Chủ đề viết về mẹ luôn là một chủ đề được mọi người quan tâm. Tại vì trên đời này ai cũng yêu mẹ cả. Chỉ là đôi khi vì những lo toan và bộn bề trong cuộc sống, khiến cho ta đôi lúc lại quên mất mẹ của mình cũng cần được yêu thương và chăm sóc như ta ngày bé vậy. Và có lẽ vì thế vào một ngày nào đó của tháng 5 tôi chợt nhận ra mình đã lâu không nói ba chữ “con yêu mẹ” và đã quên mất một ngày quan trọng, ngày của mẹ – 9/5
- 5 cuốn sách hay về hạnh phúc nên đọc để sống an vui
- Top 5 cuốn sách hay nuôi dưỡng tâm hồn cao đẹp
- Tóm tắt & Review tản văn Thương Nhau Chung Một Mái Nhà
Tôi vốn dĩ tin rằng mỗi cuốn sách đến với mình đều có một lý do. Và bằng cái duyên nào đấy, nó sẽ đến đúng thời điểm. Tháng 5 đối với tôi mà nói là một tháng gấp rút và cực nhọc, là những ngày thức thâu đêm và dậy lúc mặt trời còn chưa lên, và đâu đó là câu nói khuyên nhủ của mẹ mỗi đêm “con học xong chưa? Mau đi ngủ đi, trễ rồi.” Rồi trong một buổi chiều nọ đi dạo nhà sách để mua thêm tài liệu, tôi chợt bắt gặp một cuốn sách ngay từ tựa đề đã mang đến một cảm giác ấm áp – “Mẹ, thơm một cái”
“Mẹ, thơm một cái” không hẳn là một câu chuyện mà chỉ là những ghi chép tản mạn hay đúng hơn là một cuốn nhật ký của tác giả Cửu Bả Đao về quá trình cùng mẹ chống lại bệnh tật và những ký ức về người mẹ tuyệt vời này. Đúng vậy, mẹ của Cửu Bả Đao là một người mẹ tuyệt vời và đương nhiên mỗi người mẹ đều tuyệt vời theo cách của riêng mình.
Chỉ riêng bốn câu văn được in nghiêng sau cuốn sách cũng đã đủ khiến cho bất kể ai đọc qua sẽ dậy lên một cảm xúc lạ kì trong lòng:
“Anh nằm dư một tuần trong bụng mẹ, bởi không chịu rời khỏi mẹ.
Tôi nằm thiếu một tuần trong bụng mẹ, bởi muốn sớm nhìn thấy mẹ.
Thằng út nằm trong bụng mẹ không thiếu ngày nào bèn nhảy ra, bởi đã hẹn với mẹ
Ba anh em, từ trong bụng mẹ, đã yêu thương mẹ theo cách của riêng mình.”
Với lời văn giản dị, chân thực, không cần quá nhiều lời hoa mỹ, lòng yêu thương mẹ của Cửu Bả Đao đầy ắp những trang anh viết trong giai đoạn bên giường bệnh của mẹ, giai đoạn mà cả ba anh em nhà anh đồng hành cùng mẹ mình để vượt qua căn bệnh ung thư máu.
Tưởng như khó khăn, tưởng như vất vả hay tâm lý lo lắng sợ hãi sẽ bao trùm lên tất cả, nhưng không, dưới ngòi bút linh hoạt đầy biến hóa của Cửu Bả Đao, ta dễ dàng cảm nhận được tinh thần lạc quan, niềm tin hy vọng người mẹ rồi sẽ qua khỏi, và trên hết là tình yêu thương vô hạn của ba anh em giành cho mẹ. Tình cảm thiêng liêng đó vốn chẳng riêng ai, thật dễ lan truyền tới mỗi chúng ta, nên mỗi khi mở cuốn sách này ra, tim ta có lẽ sẽ lại rung lên những nhịp xốn xang về mẹ.
Một cuốn sách mang sắc thái buồn từ những dòng mở đầu, nhưng không lâm li bi đát, không khiến cho người đọc phải cực nhọc lê qua từng trang giấy, mà bằng những câu văn nhẹ nhàng để khắc ghi một cảm xúc lạ kỳ rồi đi vào lòng người đọc và đọng lại những dư vị khó quên bởi trong đó không chỉ là nghị lực phi thường của một người mẹ mà còn đan xen những hồi ức đẹp đẽ, ấm áp của một gia đình khi mẹ đang khoẻ mạnh.
Cầm trên tay quyền sách này, lật giở những trang đầu tiên, tôi đã hoàn toàn say sưa với từng câu chữ của Cửu Bả Đao, tôi đã phải lật ra trang cuối cùng để xem liệu mẹ của anh có khỏi bệnh không. Và thật không làm tôi thất vọng vì đúng là mẹ anh đã khoẻ. Tuy nhiên câu chuyện với kết cấu như thế không làm người đọc lơ là hay ít tạo ấn tượng trong việc quan tâm chăm sóc mẹ. Từng trang từng trang là những chuỗi ngày đồng hành của cả gia đình anh cùng với mẹ.
Theo chân tác giả, chúng ta được đi trọn vẹn hành trình chống chọi bệnh tật của mẹ anh với căn bệnh ung thư máu, càng đọc càng xúc động, cảm xúc khó mà kiềm chế nỗi. Những câu chuyện đơn sơ, chân thật, những lời thủ thỉ tâm tình giữa ba người con trai trong nhà với mẹ; những dòng tâm sự ngoài lề, những kỉ niệm ấm áp như nắng mai… dường như đã làm trái tim ta rung lên những nhịp đập đầy thương nhớ.
“Vài tiếng đồng hồ trước, thằng út nói một câu rất láo: ‘Mẹ à cả đời mẹ chưa bao giờ được ngủ một giấc ngon, nhân cơ hội này nghỉ ngơi đi mẹ.’ Chẳng hiểu sao nữa, lúc đó rất muốn bảo nó câm miệng, tuy rằng đó là sự thật.”
Đây chắc hẳn là đoạn mà tôi cảm thấy ấn tượng và đem lại nhiều cảm xúc cho tôi nhất. bởi lẽ tôi khá chắc rằng khi đọc đến đoạn này chắc hẳn người đọc sách đều giật mình ngơ ngác. Đó đúng là sự thật. Một điều hiển nhiên trong cuộc sống này, mẹ mất ngủ vì chăm lo cho bố, mẹ ngủ không ngon vì chứng chuột rút lúc mang thai chúng ta, mẹ thức đêm canh cho chúng ta giấc ngủ tròn vành và không bị đói lúc nửa đêm, mẹ vất vả nuôi chúng ta khôn lớn, chập chờn với những đêm dài lo toan cho ngôi nhà nhỏ và tương lai của con cái sau này… cũng như chính lời tác giả đã nói: “Làm một người mẹ tốt đã rất khó khăn, muốn kiêm cả một vợ tốt và con dâu tốt lại càng khó… Nếu thời gian có quay ngược lại, tôi thà mong mẹ gây gổ với sự thiếu quan tâm của ba nhiều hơn,… Mẹ chẳng có phương pháp nuôi dạy gì đặc biệt, lúc đánh phạt cũng chẳng đau tí nào, chỉ một lòng hy sinh cống hiến. Hy sinh đến mức độ làm anh em chúng tôi thấy xót xa.”
Càng đọc chúng ta càng bị lôi cuốn bởi những câu chuyện tinh nghịch rồi sau đó là những khoảng lặng, nốt trầm khi mẹ bị bệnh. Là những suy nghĩ của người làm con, những hối tiếc, những trách móc và những kỉ niệm làm cho mạch văn chậm dần, không kịch tính, không ủy mị nhưng chất chứa trong đó là điều không phải đứa con nào cũng dám tỏ bày.
“Mẹ, thơm một cái” là một cuốn sách mà tôi “cầm lên được nhưng không bỏ xuống được”. Tôi dường như đã đi qua quãng thời gian dài từ ngày 22/11/2004 đến ngày 7/5/2005 chỉ trong vỏn vẹn một tiếng hơn, bởi lẽ khi đã đọc thì tôi không thể dừng lại, với lời văn vô cùng chân thực của Cửu Bả Đao dường như đã tạo ra một sức mạnh nào đó cứ thôi thúc tôi đọc tiếp để khám phá hết câu chuyện đầy ắp cảm xúc này. “Bạch cầu lên 2400/mm3 máu, tiểu cầu 60000, hồng cầu 8,4. Ý nghĩa của ba con số cộng lại chính là mẹ mừng đến hoa tay múa chân, và tự truyện đồng hành cùng mẹ này cũng đến hồi kết”
Cuối cùng, khi tôi lựa chọn quyển sách này, có lẽ không chỉ chọn về nội dung mà còn là một câu chuyện riêng về nó, có lẽ mọi người không biết. Năm 2004, mẹ của Cửu Bả Đao mắc bệnh ung thư máu, chi phí cực kỳ tốn kém. Và trong thời gian đó, anh vừa “đồng hành chăm sóc” mẹ, vừa viết 5000 – 8000 chữ mỗi ngày, cho ra 14 cuốn sách sau 14 tháng. Cuốn thứ 14 chính là “Mẹ, thơm một cái”. Đối với anh mà nói ba yếu tố của một cây bút là tình cảm, nguồn cảm hứng và động lực. Trong cuộc đời của anh, tình yêu mà mẹ dồn cho anh có đủ ba thứ đó…
Và còn nhiều, nhiều hơn nữa những trích dẫn giản dị, đời thường mà đôi lúc khiến tôi phải giật mình ngẫm nghĩ. Cũng khá lâu rồi chưa cầm trên tay bất kỳ cuốn sách nào ngoài những xấp tài liệu ôn thi, nhưng không hẳn là bận đến đầu tóc rối bù, chỉ là không đủ hứng thú để thu xếp một chút ít thời gian mà làm bạn với một cuốn sách nào đó. Tuy vậy “Mẹ, thơm một cái” lại làm tôi muốn khám phá nhiều hơn những trang giấy khác, những cuộc đời khác, những câu chuyện khác…
Viết bởi Khủng Long