Tôi không phải là người theo một tôn giáo chính thống và trước kia, đối với tôi, “đức tin tâm linh” là một khái niệm không thuộc vào từ điển cá nhân. Nếu được mô tả khái quát thì cuộc đời của tôi lúc trước khi có đức tin thì chỉ biết xoay quanh những chuyện cơm áo gạo tiền, tranh đua hơn thua với người khác, cố gắng xây dựng hình ảnh cá nhân và không hề có một mục tiêu sống để trở thành một người tốt hơn hay có ý nghĩa với xã hội. Tôi làm mọi việc cậy vào sức mình. Đồng thời, tôi cũng không có một ý tưởng nào về việc cần cải thiện điều gì hay cần phát triển nhận thức theo hướng nào, hay có đóng góp gì cho tập thể. Thậm chí, tôi còn không biết “nhận thức” là cái gì hay mối liên quan của mình với người khác ra sao. Ngày đó, tôi chỉ biết lao theo những quán tính, những thói quen mà không hề một lần nhìn nhận xem rằng hành động ấy, suy nghĩ ấy thật sự có tốt lành. Thậm chí, sau này khi bước chân vào con đường tu tập thì tôi cũng không thật sự hiểu chuyện giác ngộ người ta thường nói là giác ngộ cái gì, rồi tôi bước đi loanh quanh luẩn quẩn. Rồi cuộc sống của tôi càng trở nên kiệt quệ, rối rắm và tách biệt với những nguồn lực. Tôi đã từng phải sống trong những trạng thái rất đen tối và tiêu cực mà không bao giờ tưởng tượng rằng mình sẽ rơi vào đó.
>>> Tôi đã từng là một người vô thần
>>> Personal God (cá nhân) vs. Impersonal God (phi cá nhân)
Ngày xưa, khi bắt đầu con đường tìm hiểu tâm linh/tôn giáo, tôi có động lực từ một số biến cố và đau khổ trong cuộc sống. Có người bạn đã từng khuyên rằng “Hãy quy phục God” nhưng tôi không biết God là gì, và tôi cũng không hiểu quy phục ra sao và quy phục thì có tác dụng gì đối với cuộc đời của tôi. Thế là tôi đã không làm được và tiếp tục luẩn quẩn với những suy nghĩ và phương pháp lạc hậu của riêng mình để nhằm có được hạnh phúc. Có thể nói, đó là một quãng thời gian dài tôi ở trong trạng thái giằng co nội tâm để kiểm soát sự bình an bên trong chính mình. Không biết bạn đã từng nghe đến câu chuyện về phương pháp tra tấn gây đau đớn nhất chưa? Đó là cách cho nước nhỏ giọt vào đầu một người liên tục ngày này qua ngày khác. Nghe có vẻ là chuyện nhỏ vì đó chỉ là một giọt nước, nhưng nếu tích lũy lâu dài, chuyện này có thể khiến người đó bị điên. Tôi nghĩ câu chuyện mỗi phút giây cảm thấy đau khổ và bất lực trong chuyện kiếm tìm hạnh phúc và giác ngộ cũng không khác gì sự tra tấn nhỏ giọt.
Nhưng rồi, như người ta vẫn nói rằng “qua cơn bĩ cực, đến hồi thái lai”, trong những khoảnh khắc giằng xé khổ sở nhất, tôi lần đầu tiên cảm thấy một nhu cầu được cứu rỗi, từ một thế lực nào đó mạnh hơn mình. Vì lúc đó, tôi đã hoàn toàn phải công nhận và chấp nhận sự yếu đuối của bản thân. Tôi không biết mình còn có thể nỗ lực làm gì để thoát khỏi những điểm giới hạn ấy vì mọi cách tôi đã đều thử. Thế là, tôi bắt đầu cầu nguyện Thượng Đế, hoàn toàn chấp nhận ý tưởng về Ngài. Trong khi trước kia, đây là cách tôi không bao giờ ngó ngàng tới. Lúc đó, tôi chỉ hiểu đơn giản rằng Thượng Đế là một cái gì đó vĩ đại tuyệt đối, đã sáng tạo ra toàn bộ thế giới, và Ngài có sức mạnh tối thượng có thể làm bất kỳ chuyện gì, kể cả chuyện giải cứu tôi khỏi nỗi thống khổ hay quyết định sự sống của tôi.
Bạn thấy đấy, từ một người không hề theo một tôn giáo nào, chưa một lần cúi mình cầu nguyện, vậy mà tôi đã nảy sinh được đức tin tâm linh trong khoảnh khắc ngặt nghèo như vậy. Tôi đã tự hỏi rằng, vậy phải chăng đức tin là thứ sẵn có bên trong mỗi người đang chực chờ thời cơ để biểu lộ, chứ không phải một thứ gì đó được đóng dấu bằng hình thức? Bạn có thể không tin God, chuyện đó không sao cả, trước kia tôi cũng từng như vậy. Nhưng ai cũng có thời điểm của người đó. Bài viết này tôi đang kể về thời điểm của chính mình.
Vậy khi tôi quy phục God, cuộc sống của tôi đã thay đổi như thế nào?
Có rất nhiều sự biến đổi tuyệt vời diễn ra, nhưng bạn phải biết rằng trước đó, tôi đã liên tục phải nhìn thấy những thứ tối tăm, xấu xa nhất của chính mình. Có những lúc tôi thấy nhục nhã và buồn phiền vô cùng khi nhìn lại con người cũ mình đã từng sống. Nhưng cũng trong chính những khoảnh khắc ấy, tôi cầu nguyện một sức mạnh, một khả năng đối mặt hay một góc nhìn nhân văn về tình cảnh hiện tại. Và rồi bóng tối ấy cũng được chiếu rọi và chuyển hóa những ngày sau.
Vậy là khi quy phục God, bài học đầu tiên tôi nhận được đó là sự thấu hiểu hơn về bóng tối hay những đau khổ trong cuộc sống. Chúng đều có một mục đích và ý nghĩa tích cực. Không phải để trừng phạt, hành hạ, hay làm con người rối trí, mà là để thử thách sức mạnh và đức tin; để rèn giũa và khẳng định những phẩm hạnh tốt đẹp. Như thể God đưa mọi người vào bể lửa để nhận ra được đâu thực sự là tín đồ của Ngài. Khi nhận ra rồi, Ngài nhấc họ lên khỏi nơi bỏng rát. Nên khi hiểu ra như vậy, tôi biết chịu đựng hơn, biết lưu giữ sự bền bỉ và đức tin bên trong mình về ánh sáng. Thay vì cảm thấy kinh hoàng và hoảng sợ khi đối mặt với bóng tối thì nay tôi đã biết nhìn ra những vì sao lấp lánh bên trong chính mình. Màn đêm bỗng trở nên thật sinh động và diệu kỳ.
Chưa dừng lại ở đó, tôi cũng bớt kiểm soát và ôm đồm mọi chuyện hơn trước kia rất nhiều. Điều này khiến tôi có được sự bình an, thanh thản và bớt tham luyến vật chất. Tôi hiểu ra rằng con người chúng ta đều có giới hạn. Và nơi vượt ngoài giới hạn ấy là lãnh địa của Thượng Đế, là nơi phép lạ của Ngài được thực hiện. Vậy khi quy phục God, tôi không cố gắng kiểm soát những gì nằm ngoài tầm với của bản thân nữa, mà biết nương tựa vào sự dẫn dắt và hỗ trợ của Đất Trời. Rất nhiều điều trùng hợp kỳ diệu đã diễn ra mà tôi đã từng kể lại với các bạn trong bài viết “Thượng Đế đã lo liệu tất cả.”
Ngoài ra, khi xuất hiện đức tin tâm linh, tôi dần biết nỗ lực để trở thành người tốt hơn. Trước kia tôi chỉ biết giành giật các danh hiệu, các thành tích mà không hiểu gì về ý nghĩa của những chuyện đó. Nhưng khi biết quy phục, tôi chợt nhận ra rằng thành công lớn nhất của con người đó là trở thành một phiên bản đức hạnh. Và đức hạnh hơn thì đồng nghĩa với bớt ích kỷ, ngã mạn, sân si hơn. Nên nhờ có định hướng ấy, tôi dám nhận những lỗi sai của mình hơn, dám sửa đổi hơn. Chứ không phải như trước kia, tôi hay tỏ thái độ cáu kỉnh, thượng đẳng luôn coi mình là nhất và không chịu tiếp thu bất kỳ lời nào của ai. Nhờ hướng lòng về God, tôi bắt đầu biết sám hối và sám hối nhiều hơn. Theo tôi, việc quan sát và đánh giá bản thân là điều bất kỳ ai cũng nên làm thường xuyên. Đó là một trong những cách để thanh tẩy tâm hồn.
Còn một số những thay đổi khác nữa sau khi tôi quy phục God, nhưng có lẽ những ý trên là quan trọng nhất tôi muốn chia sẻ với các bạn.
Có người bảo rằng niềm tin của tôi (nói riêng và của con người nói chung) vào God là ảo, và God cũng là ảo nốt. Nó chỉ đơn giản là một suy nghĩ, một ý tưởng, nó không có bằng chứng hay cơ sở gì cả. Nhưng tôi thì đánh giá sự thật/ảo của một ý tưởng dựa vào hiệu quả của nó đối với cuộc sống. Nếu việc áp dụng niềm tin ấy giúp cải thiện chất lượng con người và cuộc đời tôi, thì tôi cho rằng niềm tin đó là thật. Vì cái gì là thật thì nó sẽ luôn truyền cảm hứng và mang lại sức mạnh cho con người. Chúng ta không nên phụ thuộc vào vẻ bề ngoài mà bỏ lỡ những giá trị thực tiễn đằng sau đó.
Ngày xưa con người mới chỉ biết di chuyển bằng ngựa thì sẽ coi việc phát minh ra chiếc ô tô là một chuyện kệch cỡm điên rồ. Thế mà chỉ sau vài thế hệ, bây giờ con người đã vượt ra khỏi những con đường trên mặt đất mà tiến tới các hành tinh xa xôi với một sự tự tin và tự hào lớn lao. Hay như đại thi hào người Anh, William Blake đã từng nói,
“Những điều giờ đây được chứng minh đã từng một thời chỉ là tưởng tượng.”
Vậy thì phải chăng, giờ đây đức tin vào Thượng Đế cũng nên được đón nhận như một khả năng tiến hóa của con người khi sức lực bản thân sẽ có ngày lâm vào các giới hạn?
Tác giả: Vũ Thanh Hòa