Chúng ta biết rằng : chụp một bức ảnh nghệ thuật, trình diễn trên sàn catwalk và đi dạo ở ngoài đời là những thứ đôi khi chẳng liên quan gì nhau. Ở nơi này thì dày đặc hình xăm, khuyên và vòng có thể đạt dấu ấn, nhưng ở nơi kia sẽ thành quái đản.
Có một thời kỳ những người theo đuổi phong cách Sprezzatura thích thú chia sẻ hàng loạt hình ảnh những chàng công tử áo khoác sặc sỡ, quần trắng, loafer kèm theo một đống vòng tay. Điều đó có lẽ hơi phóng đại – và có thể là mục đích bán hàng – dù nó vẫn là đặc trưng của phong cách này.
Những người nổi tiếng trong giới sartorialist thường lại rất tránh phô trương. Họ cẩn thận đắn đo đến cả chiếc kẹp cà vạt và ghim cài áo xem nó có chỏi quá không, có ăn nhập không, có phá vỡ chỉnh thể không. Trang sức cũng như họa tiết vậy, nếu dùng không khéo sẽ tạo cảm giác tróc vỡ và vá víu. Sự cẩn thận này cũng giống như các thiết kế của Tom Ford vậy – loanh quanh những tông màu và chất liệu cơ bản.
Thực tế, việc đeo trang sức mang nặng tính cá nhân và không có công thức chung. Nó phụ thuộc vào khuôn mặt, hình thể và cả tâm linh. Ví dụ như một người da sáng đeo trang sức bạc của văn hóa Celt nhìn rất thu hút, một người da nâu tối đeo trang sức gam nóng hoang dã của văn hóa châu Phi sẽ rất quyến rũ.
Bạn là người mập mạp thì việc khoe tay trần với vòng kim loại lớn hay dây da bện mảnh dẻ đều xấu như nhau, thích hợp nhất là mặc sơ mi hoặc suit và đeo một hai chuỗi vòng hạt vừa phải.
20 tuổi việc đeo một chiếc hoa tai hình cây kiếm dài khiến khuôn mặt tròn trông cân đối hơn, nhưng đến 30 tuổi, lại không thể chấp nhận được. Hoặc có những người rất kỵ đá màu đỏ, chúng làm tối người, nhưng đá màu tím thì lại ổn.
Môi trường văn hóa ảnh hưởng nhiều đến phong cách và sáng tạo hơn chúng ta tưởng.
Chúng ta biết rằng người Việt Nam có xu hướng chọn những hình tượng kiểu truyền thống. Ai cầu kỳ thì còn tính toán cái gì phù hợp mệnh số, chứ không thì cứ chiểu theo combo dây xích vàng một cây, nhẫn nephrite xanh rồng phượng mà triển khai. Những thanh niên theo đuổi phong cách thời trang phương Tây hiện đại thì cũng không vừa lòng với các lựa chọn trên thị trường. Ví dụ nhiều người cảm thấy ngôi sao cánh nhọn rất khó ưa, và thực tế thì đó đúng là một biểu tượng ngoại lai – người phương Đông miêu tả ngôi sao là hình tròn, đúng như chữ “tinh cầu”. Đôi khi chúng ta chọn mua một chiếc thẻ lính, hay cây thập giá lộn ngược không hẳn vì tâm đắc mà chỉ vì đó là hai thứ trông khả dĩ nhất trong đống đồ Gothic đầu lâu hoa cỏ loằng ngoằng mà người ta cung cấp sẵn mà thôi.
Thêm nữa là những nhà thiết kế phương Tây lại khá thoải mái trong chất liệu làm trang sức – mà điều này đôi khi lại không được đánh giá cao ở phương Đông. Ví dụ như việc đeo đồng và sắt có thể khiến người nhạy cảm bị không thoải mái, ngoài ra các kim loại này cũng chẳng có gì tốt cho cơ thể, không thể sánh với vàng, bạc hay ngà – về cả mặt tâm linh lẫn thực tế hóa học.
Simon Spiteri, người tìm hiểu thị trường phụ kiện cho MR PORTER đã thấy rằng dù rất mạnh dạn trong việc mua sắm và thử cái mới nhưng khách hàng châu Á vẫn tiêu nhiều tiền cho đồng hồ và cufflink hơn là các loại trang sức khác.
Việc nắm vững môi trường văn hóa của bản thân giúp ích rất nhiều cho quý vị khi muốn thực hiện một sự đột phá. Quý vị có thể phân rõ và gạt bỏ những yếu tố ngoại cảnh tác động đến con mắt thẩm mỹ của mình.
Vấn đề muôn thuở : luôn có thể quay về theo những quy tắc cơ bản
Luôn có những quy tắc cơ bản dành cho những ai không chắc chắn lắm.
Với những người mặc suit đứng đắn và đã đeo đồng hồ, chúng ta không cần lạm dụng các đồ trang sức khác nữa. Đây cũng là nguyên tắc thiết kế của Tom Ford và Peyote Bird. Họ cổ súy những vòng tay da bện hoặc vòng đá thanh lịch, nhỏ vừa cho các quý ông.
Chia sẻ quan điểm đó là nhà thiết kế Stephen Webster. Ông rất tiết kiệm nhẫn và vòng tay khi thể hiện cùng suit.
Với những trường hợp ăn mặc trẻ trung, bụi bặm và phóng khoáng – với áo phông rộng cổ hoặc sơ mi mở cúc và xắn tay – thì quý vị có thể tranh thủ khoe mọi trang sức có thể, miễn đừng hóa Na Tra hoặc Hồng Hài Nhi là được.
Trong các hạng mục trang sức nam, có lẽ nhẫn là thứ cuối cùng mà chúng ta nghĩ đến. Xét ra, nhẫn là một thứ nhỏ bé, về lý thuyết thì quý vị có thể thích thiết kế nó thế nào cũng được, miễn là cân đối với kích thước ngón tay. Nếu như là một người cứng tuổi, thì chuyện đeo nhẫn đá quý không vấn đề gì, chúng đôi khi còn tô bật sự sang trọng, nhưng với những người trẻ trung thì hẫn bạc hoặc vàng vuông vức không đính đá lấp lánh là tốt nhất – vì chúng phù hợp với mọi trang phục và hoàn cảnh, lại dễ dàng để phối đồ. Nếu cần thiết, tỉ mỉ một chút với họa tiết bề mặt nhẫn là được.
Để kết bài, tôi chỉ xin nhắc lại một chút rằng : không có biên giới của việc thực hành trang sức cũng như thể hiện bản thân mình. Nhưng với những người thực sự coi trọng thẩm mỹ, để tránh mất thời gian và tiền bạc mà không đạt hiệu quả cao – hãy tham khảo một cách nghiêm túc các bộ sưu tập của những nhà thiết kế nổi tiếng. Những nhà thiết kế này thực ra họ không một bước thành tài ngay, mà cũng vật lộn một quá trình dài để tìm tư duy cho mình. Sau nữa, hãy trang bị thêm càng nhiều kiến thức về các nền văn hóa càng tốt – bởi rất có thể trang sức vô tình hay hữu ý kết nối những người xa lạ lại với nhau vậy.