manchester-by-the-sea

Manchester by The Sea – Bức tranh vẽ bằng những nỗi đau

Nếu bạn là một người thưởng thức những bộ phim chính kịch, tâm lý để tìm kiếm những triết lý sống,  những câu thoại ý nghĩa, thâm thúy, hoặc bạn đang đi vào lối mòn của nhiều người xem phim hiện nay là cố nhăn trán, bóp não để cho ra một thông điệp nào đó thì sau khi xem một bộ phim Manchester by the Sea, bạn sẽ thay đổi những lề lối ấy trong tư duy thưởng thức của bạn.

Với nhân vật chính là một người đàn ông với đời sống khép kín, kiệm lời và có chút vụng về trong diễn đạt lời nói, có vẻ như đạo diễn muốn người xem không chỉ là lắng nghe nhân vật của mình mà phải sống cùng anh ta, đặt mình vào vị trí của anh ta từ đó thấu hiểu được tâm tư của anh ta và cảm thông cho hành vi của anh ta. Rồi đến cuối cùng, chúng ta lại phải lặp lại một câu bình luận quen thuộc đó là: Tôi bắt gặp mình ở đâu đó trong bộ phim này, trong nhân vật này, trong tình huống này.

Manchester by the Sea nói về nhân vật Lee Chandler (Casey Affleck), một người làm tạp vụ và sống cô độc ở Quincy thuộc tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ. Lee là một người khá trầm lặng, ít cởi mở và thỉnh thoảng cáu gắt. Khi được tin người anh trai của mình là Joe Chandler (Kyle Chandler) phải nhập viện sau khi bị ngã ở trên thuyền, anh lập tức lên đường đến bệnh viện ở Beverly. Nhưng khi đến nơi, anh nhận được thông báo Joe đã qua đời sau những tháng ngày sống cùng căn bệnh suy tim xuất huyết. Khi đến Manchester để báo cho con trai của Joe là Patrick (Lucas Hedges) biết tin cha cậu đã mất và lo hậu sự cho anh trai, Lee lại được biết rằng Joe đã trao quyền giám hộ Patrick cho anh mà không bàn trước với anh. Tuy nhiên, Lee không muốn ở lại Manchester bởi vì ở nơi đây, anh đã có một ký ức đầy đau thương với gia đình cũ của mình. Từ đây, bộ phim bắt đầu đi vào mối quan hệ của Lee và cháu trai của anh sau khi cha cậu qua đời, song song đó là những dòng hồi tưởng của Lee về quá khứ ở Manchester.

Bộ phim đã rất thành công khi kể một lúc hai câu chuyện của cùng một nhân vật. Một câu chuyện ở hiện tại và câu chuyện còn lại ở quá khứ. Qua đó, nó giúp người xem dần dần hiểu rõ và đồng cảm với nhân vật. Thông qua một sự đan xen đầy dụng ý, người xem như ngầm hiểu rằng Lee không ngừng nhớ về quá khứ trong suốt thực tại mà anh đang trải qua, khi ở văn phòng, lúc trong thang máy… Với một kí ức đau thương luôn đeo bám và ám ảnh anh như vậy, ắt hẳn trong lòng người đàn ông với vẻ bề ngoài đầy cam chịu và một đôi mắt sâu khắc khoải này có những nỗi đau không sao diễn thành lời.

Thực tế đã chứng minh điều đó, anh không hề mở miệng nói về quá khứ của mình trong suốt tiến trình của câu chuyện hiện tại. Tất cả những nỗi đau vẫn tiếp tục dai dẳng trong tâm trí của Lee cộng với những lo toan, những khó khăn gặp phải khi lo hậu sự cho Joe, những thu xếp cho người cháu vị thành niên,… Tất cả dồn nén lại từ sâu bên trong người đàn ông ấy để rồi bật ra thành những lời lẽ thô tục và hành động bạo lực. Vì anh không quen tỏ bày và chia sẻ, cũng như mở lòng với bất kỳ ai, đó như là một thói quen mà anh đã tập cho mình khi lãng tránh ký ức đau thương ở Manchester và chôn vùi cuộc đời ở một xứ khác để từng ngày gặm nhấm nỗi đau. Đây chính là lúc nhân vật đòi hỏi ở người xem một sự cảm thông sâu sắc và một sự thấu cảm trọn vẹn để rồi khi liên hệ với đời sống thực, chúng ta có một cảm nhận khác về những hành động xốc nổi quanh mình.

Manchester by the Sea là một bộ phim buồn, tuy nhiên nỗi buồn ở đây tỷ lệ nghịch với nước mắt. Nó cho người xem một sự hình dung về thế giới nội tâm của các nhân vật đã trải qua vô vàn đau đớn trong đời sống thông qua diễn xuất kiềm nén của các diễn viên mà đơn cử là Casey Affleck và Michelle Williams trong vai Randi, vợ cũ của Lee. Đó là lối diễn xuất đòi hỏi người diễn viên cần có sự hóa thân trọn vẹn vào chính thân phận và suy nghĩ của nhân vật để rồi những gì họ phơi bày cho người xem chỉ là ánh mắt bối rối, ngập ngừng, giọng nói nghẹn ngào, cử chỉ vụng về và những giọt nước mắt đã cố kiềm nén nhưng vẫn chực trào ra ngoài.

Hơn thế, bộ phim còn đòi hỏi người xem là một người sâu sắc và có một ý niệm hay một trải nghiệm nhất định về đời sống hướng nội để có thể nuốt trọn từng xúc cảm thầm lặng, kín đáo mà tác phẩm mang lại. Và những sắc màu nội tâm không mấy đẹp đẽ ấy lại tương phản với cảnh vật nên thơ của thị trấn ven biển Manchester. Nó khiến khán giả một lần nữa biến mình thành nhân vật, khi khung cảnh ấy dường như bị quên lãng, vì người ta bận phải vuốt ve vết thương lòng của chính mình.

Đây chính là một lựa chọn hoàn hảo cho những ai muốn dành 137 phút cuộc đời mình để sống một cuộc đời khác từ đó biết trân trọng cuộc sống hơn từ những điều bình dị nhất, cũng giống như cách mà nhân vật Lee Chandler tìm lại được một chút niềm vui cho mình.

Tác giả: Nguyễn Tài

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top