thực là các quy tắc ăn uống cũng thay đổi ở các địa phương khác nhau và giai tầng khác nhau. Cùng là người Đức – có người dùng tay bẻ bánh mỳ, nhưng có người dùng dao nĩa trong tất cả các món, hay người Nhật – có người dùng đũa gắp sushi, có người lại dùng tay cho đúng điệu cổ truyền…

Tuy nhiên, dù “quan sát người khác làm gì thì làm theo” là một điều tương đối đúng, nhưng chưa đủ. Tôi có thể ví dụ có một vật dụng nho nhỏ nhưng mang lại câu chuyện đáng suy ngẫm – đó là chiếc khăn mùi xoa. Có nhiều người châu Âu không hề ngại ngần xì mũi rất to vào mùi xoa ở bất kỳ đâu, kể cả trên bàn ăn, họ không coi đó là vô phép hay gì nghiêm trọng cả, na ná như người Hàn ăn phát ra tiếng to vậy.  Nhưng có thể nói chắc chắn rằng phép tắc quý tộc và gia giáo kể cả Đông hay Tây đều không chấp nhận những tiếng ồn ào kiểu vậy xảy ra. Chúng ta nên chú ý điểm này để tránh cá mè một lứa và hiểu nhầm rằng tất cả mọi người đều cư xử như vậy. Hãy chủ động trang bị kiến thức và tập luyện mỗi ngày thay vì bị động nhìn và bắt chước.

Và cuối cùng, điều quan trọng nhất trong buổi tiệc đó là giao tiếp. Giao tiếp xuất hiện mọi nơi, và là chìa khóa giải quyết nhiều vấn đề. Từ việc nhã nhặn hỏi người phục vụ mình có thể dùng bữa hay chưa, đến việc chia sẻ câu chuyện với những người xung quanh. Từ buổi tiệc cocktail nơi mà bạn có thể nói chuyện thoải mái và thân mật đến buổi tiệc business nơi mà người ta giữ xã giao chặt chẽ và nghiêm túc bàn về công việc.

Hãy luôn nhớ, “lời chào cao hơn mâm cỗ”, và chúng ta, tinh thần chúng ta cao hơn bàn tiệc này, nó không thể làm khó được một quý ông.

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top