charles-etoroma-tcvcfhfglqo-unsplash-1

Liệu cuộc đời có phải là một giấc mơ?

Tôi rất thích những giấc mơ của mình, nó như một chuyến phiêu lưu vào một câu chuyện mà tâm trí của tôi là tác giả. Thú vị ở chỗ chúng ta không biết tâm trí sẽ dắt ta đi đâu, tình tiết sẽ thế nào, mọi thứ như một sự kiện không biết trước và hoàn toàn bất ngờ. Có đôi lần, những giấc mơ mang lại cho tôi một cảm xúc rất chân thật, có yêu thương, có xúc động, có sợ hãi, lo lắng – thứ thật ra là do tâm trí tôi tạo nên qua trải nghiệm của nhân vật “tôi” trong giấc mơ. Đôi khi tôi mơ thấy mình “yêu” một cô gái nào đó trong giấc mơ, khi tỉnh dậy tôi vẫn còn dư âm của cảm giác yêu thương và hình bóng của người con gái đó trong vài tiếng đồng hồ sau khi tỉnh dậy.

Có một điều rằng khi mơ, chúng ta thường không biết mình đang mơ. Trong giấc mơ, các sự kiện/”cảnh quay” chuyển tiếp một cách thiếu logic và bất hợp lý – điều mà chúng ta có thể nhận ra khi hồi tưởng về những giấc mơ lúc đã tỉnh dậy. Kiểu như bạn đang chạy trốn trên đường thì đột nhiên bạn lại chuyển sang chơi trong một trận bóng nếu như 2 cảnh tượng đó có một mối liên kết nhỏ nào đó. Khi mơ ta không hề nhận ra điều đó và xem đó chỉ là một điều bình thường hiển nhiên. Chúng ta bị cuốn lấy các tình tiết, phản ứng và nảy ra các cảm xúc với chúng. Như việc tôi mơ thấy mình gãy hết răng và tôi cảm thấy cực kỳ tồi tệ trong khi đó chỉ là những gì tâm trí thêu dệt nên.

Và liệu cuộc đời có phải là giấc mơ không khi nhìn vào sự tương quan giữa giấc mơ và cuộc đời, chúng hoàn toàn giống nhau về tính chất, chỉ khác nhau về tầng cấp, mức độ phức tạp và logic. Cuộc đời chúng ta là một “giấc mơ cỡ lớn” hay một trò chơi vô cùng tinh vi, logic, chân thật. Thực tế tới nỗi người chơi/mơ cực kỳ khó để nhận ra mình đang chơi/mơ. Vậy điều gì mới là thật. Theo tôi thì “thật” hay “ảo” đơn giản chỉ là những gì một người tin vào.

“Nếu bạn đang gặp vướng mắc về lòng tin, bạn đang sống vì điều gì? Tình yêu đúng là khó tin, cứ hỏi những người đang yêu. Sự sống đúng là khó tin, cứ hỏi các nhà khoa học. Thượng Đế đúng là khó tin, cứ hỏi những người đang tin. Bạn có vấn đề gì với những chuyện khó tin?” – Life of Pi

“Ai là người có quyền nói cái gì thật và cái gì giả? “Thật” là một sự phân biệt của một tâm trí thiên vị. Ý tôi là, chủ nghĩa thực nghiệm thiên vị cũng có giá trị phần nào, cho tới khi người ta khám phá ra vật lý lượng tử 70 hay 80 năm trước đã tiết lộ một bí mật rằng nền tảng của sự thật chỉ là phòng chơi dưới tầng hầm!” – Terence Mckenna

“Morpheus: Cái gì là “thật”? Làm sao định nghĩa được “thật”? Nếu thật là thứ anh có thể cảm, ngửi, nếm, nhìn, vậy thì thật đơn giản chỉ là những tín hiệu điện từ được diễn dịch bởi não bộ của anh.” – The Matrix

Chúng ta không thể nhận thức được chúng ta chìm vào giấc mơ khi nào, đâu là điểm bắt đầu của nó, cũng giống như chúng ta không biết được điểm bắt đầu của cuộc đời là khi nào. Chúng ta chỉ có đủ nhận thức về cuộc đời khi ta từ 2-4 tuổi. Đối với tôi, ký ức và nhận thức về bản thân chỉ phát triển khi tôi 4 tuổi, còn lại tôi chẳng nhớ một chút gì khi tôi 3 tuổi hay nhỏ hơn cả. Và khi tỉnh dậy cũng vậy, chúng ta tỉnh dậy giữa chừng khi bị ai đó tác động dù vẫn đang trong cảnh mơ – giống như một cái chết bất đắc kỳ tử. Hay khi chúng ta tỉnh dậy và nhận thức dần dần – giống như cái chết từ từ của người bệnh tật. Mặc dù chúng ta chuẩn bị tâm thế sẽ đi vào giấc mơ với nhận thức về giấc mơ của mình, nhưng chúng ta vẫn mơ và không nhận ra điều đó – giống như chúng ta bước vào cuộc đời nhưng luôn luôn không nhớ về bản chất thật hay cội nguồn của mình. Chúng ta có rất nhiều giấc mơ – cũng như ta có nhiều kiếp người. Chúng ta không thể nhớ về giấc mơ trước đó khi chúng ta đang trong giấc mơ hiện tại – giống như chúng ta không thể nhớ được tiền kiếp. Và có một hiện tượng gọi là Lucid dream – trạng thái người mơ biết rằng mình đang mơ, còn với cuộc đời thì đó là đạt tới sự tỉnh thức khỏi ảo tưởng và biết rằng cuộc đời chỉ là giấc mơ lớn hơn. Địa ngục và Thiên đàng chỉ là miêu tả về hai trạng trạng thái tâm thức có tần số rung động đối lập nhau – giống như trạng thái khi chúng ta tỉnh dậy với một cơn ác mộng hay một giấc mơ tuyệt đẹp vậy. Và liệu có phải khi chết mới là lúc ta thực sự tỉnh dậy khỏi giấc mơ của đời mình?

Một bộ phận trong chúng ta sẽ có vài lần Lucid Dream trong giấc mơ, nhưng có nhiều người sống cả đời vẫn không “Lucid dream” với cuộc đời của họ, hay nói đúng hơn là tỉnh thức trong đời sống của họ một lần. Hầu hết chúng ta lao vào cuộc chơi vật chất, điên cuồng với việc kiếm tiền và thỏa mãn thú vui. Chúng ta chưa bao giờ dừng lại để hỏi “đời sống này có ý nghĩa gì?” hay “tôi là ai?” Chúng ta không nhận ra rằng đời sống là một cơ hội để ta trải nghiệm chính bản thân mình, rằng cuộc sống này đầy nhiệm màu và tươi đẹp chứ không phải chỉ có tiền, nhà, xe và hóa đơn cuối tháng.

Tôi tin rằng mỗi chúng ta đều đang mơ giấc mơ đời mình. Điều này chỉ ra rằng một trong những mục đích lớn lao nhất trong đời là để Lucid Dream giấc mơ đó/Tỉnh thức/Tìm thấy cội nguồn và bản chất hiện hữu chân thực của bản thân. Để từ đó, tạo ra một giấc mơ thực tại trong sự ý thức, để biến nó thành một thứ đẹp đẽ, để biết quý trọng cơ hội trải nghiệm lớn lao này. Để làm điều đó chúng ta phải dẹp bỏ những ảo tưởng của mình, những vô minh mê muội trong đam mê bản ngã và ma trận vật chất, những tham sân si, ganh ghét và hãm hại lẫn nhau. Vì chúng ta đều cùng bản chất, đều cùng một cội nguồn, God bên trong mỗi chúng ta, God đã đưa chúng ta vào đây để trải nghiệm giấc mơ này. Và đây sẽ là một giấc mơ tuyệt đẹp hay là một cơn ác mộng? Điều đó phụ thuộc vào sự tỉnh thức của chúng ta – những người kiến tạo nên thực tại này.

Tác giả: Bá Kỳ

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top